Nông thôn mới Quảng Trị chuyển biến mạnh mẽ từ lượng sang chất

Thứ năm - 31/08/2023 04:44
Với nhiều vùng tại Quảng Trị hiện tại, nông thôn đã tiến lên một nấc thang mới mà ở đó người dân đã bắt đầu áp dụng công nghệ số vào những công việc thường ngày.
Ông Hà Sỹ Đồng - (bìa trái) phó trưởng Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh Quảng Trị, cùng ông Hồ Xuân Hòe - chánh văn phòng Chương trình Nông thôn mới tỉnh đi kiểm tra mô hình sản xuất dưa lưới theo hướng hữu cơ
Ông Hà Sỹ Đồng - (bìa trái) phó trưởng Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh Quảng Trị, cùng ông Hồ Xuân Hòe - chánh văn phòng Chương trình Nông thôn mới tỉnh đi kiểm tra mô hình sản xuất dưa lưới theo hướng hữu cơ

      "Xây dựng nông thôn mới không phải là đích đến để có thể dừng lại, thụ hưởng, mà chính là thử thách bước đầu trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu", ông Hà Sỹ Đồng - phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiêm phó trưởng Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Quảng Trị - khẳng định như trên.

     Xây dựng nông thôn mới thông minh

      Với nhiều vùng tại Quảng Trị hiện tại, nông thôn đã tiến lên một nấc thang mới mà ở đó người dân đã bắt đầu áp dụng công nghệ số vào những công việc thường ngày.  Đó là nông thôn mới thông minh, và cũng là một trong những mục tiêu mang tính đột phá mà Ban chỉ đạo chương trình Nông thôn mới tại Quảng Trị đang hướng tới. Xã Cam Chính (Cam Lộ) là nơi đi đầu trong việc áp dụng mô hình nông thôn mới thông minh tại Quảng Trị. Ý thức được giá trị của công nghệ trong việc cải thiện hiệu quả công việc nên đến nay, đa số cán bộ cấp thôn của xã này đã thiết lập nhóm Zalo để trao đổi, điều hành, kết nối với các nhóm của cán bộ xã. Đồng thời, các thôn đã thành lập trang thông tin thôn, xóm, các đoàn thể trên nền tảng mạng xã hội Zalo giúp người dân nhanh chóng tiếp cận thông tin mới một cách chính xác, thuận tiện nhất. Hình thức họp không giấy tờ, họp trực tuyến đã được xã Cam Chính triển khai thực hiện nhiều tháng qua. "100% cán bộ, công chức sử dụng điện thoại thông minh, sử dụng hộp thư điện tử công vụ. 100% cán bộ, công chức sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành chung của tỉnh, huyện. Hệ thống dịch vụ công quốc gia được triển khai trong đội ngũ cán bộ, công chức và từng bước tuyên truyền đến toàn dân thực hiện trên môi trường mạng", ông Nguyễn Văn Hà, chủ tịch UBND xã Cam Chính, phấn khởi "khoe". Để thực hiện mô hình Nông thôn mới thông minh, xã Cam Chính còn phổ biến, cập nhật kiến thức cho người dân thực hiện các dịch vụ thanh toán điện tử. Đồng thời hướng dẫn, khuyến khích người dân tiếp cận các nền tảng công nghệ số, phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh; kinh doanh, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng điện tử. Và hiệu quả đã đến ngay bằng thực tiễn. Chỉ sau một thời gian triển khai, hơn 20 mô hình chăn nuôi lợn, gà tại địa phương cơ bản được tự động hóa, đã áp dụng các yếu tố nông nghiệp thông minh, hiện đại vào quá trình sản xuất, chăn nuôi.
      Cũng theo ông Hà, mô hình Nông thôn mới thông minh tại xã này được triển khai với 3 nội dung là phát triển chính quyền số, phát triển kinh tế số và phát triển xã hội số. Trước mắt, chính quyền xã sẽ triển khai làm phòng điều hành camera an ninh trên địa bàn; thiết lập slide giới thiệu quảng bá tổng thể về xã. "Thực hiện mô hình này sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững. Theo đó, mô hình giúp tạo ra một hệ sinh thái thông minh và kết nối trong xã, tăng cường sự tương tác giữa các yếu tố kinh tế - xã hội và môi trường. Đồng thời, nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất; thúc đẩy sự phát triển công nghiệp tại xã, tăng cường tính kết nối và tương tác trong chuỗi cung ứng nông sản, từ sản xuất, vận chuyển đến tiêu thụ. Từ đó nâng cao giá trị và cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp", ông Hà nói.

      Xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao

      Theo ông Hồ Xuân Hòe, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chánh văn phòng Nông thôn mới tỉnh Quảng Trị, tỉnh đặt ra mục tiêu thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng Nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.  Và trong những năm qua, những định hướng này đã từng bước đạt được. Đặc biệt là sự chuyển hướng trong sản xuất nông nghiệp từ vô cơ sang nền nông nghiệp hữu cơ. Công ty Thương mại Quảng Trị là đơn vị được tỉnh giao thực hiện dự án trồng lúa hữu cơ để hiện thực hóa nội dung phát triển nền nông nghiệp hiện đại.  Liên tiếp ba năm qua, công ty này đã liên kết với những nông dân tại hợp tác xã ở các huyện Cam Lộ, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh để trồng lúa hữu cơ. Nông dân của các hợp tác xã được cung cấp công nghệ, giống, kỹ thuật gieo mạ và chăm sóc theo quy trình công nghệ sản xuất của Sepon Group để hoàn thiện mục tiêu sản xuất gần 80ha lúa hữu cơ trong vụ đông xuân 2022-2023. Sau khi lúa chín thu hoạch, doanh nghiệp thu mua tại ruộng với giá 12.000 đồng/kg lúa tươi.
      Theo ông Hồ Xuân Hiếu, để thực hiện liên kết trồng lúa hữu cơ, đơn vị đã thuê chuyên gia về khảo sát, phân tích chất đất ở vùng ruộng của các huyện để tìm ra diện tích đất phù hợp. Làm lúa hữu cơ đúng tiêu chuẩn xuất đi nước ngoài với các thị trường khó tính cần phải có sự nỗ lực và chuyên nghiệp từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và bảo quản với yêu cầu nghiêm ngặt đáp ứng hoàn toàn các tiêu chí hữu cơ.Để đảm bảo được chuẩn hữu cơ, đơn vị này đã đầu tư hàng chục tỉ đồng để xây dựng xưởng sản xuất phân hữu cơ chuyên dùng cho cây lúa từ phân gà và vi sinh vật bản địa; quy trình làm thảo dược từ các sản phẩm nông nghiệp như ớt, tỏi, gừng, thuốc lá, ngâm bia, cá ướp đường để lấy nước phun cho cây lúa thay đạm. Quy trình xử lý xương động vật, vỏ trứng thiêu kết, giã nhỏ, ngâm giấm để lấy nước phun bổ sung canxi, kali.Ngoài ra, công ty này còn đầu tư nhiều thiết bị hiện đại làm lúa hữu cơ như: Máy gieo hạt, mạ khay, máy cấy, máy bón phân. Đặc biệt, đây là nơi duy nhất trong toàn tỉnh áp dụng công nghệ máy bay không người lái để phục vụ việc bón phân, chăm sóc cho lúa hữu cơ.
      Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, tỉnh này phấn đấu đến năm 2025 có hơn 1.000ha lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ, hơn 3.000ha đạt tiêu chuẩn VietGAP; đến năm 2030 sẽ có 3.000ha lúa hữu cơ, 7.000ha lúa VietGAP triển khai tại huyện Hải Lăng, Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ và Triệu Phong. "Nếu xây dựng được nền nông nghiệp hữu cơ hiện đại thì vừa cải thiện được chất lượng sản xuất nông nghiệp vừa tăng được thu nhập cho nông dân. Hoàn thành mục tiêu này cũng tức là tiến thêm một bước vững chắc trên hành trình xây dựng Nông thôn mới", ông Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh

Nguồn tin: Bài và ảnh Quốc Nam Báo tuổi trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập42
  • Hôm nay18,509
  • Tháng hiện tại194,613
  • Tổng lượt truy cập8,394,910
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây