Các xã ưu tiên được hưởng vốn ngân sách XDNTM gấp 4 lần

Thứ năm - 26/11/2015 20:00
Đó là một trong những giải pháp được đưa ra tại Hội thảo Đề xuất giải pháp thúc đẩy XDNTM bền vững ở các xã khó khăn do Văn phòng điều phối NTM Trung ương tổ chức ngày 26/11 tại Hà Nội.
Người dân huyện Phước Long, Bạc Liêu chung sức làm đường nông thôn mới.
Người dân huyện Phước Long, Bạc Liêu chung sức làm đường nông thôn mới.

Vẫn còn 30,11% số xã khó khăn đạt dưới 5 tiêu chí

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Phó chánh văn phòng Điều phối NTM Trung ương, tính đến hết tháng 11/2015, cả nước đã có 1.298 xã (chiếm khoảng 14,5%) được công nhận đạt chuẩn NTM; số tiêu chí bình quân/xã là 13,56 tiêu chí (tăng 8,9 tiêu chí so với năm 2011); số xã khó khăn nhưng có nỗ lực vươn lên (xuất phát điểm dưới 3 tiêu chí, nay đã đạt 10 tiêu chí trở lên) là 214 xã. Dự báo đến 31/12/2015, cả nước sẽ có khoảng 1.450 xã (chiếm 16,8%) đạt chuẩn NTM.
Đối với cấp huyện, đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận 10 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM, gồm: huyện Xuân Lộc, thị xã Long Khánh (Đồng Nai); Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè (TP.Hồ Chí Minh); Đông Triều (Quảng Ninh); Hải Hậu (Nam Định); Đơn Dương (Lâm Đồng); Đan Phượng (TP.Hà Nội); thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang). Qua thống kê cho thấy, một số tiêu chí quan trọng đạt kết quả khả quan, như 55,6% số xã đạt tiêu chí thu nhập (thu nhập bình quân/người vùng nông thôn là 24,6 triệu đồng/năm, tăng khoảng 1,9 lần so với năm 2010); 85,5% số xã đạt tiêu chí việc làm. “Trong số 1.298 xã đã đạt chuẩn NTM có cả những xã khi mới bắt đầu triển khai chương trình, xuất phát điểm rất thấp, chỉ đạt 4 – 5 tiêu chí”, ông Tiến cho biết.

Qua chỉ đạo, theo dõi và nắm bắt tình hình triển khai thành công XDNTM trên địa bàn cả nước, nhất là các xã khó khăn, đã có nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra và bài học quan trọng hàng đầu là: Vai trò chỉ đạo, cách thức tổ chức, sự định hướng và nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ xã, sự chủ động và tích cực tham gia của cộng đồng dân cư địa phương.

Tuy vậy, cả nước vẫn còn 2.535 xã khó khăn, xã biên giới với số tiêu chí bình quân đạt khoảng 5,94 tiêu chí/xã (bình quân cả nước là 13,56 tiêu chí/xã); có đến 552 xã (30,11%) đạt dưới 5 tiêu chí; thu nhập bình quân ở các xã khó khăn là 14,07 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 18,56%. Theo ông Tiến, đây là một thách thức lớn trong quá trình triển khai XDNTM ở những địa phương này.

Ưu tiên 6 nhiệm vụ quan trọng

Trên thực tế, qua 5 năm thực hiện chương trình XDNTM, mức độ tăng trưởng một số tiêu chí ở 2.535 xã khó khăn còn rất chậm và thấp, cụ thể, tiêu chí giao thông mới đạt 7,96% (cả nước là 36,4%); tiêu chí thủy lợi 32,98% (cả nước 61,4%); tiêu chí trường học 10,6% (cả nước 41,2%); chợ nông thôn 29,91% (cả nước 58%); nhà ở dân cư 14,22% (cả nước 61,3%). “Do vậy, cần thiết phải rà soát, sửa đổi, bổ sung một số tiêu chí cho phù hợp với thực tế của các địa phương”, ông Tiến khẳng định.

Để các xã khó khăn sớm về đích, một số tiêu chí cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Trên cơ sở thực tiễn ở các xã khó khăn, Văn phòng điều phối XDNTM Trung ương đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung theo ba phương án. Phương án 1, đề xuất sửa đổi, bổ sung 10 tiêu chí (thủy lợi, bưu điện, thu nhập, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, môi trường, hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh, an ninh trật tự xã hội). Ví dụ, tiêu chí thủy lợi: sửa nội dung tiêu chí thành: Cơ sở hạ tầng thủy lợi đảm bảo tỷ lệ diện tích tưới tiêu chủ động, có hiệu quả cho sản xuất và đáp ứng yêu cầu dân sinh, bổ sung thêm nội dung: Đảm bảo các điều kiện chủ động phòng chống thiên tai.

Phương án 2, ngoài việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số tiêu chí như phương án 1, tách 19 tiêu chí cấp xã thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất: những tiêu chí cơ bản, là cơ sở để thực hiện tiêu chí khác hoặc có tác động thúc đẩy đến một số tiêu chí khác, sẽ được quy định thống nhất “cứng” và áp dụng đối với tất cả các xã, gồm 12 tiêu chí: Thu nhập; hộ nghèo; nhà ở dân cư; tỷ lệ lao động có việc làm; tổ chức sản xuất; giáo dục; y tế; văn hóa; môi trường; hệ thống chính trị, dịch vụ hành chính công và tiếp cận pháp luật; quốc phòng và an ninh; quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Nhóm thứ 2: những tiêu chí về cơ sở hạ tầng, có thể cần ở mức độ khác nhau theo điều kiện đặc thù của từng địa phương, tránh bắt buộc làm theo quy định chung, dẫn đến lãng phí: Giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, thông tin và truyền thông.

Phương án 3, giữ nguyên số lượng và kết cấu của Bộ tiêu chí quốc gia, có điều chỉnh nội hàm, tên một số tiêu chí và bổ sung một số tiêu chí như phương án 1. Trong các tiêu chí, chọn ra các "tiểu tiêu chí" (chỉ tiêu) (bao gồm 14 chỉ tiêu ở 8 tiêu chí: Giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, thông tin và truyền thông, y tế, môi trường, hệ thống chính trị, dịch vụ hành chính công và tiếp cận pháp luật) là những chỉ tiêu có yêu cầu khác nhau giữa các vùng để các bộ, ngành có quy định và hướng dẫn cụ thể cho phù hợp với điều kiện đặc thù của từng vùng.

Theo ông Tiến, quá trình XDNTM ở vùng khó khăn trong thời gian tới sẽ ưu tiên thực hiện 6 nhiệm vụ quan trọng: Một là, nâng cấp 6 hạng mục cơ sở hạ tầng thiết yếu (giao thông, điện, nước sạch, thủy lợi, trường học, trạm y tế), trong đó ưu tiên các công trình trên địa bàn thôn/bản. Hai là, phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Ba là, vệ sinh môi trường nông thôn. Bốn là, xây dựng đời sống văn hóa nông thôn. Năm là, giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự xã hội nông thôn và sáu là, nâng cao hiệu quả truyền thông, đào tạo đội ngũ cán bộ và tăng cường năng lực đánh giá, giám sát thực hiện chương trình.

Để thực hiện được những nhiệm vụ này, nguồn vốn sẽ được ưu tiên bố trí cho các xã khó khăn. Theo đó, các xã ưu tiên (xã nghèo, đặc biệt khó khăn) vốn ngân sách Trung ương được phân bổ tối thiểu gấp 4 lần các xã không thuộc diện ưu tiên; tập trung ưu tiên cho các xã chưa hoàn thành các công trình cơ sở hạ tầng cơ bản (giao thông, điện, trường học, trạm y tế, nước sạch, thủy lợi). Ngoài ra, cần xây dựng thể chế, cơ chế phù hợp để quản lý, vận hành các công trình sau đầu tư; bố trí đủ kinh phí cho việc duy tu, bảo dưỡng.

Nguồn tin: Báo Kinh tế nông thôn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập116
  • Hôm nay27,307
  • Tháng hiện tại178,733
  • Tổng lượt truy cập8,379,030
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây