Phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn mang tính quyết định trong việc nâng cao chất lượng XD NTM
Thứ hai - 27/05/2013 22:50
Ngày 04 tháng 6 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 800/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, với mục tiêu chung là xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội từng bước hiện đại;
cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Và với mục tiêu cụ thể là đến năm 2015 có 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, đến năm 2020 có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới). Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng, gồm 11 nội dung cụ thể, đồng thời đã đề ra các giải pháp chủ yếu để thực hiện Chương trình, phân công quản lý và tổ chức thực hiện cho các Bộ, ngành Trung ương, địa phương và huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội. Theo đó, Quyết định 800/TTg đã nêu lên 5 nội dung cơ bản đê đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho dân cư nông thôn là: (1) Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, có hiệu quả kinh tế cao; (2) Tăng cường công tác khuyến nông; đẩy nhanh nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp; (3) Cơ giới hóa nông nghiệp, giảm tổn thất sau thu hoạch trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; (4) Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống theo phương châm “mỗi làng một sản phẩm”, phát triển ngành nghề theo thế mạnh của địa phương; (5) Đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thúc đẩy đưa công nghiệp vào nông thôn, giải quyết việc làm và chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động nông thôn. Để thực hiện có hiệu quả 5 nội dung nêu trên, trong công tác quy hoạch sản xuất các địa phương phải rà soát chi tiết quỹ đất, xác định rõ số lượng, chất lượng, mục đích và hiệu quả sử dụng từng loại đất như: trồng cây hàng năm, cây lâu năm, cây lâm nghiệp, mặt nước nuôi trồng thủy sản, đất dùng cho phát triển ngành nghề, thương mại dịch vụ... Đánh giá đúng năng suất, chất lượng, hiệu quả của từng loại cây trồng, vật nuôi và ngành nghề dịch vụ đang phát triển trên địa bàn. Xác định rõ tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động, kinh nghiệm truyền thống, kỹ năng, kỹ thuật của nhân dân địa phương, dự báo nhu cầu thị trường của từng loại sản phẩm hàng hóa địa phương có thể sản xuất. Trên cơ sở đó xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn có tính khả thi, thiết thực, hiệu quả phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng địa phương, quyết tâm và tích cực chỉ đạo thực hiện bằng được các mục tiêu đã đề ra. Trong đó cần chú trọng thực hiện tốt các giải pháp cơ bản sau: - Đối với những nơi ruộng đất còn manh mún cần tiếp tục thực hiện việc dồn điền, đổi thữa, mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng “cánh đồng mẫu lớn” tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa các khâu sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng, khối lượng nông sản hàng hóa, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích. - Việc đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn vẫn là trọng tâm, do đó phải giữ vững quỹ đất trồng lúa, đẩy mạnh việc sử dụng các giống lúa chất lượng cao, tích cực áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác như: “3 giảm, 3 tăng”, “một phải 5 giảm”, gieo lúa theo hình thức sạ hàng để nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất lúa; tiếp tục thâm canh, mở rộng diện tích đối với các cây trồng có tiềm năng, lợi thế của từng vùng, trong đó tập trung đầu tư thâm canh những cây trồng có giá trị hàng hóa cao như: Lạc, sắn, khoai, môn, từ tía, cao su, hồ tiêu, cà phê, chuối, ...nhằm cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu. - Đối với chăn nuôi lợn và gia cầm cần chú trọng mở rộng hình thức chăn nuôi thâm canh, bán công nghiệp và công nghiệp theo hình thức trang trại, gia trại gắn với chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường. Hướng dẫn, hỗ trợ các hộ gia đình nông dân mở rộng việc chăn nuôi trâu bò thâm canh theo hình thức kết hợp giữa trồng cỏ nuôi nhốt với chăn thả có điều kiện, các hộ gia đình có chăn nuôi trâu bò cần giành ra một ít diện tích đất (khoảng 100 – 200 m2 cho trồng cỏ chăn nuôi); liên hệ trực tiếp với Trạm khuyến nông của các huyện để được hỗ trợ hướng dẫn tuyển chọn đàn bò nái tốt làm nền và thực hiện thụ tinh nhân tạo, nâng cao tỷ lệ đàn bò lai, nâng cao thể trọng và giá trị trị đàn bò của địa phương; khuyến khích, hỗ trợ các hộ gia đình khôi phục phát triển các gia súc, gia cầm bản địa có chất lượng tốt và có giá trị kinh tế cao. - Thực hiện tốt việc giao đất khoán rừng cho các hộ gia đình ổn định lâu dài để chăm sóc, bảo vệ và thụ hưởng các nguồn lợi từ rừng. Những nơi có đất rừng sản xuất các địa phương cần hướng dẫn, hỗ trợ cho bà con nông dân đẩy mạnh trồng rừng thâm canh, hướng tới việc thực hiện chứng chỉ FSC về rừng để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh từ nghề rừng. - Đối với các địa phương ven biển, trên cơ sở thống kê đánh giá nguồn lợi khai thác hàng năm để tổ chức lại lực lượng khai thác đánh bắt; thành lập các tổ, nhóm gắn với tàu thuyền, ngư lưới cụ, từng bước hiện đại hóa về thông tin liên lạc, máy tìm dò nguồn cá... nhằm không ngừng nâng cao năng suất khai thác đánh bắt, đảm bảo an toàn khi ra khơi, góp phần vảo bảo vệ biển đảo quê hương. Trong công tác nuôi trồng thủy sản cần có biện pháp quản lý tốt vệ sinh an toàn hồ nuôi, quản lý tốt nguồn giống thủy sản, đảm bảo an toàn dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm. - Phát triển ngành nghề dịch vụ là nội dung hết sức quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, phân công lại lao động, tạo thêm việc làm mới, theo phương thức “ly nông bất ly hương”. Vì vậy, từng địa phương phải có quy hoạch quỹ đất giành cho phát triển ngành nghề dịch vụ, xây dựng Đề án chi tiết phát triển ngành nghề dịch vụ trên địa bàn; một mặt chú trọng khôi phục phát triển các ngành nghề truyển thống, mặt khác tích cực phát triển các ngành nghề dịch vụ mới. Tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ cho các hộ gia đình phát triển nghề, từng bước chuyển dịch lao động nông nghiệp sang các ngành nghề khác nhằm phấn đấu đến năm 2020 chỉ còn khoảng 35% lao động trực tiếp làm nông nghiệp. - Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức kinh tế trong nông thôn, cần chú trọng quy hoạch đất đai giành cho phát triển trang trại, gia trại, từng bước tách chăn nuôi tập trung ra khỏi khu dân cư để đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường; tạo điều kiện, khuyến khich phát triển các trang trại trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản để nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao khối lượng nông sản hàng hóa, tạo mô hình tốt cho các hộ nông dân khác học và làm theo. Đồng thời cũng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hợp tác xã và các tổ hợp tác để làm tốt vai trò dịch vụ hỗ trợ cho các hộ gia đình nông dân sản xuất hiệu quả; mở rộng các hình thức liên doanh, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa các hộ gia đình, các trang trại với các HTX, các doanh nghiệp trong nông nghiệp. - Tăng cường các hoạt động của các cơ quan, Ban ngành chức năng trong việc tập huấn, hướng dẫn, cung ứng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân về: giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, khuyến nông, bảo vệ thực vật, thú y, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đồng thời khơi thông các nguồn vốn tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân được tiếp cận với các nguồn vốn vốn, phát triển sản xuất, mở mang ngành nghề, dịch vụ... Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn để tăng nhanh thu nhập, cải thiện đời sống cho dân cư nông thôn là vấn đề vừa có tính cấp bách trước mắt, vừa lâu dài; là nội dung trọng tâm xuyên suốt của quá trình xây dựng nông thôn mới, là cơ sở, tiền đề cho việc giải quyết tốt an sinh xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội nông thôn. Đây là nội dung không cần nhiều vốn, không cần huy động nhiều nguồn lực, nhưng đòi hỏi các địa phương, các hộ gia đình phải chủ động, sáng tạo trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động, nguồn vốn tự có, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm truyền thống...để phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tạo thêm ngành nghề, việc làm mới. Trong điều kiện nhân dân nông thôn còn nghèo, nguồn lực hỗ trợ đầu tư của Nhà nước có hạn, cơ chế chính sách còn nhiều bất cập... Chính vì vậy các địa phương, cơ sở phải có những giải pháp rất cụ thể, thiết thực, phải chủ động, sáng tạo, có quyết tâm cao và kiên trì trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên cùng với sự hỗ trợ, tư vấn có hiệu quả của các cơ quan chuyên môn, là điều kiện để các địa phương thực hiện có hiệu quả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Tác giả bài viết: Ông Nguyễn Văn Bài - TUV, Giám đốc Sở NN&PTNT