Tập trung xây dựng nông thôn mới từng bước hiện đại, phát triển bền vững

Chủ nhật - 07/11/2021 21:02
Ngày 4/11/2021, Tỉnh ủy Quảng Trị ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu đề ra là thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tập trung phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và NTM cấp thôn, bản. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, thúc đẩy bình đẳng giới. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, từng bước hiện đại; thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; đảm bảo môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống; xây dựng nông thôn trở thành nơi đáng sống của Nhân dân.
Tập trung xây dựng nông thôn mới từng bước hiện đại, phát triển bền vững

Nhìn lại sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, có thể thấy diện mạo khu vực nông thôn ngày càng khởi sắc; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ; cách thức tổ chức sản xuất của người dân được thay đổi; bản sắc văn hóa dân tộc được gìn giữ; tình làng, nghĩa xóm ngày càng gắn kết; an ninh trật tự được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh đã có 57/101 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, chiếm tỉ lệ 56,4% và 1 huyện đạt chuẩn NTM.

Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, kết quả xây dựng xã đạt chuẩn NTM chưa đồng đều giữa các vùng miền; chất lượng đạt chuẩn một số tiêu chí thiếu tính bền vững; quy hoạch, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch có nơi triển khai chậm; nguồn lực đầu tư còn dàn trải và hạn chế; vấn đề nước sạch, nước hợp vệ sinh và xử lý rác thải ở khu vực nông thôn còn bất cập. Ngoài tác động bất lợi của thiên tai, dịch bệnh, quá trình thực hiện vẫn còn có một bộ phận cán bộ, đảng viên, người dân chưa nhận thức đầy đủ về xây dựng NTM, thiếu quyết liệt trong việc duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí NTM, xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu; chưa huy động được nhiều nguồn lực trong dân, trong doanh nghiệp; còn bị động, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước...

Trong xây dựng NTM, một quan điểm có tính xuyên suốt, đó là NTM là nền tảng, tái cơ cấu nông nghiệp là căn bản, Nhân dân là chủ thể. Xây dựng NTM là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, không có điểm kết thúc; nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng, huy động, lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng NTM. Huy động sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn; lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo kết quả. Chuyển đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” để nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn; giải quyết các vấn đề cấp thiết; thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng NTM và xây dựng chính quyền điện tử. Xây dựng NTM gắn với phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và đảm bảo an ninh nông thôn.

Mục tiêu mà Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy đề ra cho giai đoạn 2021 – 2025 là đến năm 2025 có thêm 4 huyện đạt chuẩn NTM, 1 huyện đạt NTM kiểu mẫu; 80% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 9 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; 25% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu; không còn xã đạt dưới 13 tiêu chí; có ít nhất 40% số thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn NTM. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. Phấn đấu đến năm 2030 có thêm 1 huyện đạt chuẩn NTM, 1 huyện NTM nâng cao, duy trì bền vững huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 85% số xã đạt chuẩn NTM. Để đạt được mục tiêu trên, cần thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Trước hết, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng NTM. Thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, cuộc vận động về xây dựng NTM, phát huy tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường của người dân. Hoàn thành quy hoạch vùng huyện, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn; đảm bảo thống nhất giữa quy hoạch tỉnh và quy hoạch vùng huyện.

Bên cạnh cụ thể hóa khung cơ chế, chính sách của trung ương, nghiên cứu các chính sách mới của địa phương về xây dựng NTM. Thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sản xuất nông nghiệp. Xây dựng thí điểm một số mô hình làng, xã thông minh ứng dụng chuyển đổi số để đề xuất cơ chế, chính sách phát triển làng, xã thông minh phục vụ chương trình NTM; các đề án về du lịch, môi trường, vườn mẫu, chương trình OCOP... nhằm thúc đẩy hiệu quả chương trình.

Cùng với đó, thực hiện lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021- 2025; bố trí hợp lý nguồn ngân sách địa phương, các nguồn xã hội hóa, các nguồn tài trợ cho đầu tư xây dựng NTM theo hướng trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, trong đó ưu tiên nguồn lực cho các xã chỉ đạo điểm của tỉnh, của huyện, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Công khai các khoản đóng góp của các cá nhân, tổ chức, đảm bảo sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân trong tất cả các khâu của chương trình theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”. Đẩy mạnh đào tạo nghề theo hướng nâng cao chất lượng lao động nông nghiệp nông thôn, phù hợp với định hướng phát triển của địa phương. Triển khai kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người nghèo, đào tạo nghề gắn với việc làm sau học nghề, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Và một giải pháp không kém phần quan trọng nữa là nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của cộng đồng đối với quản lý và bảo vệ môi trường nông thôn; khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là việc xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề; đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân nông thôn. Phát động các phong trào thi đua bảo vệ môi trường ở các vùng nông thôn; tạo cảnh quan môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp. Xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở và bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của gia đình, cộng đồng gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn. Giữ vững quốc phòng - an ninh, phát huy hiệu quả các mô hình tự quản, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn.

 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập56
  • Hôm nay18,509
  • Tháng hiện tại193,219
  • Tổng lượt truy cập8,393,516
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây