Xác định khoa học công nghệ là khâu đột phá góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả, thời gian qua, nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được chuyển giao, áp dụng trên khắp các địa bàn trong tỉnh, tạo nên nét mới chưa từng có trong sản xuất nông nghiệp từ trước đến nay. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ cao vào sản xuất đã có bước phát triển mới với các giải pháp như trồng cây trong nhà màng, nhà lưới, áp dụng công nghệ thủy canh, thiết bị bay không người lái, công nghệ nuôi tôm 2, 3 giai đoạn, giống lâm nghiệp nuôi cấy mô… đã góp phần tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.
Việc áp dụng tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm trên diện tích 150 ha cây trồng đã mang lại hiệu quả rõ rệt, trong đó có 6 mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hàng hóa và nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ; 6 mô hình sản xuất cây trồng cạn (lạc, ngô) áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm theo hướng hàng hóa tại hai huyện Vĩnh Linh và Cam Lộ; mô hình sản xuất rau an toàn áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm tại phường Đông Thanh, thành phố Đông Hà; 2 mô hình sản xuất tiêu an toàn áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm tại xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh và xã Gio Phong, huyện Gio Linh; hệ thống tưới tiết kiệm cho 6 ha lạc ở xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông; 3 dự án nuôi tôm trên địa bàn tỉnh bao gồm nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức thâm canh sử dụng chế phẩm sinh học, nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao trong nhà kính và nuôi tôm thẻ chân trắng bể nổi tròn trong nhà lưới đều đã mang lại hiệu quả cao...
Bên cạnh đó, có thể kể đến mô hình thâm canh lạc cải tiến mật độ dày 45 cây/ m2 có che phủ nilon và hệ thống tưới phun mưa áp lực thấp; mô hình “1 phải, 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp trên cây lúa, cây trồng cạn và cây công nghiệp dài ngày; ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao như tưới nhỏ giọt, trồng thủy canh, trồng cây trong nhà lưới, thử nghiệm bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái; sản xuất rau, củ, quả theo hướng an toàn, chất lượng cao với diện tích hơn 50 ha; canh tác rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP 5 ha; canh tác tự nhiên trên diện tích cây lúa đạt 45 ha/vụ, rau 5 ha/vụ. Các loại cây trồng còn được lựa chọn để canh tác theo tiêu chuẩn 4C, UTZ, canh tác an toàn sinh học, an toàn thực phẩm, canh tác theo hướng hữu cơ…
Ngoài ra, được sự đầu tư hỗ trợ của Dự án Cải thiện nông nghiệp có tưới, tỉnh đã xây dựng thành công các mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu trên các loại cây trồng cạn như lúa, ngô, lạc, dưa hấu. Tổng diện tích đã thực hiện từ năm 2016- 2020 hơn 5.500 ha.
Đặc biệt, một số loại giống mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu với sâu bệnh và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu đã được bổ sung vào cơ cấu giống sản xuất với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Nhiều giống cây trồng, con nuôi mới được nhập nội và khẳng định có hiệu quả trên các địa phương trong tỉnh, trong đó có các giống lúa chủ lực như Thiên Ưu 8, RVT, ST 24, TBR 279, HN6, Đài Thơm 8…; giống ngô gồm HN88, HN68, MX10, CP333; giống sắn mới như KM 140, SM 937-26; giống chuối Úc, giống chanh leo Đài Nông 1, giống cam Vân Du, Valencia, quýt PQ1, bưởi da xanh, bưởi Diễn, bưởi tiến vua; các giống ổi Đài Loan không hạt, bơ 034, sầu riêng… Đối với giống vật nuôi, phổ biến có giống bò Droughmaster, BBB; giống lợn có Landrace, Yorkshire, Duroc, Pietrain; các giống lai nhiều máu ngoại như Pidu, Pilandu, Landu; các giống thủy cầm như vịt SuperMeat, vịt biển; các giống gà Ai Cập, gà 3F…
Công tác ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong nông nghiệp cũng được quan tâm đầu tư, triển khai có trọng tâm, trọng điểm. Các mô hình sản xuất thử nghiệm tập trung vào các loại hoa cao cấp, có giá trị cao như hoa tulip, hoa lyli, hoa lan hồ điệp…; các loại rau quả cao cấp như dâu tây, cà chua siêu ngọt ở Hướng Hóa đều được ứng dụng công nghệ cao, chăm sóc trong hệ thống nhà lưới, nhà kính hiện đại theo công nghệ cảm biến IoT.
Việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh đã tạo điều kiện để hình thành các loại nông sản chủ lực có chất lượng trên địa bàn tỉnh, có chỗ đứng trên thị trường và được người tiêu dùng quan tâm. Nhiều loại nông sản đã được cấp chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể như ném Vĩnh Linh, khoai môn Vĩnh Linh, dưa hấu Gio Linh, hồ tiêu Quảng Trị, cam K4 Hải Phú, gạo sạch Hải Lăng, cà phê Khe Sanh, chuối Hướng Hóa, rau Đông Hà, xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị.
Trong quá trình thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ cũng đã góp phần hình thành nhiều sản phẩm chất lượng, trong số đó có 53 sản phẩm đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP (gồm 7 sản phẩm 4 sao và 46 sản phẩm 3 sao); chứng nhận quy trình sản xuất hữu cơ cho 1 hợp tác xã sản xuất lúa; chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu cho 2 vùng sản xuất hồ tiêu; chứng nhận VietGAP cho 2 hợp tác xã trồng trọt; 11 sản phẩm được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; 20 cơ sở sản xuất rau củ quả được chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm; chứng nhận HACCP cho 1 cơ sở chế biến nông, lâm sản, quy trình VietGAPH cho 10 cơ sở chăn nuôi và quy trình GMP cho 125 tàu cá trên địa bàn tỉnh...
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục ưu tiên nguồn lực hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để hướng đến nền nông nghiệp tuần hoàn gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số trong nông nghiệp, cải thiện và nâng cao đời sống người nông dân, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới.