Ngày 08/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 318/QĐ-TTg, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 với nhiều chỉ tiêu cao hơn rất nhiều so với giai đoạn trước. Để hoàn thành mục tiêu thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 04/11/2021 của Tỉnh ủy, phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 09 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; không còn xã đạt dưới 13 tiêu chí; có ít nhất 40% số thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; Đây là nội dung rất khó, vì các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới ở giai đoạn này đa phần là các xã thuộc khu vực miền núi đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang ven biển rất cần sự tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ của tỉnh, các sở ban ngành đoàn thể, các địa phương, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư.
Ngày 24/3/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 873/QĐ-UBND Phê duyệt danh sách các xã chỉ đạo điểm của tỉnh xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Trong đó, 8 xã chỉ đạo điểm đạt chuẩn nông thôn mới là các xã khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gồm: Hướng Phùng, Hướng Tân, Thuận (huyện Hướng Hóa), Mò Ó, Ba Lòng (huyện Đakrông), Vĩnh Khê, Vĩnh Ô (huyện Vĩnh Linh) và Linh Trường (huyện Gio Linh); 9 xã chỉ đạo điểm đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao gồm: Tân Liên (huyện Hướng Hóa), Triệu Nguyên (huyện Đakrông), Cam Chính (huyện Cam Lộ), Vĩnh Thủy (huyện Vĩnh Linh), Gio Quang (huyện Gio Linh), Triệu Phước, Triệu Ái (huyện Triệu Phong), Hải Hưng (huyện Hải Lăng) và Hải Lệ (thị xã Quảng Trị).
Cũng tại Quyết định này, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Dân tộc tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh ưu tiên bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương, các nguồn xã hội hóa, nguồn tài trợ đầu tư xây dựng nông thôn mới theo hướng trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải; lồng ghép các chương trình, dự án, hỗ trợ các địa phương chỉ đạo điểm của tỉnh thực hiện xây dựng NTM đạt mục tiêu đề ra. Các sở, ngành phụ trách tiêu chí nông thôn mới căn cứ phạm vi, chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các tiêu chí liên quan; lồng ghép các chương trình, dự án thuộc ngành, lĩnh vực mình quản lý để hỗ trợ các xã chỉ đạo điểm của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
Đồng thời, chỉ đạo UBND các huyện, thị xã chủ động bố trí thêm nguồn lực của huyện, lồng ghép các chương trình dự án hỗ trợ các xã chỉ đạo điểm của tỉnh thực hiện xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Căn cứ điều kiện thực tế của từng địa phương, UBND các huyện lựa chọn thêm tối thiểu 1 xã chỉ đạo điểm cấp huyện nhằm phấn đấu đạt mục tiêu của tỉnh.