Các công trình đầu tư không chỉ tập trung vào những tuyến đường trục xã mà còn quan tâm đến đường liên thôn, nội đồng, các tuyến kết nối vùng sản xuất, phục vụ việc sản xuất, canh tác của người dân; trong đó Sở Xây dựng đã tham mưu, xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện đầu tư, nâng cấp, sửa chữa 51 công trình giao thông nông thôn, với tổng kinh phí trên 134,6 tỷ đồng từ các nguồn lực khác nhau; riêng tại huyện Đakrông, địa phương thuộc nhóm đặc biệt khó khăn, đã được đầu tư 07 công trình giao thông trọng điểm với tổng mức đầu tư 16 tỷ đồng. Huyện Hướng Hóa cũng triển khai 06 công trình với tổng kinh phí 15,355 tỷ đồng. Cùng với đầu tư công trình, công tác quy hoạch giao thông nông thôn được chú trọng, 100% xã đã hoàn thành quy hoạch xây dựng xã thời kỳ 2021–2030; 05/10 huyện hoàn thành quy hoạch vùng huyện đến năm 2040, tạo tiền đề cho đầu tư hạ tầng giao thông.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, thực tiễn triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới trong lĩnh vực hạ tầng giao thông nông thôn vẫn còn không ít khó khăn, tồn tại, đặt ra yêu cầu cần được nhận diện đầy đủ và có giải pháp tháo gỡ căn cơ; trong đó, hệ thống đường giao thông nông thôn, đặc biệt ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn chưa được hoàn thiện đồng bộ theo quy hoạch. Một bộ phận các tuyến đường chưa được cứng hóa, mặt đường hẹp, nền đường yếu, dễ xuống cấp khi mưa bão, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc lưu thông hàng hóa, vận chuyển sản phẩm nông nghiệp và đi lại của người dân. Nguồn lực đầu tư cho giao thông nông thôn mặc dù đã được các cấp, các ngành quan tâm, song vẫn chưa tương xứng với nhu cầu thực tế. Sự thiếu hụt về vốn dẫn đến việc đầu tư chưa đồng đều giữa các vùng, thậm chí có nơi còn chậm tiến độ do không cân đối được ngân sách. Công tác duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông còn bất cập. Nhiều tuyến đường sau đầu tư chưa được bố trí kinh phí bảo trì thường xuyên; việc phân cấp, giao quyền cho cấp cơ sở còn hạn chế, dẫn đến tình trạng hư hỏng chậm được khắc phục, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Công tác huy động nguồn lực xã hội hóa gặp nhiều trở ngại, đặc biệt ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực khó khăn – nơi rất cần được đầu tư để tạo động lực phát triển. Việc thu hút doanh nghiệp, tổ chức, người dân cùng chung tay đầu tư giao thông vẫn chưa thực sự hiệu quả. Đây chính là những vấn đề trọng tâm cần được nhận diện rõ, có giải pháp cụ thể, đồng bộ để thực hiện hiệu quả trong giai đoạn tới.
Để hiện thực hóa mục tiêu về nâng cao chất lượng giao thông nông thôn giai đoạn 2026-2030, với phương châm Hạ tầng giao thông là “mạch máu” phát triển nông thôn mới, cần tập trung thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống giao thông nông thôn trên toàn tỉnh; cập nhật, điều chỉnh các quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông cấp xã, huyện, đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và các quy hoạch ngành có liên quan, ưu tiên đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông cho các xã chưa đạt tiêu chí, đặc biệt là tại các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nhằm đảm bảo tính công bằng và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, bao gồm ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, vốn tín dụng, vốn đầu tư công, các nguồn vốn hợp pháp khác và huy động đóng góp của doanh nghiệp, người dân theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, vật liệu mới, thân thiện môi trường và tiết kiệm chi phí trong xây dựng giao thông nông thôn như bê tông xi măng, bê tông cải tiến, cấp phối đá dăm gia cố xi măng, nhựa đường tái chế, v.v; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về giao thông nông thôn, đặc biệt là ở cấp huyện, xã; tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ kỹ thuật cấp cơ sở về thiết kế, thi công, giám sát và duy tu bảo trì đường giao thông nhằm nâng cao tính chủ động, hiệu quả và bền vững trong công tác quản lý khai thác sau đầu tư; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, phát huy vai trò làm chủ trong xây dựng, quản lý và sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông; nhân rộng các mô hình tốt như “Ánh sáng đường quê”, “Đường hoa”, “Tuyến đường tự quản”, vừa phát huy tinh thần cộng đồng, vừa tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp tại khu dân cư.