Học tập kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới thực hiện theo cơ chế đầu tư đặc thù tại tỉnh Bình Định
Thứ hai - 20/07/2015 21:46
Nhằm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tập huấn về Chương trinh mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh theo kế hoạch hàng năm. Từ ngày 13/7/2015 đến ngày 18/7/2015, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới cấp huyện và Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh.
Theo tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính- Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh tại phiên họp thường trực Ban chỉ đạo năm 2015. Nhằm không ngừng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới trên toàn tỉnh mà đặc biệt là hướng dẫn nghiệp vụ liên quan đến các nội dung: xây dựng kế hoạch, đăng ký, lựa chọn danh mục đầu tư và chế độ thanh toán, quyết toán tài chính các nguồn vốn trong xây dựng nông thôn mới và cơ chế thanh toán, quyết toán đầu tư theo cơ chế đặc thù. Chi cục Phát triển nông thôn là đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì triển khai công tác đào tạo đã tổ chức lớp tập huấn gồm có 21 học viên là các cán bộ nòng cốt trong việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới ở cấp huyện và tỉnh. Khóa tập huấn diễn ra trong vòng 06 ngày; trong đó 02 ngày học lý thuyết và 04 ngày tham quan học tập kinh nghiệm tại tỉnh Bình Định. Sở dĩ lựa chọn Bình Định để tham quan học tập kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới bởi vì đây là một tỉnh có nhiều điểm tương đồng với tỉnh Quảng Trị về cả địa hình và khí hậu. Được sự bố trí và sắp xếp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Bình Định, Đoàn được tham quan hai địa điểm xây dựng nông thôn mới điển hình của tỉnh đó là xã Nhơn Lộc, Thị xã An Nhơn và xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Xã Nhơn Lộc là một trong 4 xã được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh chọn làm điểm xây dựng mô hình nông thôn mới và cũng là một trong những xã tiêu biểu trong việc thực hiện theo cơ chế đầu tư đặc thù đối với các công trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã gồm đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi và nhà văn hóa thôn... Ngay sau khi nhận được Quyết định số 18/2013/QĐ-UBND ngày 18/7/2013 của UBND tỉnh Bình Định về việc ban hành quy định cơ chế đầu tư đặc thù đối với công trình thuộc chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 và Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND ngày 24/10/2013 của UBND tỉnh về việc sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung Quy định cơ chế đầu tư đặc thù đối với công trình thuộc chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 tỉnh Bình Định; Đảng Bộ, Chính quyền xã Nhơn Lộc đã quán triệt trong Ban Quản lý xã, Ban phát triển thôn và cộng đồng dân cư để xây dựng các công trình theo cơ chế đặc thù với phương châm “ Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ” Tất cả các công trình có kết cấu kỹ thuật đơn giản, có thiết kế mẫu và quy định theo cơ chế đặc thù của tỉnh sau khi được họp bàn thống nhất thì sẽ tiến hành thực hiện trên cơ sở bàn bạc công khai nhất là dự toán chi tiết xây dựng công trình, khoản hỗ trợ của Nhà nước và khoản đóng góp của nhân dân để công trình được xây dựng đảm bảo chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật và giá thành giảm so với dự toán được phê duyệt. Do công trình được thực hiện theo cơ chế đầu tư đặc thù, có sự tham gia đóng góp rất lớn của nhân dân nên cộng đồng dân cư, ban giám sát cộng đồng có mặt thường xuyên để theo dõi chất lượng công trình và quản lý sau đầu tư. Với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp, các ngành và sự nỗ lực không ngừng của lãnh đạo, chính quyền xã nhà cùng với sự hưởng ứng nhiệt tình của toàn thể người dân. Việc áp dụng cơ chế đầu tư đặc thù đã mang lại hiệu quả cao, cụ thể: từ năm 2013 đến năm 2015 xã Nhơn Lộc đã bê tông hóa 55 tuyến đường giao thông liên xóm, ngõ xóm và nội đồng với chiều dài 21,486km, giảm được 57,2% chi phí so với dự toán thiết kế; xây dựng hoàn thành 5/6 nhà văn hóa thôn, bình quân mỗi nhà văn hóa thôn có thể giảm giá thành từ 110-120 triệu đồng; kiên cố hóa kênh mương nội đồng được 18 tuyến với tổng chiều dài là 9,36km, giảm 44,83% chi phí xây dựng so với dự toán thiết kế. Bên cạnh những thành tích đạt được trong việc thực hiện cơ chế đầu tư đặc thù tiểu biểu của xã Nhơn Lộc thì xã Ân Tường Tây là một những xã đạt được nhiều thành tích đáng kể trong việc huy động nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới. Thật vậy, Ân Tường Tây là một xã có xuất phát điểm thấp, năm 2011 xã chỉ mới đạt 3/19 tiêu chí. Tuy nhiên sau hơn 3 năm triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, huyện, Đảng Ủy, UBND xã cùng các ngành đoàn thể xã đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận dụng linh hoạt sáng tạo trong việc thực hiện các tiêu chí, bằng nhiều cách làm hay đến tháng 7/2015 xã đã cơ bản hoàn thành đạt chuẩn 19/19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Để đạt được những thành công như ngày hôm nay là kết quả của sự cố gắng, nỗ lực vượt bậc của cả một hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến tận thôn, là sự đồng lòng chung sức của toàn thể nhân dân với quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp. Như Bác Hồ đã nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu; Khó vạn lần dân liệu cũng xong”; nông thôn Bình Định hôm nay đã thay đổi rất nhiều nhờ vào những chủ trương đúng đắn trong xây dựng nông thôn mới, lấy sức dân làm nền tảng,lấy ý chí của dân làm kim chỉ nam trong thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Qua những báo cáo về kinh nghiệm thực tiễn và những cách làm hay, có thể xem đây làm một trong những bài học thực tế cho Đoàn tham quan trong quá trình chỉ đạo, triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới để áp dụng cho Quảng Trị trong thời gian tới.