Tham dự Diễn đàn có sự góp mặt của đại diện các cơ quan ban ngành, nhiều doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và đại diện các cơ quan báo chí, truyền hình. Diễn đàn diễn ra với mục đích nhằm chia sẻ tình hình triển khai xây dựng nông thôn mới trên cả nước cũng như phản hồi từ các địa phương, doanh nghiệp về vấn đề thu hút đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn đồng thời thảo luận các giải pháp để phát huy vai trò của doanh nghiệp trong xây dựng nông thôn mới.Đến tham dự với Diễn đàn có sự hiện diện của TS Phạm Thị Thu Hằng – Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI; TS. Nguyễn Minh Tiến – Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Trung ương Chương trình MTQG xây dựng NTM; Ông Nguyễn Quang Tiến – Phó Trưởng Ban tuyên giáo Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; Ông Đinh Ngọc Minh – Phó Vụ trưởng Vụ phát triển nông nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ông Hoàng Chính Nghĩa – Phó Cục trưởng Cục công nghiệp địa phương – Bộ Công thương; Ông Phạm Ngọc Tuấn – Tổng biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp; Ông Lại Hợp Nhân – Phó Tổng Biên tập báo Diễn đàn Doanh nghiệp;Ông Đào Văn Hồ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Phát biểu khai mạc, TS Phạm Thị Thu Hằng – Tổng thư ký VCCI cho biết, qua hơn 25 năm thực hiện đường lối đổi mới nông nghiệp, nông dân,nông thôn ở nước Kinh tế nông thôn chuyển dịch bước đầu theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề; các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục đổi mới; Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; bộ mặt nhiều vùng nông thôn thay đổi. Đời sống vật chất và tinh thần của dân cư ở hầu hết các vùng nông thôn ngày càng được cải thiện.
Thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương 7 (khóa X) số 26-NQ/TW ngày 05/08/2008 về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2020 bước đầu đạt được những thành tựu rất quan trọng, thu hút được sự quan tâm và tham gia của toàn xã hội. Thực tế, sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, bộ mặt của nông thôn đã có nhiều đổi thay. Những công trình giao thông, những mô hình sản xuất mới được đầu tư hàng trăm tỷ đồng… đã phản ánh sự chung sức, đồng lòng của mọi người dân cho Chương trình. Về cơ bản, đời sống của nhiều thôn, xã triển khai mô hình xây dựng NTM đã có những thay đổi khá tích cực.
Bà Hằng nhấn mạnh: “Với khoảng 70% cư dân đang sống tại nông thôn, xây dựng NTM có ý nghĩa rất lớn cả về kinh tế-chính trị-xã hội. Hoạt động của các doanh nghiệp ở khu vực nông thôn không chỉ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn từ thuần nông sang một cơ cấu kinh tế đa dạng hơn, tạo ra việc làm cho lao động ở khu vực nông thôn, giúp người dân tăng thu nhập. Nếu làm tốt, chương trình sẽ giải quyết được những vấn đề cơ bản cho xã hội như điều hòa lợi ích, giúp người nông dân được hưởng thành quả của công cuộc đổi mới, thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn”.
Cũng theo bà Hằng, để biến những mục tiêu tốt đẹp của Chương trình xây dựng NTM thành hiện thực, mọi nguồn lực cần được huy động một cách hiệu quả, đặc biệt là cộng đồng DN. Mặc dù, nhà nước đã có nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp vào khu vực này song kết quả chưa được như mong đợi.
Có thể thấy đầu tư của doanh nghiệp vào khu vực nông thôn còn rất hạn chế, nhiều rủi ro, giá trị gia tăng trong sản phẩm nông nghiệp hàng hóa (cả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu) còn thấp, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản. Hiện nay số lượng doanh nghiệp tập trung ở khu vực thành thị chiếm tỷ lệ cao, số lượng doanh nghiệp ở khu vực nông thôn chiếm khoảng trên 30%. Doanh nghiệp nông thôn thường có quy mô nhỏ hơn và lợi nhuận thấp hơn. Điều này phản ánh, các chính sách khuyến khích đầu tư khu vực nông thôn chưa phát huy được tác dụng hoặc mức độ tác động của các chính sách này chưa lớn, chưa thực sự hiệu quả.
Khu vực doanh nghiệp của Việt Nam nói chung, và đặc biệt doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói riêng đang đứng trước nhiều khó khăn trong bối cảnh phát triển kinh tế trong nước và thế giới. Trong quá trình phát triển, doanh nghiệp ở nông thôn cũng gặp phải không ít những khó khăn, trong đó có cả các yếu tố khách quan như: cơ sở hạ tầng ở nông thôn còn nghèo nàn lạc hậu, môi trường kinh doanh còn có nhiều điểm chưa thuận lợi; khả năng quản lý nguồn nhân lực và tiếp cận thị trường còn hạn chế v.v… Do đó mục tiêu hướng về nông thôn phục vụ nông dân của các doanh nghiệp thường gặp phải những rào cản đáng kể.
Bà Hằng nhấn mạnh, trong bối cảnh đó việc triển khai Chương trình xây dựng NTM là chủ trương hết sức kịp thời và phù hợp, trong đó cần nhấn mạnh đến vai trò của các doanh nghiệp như những chủ thể quan trọng tạo.
Để tận dụng các cơ hội này, phải tạo được sức mạnh tổng hợp, tập trung đổi mới phương thức đầu tư trong các ngành nông nghiệp và vào khu vực nông thôn, chẳng hạn như: Xây dựng và phát triển hệ thống chính sách kinh tế liên hoàn dành cho nông nghiệp nông thôn: định chế tài chính và đầu tư đến tận nông hộ, ưu đãi đầu tư và thuế cho các ngành liên thông với nông nghiệp. Đồng thời phải xây dựng chiến lược tập trung đầu tư cho nông nghiệp trong toàn bộ chuỗi giá trị gia tăng của nông nghiệp Việt Nam thông qua việc xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm và dịch vụ tất cả các khâu trong chuỗi giá trị nông nghiệp chủ lực từ chiều sâu đến chiều rộng.
“Tại Diễn đàn này chúng tôi muốn các doanh nghiệp nhìn nhận Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới như một cơ hội nhất là trong bối cảnh quốc tế hiện nay, với nhu cầu an ninh lương thực ngày một gia tăng” - Bà Hằng khẳng định.
Là người có tham luận đầu tiên tại Hội thảo, TS. Nguyễn Minh Tiến – Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) đã trình bày tổng quan về kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và một số kết quả sau 3 năm triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới”.
Theo ông, chương trình triển khai trên phạm vi toàn quốc (9.052 xã ), lấy xã làm đơn vị thực hiện. Thời gian thực hiện từ năm 2010 đến năm 2020. Mục tiêu là đến năm 2015, có 20% số xã của cả nước đạt chuẩn NTM và đến năm 2020, có 50% số xã của cả nước đạt chuẩn NTM.
Nội dung của chương trình bao gồm: Quy hoạch nông thôn mới; Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; Chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; Giảm nghèo và An sinh xã hội; Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn; Phát triển giáo dục - đào tạo ở nông thôn; Phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe cư dân nông thôn; Xây dựng đời sống văn hóa, thông tin và truyền thông; Cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Nâng cao chất lượng tổ chức Đảng, Chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn; Giữ vững an ninh, trật tự xã hội nông thôn.
Ông Tiến đưa ra một số kết quả sau 3 năm thực hiện chương trình này. Cụ thể, về bộ máy tổ chức thành lập từ Ban chỉ đạo Trung ương (24 Bộ ngành, tổ chức chương trình) tới ban chỉ đạo cấp và tới ban chỉ đạo cấp huyện.
Đã ban hành các chính sách mới ban hành phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia NTM như QĐ 695/QĐ-TTg năm 2012 về sửa đổi cơ nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình; QĐ 342/QĐ-TTg năm 2013 về sửa đổi một số tiêu chí quốc gia về NTM: tiêu chí 7 về chợ NTM, tiêu chí số 10 về thu nhập, tiêu chí số 12 về cơ cấu lao động, tiêu chí số 14 về giáo dục và tiêu chí 15 về y tế; QĐ 498/QĐ-TTg năm 2013 về bổ sung cơ chế đầu tư đặc thù cho Chương trình MTQG xây dựng NTM đối với những công trình nhỏ; QĐ 1620/QĐ-TTg năm 2011 về phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM”….
Về phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho nông dân: Xây dựng được 7 ngàn mô hình, tập huấn cho 124 ngàn lượt, vốn hỗ trợ sản xuất 6.400 tỷ đồng; Xuất hiện nhiều mô hình mới: “cánh đồng mẫu lớn”, dồn điền đổi thửa gắn với cơ giới hóa sản xuất, nông nghiệp công nghệ cao-nông nghiệp đô thị; Tp. Hồ Chí Minh đạt giá trị sản xuất bình quân/ha năm 2012 là 239 triệu đ/ha (tăng 72,5% so vơi năm 2009 khi bắt đầu NTM), Hà Nội đạt 199 triệu đ/ha; …
Phát triển hạ tầng KT-XH đã được coi là khâu đột phá và có sự chuyển biến rõ với tổng kinh phí đầu tư là 30.180 tỷ đồng với trên 9 ngàn hạng mục công trình. Trong đó đã nâng cấp, mở mới khoảng 38 ngàn km đường giao thông; 15 ngàn km kênh mương….Nhiều tỉnh có chính sách, giải pháp sáng tạo (hỗ trợ vật liệu xây dựng, giao cho cộng đồng tự triển khai): Tuyên Quang với 1.074 km đường GTNT (xã Mỹ Bằng, Yên Sơn làm mới 100 km đường GTNT trong 02 năm, nhà nước chỉ hỗ trợ khoảng 40%), Nam Định làm mới hơn 2.034 km đường GTNT các cấp…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì cũng có những khó khăn và hạn chế nhất định như: Nhận thức của một bộ phận cán bộ và người dân về NTM còn chưa đúng và chưa đây đủ; Hệ thống cơ chế chính sách chưa thực sự đồng bộ, chậm sửa đổi, bổ sung: Luật Đất đai, Luận NS, NĐ 61 về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, Nghị định 42 về bảo vệ đất lúa; các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành về các tiêu chí (CS văn hóa, an ninh trật tự,…); Công tác điều phối Chương trình còn nhiều lúng túng, một số nơi phó mặc cho ngành nông nghiệp; Năng lực cán bộ cơ sơ còn hạn chế, thiếu một số kỹ năng cơ bản để triển khai Chương trình hiệu quả; Huy động nguồn lực (nhất là nguồn NSTW) cho Chương trình chưa tương xứng với mục tiêu; chưa có cơ chế lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn trên cùng địa bàn.
Về vốn thực hiện chương trình còn hạn chế về cơ chế huy động vốn ngoài ngân sách chưa phát huy tác dụng; Ngân sách nhà nước còn thấp so với nhu cầu và mục tiêu; Chưa huy động được doanh nghiệp chung sức xây dựng NTM.
Từ những khó khăn trên, ông Tiến đưa ra một số giải pháp – nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Cụ thể: thứ nhất, bổ sung hoàn thiện một số chính sách, hướng dẫn về khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn (TT hướng dẫn tiêu chí, TTLT sửa đổi bổ sung, Hướng dẫn quy trình xét công nhận xã đạt chuẩn…); Điều chỉnh cơ chế lồng ghép các nguồn vốn theo hướng phân cấp tối đa cho cấp tỉnh; Khẩn trương ban hành NĐ thay thế NĐ 61 về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào NNNT;….
Thứ hai, nâng cao hiệu quả công tác thi đua, tuyên truyền nhằm đưa cả hệ thống chính trị vào cuộc; Nâng cao chất lượng và thời lượng cá chuyên mục về NTM, ưu tiên tuyên truyền về cách làm hay, gương điển hình.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác tập huấn đội ngũ cán bộ NTM các cấp: Bổ sung, hoàn thiện khung Chương trình tập huấn cán bộ NTM; ban hành bộ tài liệu chuẩn; Tăng cường đào tạo kỹ năng và năng lực triển khai của cán bộ cấp xã, thôn.
Thứ tư, chỉ đạo rà soát, nâng cao chất lượng công tác qui hoạch và lập đề án NTM cấp xã: Quy hoạch sản xuất theo lợi thế, kết nối vùng, từng bước gắn với đầu tư hạ tầng, công nghiệp chế biến và gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Thứ năm, tập trung đẩy mạnh chỉ đạo phát triển sản xuất. Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Sổ tay hướng dẫn phát triển sản xuất; huy động toàn ngành trực tiếp chỉ đạo PTSX cấp xã. Đào tạo nghề cho nông dân theo quy hoạch sản xuất, mỗi xã, thôn, bản có ít nhất 1 mô hình sản xuất hàng hóa tập trung.
Thứ sáu, tạo chuyển biến rõ rệt về hạ tầng cơ bản nông thôn. Lựa chọn, tập trung hoàn thiện một số loại hạ tầng thiết yếu ở nông thôn như giao thông, điện, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, y tế….
Thứ bảy, tiếp tục phát triển giáo dục, y tế và xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới.