Tà Long: Từ du lịch đến hướng mở xây dựng nông thôn mới

Thứ sáu - 09/12/2022 06:11
Tà Long là tên một xã miền núi của tỉnh Quảng Trị, nằm bên quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh), cách cầu treo Đakrông chừng hai mươi cây số về phía nam. Đấy là xã rẻo cao rất đẹp, rất điển hình với những mái nhà sàn nhỏ xinh dựa vào núi, những thung lũng ruộng lúa nếp xanh rì. Sâu phía trong một chút là rừng nguyên sinh, quanh năm mây phủ. Các bản làng của người Vân Kiều ở đây luôn giữ gìn nếp sống văn hóa của riêng mình, đồng bào tự chăn nuôi trồng trọt, cuộc sống bình dị an yên giữa thiên nhiên sạch sẽ trong lành.
Du khách trải nghiệm suối Tà Lao, xã Tà Long  - Ảnh: H.T.T
Du khách trải nghiệm suối Tà Lao, xã Tà Long - Ảnh: H.T.T
Mỗi lần trở lại Tà Long, chúng tôi đều bất ngờ về cách mà xã miền núi này dựa vào lợi thế cảnh quan thiên nhiên và văn hóa bản địa để làm du lịch. Đã có một tour được mở bởi những người yêu quê hương và luôn đau đáu muốn nâng cao đời sống của người dân tộc thiểu số nơi này thông qua dịch vụ du lịch. Nhờ có tour này mà nhiều thắng cảnh hoang sơ hùng vĩ ở vùng đất Tà Long được khai phá. Những điểm mới này đang thu hút du khách tham quan, trải nghiệm như: suối Tà Lao, suối Pa Cha, thác Raa Po, cầu treo Tà Lao, thung lũng sông Đakrông,... Cũng nhờ tour này mà đồng bào Vân Kiều “cả đời” quanh quẩn trong rừng sâu núi thẳm đã bắt đầu học cách giao tiếp với khách du lịch, có việc làm nhờ du lịch, có thêm thu nhập từ việc bán những sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp do đồng bào làm ra từ chai mật ong, chiếc áo thổ cẩm, đến hạt nếp than trên nương,…

Chúng tôi ngồi với chị Hồ Thị Thương, người sáng lập kiêm hướng dẫn viên của tour trải nghiệm Tà Long. Chị Thương trẻ trung, nhiệt huyết và lúc nào cũng thao thức với tiềm năng du lịch dường như bị lãng quên ở xã Tà Long. Chị thường rong ruổi khắp bản làng để chụp ảnh thiên nhiên, sinh hoạt, văn hóa của người Vân Kiều và đăng lên facebook để giới thiệu cho bạn bè. Tà Long chỗ nào đẹp, chỗ nào hay, chị đều nắm trong lòng bàn tay, và chị mơ ước làm sao có thể có cơ hội đem những cảnh đẹp của quê hương đến gần với công chúng. Giấc mơ ấy đã tạo động lực cho chị dồn hết công sức để xây dựng nên tour sinh thái kết hợp văn hóa cộng đồng ở Tà Long.

Hồ Thị Thương cho biết, chị ấp ủ phát triển du lịch địa phương với tâm ý thận trọng. Ban đầu, chị dành rất nhiều thời gian học hỏi kinh nghiệm các mô hình du lịch sinh thái kết hợp văn hóa cộng đồng thành công trên cả nước. Chị cũng tự đi vào rừng mỗi ngày, lò mò dọc các con suối, để thiết kế những tuyến trải nghiệm khiến du khách hài lòng nhưng vẫn đảm bảo không ảnh hưởng đến tự nhiên và các bản làng sống quanh khu rừng. Mỗi lần về mang theo các phác thảo thiết kế ghi vào sổ tay. Phải tốn hai năm thời gian sáng kiến những thứ bản thân đã kỳ công ghi chép đúc rút nằm trên giấy, là việc chị đã trải qua. Những ngày lên ý tưởng mà có những lúc đã muốn bỏ cuộc, là việc chị đã trải qua. Nhưng chị may mắn có những người bạn có cùng tình yêu với bản làng, với núi rừng, thương chị lặn lội trong rừng sâu, họ đã ủng hộ và trở thành những cộng sự đắc lực giúp chị Thương hiện thực hóa niềm mơ ước về một tour trải nghiệm ở quê nhà.

Giữa năm 2019, chị Thương cùng các cộng sự bắt tay vào việc “đánh thức” du lịch Tà Long. Lúc ấy chị cũng thuyết phục dân bản cùng tham gia. Họ chỉ nương tựa, nương theo rừng chứ tuyệt đối không phá rừng để xây dựng nên một điểm du lịch giữa rừng. Đầu tiên, chị Thương cùng dân bản tìm đến các con suối, sau đó nương vào địa hình thiên nhiên đã ban sẵn để cải tạo cảnh quan trở nên đẹp mắt hơn chứ không phá rừng để làm du lịch. Những chỗ đá sắc cạnh nằm quá ngỗn ngang thì ôm bê xếp đặt lại cho an toàn. Những chỗ đá gồ ghề rêu bám thì bắc cầu tre nhỏ để du khách có thể bám men theo qua suối mà không bị trượt ngã. Chỗ dân bản mắc sợi dây mây vào cành cây cổ thụ làm xích đu cho du khách ngả mình đong đưa giữa dòng suối. Dọc các lối đi, dưới tán cây xanh mát mẻ thì dựng sạp tre cho du khách có chỗ ngồi nghỉ ngơi thư giãn. Tất cả những thứ được dân bản đưa vào làm du lịch toàn là vật liệu tự nhiên: đá sỏi, tre trúc, cây lá, dây leo ở rừng... Thô sơ, mộc mạc, dân dã, gần gũi thiên nhiên.

Mùa hè 2020, chị Thương bắt đầu đón khách đi tour trải nghiệm Tà Long và mọi chuyện khá tốt đẹp. Người đến Tà Long nhiều, nhộn nhịp chụp ảnh và quảng bá thông qua mạng xã hội facebook. Nào ngờ những bức ảnh hấp dẫn đã kéo nhiều người khác đến trải nghiệm. Toàn là du khách miền xuôi đi tour chỉ để được hòa mình vào thiên nhiên trong trẻo hoang sơ của miền sơn cước. Hiệu ứng về sự hoang sơ và thơ mộng của Tà Long, trong mùa hè đó, Hồ Thị Thương bảo có tuần chị dẫn tới cả chục đoàn khách xa có gần có.
Trên fanpage của tour trải nghiệm Tà Long, Hồ Thị Thương có đăng dòng trạng thái ngắn như này: “Thứ chúng tôi tự tin không phải là dịch vụ tốt nhất, càng chẳng phải cảnh sắc hoàn mỹ nhất mà chính là những trải nghiệm tuyệt vời nhất chúng tôi có thể mang đến cho du khách”. Đúng là tour trải nghiệm Tà Long đã cho du khách một khu vườn sinh thái tuyệt vời giữa thiên nhiên để ai đến đây cũng được hít thở bầu không khí trong lành, sống chậm, sống hiền. Tán cây cổ thụ, suối nước trong thành nơi nghỉ mát trong rừng. Nắm rễ cây lớn đu mình đung đưa trên dòng suối. Đắm mình trong dòng suối trong và mát. Lội suối bắt cá rồi nướng ăn tại chỗ. Những du khách đam mê tìm hiểu văn hóa của người Vân Kiều có thể trải nghiệm các hoạt động thú vị như tắm tiên, xúc cá suối bằng dụng cụ truyền thống, xem các nghệ nhân dệt thổ cẩm, đan lát, tự tay gói các loại bánh truyền thống của đồng bào. Một góc chợ nhỏ đậm chất vùng cao ngay tại bờ suối để du khách có thể tự tay lựa chọn những món hàng nông sản, thổ cẩm của địa phương mang về làm quà. Tour còn cho khách tham quan nhà sàn, tìm hiểu đời sống thường nhật của người Vân Kiều, thưởng thức những món ăn, thức uống đặc sản vùng cao: cơm lam, thịt trâu gác bếp, gà bản, cá suối, măng trúc, lá rau rừng, rượu cần, rượu nếp than được ủ bằng men lá truyền thống của dân tộc Vân Kiều... toàn các thực phẩm sạch, khách chọn món nào dân bản làm cho món nấy.

Tour trải nghiệm Tà Long là một sản phẩm kinh doanh, nhưng câu chuyện bảo tồn thiên nhiên được những người xây dựng tour tính toán kỹ lưỡng và chân thành. Tất cả những gì thuộc về thiên nhiên sẽ không được mang ra khỏi rừng khi tour kết thúc. Hướng dẫn tour thường xuyên nhắc nhở và kêu gọi khách chung tay bảo vệ rừng xanh, để du khách tự giác không đem gì về ngoài những bức ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân. Còn tất cả những gì được du khách mang vào rừng, bao gồm rác thải, vỏ chai, túi nilon,… sẽ được mang ra. Và không chỉ tôn trọng và bảo tồn thiên nhiên, tour trải nghiệm Tà Long còn là nơi giới thiệu và bảo tồn văn hóa bản địa bằng cách giới thiệu tại điểm tham quan các nghề truyền thống của người Vân Kiều như đan lát, như dệt thổ cẩm, làm các loại bánh... Đây là một cách làm du lịch sinh thái cộng đồng bền vững và sâu sắc, biết hài hòa với thiên nhiên và văn hóa bản địa. Hầu hết du khách đến với Tà Long đều thích thú khám phá, trải nghiệm cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ cùng những sắc màu văn hóa bản địa độc đáo. Chúng tôi đã đọc được rất nhiều lời cảm nhận của du khách khi đến với Tà Long, trong đó có một cảm nhận đặc biệt nhất đó là sau chuyến đi, du khách thực sự cảm thấy trân trọng hơn các giá trị tự nhiên và văn hóa quý báu của dân tộc Vân Kiều.
image001 1
                          Góc chợ nhỏ ngay tại bờ suối Tà Lao bày bán các sản vật vùng cao - Ảnh: H.T.T

Hiện tại, chị Thương vẫn tiếp tục nuôi những ý tưởng để đa dạng hóa các trải nghiệm cho du khách khi đến Tà Long. Chị vẫn thường xuyên đi vào rừng để chỉnh trang lại các điểm suối, lang thang khắp nơi tìm kiếm thêm nhiều điểm đến mới lạ làm phong phú thêm tour tuyến. Ấp ủ kế hoạch trồng vườn hoa ven suối, mở thêm khu lưu trú theo kiến trúc nhà sàn bản địa của người Vân Kiều để khách ở lại. Đặc biệt, phục hồi các lễ hội, nghề truyền thống để có nơi du khách đến tìm hiểu, trải nghiệm... Nhiều người tới hỏi Hồ Thị Thương về cách làm du lịch sinh thái kết hợp văn hóa cộng đồng ở xã Tà Long và chị cũng được mời đến các hội thảo, hội nghị về du lịch Quảng Trị để chia sẻ kinh nghiệm. Nhìn lại chặng đường vừa qua, chị Thương nói kinh nghiệm của chị, chỉ là làm chân thật, dân dã theo hướng sinh thái bản nguyên hoang sơ của núi cao rừng già, không cần đầu tư nhiều tiền, bởi, lợi nhuận chưa phải là mục đích lớn nhất những người tạo dựng nên tour này hướng đến.

Giá trị của tour trải nghiệm Tà Long không chỉ là những đóng góp về cảnh quan, thu hút du khách, cái lớn nhất mà Hồ Thị Thương thấy tự hào là góp phần quảng bá hình ảnh vùng đất và những nét tinh hoa đặc sắc nhất của văn hoá Vân Kiều tới công chúng. Cũng nhờ tour mà những người Vân Kiều nơi đây chỉ quen nương rẫy đã bắt đầu học cách giao tiếp với khách du lịch, có công ăn việc làm nhờ du lịch, có thu nhập tăng thêm đáng kể nhờ du lịch. Sản phẩm người dân làm ra đã được nhiều người biết đến, giá trị hàng hóa đã tăng lên, nhiều sản phẩm nông sản, thủ công mỹ nghệ của địa phương đã thoát ra khỏi vùng núi rừng Trường Sơn. Bên cạnh đó, phát triển du lịch cũng tác động tích cực đến ý thức đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây về xây dựng thôn bản văn minh, sạch đẹp, bảo tồn bản sắc văn hóa để thu hút khách du lịch.

Bây giờ Tà Long đang là một điểm nhấn quan trọng của du lịch sinh thái và văn hóa miền núi Quảng Trị nhưng không chỉ dừng lại ở chỗ là một nơi du lịch với những trải nghiệm hấp dẫn, cuốn hút du khách. Xa hơn thế, phát triển du lịch sẽ là động lực để xây dựng xã nông thôn miền núi này trở thành miền quê đáng sống, đáng tìm đến.

Một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 là phát triển du lịch nông thôn. Trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ký Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó có nhiệm vụ phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền. Hỗ trợ bảo tồn, phục dựng và phát triển các làng nghề, ẩm thực, trang phục truyền thống và hoạt động nông nghiệp, loại hình biểu diễn văn hóa, thể thao,…; phát triển các nghệ nhân; phục dựng mô hình sản xuất các sản phẩm đặc sản, truyền thống… để phục vụ khách du lịch thông qua các trải nghiệm thực tế; bảo tồn và phát huy các không gian văn hóa, di tích văn hoá, lịch sử, cách mạng.

Nguồn tin: Tạp chí Cửa Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập40
  • Hôm nay11,655
  • Tháng hiện tại205,147
  • Tổng lượt truy cập8,405,444
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây