Xây dựng nông thôn mới tại các xã khu vực III giai đoạn 2021 - 2025 là nhiệm vụ quan trọng trong tiến trình phát triển phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn huyện. Căn cứ vào mục tiêu của Nghị quyết của Tỉnh ủy, Huyện ủy đã ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, theo đó, huyện đặt ra mục tiêu cao hơn Nghị quyết số Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 04/11/2021 của Tỉnh ủy “đến năm 2025, có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt 15 tiêu chí trở lên.
Để thực hiện mục tiêu đề ra, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chuyên môn, UBND các xã rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện tại địa phương. Lồng ghép, phân bổ nguồn lực các chương trình MTQG và các chương trình chính sách triển khai trên địa bàn để huy động tổng nguồn lực tập trung hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Ưu tiên nguồn vốn đầu tư để đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, cơ sở vật chất văn hóa, sử dụng nguồn vốn sự nghiệp để hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, tập trung nâng cao năng lực cho nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tăng cường vận động, tranh thủ nguồn lực hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân để đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, y tế và an sinh xã hội.
Tuy nhiên với điều kiện khó khăn về mọi mặt (điều kiện địa hình đồi núi, địa bàn xã rất rộng, cơ sở vật chất chưa được đầu tư đồng bộ, nguồn lực còn hạn chế và điểm “gối” (các tiêu chí đã đạt giai đoạn 20216 - 2020: các xã khu vực III đạt từ 7 - 12 tiêu chí, chưa có thôn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới) làm tiền đề thực hiện mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 còn thấp), do đó việc chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tại các xã khu vực III của huyện Hướng Hóa vô cùng khó khăn. Qua rà soát, đánh giá kết quả thực hiện bộ tiêu chí xã nông thôn mới đến tháng 4 năm 2025, toàn huyện 221 tiêu chí, bình quân đạt 11,36 tiêu chí/xã, giảm 03 tiêu chí so với năm 2020 (tăng 68 tiêu chí so với năm 2022, thời điểm rà soát theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025). Các xã khu vực III đạt từ 8 - 13 tiêu chí, không có thêm xã đạt chuẩn nông thôn mới, mục tiêu không còn xã đạt dưới 13 tiêu chí chưa đạt; chỉ công nhận được 02 thôn đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 5,26% kế hoạch đề ra). Trong đó, toàn huyện đang “trắng” tiêu chí số 5 - Trường học; 14 xã khu vực III “trắng” tiêu chí số 10 - Thu nhập, 13 xã khu vực III chưa đạt tiêu chí thu nhập, tiêu chí môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Kết quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đang ở mức thấp so với kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 đã đề ra, nguyên nhân đó là:
Kế hoạch ban hành cho giai đoạn 2021 - 2025, nhưng thời gian thực hiện chỉ khoảng 03 năm; đồng thời, căn cứ để đề ra mục tiêu cho giai đoạn mới dựa trên kết quả đánh giá của bộ tiêu chí cũ, sau khi rà soát theo bộ tiêu chí mới có yêu cầu cao hơn nên hầu hết các xã trên địa bàn huyện đều bị sụt giảm tiêu chí nghiêm trọng (giảm 57 tiêu chí toàn huyện), ảnh hưởng lớn đến lộ trình xây dựng kế hoạch ban đầu.
Tất cả các xã thuộc lộ trình phấn đấu đạt chuẩn cũng như thực hiện mục tiêu đều thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế phát triển chậm, chưa đồng đều; hạ tầng cơ sở còn thiếu thốn, thu nhập của người dân đang rất thấp. Đồng thời, huyện là địa bàn trọng điểm về ma túy, tội phạm vùng biên, tai nạn giao thông thường xảy ra dọc tuyến quốc lộ, còn tình trạng tảo hôn ở tất cả các xã khu vực III (xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống) là một trong những nguyên nhân dẫn đến các tiêu chí không cần nguồn lực (tiêu chí số 18 về hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật; tiêu chí số 19 về quốc phòng và an ninh) trên địa bàn huyện đạt được thấp.
Một số chỉ tiêu trong bộ tiêu chí rất khó thực hiện do chưa phù hợp với tình hình thực tế, điều kiện địa hình và phong tục tập quán của địa phương (tỷ lệ đường trục chính nội đồng đảm bảo tỷ lệ cứng hóa 80%; tỷ lệ tưới tiêu cho cây trồng chủ lực đạt 80%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi < 24%; tỷ lệ hộ có nhà tắm, nhà tiêu, thiết bị chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh đảm bảo 3 sạch > 80%), đặc biệt chỉ tiêu đánh giá cho các xã vùng miền núi lại như các xã vùng đồng bằng.
Ngân sách nhà nước dành cho chương trình có phần hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu hoàn thiện cơ sở hạ tầng ở các xã. Khả năng tự cân đối ngân sách địa phương hỗ trợ hoàn thiện các tiêu chí rất ít, việc huy động nguồn lực của các tổ chức, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn không đáng kể.
Một nguyên nhân chủ quan nữa đó là việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới ở nhiều xã chưa được quan tâm, thiếu quyết liệt trong đề ra các giải pháp để thực hiện mục tiêu kế hoạch; một số xã chưa chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân cùng chung sức xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, các xã chưa chủ động trong việc liên hệ, tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan được UBND tỉnh phân công đỡ đầu xã, thiếu sự trao đổi thông tin với các cơ phụ trách tiêu chí của huyện để được hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện tiêu chí chưa đạt. Đồng thời, một số phòng, ngành phụ trách các tiêu chí chưa phối hợp chặt chẽ với địa phương trong quá trình theo dõi, hướng dẫn, đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí của các xã.
Để tiếp tục thực hiện Chương trình giai đoạn 2026 - 2030 trên địa bàn huyện trong bối cảnh thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, cần triển khai một số giải pháp và nội dung trọng tâm như sau:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương, nhất là vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới, để người dân xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỉ lại vào nhà nước, chủ động vươn lên. Đặc biệt xóa bỏ tư tưởng khu vực khó khăn khi đạt chuẩn nông thôn mới đồng nghĩa với việc sẽ không còn được hưởng các cơ chế, chính sách đặc thù của nhà nước đối với xã đặc biệt khó khăn.
Tuyên truyền phân tích cho nhân dân rõ dù cơ chế, chính sách, chương trình, dự án nào của Nhà nước cũng đi đến mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là chương trình phát triển tổng thể, phục vụ trực tiếp đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, khi người dân thoát nghèo thì bền vững hơn và từng bước vươn lên làm giàu.
Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy Đảng, chính quyền xã, đặc biệt là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về vai trò chỉ đạo, cách thức tổ chức, sự định hướng và nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ xã; Ban phát triển thôn vai trò chủ động và tích cực tham gia của cộng đồng dân cư địa phương trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Xác định mục tiêu phù hợp với điều kiện thực tế của từng xã, thôn, bản để tạo động lực cho các xã vươn lên, từng bước vượt qua tâm lý ỷ lại, thụ động, trông chờ hoàn toàn vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Phân định rõ tiêu chí nào, nội dung nào, phần việc nào cho từng đối tượng triển khai (các ngành, địa phương, thôn, người dân); công việc nào là nhà nước và Nhân dân cùng làm.
Có cơ chế chính sách phù hợp, đủ mạnh hỗ trợ các địa phương trong xây dựng Nông thôn mới nhất là chính sách hỗ trợ các thôn, bản. Việc thực hiện chính sách phải phát huy được sự đối ứng, huy động nguồn lực trong Nhân dân tránh tạo tâm lý trông chờ ỷ lại vào chính sách, vào hỗ trợ của Nhà nước. Đồng thời, vận động, kêu gọi được sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức đóng trên địa bàn xã cùng chung sức, đóng góp xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Đẩy mạnh phát triển sản xuất, tạo sinh kế nâng cao thu nhập cho người dân. Tập trung ưu tiên phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất phù hợp với điều kiện của địa phương. Hỗ trợ thúc đẩy sản xuất các sản phẩm thế mạnh của địa phương thông qua hỗ trợ lãi suất vay vốn, xây dựng các vùng nguyên liệu chủ lực của từng xã gắn với thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tiếp tục triển khai, nhân rộng một số mô hình có hiệu quả giúp người dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật, khuyến khích tham gia cải thiện khoa học kỹ thuật trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi…
Tiếp tục thực hiện xây dựng nông thôn mới ngay từ cấp thôn với phương châm “có nhiều thôn đạt chuẩn ắt có xã đạt chuẩn”, lựa chọn những thôn có điều kiện tốt, xác định những nội dung phù hợp, phát huy được vai trò của người dân, thực hiện từ những công việc nhỏ nhất, làm từ hộ gia đình.