Phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng có chứng chỉ bền vững gắn với tiêu thụ sản phẩm

Thứ bảy - 24/12/2022 23:44
Để thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 255/QĐ-TTg, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số 1088/QĐ-BNN-KTHT ngày 25/3/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Phê duyệt Đề án Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025. Đối với khu vực Duyên hải miền Trung, Đề án đã lựa chọn Quảng Trị và Thừa Thiên Huế là 02 tỉnh để xây dựng vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng chứng chỉ bền vững (FSC, PEFC, VFCS,…) với diện tích 22.900 ha.
Mô hình vườn ươm giống lâm nghiệp ở HTX Keo Sơn, Cam Lộ
Mô hình vườn ươm giống lâm nghiệp ở HTX Keo Sơn, Cam Lộ
Tỉnh Quảng Trị với diện tích đất lâm nghiệp có rừng là 245.816 ha, trong đó: rừng tự nhiên là 126.732 ha; rừng trồng là 119.084 ha. Diện tích rừng trồng sản xuất khoảng 95.675 ha; trong đó diện tích rừng trồng Keo các loại trên 81.000 ha. Sản lượng gỗ khai thác bình quân hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị từ 900.000 đến 1.000.000 triệu m3/năm. Đây là tiềm năng rất lớn để phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng nhằm “Đưa tỉnh Quảng Trị trở thành trung tâm cung cấp nguyên liệu, chế biến gỗ rừng trồng của khu vực miền Trung”.

Cùng với các chính sách của Trung ương, từ năm 2010, tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, hợp tác với các tổ chức quốc tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chuyển đổi mô hình trồng rừng gỗ dăm qua mô hình trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (chứng chỉ FSC). Nhờ vậy, Quảng Trị trở thành tỉnh đầu tiên tại Việt Nam được cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC cho các tổ chức, mô hình nhóm hộ gia đình. Đến nay, toàn tỉnh đã có 23.429  ha rừng trồng Keo được cấp chứng chỉ FSC. Đặc biệt đã thiết lập được chuỗi liên kết tiêu thụ gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC với các doanh nghiệp có chứng chỉ CoC như: Công ty Chế biến gỗ Thu Hằng, Công ty Nguyên Phong, Công ty Thương mại Quảng Trị, Công ty Scansia Pacific ký cam kết bao tiêu toàn bộ sản lượng gỗ có chứng chỉ của Hội FSC Quảng Trị nói chung và các Hợp tác xã nói riêng.

Song song với việc hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ mới vào hoạt động sơ chế, chế biến các sản phẩm từ gỗ rừng trồng, tỉnh Quảng Trị cũng đã bắt đầu quan tâm tập trung hình thành các vùng nguyên liệu rừng trồng gỗ lớn, rừng có chứng chỉ quản lý bền vững thông qua vai trò HTX nông lâm nghiệp để dẫn dắt, quản lý và đại diện thiết lập các liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp. Đến nay có 32 HTX hoạt động trên địa bàn có diện tích rừng sản xuất, trong đó có 24 HTX có chủ sở hữu diện tích rừng sản xuất, trung bình có khoảng 40 ha/HTX, chỉ có 6/24 HTX tham gia vào cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Các HTX hầu như chưa quan tâm nhiều đến các dịch vụ lâm sinh theo chuỗi giá trị sản phẩm gỗ rừng trồng có chứng chỉ, đặc biệt chưa có HTX thực hiện khâu sơ chế gỗ rừng trồng. Bên cạnh đó, có những địa bàn diện tích rừng trồng tương đối lớn nhưng chưa có sự tham gia của HTX như: ở các xã phía Tây huyện Gio Linh và Vĩnh Linh.... Như vậy, đối với lĩnh vực lâm nghiệp việc thực hiện vai trò bà đỡ, đầu tàu dẫn dắt của HTX còn rất nhiều khoảng trống dưới gốc nhìn chuỗi giá trị rừng trồng có chứng chỉ bền vững.

Để thúc đẩy tỉnh Quảng Trị sớm trở thành vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng có chứng chỉ bền vững gắn với tiêu thụ sản phẩm, cần tập trung thực hiện các giải pháp: Tuyên truyền trên các ph­ương tiện thông tin đại chúng như­ phát thanh, truyền hình, internet, báo chí, tập san chuyên ngành bằng cách đư­a các thông tin liên quan đến hiệu quả của phát triển rừng, trồng gỗ lớn, phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC khuyến cáo chủ rừng sử dụng nguồn giống có năng suất, chất lượng trong trồng rừng; Tập trung phát triển mới HTX lâm nghiệp từ các chi hội rừng trồng có chứng chỉ quản lý bền vững và hỗ trợ thành lập mới các HTX lâm nghiệp ở các địa phương có tiềm năng về sản xuất, kinh doanh dịch vụ lâm nghiệp; Hướng dẫn các HTX xây dựng phương án sản xuất kinh doanh các dịch vụ lâm nghiệp: Nhân rộng và phát triển các mô hình liên kết sản xuất với mục tiêu gắn kết chặt chẽ sản xuất với thị trường; tăng cường vận động tuyên truyền và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo hình thức liên doanh, liên kết, từng bước hình thành vùng sản xuất nguyên liệu gỗ rừng trồng tập trung để tạo điều kiện thuận lợi khi đánh giá, cấp chứng chỉ FSC; Khuyến khích thị trường trong tỉnh, quảng bá sản phẩm, mở rộng trọng tâm liên kết với các vùng động lực trong nước, phát triển các Hợp tác xã sản xuất đồ mộc dân dụng, thủ công mỹ nghệ và tham gia chuỗi liên kết sản xuất với các cơ sở chế biến; Huy động và gắn kết các nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án, đề án để nâng cao hiệu quả trong công tác phát triển rừng và vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC; Tổng kết và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật về thâm canh rừng gỗ lớn, mô hình có hiệu quả. Đẩy mạnh hoạt động của hệ thống khuyến lâm, nhất là khuyến lâm cơ sở để chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật thâm canh rừng gỗ lớn đến các chủ rừng.

Nguồn tin: Hoa Lệ, Chi cục Phát triển nông thôn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập46
  • Hôm nay10,558
  • Tháng hiện tại203,154
  • Tổng lượt truy cập8,403,451
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây