Nông thôn mới Quảng Trịhttps://nongthonmoi.quangtri.gov.vn/uploads/bn_2.png
Thứ ba - 17/06/2025 23:36
Điểm vui chơi giải trí
Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là vấn đề chiến lược được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm xuyên suốt chiều dài lịch sử. Từ năm 1998 tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã khẳng định “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đầy sự phát triển kinh tế- xã hội” cho đến Kết luận 156-KL/TW ngày 21/5/2025 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, nhấn mạnh hơn nữa tầm quan trọng, tính liên tục, đặc biệt cần quan tâm của sự nghiệp văn hoá trong giai đoạn đất nước bước vào “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, tiếp tục khẳng định “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc”, trong đó thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp là cốt lõi xây dựng các hệ giá trị mới trong giai đoạn hiện nay.
Xây dựng nông thôn mới gắn với việc phát huy các giá trị văn hóa là một mục tiêu quan trọng, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống và tạo động lực cho sự phát triển bền vững. Thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 04/11/2021 của Tỉnh uỷ về thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới 2021-2025, UBND tỉnh chỉ đạo, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ về phát triển sự nghiệp văn hoá, nòng cốt là củng cố, nâng cao chất lượng xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, thực hiện có hiệu quả các nội dung phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng gia đình văn hoá, thôn, tổ dân phố văn hoá, xã tiêu biểu, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở; đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp hệ thống di tích lịch sử, văn hoá... Thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp là sức mạnh “mền” bảo đảm cho sự phát triển toàn diện về kinh tế- xã hội của tỉnh nhà.
Được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự hưởng ứng tham gia đông đảo các tầng lớp nhân dân, xây dựng đời sống văn hoá cơ sở đạt được những kết quả quan trọng, thúc đẩy kinh tế phát triển, ổn định an ninh chính trị. Thông qua phong trào, việc xây dựng nếp sống văn hóa mới có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng các danh hiệu văn hoá tăng lên; hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao các cấp được quan tâm xây dựng đồng bộ, khang trang, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Các hoạt động văn hoá, nghệ thuật được tổ chức với nhiều hình thức phong phú, cơ bản đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của các tầng lớp nhân dân. Thông qua phong trào, nhiều nét đẹp trong lao động sản xuất hình thành, bà con cùng giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng, bộ mặt nông thôn đổi mới, khởi sắc rõ rệt. Xây dựng đời sống văn hoá cơ sở đã tiếp nối được mạch nguồn văn hóa truyền thống, khơi dậy ý thức tự nguyện, tự giác của nhân dân trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp, nâng cao đời sống vật chất tinh thần, tạo điều kiện huy động các nguồn lực thực hiện phong trào; xây dựng những giá trị văn minh, hiện đại, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, cũng cố khối đại đoàn kết, thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước.
Đến nay, toàn tỉnh có 540/799 thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa, đạt 67,6%; có 167.453/175.142 gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa, đạt 95,6%, có 25/119 xã, phường, thị trấn đạt tiêu biểu, đạt 20%; có 98/119 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa - thể thao đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 78,4%; 779/799 làng, bản, khu phố có nhà văn hóa - khu thể thao, đạt tỷ lệ 97,4%; trong đó, 454/779 thôn, làng, bản, khu phố có nhà văn hóa - khu thể thao đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 58,2%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, xây dựng đời sống văn hoá cơ sở trên địa bàn tỉnh nói chung, ở nông thôn nói riêng còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại. Một số cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của xây dựng và phát triển văn hoá, con người đối với sự phát triển nhanh, bền vững đất nước; Nguồn lực đầu tư cho văn hoá, con người còn hạn chế, dàn trải dẫn đến việc tổ chức hoạt động còn khó khăn; Một số địa phương, hệ thống cơ sở vật chất, thiết chế phục vụ hoạt động văn hóa, thể dục thể thao cơ sở đang xuống cấp, thiếu các công trình phụ trợ kèm theo, chậm sửa chữa vì khó khăn về kinh phí; Xây dựng văn hoá cơ sở phát triển chưa đồng đều về chất lượng và số lượng giữa các địa phương; Mặc dù tỷ lệ gia đình văn hóa, thôn văn hoá đạt khá cao, nhưng nếp sống văn hoá mới vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm, một số tệ nạn diễn biến ngày càng phức tạp, các biểu hiện thiếu văn minh, văn hoá, thiếu tự giác trong sinh hoạt và giữ gìn vệ sinh môi trường vẫn còn diễn ra. Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những khó khăn, với mục tiêu xuyên suốt trong xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kết luận 156-KL/TW ngày 21/5/2025 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và Nghị Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW; các Chương trình, đề án, chiến lược, cơ chế chính sách về phát triển văn hoá nông thôn. Đưa mục tiêu thực hiện các chỉ tiêu văn hoá vào Nghị quyết của các cấp ủy Đảng, kế hoạch của các cấp chính quyền để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá tốt đẹp từ gia đình, xã hội, thực hiện tốt các hương ước, quy ước đặt ra của cộng đồng dân cư. Chú trọng công tác phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến trên các phương tiện thông tin đại chúng, định kỳ tổ chức hội nghị tuyên dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể xuất sắc có uy tín, có nhiều đóng góp về giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, xây dựng các giá trị văn hoá hiện đại, văn minh trong cộng đồng.Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025-2035, các Dự án thành phần về văn hoá trong CTMTQG xây dựng nông thôn mới, Dự án 6 trong CTMTQG về phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2025. Tăng cường đầu tư nguồn lực cho sự phát triển toàn diện của phong trào “TDĐKXDĐSVH”; tăng cường ngân sách nhà nước về đầu tư xây dựng, sử dụng có hiệu quả hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao ở cơ sở. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá trong xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, xây dựng cơ chế, chính sách tạo nhằm điều kiện thuận lợi cho các tổ chức chính trị-xã hội, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng và khai thác các thiết chế văn hóa có hiệu quả. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 167/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 về bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp hệ thống di tích lịch sử, văn hoá văn hoá trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Huy động tối đa các nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đồng thời, các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể cần phát huy vai trò trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.Dù chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng những thành tựu hôm nay cũng có thể làm cho chúng ta tự hào với những nỗ lực, cố gắng bền bỉ trong thời gian vừa qua. Nền kinh tế tỉnh nhà đã có bước tăng trưởng khá, an ninh, chính trị - xã hội, quốc phòng được đảm bảo, sự nghiệp văn hoá đạt được những thành tựu quan trọng, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, khối đại đoàn kết dân tộc được giữ vững. Hứa hẹn rằng trong thời gian tới địa giới hành chính mở rộng, quy mô tiềm lực kinh tế lớn hơn, dân số tăng lên, sự đoàn kết, đồng lòng của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đặc biệt là sự tham gia hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân, nhất định phong trào xây dựng đời sống văn hoá trong xây dựng nông thôn mới sẽ tiếp tục phát triển, đạt được những thành tựu hơn nữa, góp phần xây dựng quê hương Quảng Trị ngày càng phát triển, giàu mạnh./