Ngổn ngang xây dựng nông thôn mới ở Đakrông (Bài 1)

Thứ năm - 03/11/2016 20:58
Sau 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đến nay huyện Đakrông vẫn chưa có xã nào đạt chuẩn. Từ xuất phát điểm quá thấp, cái đích NTM dường như là mục tiêu còn xa đối với hầu hết các xã ở Đakrông (Quảng Trị).
Cơ sở trường học ở Đakrông luôn trong tình trạng thiếu thốn
Cơ sở trường học ở Đakrông luôn trong tình trạng thiếu thốn
Bài 1: “Trắng” nhiều tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới 

Đường giao thông nông thôn: Chưa làm xong đã hỏng 


So với chưa đầy chục năm trước, đường vào xã Ba Nang, Đakrông đã thuận lợi hơn gấp nhiều lần. Với 9 thôn, trong đó có 3 thôn biên giới và 2 thôn có vành đai biên giới, Ba Nang hiện là một trong hai xã khó khăn nhất trên địa bàn huyện Đakrông. “ Bây giờ đã có đường để đi được xe máy, xe ô tô vào tận trụ sở UBND xã chứ không phải cuốc bộ gần chục cây số từ đường Hồ Chí Minh vào như trước đã là một sự thay đổi đáng kể đối với cuộc sống của người dân nơi đây”, một cán bộ công tác tại xã nhớ lại thời kỳ phải lội bộ gần cả chục cây số mới đến được UBND xã để làm việc. Tính đến thời điểm này, toàn xã đã xây dựng được 6,3 km trục đường xã, liên xã nhựa hóa đúng quy định theo tiêu chuẩn đường của Bộ Giao thông- Vận tải, có 36 km đường trục thôn, liên thôn. Tuy vậy, một số đoạn đường xã đã xuống cấp, hư hỏng nặng, tình trạng bị chia cắt về mùa mưa vẫn còn thường xuyên xảy ra ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Trước mắt người dân xã Ba Nang mong muốn nhà nước sớm đầu tư, nâng cấp ngầm Ông Bình trên sông Nà Lây tại thôn A La để giao thông thông suốt mỗi mùa lũ về. 

Theo báo cáo của UBND huyện, từ năm 2011 - 2015, toàn huyện thực hiện đầu tư xây dựng mới và sửa chữa, nâng cấp 117km đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí đầu tư xây dựng là 217,4 tỷ đồng. Trong đó số cây số đường xã, liên xã đạt chuẩn là 95%, riêng xã A Vao chưa đạt do một số đoạn tuyến đến trung tâm xã đã bị xuống cấp, hư hỏng nặng trên toàn tuyến, chưa được nâng cấp sửa chữa. Đường liên thôn, trục thôn xóm thực hiện được hơn 62%, trong đó có 6/13 xã đạt chuẩn; đường ngõ xóm được cứng hóa đạt chuẩn hơn 60%. Riêng đường vào khu sản xuất, đường nội đồng toàn huyện mới chỉ có 38/133,4 km đường được cứng hóa đạt chuẩn trong toàn huyện, chiếm tỷ lệ 28,5%. Cái khó ở địa bàn huyện miền núi Đakrông với địa hình đồi núi dốc, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mùa mưa lũ nước từ thượng nguồn đổ về đã gây nên tình trạng xói lở, phá hủy các công trình giao thông công cộng. Nhiều con đường chưa kịp hoàn thành (do thiếu vốn - PV) đã hư hỏng. Kinh phí hạn hẹp trong khi khả năng đối ứng vốn đối với người dân không thể thực hiện được là một thách thức không nhỏ trong lộ trình phấn đấu xây dựng NTM đối với tiêu chí về giao thông của huyện Đakrông. 

Trường học xuống cấp, điểm lẻ thiếu giáo viên 

Cách đây không lâu, tại ba điểm trường lẻ Bù, Cốc, Ngược của Trường Mầm non xã Ba Nang, các cháu phải nghỉ học vì không có giáo viên đứng lớp. Địa bàn hiểm trở, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn khiến nhiều giáo viên khi được hợp đồng lên nhận lớp cũng đều không bám trụ được lâu. Để giải quyết khó khăn trước mắt, Trường mầm non xã đã bố trí tạm thời hai giáo viên ở điểm chính lên thôn Bù, Ngược để duy trì hai lớp mẫu giáo với khoảng hơn 30 cháu, còn các cháu thuộc 2 lớp trẻ từ độ tuổi 2- 4 tuổi vẫn đang ở nhà “chờ” có cô giáo để học. Tình trạng học sinh “chờ” có cô để được học này cũng đang bỏ ngõ đối với điểm trường lẻ ở thôn Cốc với khoảng 25 cháu ở độ tuổi mẫu giáo. Không chỉ thiếu giáo viên mà hiện tại cơ sở vật chất các trường học trên toàn huyện nói chung đang gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các xã vùng sâu vùng xa, các điểm trường lẻ. Toàn huyện có 61 điểm trường lẻ, trong đó phần lớn cơ sở hạ tầng còn khá tạm bợ. Chị Hoa, cán bộ phụ trách nông thôn mới xã Hướng Hiệp chia sẻ, hiện trên địa bàn xã Hướng Hiệp mới chỉ có Trường Tiểu học số 1 Hướng Hiệp đạt chuẩn, nhiều điểm trường xuống cấp chưa có kinh phí sửa chữa. Mới đây, đợt mưa to, nước dâng cao đã khiến điểm Trường Mầm non Khe Hiên sập hỏng hoàn toàn. Một lớp học kiên cố cho các cháu che nắng mưa để học vẫn còn là ước mơ của nhiều điểm trường lẻ của ngành giáo dục Đakrông. Cơ sở vật chất trường học chưa đảm bảo cũng là nguyên nhân khiến 200/366 học sinh Trường PTCS Dân tộc nội trú Ba Nang phải ở nhờ nhà dân để đi học vì thiếu chỗ ở. 

Trong những năm qua, huyện Đakrông cũng đã có nhiều nỗ lực cố gắng vận dụng, huy động các nguồn vốn để thực hiện đầu tư xây mới và sửa chữa, nâng cấp trên 90 cơ sở trường lớp học và nhà ở giáo viên, tập trung nguồn lực để đưa 4/35 trường học đạt chuẩn. Tuy nhiên, với thực tế hiện tại là phòng học thiếu, hư hỏng và xuống cấp nhiều, sân chơi, bãi tập và phòng chức năng chưa được xây dựng, các điểm trường lẻ còn tạm bợ, cộng với việc thiếu giáo viên đứng lớp, tỷ lệ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở nhiều xã đạt quá thấp…thì chuẩn giáo dục vẫn đang là chặng đường gian nan. 

Ngoài hai tiêu chí về giao thông nông thôn, giáo dục thì các tiêu chí “trắng” còn lại như cơ sở vật chất văn hóa, chợ, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo, môi trường, nhà ở nông thôn, chuyển dịch cơ cấu - phát triển kinh tế nâng cao thu nhập đặt ra cho chính quyền huyện Đakrông nhiệm vụ khá nặng nề trong lộ trình xây dựng NTM chặng đường tới. Với từng tiêu chí cụ thể, huyện đã đề ra từng giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để thực hiện, trong đó khai thác tối đa và sử dụng, tăng cường lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn. Đối với nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ chương trình NTM, huyện ưu tiên thực hiện theo cơ chế trao quyền chủ động cho cộng đồng dân cư, tự bàn bạc, quyết định theo quy định mức hỗ trợ được HĐND tỉnh thông qua, ưu tiên thực hiện ở thôn, xóm. Quan tâm xây dựng hạ tầng y tế, giáo dục, nước sạch và vệ sinh môi trường, hỗ trợ xây dựng một số mô hình theo các nhóm tiêu chí, phấn đấu đưa các xã điểm về đích trước. 

Trong tổng số 19 tiêu chí cần hoàn thành để đạt chuẩn nông thôn mới, đối với huyện Đakrông đến nay vẫn có đến 8 tiêu chí “trắng” gồm tiêu chí hệ thống trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo, môi trường, hệ thống đường giao thông nông thôn, nhà ở nông thôn, chuyển dịch cơ cấu - phát triển kinh tế nâng cao thu nhập. Yêu cầu đối với những tiêu chí này áp dụng đối với huyện miền núi còn nhiều khó khăn như Đakrông thực sự là một bài toán khó.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập143
  • Hôm nay27,307
  • Tháng hiện tại179,559
  • Tổng lượt truy cập8,379,856
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây