Ngổn ngang xây dựng nông thôn mới ở Đakrông (Bài 2)
Thứ sáu - 04/11/2016 03:02
Theo điều tra hộ nghèo đa chiều, năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Đakrông (Quảng Trị) chiếm 55,56%. Nếu đối chiếu với tiêu chí nông thôn mới (NTM) về hộ nghèo dưới 5% thì việc giảm nghèo dường như quá sức đối với địa phương này.
Bài 2: Giảm đói nghèo, hành trình lâu dài
Rất khó để thoát nghèo
Với đặc thù địa bàn rộng, cách xa trung tâm xã, giao thông đi lại khó khăn, đất đai kém màu mỡ, dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM ở xã Ba Nang là bài toán không dễ giải quyết ở địa phương này.
Khi được hỏi về thu nhập bình quân đầu người hiện tại, anh Nguyễn Minh Hải, cán bộ văn phòng UBND xã Ba Nang cho hay, trung bình một năm một người ở đây thu nhập khoảng 5 - 6 triệu đồng. Đó là cách tính định tính chứ không có cơ sở nào để hoạch toán rõ nguồn thu của người dân nơi đây, bởi toàn xã có 9 thôn với 554 hộ dân nhưng trong đó có đến 406 hộ là hộ nghèo, chiếm 73,28%. Ba Nang là xã có 100% hộ dân đều là đồng bào dân tộc thiểu số. Thu nhập chính của người dân ở đây sống nhờ vào rừng và có một ít diện tích sắn và lúa, rất ít khi có trao đổi hàng hóa mà người dân chủ yếu sống theo phương thức tự cung tự cấp và nhờ vào sự cứu trợ của nhà nước vào lúc giáp hạt. Năm 2014, Ba Nang có trên 200 hộ nghèo nhưng đến năm 2015, khi điều tra theo chuẩn nghèo đa chiều thì tỷ lệ hộ nghèo ở đây đã tăng lên gấp đôi vì hầu như nhà nào cũng…nghèo. Chuyện thoát nghèo đối với địa phương này là vấn đề nan giải bởi tập quán canh tác, kỹ năng sản xuất của đồng bào còn quá nhiều hạn chế.
Không riêng gì xã Ba Nang, đến nay trên địa bàn huyện Đakrông có 12/13 xã “trắng” tiêu chí hộ nghèo. So với xã Ba Nang thì Hướng Hiệp là xã nằm ở vùng khá thuận lợi. Địa bàn xã trải dọc theo Quốc lộ 9, Hướng Hiệp còn là xã điểm NTM của huyện Đakrông vậy nhưng cái đích đạt chuẩn tiêu chí hộ nghèo theo NTM vẫn không mấy khả thi. Hiện xã Hướng Hiệp có hộ nghèo chiếm 56% dân số, trong đó có những thôn hộ nghèo chiếm trên 70% như Khe Hiên, Kreng, Pa Loang. Nguyên nhân của tình trạng “nghèo bền vững” ở đây phần lớn do trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế. Trên thực tế, với đặc thù huyện miền núi khó khăn, các xã trên địa bàn huyện Đakrông đều nhận được khá nhiều chương trình, dự án hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư phân bón... của nhà nước và các tổ chức phi chính phủ. Chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể trên địa bàn cũng quan tâm thực hiện các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ xây dựng các mô hình kinh tế có lợi thế phát triển vậy nhưng hầu hết các mô hình hỗ trợ người dân ở đây phát triển kinh tế đều chỉ duy trì được một thời gian. Điển hình như ở xã Hướng Hiệp, cách đây không lâu được dự án Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (BCC) hỗ trợ một nhóm hộ làm vườn ươm giống cây rừng trồng ở thôn Hà Bạc; hay dự án làm nấm sò ở thôn Xa Rúc… nhưng đến nay không có mô hình nào được duy trì hay nhân rộng vì dự án hết vốn đầu tư thì mô hình kinh tế vừa xây dựng cũng... “hết” theo.
Cần cơ chế đặc thù
Có thể thấy, thời gian qua huyện Đakrông đã đầu tư, hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình sản xuất trên các lĩnh vực nông nghiệp, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, trong đó có một số mô hình phát huy hiệu quả nhưng việc tổ chức triển khai nhân rộng chỉ mới dừng lại ở một nhóm nhỏ tham gia, chưa mang tính chất lan tỏa, chưa tạo được số lượng hàng hóa lớn; nhiều mô hình hoạt động còn mang tính dự án, người dân chưa phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong lao động, sản xuất nên các mô hình kinh tế đều thiếu bền vững.
Năm 2011, khi huyện Đakrông phát động xây dựng NTM phần lớn các xã trên địa bàn, kể cả các xã điểm đều có điểm xuất phát thấp, xã cao nhất chỉ đạt được 2 tiêu chí và nhiều xã chưa đạt được tiêu chí nào theo chuẩn NTM, nhất là kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đảm bảo, nhu cầu nguồn lực đầu tư khá lớn, trong khi việc phân bổ nguồn vốn ngân sách hàng năm từ Trung ương, tỉnh và huyện rất hạn chế, đời sống của người dân quá thấp, không có để huy động sức dân nên địa phương không thể hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM như kế hoạch đề ra.
Mục tiêu trước mắt và lâu dài của xây dựng NTM là nâng cao cuộc sống cho người dân nông thôn, với một huyện nghèo như Đakrông điều đó càng có ý nghĩa. Nhưng để mở ra cuộc sống mới nơi vùng đất còn lắm gian khó này, trước hết cần sự chuyển đổi từ trong ý thức của từng người dân. Điều này đang được chính quyền các địa phương ở Đakrông vận dụng linh hoạt trong từng hoạt động. Tại xã Hướng Hiệp, trong đợt điều tra, rà soát lại hộ nghèo năm 2016, địa phương đã lồng ghép tuyên truyền, vận động người dân phát huy tinh thần tự giác, ý chí vươn lên thoát nghèo bằng nhiều cách. Đặc biệt những ai đang là hộ nghèo, cận nghèo đăng ký ra khỏi danh sách thoát nghèo sẽ được địa phương ưu tiên giải ngân nguồn vốn nhà nước phân bổ về phát triển sản xuất trong chương trình NTM để đầu tư xây dựng mô hình kinh tế. Từ sự khích lệ của địa phương, bước đầu đã có hộ gia đình chị Hồ Thị Liên và hộ gia đình anh Hồ Văn Đình đăng ký thoát nghèo. Năm 2016 Ban xóa đói giảm nghèo địa phương quyết tâm rà soát tỷ lệ hộ nghèo một cách chính xác, công tâm nhất. Sau khi rà soát hộ nghèo cuối năm xã sẽ tổng hợp danh sách dự kiến thoát nghèo trong năm tới và tích cực động viên, khuyến khích người dân, nhất là những gia đình có người trong độ tuổi lao động vươn lên trong lao động, sản xuất chứ không thể trông chờ, ỷ lại mãi vào các nguồn hỗ trợ của nhà nước như hiện nay.
Xã Mò Ó là xã điểm NTM của tỉnh nhưng đến nay mới thực hiện được 8/19 tiêu chí. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm 39,2% dân số, còn ở mức rất cao so với tiêu chuẩn dưới 5% của NTM. Trên cơ sở danh sách hộ nghèo có khả năng thoát nghèo trong năm tới, chính quyền xã Mò Ó xây dựng các phương án hỗ trợ sản xuất, đồng thời phối hợp với các hội, đoàn thể tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách về vay vốn tín dụng ưu đãi trong phát triển sản xuất đến tận người dân. Ngoài ra, xã tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất, các tổ hợp tác sản xuất trên cơ sở nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình Hạnh phúc Quảng Trị.
Tháo gỡ khó khăn về chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nâng cao thu nhập chính là một trong những vấn đề mấu chốt để nâng cao đời sống của người dân, thay đổi bộ mặt NTM. Ông Phạm Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông cho biết: “Trong giai đoạn 2016 - 2020, huyện Đakrông chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh, các mô hình điển hình đã được kiểm chứng trên địa bàn, đặc biệt là mô hình chăn nuôi, trồng trọt theo nhóm sản phẩm chủ lực. Tiếp tục chỉ đạo, rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, tập trung chỉ đạo phát triển nhanh các hình thức tổ chức sản xuất hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm và chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động nông thôn, chương trình MTQG về giảm nghèo.”
Duy trì 88 tiêu chí đã đạt giai đoạn 2011- 2015; có thêm 116 tiêu chí đạt chuẩn NTM, phấn đấu có 4 xã đạt chuẩn NTM gồm Mò Ó, Hướng Hiệp, A Ngo và Triệu Nguyên chính là mục tiêu đề ra của huyện Đakrông từ nay đến năm 2020. Tuy rất quyết tâm nhưng với đặc thù vùng khó khăn, xuất phát điểm quá thấp nên huyện Đakrông cần được nhà nước hỗ trợ chính sách, cơ chế đặc thù trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, năng lực hệ thống công trình giao thông, thủy lợi nội đồng gắn với xây dựng NTM; lồng ghép các nguồn vốn trong công tác giảm nghèo tại địa phương. Đồng thời cơ quan chuyên môn của tỉnh kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để giúp địa phương hoàn thành các mục tiêu theo kế hoạch. Thời gian còn lại không nhiều, để giải quyết một loạt các vấn đề còn tồn tại, khó khăn, bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước cũng cần sự cố gắng nội lực của các cấp chính quyền và sự đồng lòng quyết tâm thay đổi tư duy, tập quán sản xuất của người dân trên địa bàn Đakrông.