Cát ơi... thức dậy

Thứ tư - 07/12/2022 05:24
Nhắc tới vùng đất Hải Lăng, trước mắt chúng tôi hiện ngay ra hình ảnh những trảng cát trắng nắng rát. Dài theo những trảng cát nơi vùng đất này còn là máu, mồ hôi trải dọc hành trình rẽ cát, mở đất lập làng của bao thế hệ người Hải Lăng từ xưa đến nay.
Cây ném mang hiệu quả kinh tế trên vùng cát Hải Lăng - Ảnh: N.T
Cây ném mang hiệu quả kinh tế trên vùng cát Hải Lăng - Ảnh: N.T
Vùng cát của huyện Hải Lăng kéo dài qua 7 xã Hải Xuân, Hải Thiện, Hải Dương, Hải Quế, Hải Ba, Hải Khê và Hải An, có diện tích 10.286 ha, chiếm 12% tổng diện tích tự nhiên. Một thời rất dài, màu trắng nhức mắt của cát với người dân luôn là một ám ảnh đồng nghĩa với khó nghèo cơ cực. Chúng tôi đã nghe người dân kể về những tháng ngày cực kỳ gian khó, vì điều kiện còn khó khăn chưa đầu tư cầu cống đường sá nên đường đi trên cát, mang dép thì lún không nhấc bước được, mà xách dép lên thì nóng đến rát bỏng bàn chân. Chỉ có ít nóc nhà co cụm lại thành xóm trên những cồn cát thưa thớt bóng cây. Mùa nam nắng, gió Lào về thổi cát bay vào lấp làng lấp ruộng. Bốn bề mênh mông cát mà không thể trồng lấy một chút rau ráng cải thiện. Chính bởi sự khắc nghiệt ấy mà trong suốt một thời gian dài, nhiều diện tích cát vẫn là vùng sinh thái hoang vu. Nhưng điều đó không có nghĩa người Hải Lăng quay lưng với cát. Họ sống trong cát, tìm cách chinh phục cát, biến những khó khăn trở thành tiềm năng để phát triển. Đặc biệt, hai thập kỷ qua, huyện Hải Lăng quyết tâm đầu tư cho vùng cát đã làm cho vùng cát thực sự đang từng ngày khởi sắc thay da đổi thịt.

Bí thư Huyện ủy Lê Thế Quảng đầy tâm huyết khi đề cập đến quyết tâm biến cát trắng nghèo khó thành... vàng ròng. “Đánh thức tiềm năng vùng cát không phải là chuyện dễ làm, nhưng chúng tôi quyết tâm phải làm được. Từ những thực tế khó khăn của vùng cát, huyện lên được phương án hành động thiết thực. Năm 2007, Huyện ủy Hải Lăng ban hành nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội vùng cát”. Thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy, các địa phương bắt đầu tổ chức giãn dân ra vùng cát hình thành các khu dân cư mới. Tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Nâng cấp và hoàn thiện hệ thống chống cát bay, cát lấp, hệ thống tiêu úng cho vùng cát. Xây dựng các công trình hồ, đập, kênh mương thủy lợi tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Về trồng trọt, huyện tiến hành quy hoạch lại vùng cát để xác định từng vùng đất canh tác phù hợp với từng loại cây trồng, chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao. Thử nghiệm mô hình luân canh cây trồng, mô hình nông - lâm kết hợp. Đặc biệt, huyện chỉ đạo các xã vận động Nhân dân vùng cát tăng diện tích trồng các loại cây được đánh giá có hiệu quả trên đất cát như: ném, lạc, ớt, mướp đắng, dưa đậu các loại… kèm theo nhiều chính sách hỗ trợ về cây giống, phân bón, khoa học kỹ thuật. Đối với các vùng cát có đủ độ ẩm và thoát được nước vào mùa mưa thì quy hoạch đưa vào trồng sắn nguyên liệu. Việc chăn nuôi cũng vậy, phát triển các mô hình kinh tế trang trại, quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, các mô hình chăn nuôi công nghệ cao ở những vùng có điều kiện.

Hải Lăng phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới ở vùng cát bắt đầu với quyết tâm như vậy. Hưởng ứng chương trình di dân phát triển vùng cát, dân các xã mạnh dạn tiến về vùng cát lập nghiệp, hình thành nên những khu dân cư mới. Tất cả cùng đoàn kết, học hỏi nhau để phát triển kinh tế. Nhiều tuyến giao thông quan trọng như đường An - Khê, đường Ba - Quế - Dương, đường tỉnh 581, 582, đường Thượng - Xuân, đường Dương - Khê, đường ra vùng cát các xã Hải Dương, Hải Quế, Hải Ba, đường ra bến cá Hải An, Hải Khê được xây dựng mới và nâng cấp, sửa chữa. Giao thông đi trước một bước đã khai hóa cả một vùng cát rộng lớn, giúp cho huyện làm cuộc “cách mạng xanh” trên cát thực sự có hiệu quả. Trong nông nghiệp đã hình thành các vùng chuyên canh cây sắn hơn 300 ha, cây ném hơn 100 ha, mướp đắng gần 40 ha. Ngoài màu xanh tươi tốt của những mô hình trồng hoa màu và cây công nghiệp, vùng cát dần hình thành một quần thể sản xuất khép kín, có chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi trồng thủy sản và trồng cây lâm nghiệp tránh cát bay cát nhảy. Các mô hình phát triển kinh tế trên cát đang góp phần tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, công nghệ cao, mở ra hướng đi mới đầy triển vọng trên vùng cát Hải Lăng. Đặc biệt, Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị (nằm trọn trên vùng cát rộng khoảng 4.000 ha thuộc các xã Hải An, Hải Khê, Hải Ba, Hải Dương, Hải Quế) đang có bước khởi động tích cực cũng được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho vùng cát vươn lên phát triển mạnh mẽ.

- Những gì nghèo và buồn của vùng cát năm xưa, giờ đã bị xóa sạch. Từ đất cát, mồ hôi và trí tuệ của người dân đã cho sản sinh những vườn cây trái xanh tốt, đã biến cát thành ruộng đồng, thành làng mạc, thành công nghiệp. Hiện 5/7 xã vùng cát đã đạt chuẩn nông thôn mới là Hải Xuân, Hải Thiện, Hải Dương, Hải Quế và Hải Ba. Xã Hải Khê đạt 15 tiêu chí, xã Hải An đạt 14 tiêu chí. Lộ trình xây dựng nông thôn mới của huyện Hải Lăng, dự kiến năm 2023 sẽ hoàn tất. - Bí thư Lê Thế Quảng cho biết.

Anh Đào Văn Trẩm, một cán bộ phòng nông nghiệp huyện, nhận nhiệm vụ đưa chúng tôi đi thăm các xã vùng cát để “trải nghiệm thêm” những chia sẻ của Bí thư Huyện ủy Lê Thế Quảng. Anh Trẩm gắn bó với vùng cát, ở đâu có cái hay cái mới anh đều biết, hướng dẫn tận tình như người dân trong vùng. Con đường nhựa từ thị trấn Diên Sanh qua Hải Ba, qua Hải Quế và mấy địa điểm nữa là đến Hải Dương. Xưa là đường đất cát, nay đường về các xã này đã được rải nhựa, rộng rãi, xe ô tô dễ dàng đi lại. Nhà cửa bám theo trục đường nhựa với nhiều hàng quán ra vẻ phố xá. Khang trang và hoành tráng nhất là khu nhà các trường học, trạm xá, chợ nông thôn. Rồi màu xanh của ruộng, của đồng đang choán dần khoảng xám trắng cằn cỗi hoang vu của cát.

Điểm đầu tiên chúng tôi dừng chân là Hải Dương. Đây là một trong bảy xã vùng cát của huyện Hải Lăng, diện tích khá lớn (gần 2.500 ha), người đông (gần 6.500 người), hầu hết đều sống bằng nghề nông, nhưng là một xã khá phát triển. Các chỉ tiêu điện, đường, trường, trạm đều được đầu tư khá tốt. Đặc biệt, hệ thống đường liên thôn đều được bê tông hóa 100%. Được biết Hải Dương cũng đã về đích nông thôn mới năm 2015. Chúng tôi được nghe anh Võ Trung Hiếu, Phó chủ tịch UBND xã báo cáo đôi nét về kết quả phát triển kinh tế trên vùng cát của Hải Dương.

Anh Hiếu cho biết: “Hải Dương rất chú trọng phát triển các loại cây trồng chủ lực trên vùng cát, như: lạc, ớt, dưa hấu, sắn cao sản, ngô lai, dưa đậu các loại,... riêng cây ném và cây mướp đắng được xã quy hoạch vùng chuyên canh tập trung. Đặc biệt, cây ném được xã xác định là cây trồng chủ lực ở vùng cát theo hướng mở rộng diện tích, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất”. Toàn huyện Hải Lăng có 100 ha ném, riêng Hải Dương có 60 ha với gần 350 hộ dân tham gia trồng ném, mức thu nhập từ 140 - 160 triệu đồng/ha/năm. Đến nay, nhãn hiệu ném vùng cát Hải Dương đã được cấp giấy chứng nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Hiện xã đang tiếp tục khuyến khích người dân khai hoang phục hóa, cải tạo vùng cát để mở rộng diện tích cây ném, hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch và bền vững. Bên cạnh đó, Hải Dương cũng đã vận động các hộ gia đình ra lập trang trại trên vùng cát, trong số đó có 20 trang trại VAC đem hiệu quả kinh tế cao. Hiện tại, Hải Dương đã có sản phẩm OCOP, có các trang trại sinh thái, từng bước hiện đại hóa nông nghiệp, vậy nên thu nhập 57 triệu đồng cho mỗi người dân thật là điều đáng kể.

Chúng tôi tỏ ý muốn đi thăm vùng chuyên canh ném tập trung. Anh Hiếu đồng ý ngay. Anh lên xe đưa chúng tôi thăm rú cát trồng ném đang vào mùa thu hoạch ném củ. Ở xã này nhà nhà trồng ném, người người chăm sóc ném. Anh Hiếu bảo ném trồng ra bao nhiêu, bán hết bấy nhiêu. Ném của xã Hải Dương nói riêng và huyện Hải Lăng nói chung đã có thương hiệu và vươn đến những bến bờ mới. Những chợ đầu mối ở Huế, Đà Nẵng, thậm chí ở tận thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội cũng đã có sự góp mặt của những cây ném, củ ném sinh ra nơi miền gió cát này. Ném không những giúp người dân lo toan cuộc sống thường nhật, lo toan cho con cái học hành mà ném thực sự đã đem lại một cuộc sống ấm no, sung túc cho nhiều người.

Tạm biệt Hải Dương, chúng tôi đi về dải cát duyên hải phía đông. Về với Hải Khê, Hải An - hai xã bãi ngang của huyện Hải Lăng. Những năm trở lại đây, vùng cát bãi ngang hẻo lánh này lại gánh vác trọng trách lớn là tâm điểm quy hoạch Khu kinh tế Đông Nam - một dự án đặc biệt quan trọng của tỉnh Quảng Trị. Đi trên con đường trung tâm trục dọc Khu kinh tế Đông Nam thảm nhựa rộng rãi băng qua trảng cát mênh mông mới cảm nhận hết được giá trị của câu nói: “kết cấu hạ tầng giao thông cần đi trước một bước để làm cú hích phát triển”. Quả thật, nhờ con đường này mà Hải An và Hải Khê có cơ sở để phát triển nhiều dịch vụ, góp phần giúp cho phát triển kinh tế, xã hội. Những làng thôn yên ả với nhịp sống thường ngày nhưng cơ hồ như trong lòng đất, lòng người đang rạo rực chuẩn bị tâm thế cho một cuộc đổi thay nhiều mới mẽ và cũng đầy thách thức.

Xác định việc hình thành và phát triển Khu kinh tế Đông Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Hải Lăng nên trong thời gian qua, huyện đã tích cực phối hợp với các sở ban ngành của tỉnh, các nhà đầu tư trong việc triển khai công tác khảo sát, quy hoạch và chuẩn bị các điều kiện để từng bước khởi động Khu kinh tế Đông Nam. Đồng thời, UBND huyện đã chỉ đạo các xã trong vùng dự án triển khai công tác thống kê về thực trạng dân cư, lao động, việc làm, đất đai, nhà cửa, cây cối, mồ mả khu vực dự kiến quy hoạch, lắng nghe nguyện vọng của người dân liên quan đến việc di dời nhà cửa, về đời sống, việc làm khi đến nơi ở mới. Điều đáng mừng là tuy khối lượng nhà cửa, mồ mả dự kiến di dời khá lớn nhưng đại đa số nhân dân đồng tình cao với chủ trương của tỉnh về xây dựng Khu kinh tế Đông Nam. Huyện Hải Lăng bước đầu cũng đã hoàn thành sơ bộ quy hoạch các khu tái định cư, các khu nghĩa địa mới phục vụ việc di dời, phối hợp đơn vị tư vấn quy hoạch địa điểm các khu nhà ở phục vụ chuyên gia đến làm việc tại Khu kinh tế. Trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới các xã, huyện cũng đã tính toán dành quỹ đất cho các khu chăn nuôi tập trung, các khu sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao để sản xuất các sản phẩm sạch, sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu cung cấp lương thực, thực phẩm cho đội ngũ công nhân và chuyên gia đến làm việc tại Khu kinh tế Đông Nam.
image001 2
                                    Đường trục dọc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đoạn qua các xã vùng cát Hải Lăng - Ảnh H.T

Anh Đào Văn Trẩm đưa chúng tôi đi tham quan thêm vùng cát đã được quy hoạch để xây cảng nước sâu Mỹ Thủy trong tương lai, một số con đường vượt cát với nhiều công trình đang tiếp tục xây dựng. Quả là quỹ đất cát của Hải Lăng còn dư dả. Chạy thêm một vòng qua khu tái định cư Hải Khê, qua bãi biển Mỹ Thủy, chúng tôi càng thấy rõ hơn vùng cát duyên hải này bao la, rộng dài, không chỉ đẹp mà còn giàu tiềm năng. Anh Trẩm cho biết, huyện đã có quy hoạch khá rõ về quỹ đất, phân lô, phân vùng để chuẩn bị cho việc khởi động Khu kinh tế Đông Nam. Với nhiều tiềm năng và thế mạnh, chắc chắn đó sẽ là nguồn động lực mạnh mẽ giúp vùng cát có thể cất cánh trong tương lai không xa. Việc phát triển vùng cát Hải Lăng trở thành một khu kinh tế trung tâm phía đông của tỉnh Quảng Trị cũng là động lực quan trọng, góp phần xây dựng các xã vùng cát trở thành những miền quê trù phú.

Niềm tin đã được nhen nhóm lên bắt đầu từ ngày hôm nay. Hy vọng những dự án sắp khởi động trên vùng cát sẽ mang về no ấm cho người dân. Chúng tôi nhìn ra những trảng cát trắng của Hải Lăng. Những trảng cát đã bớt hoang vu, bởi những con người sống trên cát với khát vọng chinh phục đang biết cách để cho cát trở mình thức dậy.

Nguồn tin: Tạp chí Cửa Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập35
  • Hôm nay6,769
  • Tháng hiện tại199,365
  • Tổng lượt truy cập8,399,662
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây