Hải Lăng đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Chủ nhật - 21/06/2015 21:21
Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, nền kinh tế huyện Hải Lăng, (Quảng Trị) thời gian qua đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Đây là cơ sở để tạo bước đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Hải Lăng đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp
       Đối với xã viên HTX Văn Trị, xã Hải Tân, vụ đông xuân 2014-2015 mở ra một hướng mới trong sản xuất nông nghiệp. Đó là việc HTX được huyện lựa chọn để sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn trên diện tích 20 ha. Ông Phạm Văn Công, Chủ nhiệm HTX Văn Trị cho biết: “Trước đây, trên diện tích này, xã viên trong HTX sản xuất rất nhiều loại giống với cách chăm sóc khác nhau. Quy mô sản xuất phân tán, nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết nên quy trình sản xuất, tiêu thụ chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, việc sản xuất nhỏ lẻ đã hạn chế việc áp dụng phương thức sản xuất mới, cơ giới hóa và ứng dụng tiến bộ KHKT. Do vậy, năng suất và giá trị thu nhập có xu hướng tăng chậm, chi phí đầu tư và giá bán sản phẩm thiếu ổn định nên nông dân chưa mạnh dạn đầu tư sản xuất. Bây giờ, áp dụng sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, người dân tiếp cận với các loại giống lúa năng suất cao, chất lượng tốt, được tập trung sản xuất chung một loại giống, được tập huấn về KHKT từ khâu gieo sạ, chăm sóc và thu hoạch. Do vậy, phẩm cấp, chất lượng sản phẩm sẽ được nâng cao, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu mua, bao tiêu sản phẩm. Đặc biệt, đối với các xã vùng trũng như Hải Tân, sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn chính là giải pháp rút ngắn thời gian thu hoạch vụ đông xuân, tạo điều kiện gieo cấy sớm vụ hè thu để tránh lũ sớm cuối vụ”. 

        Đến thời điểm này, sau hơn 2 tháng xuống giống, lúa AC5 trên cánh đồng mẫu lớn của HTX Văn Trị đang sinh trưởng và phát triển tốt, chuẩn bị bước vào giai đoạn làm đòng, ít sâu bệnh. Được biết, trong vụ đông xuân 2014-2015, huyện Hải Lăng đã triển khai sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn trên diện tích 123 ha, tập trung ở các xã Hải Tân, Hải Quế, Hải Sơn và Hải Lâm với 3 loại giống lúa chất lượng cao gồm Thiên Ưu 8, NA2 và lúa Thảo dược. 

        Cùng với việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn, để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, địa phương cũng đang tập trung đẩy mạnh phát triển các mô hình chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại. Ông Nguyễn Khánh Tặng, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Tân cho biết: “Là một xã vùng trũng nên việc phát triển chăn nuôi ở địa phương nhiều năm qua gặp nhiều khó khăn. Đến mùa mưa lũ, người dân buộc phải bán hết lợn, gà để tránh lũ. Song, hiện nay, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chăn nuôi có bước phát triển mới, chuyển dịch dần theo hướng tập trung, tăng quy mô. Với sự hỗ trợ của huyện và xã, nhiều hộ nuôi đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại kiên cố tránh lũ và mở rộng quy mô chăn nuôi, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao”. 

        Chúng tôi có dịp đến thăm mô hình chăn nuôi của chị Nguyễn Thị Lợi, ở thôn Văn Quỹ, xã Hải Tân. Để đảm bảo chăn nuôi bền vững, chị Lợi vừa đầu tư trên 100 triệu đồng xây dựng mới hệ thống chuồng trại cao tránh lũ, làm thêm hầm bioga để đảm bảo vệ sinh môi trường. Chị Lợi cho biết: “Trước đây, gia đình tôi nuôi lợn với quy mô nhỏ, ở vùng thấp trũng nên chỉ nuôi được khoảng 2 lứa lợn/năm. Hiện nay, được các cấp quan tâm tập huấn về KHKT, hỗ trợ nguồn vốn xây dựng chuồng trại, hầm bioga, tôi đã mạnh dạn xây dựng chuồng trại kiên cố để tránh lũ với quy mô khoảng 120 con lợn/lứa, mỗi năm nuôi từ 3-4 lứa lợn để tăng thu nhập cho gia đình”. 

        Được biết, thời gian qua, huyện Hải Lăng đã chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, bán công nghiệp, chăn nuôi kết hợp với trồng trọt, thủy sản. Bên cạnh đó, địa phương cũng đã tích cực chỉ đạo và có chính sách khuyến khích hợp lý để giúp người dân phát triển mạnh đàn bò, đàn lợn. Đến nay, tổng đàn bò toàn huyện là 6.500 con, trong đó bò lai 3.400 con; đàn lợn 60.000 con, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 7.000 tấn. Toàn huyện có 69 mô hình chăn nuôi lợn có quy mô và hiệu quả, trong đó có 4 trang trại và 65 gia trại; đàn gia cầm 560.000 con, đàn dê 450 con... Công tác tiêm phòng và vệ sinh thú y đã thực hiện tốt, góp phần chủ động trong phòng chống dịch bệnh. Mô hình chăn nuôi kết hợp sử dụng hầm ủ khí sinh học được nhiều hộ hưởng ứng. 

       Đến nay toàn huyện đã có 420 hộ sử dụng hầm ủ khí biogas góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng được quan tâm. Đầu tư phát triển rừng theo hướng thâm canh, quan tâm chỉ đạo xây dựng vườn ươm cây giống chất lượng cao. Bình quân hàng năm địa phương trồng mới khoảng 10 vạn cây phân tán, rừng trồng theo chứng chỉ FSC đạt 115 ha, độ che phủ rừng đạt 46,8%. Trên lĩnh vực khai thác đánh bắt hải sản, ngư dân được hỗ trợ để cải tiến phương tiện đánh bắt, nâng cao năng lực khai thác, sản lượng khai thác đạt 3.300 tấn, trong đó hải sản có giá trị xuất khẩu đạt 650 tấn. Diện tích nuôi cá nước ngọt đạt 450 ha, sản lượng 644 tấn. Hàng năm sản xuất từ 10-15 triệu cá giống các loại, đảm bảo cung ứng nguồn giống cho các cơ sở, hộ nuôi cá tại địa phương và một số vùng lân cận. 

        Mục tiêu chủ yếu của tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở Hải Lăng là xây dựng cơ cấu cây trồng, vật nuôi với quy mô và phương thức sản xuất phù hợp với xu thế phát triển, điều kiện cụ thể của từng vùng, từng địa phương để huy động nguồn lực đầu tư nhằm khai thác có hiệu quả, bền vững tiềm năng đất đai, nâng cao giá trị thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần vào thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp về phát triển cây con chủ lực của huyện đến năm 2020 để từng bước xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hàng hoá, tạo nguồn nông sản có chất lượng, an toàn thực phẩm, từng bước liên kết, thu hút đầu tư vào các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị sản phẩm. Đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tổ chức đồng bộ từ khâu sản xuất đến bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm tăng giá trị gia tăng, hình thành các mô hình sản xuất bền vững, xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. 

         Cụ thể, trên lĩnh vực trồng trọt sẽ phấn đấu tập trung xây dựng mỗi xã ít nhất 1 cánh đồng lớn với quy mô diện tích 30-50 ha/vùng. Giữ vững diện tích sản xuất lúa hàng năm 13.450 ha để đảm bảo an ninh lương thực, quy hoạch các vùng sản xuất và bố trí trên 8.000 ha lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, tạo sản phẩm hàng hóa, xây dựng thương hiệu gạo ở một số vùng. Tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại tập trung liên kết với doanh nghiệp, hình thành các vùng chăn nuôi cách xa khu dân cư ở những địa bàn có điều kiện, vùng gò đồi, vùng cát theo quy hoạch. Tăng cường công tác thú y, phòng trừ dịch bệnh. 

         Phấn đấu đến năm 2020, tổng đàn lợn toàn huyện đạt 70.000 con, trong đó lợn siêu nạc chiếm trên 70%. Chuyển biến mạnh trồng rừng theo hướng thâm canh, mở rộng diện tích trồng rừng theo chứng chỉ rừng FSC trên 500 ha và rừng trồng giống chất lượng cao. Nâng cao năng lực đánh bắt, khai thác hải sản và phát triển nuôi trồng thủy sản, trong đó vận động ngư dân chuyển đổi nghề và đầu tư nâng cao công suất tàu thuyền, áp dụng công nghệ, kỹ thuật để vươn khơi đánh bắt xa bờ. Đầu tư cơ sở hạ tầng vùng quy hoạch nuôi tôm trên cát, gắn với áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi nhằm hạn chế dịch bệnh, nâng cao hiệu quả sản xuất. 

       Ông Nguyễn Giáp, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết thêm: “Để từng bước thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, địa phương đã chọn phát triển 5 cây và 3 con chủ lực. Trong đó xác định rõ ở vùng gò đồi tập trung phát triển cây cam, cao su và trồng rừng thâm canh. Ở vùng đồng bằng chú trọng phát triển lúa chất lượng cao và lúa đặc sản, trên cơ sở đó từng bước xây dựng thương hiệu lúa gạo riêng của Hải Lăng để nâng cao giá trị sản phẩm. Tận dụng lợi thế vùng cát để phát triển cây màu, trong đó chọn ném làm cây màu chủ lực, tiến tới xây dựng thương hiệu ném Hải Lăng. Đối với con nuôi thì cũng tùy thuộc điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu mỗi nơi mà định hướng cho người dân chăn nuôi gia cầm, lợn, bò, dê đúng hướng, trong đó khuyến khích phát triển con nuôi có giá trị kinh tế cao. Phát triển đàn lợn trên cơ sở quy hoạch các vùng nuôi theo hướng tập trung, địa phương cũng có chính sách hỗ trợ gắn với đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường... Để tạo điều kiện cho việc đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, UBND huyện cũng đã ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển một số cây trồng vật nuôi chủ lực và các mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Ngoài ra, địa phương sẽ liên kết với các doanh nghiệp để xây dựng cánh đồng mẫu lớn, trước hết là lúa và sau đó sẽ nhân rộng ra các loại cây trồng khác. Từ đó tạo điều kiện cho việc tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích”. 

Nguồn tin: Sưu tầm: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập16
  • Hôm nay16,753
  • Tháng hiện tại80,746
  • Tổng lượt truy cập8,281,043
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây