5 năm trước đây, Triệu An là xã vùng biển bãi ngang, đặc biệt khó khăn, đời sống của người dân rất thấp. Thế nhưng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, các ngành, nỗ lực của người dân, giờ đây bộ mặt vùng quê biển này đã có thêm nhiều đổi mới, thu nhập của từng hộ gia đình đã tăng lên đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm còn 16,5% theo chuẩn mới. Ông Nguyễn Quang Hoàng, người dân xã Triệu An nói với chúng tôi rằng: Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm đến vùng biển, nhất là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nên sau 5 năm xây dựng nông thôn mới, bản thân tôi thấy bộ mặt quê hương đã có thêm nhiều thay đổi. Bên cạnh đó, sau khi xã và thôn tuyên truyền, ông cùng với người dân ở địa phương không chỉ đóng góp công sức và tiền của để xây dựng cơ sở hạ tầng mà còn vay vốn, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, sản xuất, chăn nuôi, nhất là nâng cấp, cải hoán cũng như đóng mới tàu thuyền có công suất lớn cũng như nuôi trồng thủy sản nên đời sống kinh tế ngày càng phát triển.
Trong 5 năm qua, với tổng nguồn vốn huy động được hơn 19,4 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 500 triệu, hàng ngàn ngày công lao động và hiến hơn 3,7 ha đất, xã Triệu An đã tập trung đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa. Đồng thời xã đã lồng ghép các chương trình, dự án, tạo điều kiện cho người dân vay vốn đóng mới tàu thuyền đánh bắt xa bờ, nuôi trồng, thu mua, chế biến thủy hải sản, phát triển sản xuất, chăn nuôi. Các hộ gia đình tự giác chỉnh trang nhà cửa, xây dựng nếp sống văn hóa mới và tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Chính nhờ vậy đến nay Triệu An đạt 11/19 tiêu chí, tuy nhiên do sự cố môi trưởng biển, hiện nay và những năm tới, chương trình xây dựng nông thôn mới ở xã Triệu An sẽ gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có 1 số tiêu chí cơ bản rất khó đạt được như tỷ lệ hộ nghèo, nhà ở, thu nhập của người dân. Ông Hoàng Cộng Hòa, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Triệu An, huyện Triệu Phong cho biết: Thấy rõ những khó khăn trong xây dựng nông thôn mới, hiện nay xã đang tìm các biện pháp để khắc phục. Tuy nhiên, ngoài sự nỗ lực của địa phương và của nhân dân, rất mong các cấp,các ngành quan tâm, ưu tiên đối với vùng biển, nhất là hỗ trợ kinh phí để hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, tạo điều kiện cho ngư dân nâng cấp, cải hoán, đóng mới tàu thuyền khai thác xa bờ, hỗ trợ về cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động.
Theo khảo sát của các ngành chức năng, 16 xã vùng biển ở Quảng Trị sau 5 năm xây dựng nông thôn mới mới có 2 xã đạt chuẩn đó là Vĩnh Thạch và Triệu Phước, còn lại đạt 10 đến 13 tiêu chí, có xã đạt 8 tiêu chí như Hải An của huyện Hải Lăng. Tuy nhiên, sự cố môi trường biển vừa qua đã làm cho 2659 tàu thuyền bị ảnh hưởng với 4778 lao động, diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại hơn 824 ha, số lao động bị mất thu nhập gần 16 ngàn người, sản phẩm hải sản còn tồn kho đông lạnh gần 1300 tấn, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế. Hiện tại việc khai thác gần bờ, thu mua, chế biến, nuôi trồng hải sản, kinh doanh thương mại, dịch vụ ở các bãi biển gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến chương trình xây dựng nông thôn mới. Ông Hà Sĩ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh: Trước thực trạng đó, cùng với việc phân bổ các nguồn hỗ trợ về tận các địa phương, tỉnh Quảng Trị đã tiếp nhận 500 tỉ đồng tạm cấp để chi trả, bồi thường cho người dân, hỗ trợ cho 16 xã, mỗi xã 400 triệu đồng, 200 triệu để phục vụ cho nâng cấp, sửa chữa cơ sở hạ tầng, 200 triệu xây dựng mô hình kinh tế điểm, thực hiện miễn học phí cho học sinh trong năm học 2016-2017. Đặc biệt tỉnh đã đề ra các giải pháp, thực hiện các cơ chế, chính sách, tạo sinh kế bền vững cho người dân ở 16 xã ven biển. Hiện nay cùng với việc tìm các nguồn lực giúp cho các xã hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, tỉnh đã điều động 32 kỹ sư nông nghiệp về hướng dẫn chuyển đổi sản xuất nông nghiệp trên vùng cát. Đồng thời hỗ trợ, chuyển đổi, nâng công suất tàu thuyền cũng như đóng mới tàu cá có công suất lớn, đảm bảo khai thác trung bờ và xa bờ, mở các lớp tập huấn kỹ thuật, đào tạo, chuyển đổi nghề kết hợp với ổn định và phát triển nuôi trồng, khai thác thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.
Tàu võ thép của Ông Nguyễn Văn Trọng
Với sự vào cuộc 1 cách kịp thời của tỉnh và của các ngành chức năng cộng với nỗ lực của chính quyền và nhân dân, hy vọng rằng 16 xã vùng biển Quảng Trị sẽ sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống trước mắt và từng bước khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai và lao động, chuyển đổi ngành nghề phù hợp, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, hạ thấp tỷ lệ hộ nghèo cũng như sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.