Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ khi tiến hành xây dựng nông thôn mới đến nay, các địa phương trong cả nước đã triển khai được 5.000 công trình giao thông nông thôn (khoảng 64.000km đường); cải tạo và nâng cấp 1.000 công trình thủy lợi; xây dựng, nâng cấp hơn 1.000 công trình nước sạch tập trung và 500 bãi thu gom rác thải. Các tỉnh cũng đã hỗ trợ trên 1.200 tỷ đồng thực hiện 5.000 mô hình sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất từ 15 – 20%.
Về môi trường, nước ta đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm và suy thoái nguồn nước, ô nhiễm không khí, mất rừng và suy giảm đa dạng sinh học. Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, tổng diện tích rừng tăng từ 27,8% năm 1990 lên hơn 39% vào năm 2009 (phần lớn diện tích tăng thêm là rừng trồng), song chất lượng rừng suy giảm; rừng nguyên sinh – rừng nhiều tầng giảm sút trầm trọng. Việc khai thác khoáng sản bất hợp lý đã tàn phá môi trường, hủy hoại các hệ sinh thái. Hiện cả nước có gần 450 mỏ khoáng sản nhỏ đang khai thác do Nhà nước quản lý, nhưng chỉ mang về chưa đến 3,5% GDP nguồn thu từ bán khoáng sản thô. Chỉ việc xuất khẩu cát, mỗi năm nước ta mất nguyên diện tích bằng diện tích một hòn đảo nửa km2.
Tại hội nghị, báo cáo viên giới thiệu nội dung các văn bản pháp luật về xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường; thực tiễn người cao tuổi tham gia xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường ở các tỉnh Đông Nam bộ. Hội nghị dành thời gian để các địa phương trao đổi những mô hình, kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường. Thực tế cho thấy, người cao tuổi bằng kiến thức và uy tín của mình đã nêu gương, vận động gia đình và trực tiếp tham gia có hiệu qủa phong trào xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường./.