Xây dựng nông thôn mới ở Quảng Trị: Mở ra những kỳ vọng mới

Thứ năm - 16/03/2017 23:10

Ông Võ Văn Hưng

Ông Võ Văn Hưng
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới quả là một khối lượng công việc vô cùng to lớn. 5 năm triển khai thực hiện chương trình chỉ là giai đoạn bước đầu, song với Quảng Trị, những kết quả đạt được từ thực hiện chương trình vô cùng quý giá, trở thành cẩm nang mở ra nhiều kỳ vọng mới cho chặng đường tiếp theo. Trước thềm Xuân mới Đinh Dậu 2017, PV Báo Xây dựng đã có cuộc trao đổi với ông Võ Văn Hưng - Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Trị.

Ông có thể khái quát lại kết quả 6 năm triển khai thực hiện chương trình NTM của tỉnh Quảng Trị?

- Xây dựng nông thôn mới trong điều kiện xuất phát điểm thấp, là một tỉnh ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn. Nhưng với quyết tâm trong chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị xã hội, đặc biệt là sự đồng thuận, hưởng ứng của người dân cùng bắt tay xây dựng nông thôn mới.

Kết quả đạt được quan trọng nhất là sự thay đổi nhận thức của người dân, từ chỗ tư duy trông chờ, ỷ lại, xem như một chương trình dự án, đến nay người dân trong tỉnh đều hiểu chính họ là chủ thể xây dựng nông thôn mới, từ đó tự nguyện góp công, góp sức, hiến đất, hiến kế, chỉnh trang nông thôn, xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống mới để xây dựng nông thôn mới... Có được kết quả này đó là cả một quá trình phổ biến, tuyên truyền của cả hệ thống chính trị - xã hội nhằm mục tiêu làm cho người dân hiểu, dân tin, hưởng ứng bằng sự tham gia với tinh thần tự giác, tự nguyện.

Khi người dân đã đồng thuận thì việc huy động nguồn lực là yếu tố để tạo nên sự thành công của xây dựng nông thôn mới. Qua 6 năm thực hiện Chương trình, toàn tỉnh đã huy động nguồn lực đầu tư xây dựng xây dựng nông thôn mới hơn 8 nghìn tỷ đồng, ngoài ra doanh số cho vay nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2011 - 2016 là hơn 30 nghìn tỷ đồng, dư nợ bình quân hàng năm hơn 4.600 tỷ đồng. Đồng thời, tỉnh đã kêu gọi tổ chức Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (Koica) hỗ trợ thực hiện các hợp phần nâng cao thu nhập và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn cho người dân tại 7 xã với kinh phí 11,3 triệu USD; cùng nguồn vốn của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và nâng cao năng lực một số lĩnh vực về văn hóa, xã hội và môi trường.

Nhờ sự nỗ lực của hệ thống chính trị và nhân dân, hiện trạng nông thôn mới của các xã đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Từ mức tiêu chí bình quân năm 2010 là 3,6 tiêu chí/xã, đến nay đã đạt 13,35 tiêu chí/xã (tăng 9,75 tiêu chí/xã). Điều đáng phấn khởi là đến nay, toàn tỉnh đã có 18 xã đạt chuẩn và dự kiến cuối năm nay sẽ có thêm 13 xã đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của cả tỉnh lên 31 xã (chiếm 26,5%) và không còn xã dưới 5 tiêu chí. Mục tiêu của tỉnh đến năm 2020 toàn tỉnh phấn đấu có 40 - 50% xã đạt chuẩn, có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn, không còn huyện chưa có xã đạt chuẩn (hiện nay huyện Đakrông chưa có xã nào đạt chuẩn), không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí; trong đó kế hoạch năm 2017 tỉnh phấn đấu có 37 xã đạt chuẩn (chiếm 13,7% số xã của tỉnh).

Nợ đọng xây dựng cơ bản đang là vấn đề nan giải và khó khăn của nhiều tỉnh thành hiện nay trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên đối với tỉnh Quảng Trị đã kiểm soát tốt nợ đọng xây dựng cơ bản và huy động quá sức dân. UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt không công nhận xã đạt chuẩn đối với các địa phương để xảy ra nợ đọng cơ bản và huy động quá sức dân, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và địa phương. Đến 30/6/2016 có 6 huyện, thị xã có nợ đọng xây dựng cơ bản với khoảng 18 tỷ đồng. Tuy nhiên số nợ đọng xây dựng cơ bản trong thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh là không lớn, tập trung vào các công trình phục vụ dân sinh, phát triển văn hóa, giáo dục; hiện nay, tất cả các địa phương đều đã có kế hoạch trả nợ, cơ bản đến cuối năm 2017 sẽ xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản.

Ông đánh giá gì về sự vào cuộc các hệ thống chính trị của tỉnh trong việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM?

- Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia đã kịp thời ban hành đồng bộ các cơ chế, chính sách và có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình một cách có hiệu quả.

Công tác tuyên truyền, vận động luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Mặt trận, các đoàn thể, các sở ban ngành, các cơ quan thông tin đại chúng đã thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, hướng về cơ sở nhằm huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng cư dân nông thôn. Công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về chương trình xây dựng nông thôn mới; thay đổi nếp nghĩ, cách làm, khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự đầu tư Nhà nước, khơi dậy sự tích cực chủ động, sáng tạo của cộng đồng dân cư, tạo động lực to lớn biến chương trình thành một phong trào ngày càng lan rộng. Điều đó thể hiện ở sự đồng tình, tích cực đóng góp công sức, tiền của, trí tuệ và tham gia thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới của quần chúng nhân dân.

Bộ máy chỉ đạo và giúp việc cho ban chỉ đạo các cấp được thường xuyên kiện toàn, nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, kiểm tra, theo dõi hướng dẫn. Đến nay, Ban chỉ đạo tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, 8/8 huyện thị do Bí thư/Chủ tịch làm Trưởng bản, 117/117 xã do Bí thư Đảng ủy xã làm Trưởng ban; tổng số cán bộ nông thôn mới thuộc bộ máy giúp việc cho Ban chỉ đạo các cấp có 75 người, trong đó có 14 cán bộ chuyên trách và 66 cán bộ kiêm nhiệm.

Ban chỉ đạo tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình công tác; phân công các thành viên kiểm tra, đôn đốc các địa phương. Các sở, ngành, thành viên Ban chỉ đạo các huyện thị đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, giám sát kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bổ sung giải pháp chỉ đạo nhằm thực hiện có hiệu quả hơn các nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành. Qua kiểm tra, giám sát đã phát hiện được những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong triển khai thực hiện, từ đó có những giải pháp tháo gỡ kịp thời cho các địa phương.

Công tác quy hoạch và đề án nông thôn mới đã đi trước một bước làm tiền đề để các địa phương xây dựng nông thôn mới theo đúng định hướng lâu dài, 100% các xã đã triển khai cắm mốc chỉ giới các công trình hạ tầng thiết yếu. Hiện nay, các địa phương đã triển khai việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch và đề án nông thôn mới cho phù hợp với tình hình thực tế và khả năng thực hiện.

Ông kỳ vọng gì về những thành quả gặt hái được trong Chương trình xây dựng NTM của tỉnh nhà?

- Trước hết phải khẳng định, cộng đồng cư dân nông thôn ở khắp các địa phương trong tỉnh đã tích cực hưởng ứng phong trào “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới”; đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo, gương điển hình trong xây dựng nông thôn mới. Với quyết tâm phấn đấu thực hiện mục tiêu nhưng không nóng vội, không chạy theo thành tích, nhất là tuyệt đối không được huy động quá sức dân, không nợ tiêu chí, không để phát sinh thêm nợ đọng xây dựng cơ bản; thực hiện công tác đánh giá, thẩm tra và thẩm định xã công nhận đạt chuẩn đúng quy trình, khách quan; kết hợp hài hòa giữa ưu tiên chỉ đạo điểm và đẩy mạnh triển khai trên diện rộng, tin tưởng rằng, phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017 - 2020 sẽ mở ra nhiều kỳ vọng hơn nữa.

Xin cảm ơn ông!

Tác giả bài viết: Hữu Tiến

Nguồn tin: Báo Xây dựng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập198
  • Hôm nay3,542
  • Tháng hiện tại7,396
  • Tổng lượt truy cập8,692,817
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây