Nông thôn mới Quảng Trị

https://nongthonmoi.quangtri.gov.vn


Để xây dựng nông thôn mới nhanh và chất lượng hơn

Đến nay, toàn tỉnh Quảng Trị đã có 41/117 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Qua triển khai xây dựng NTM, các địa phương đã có bước đổi thay rất quan trọng, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh; thu nhập và điều kiện sống của nhân dân ngày càng được cải thiện; văn hóa- xã hội ngày càng nâng cao về chất lượng; hệ thống chính trị ngày càng được củng cố; an ninh, trật tự được đảm bảo. Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai cho thấy, xây dựng NTM ở địa phương vẫn còn những khó khăn, bất cập cần được quan tâm giải quyết để đẩy nhanh tiến độ, chất lượng thực hiện.
Ở nhiều địa phương trong tỉnh, người dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới

Đến hết năm 2017, ngoài những xã được công nhận đạt chuẩn NTM, toàn tỉnh còn 19 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí; 32 xã đạt 10 - 14 tiêu chí; 26 xã đạt 5 - 9 tiêu chí. Đakrông là huyện duy nhất trong tỉnh chưa có xã đạt chuẩn NTM, xã đạt tiêu chí cao nhất mới 10/19 tiêu chí. Xã Mò Ó là một trong các xã điểm xây dựng NTM của tỉnh nhưng quá trình thực hiện rất khó khăn, hiện nay tỉnh và huyện tổ chức rà soát hiện trạng xây dựng NTM ở hai xã Triệu Nguyên và Hải Phúc để tập trung đầu tư phấn đấu đạt chuẩn vào năm 2020. Đối với thực hiện chủ trương xây dựng huyện Cam Lộ trở thành huyện NTM, địa phương đạt 3/9 tiêu chí gồm điện, an ninh trật tự và chỉ đạo xây dựng NTM; 2/9 tiêu chí gần đạt là quy hoạch và tổ chức sản xuất; còn 4 tiêu chí chưa đạt là giao thông, thủy lợi, y tế, văn hóa - giáo dục và môi trường. Kết quả xây dựng NTM chưa đồng đều giữa các địa phương. Khá nhiều địa phương thiếu sự chủ động, sáng tạo trong xây dựng NTM, nhất là chọn việc, chọn khâu đột phá và khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của mình.

 

Công tác huy động nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng còn gặp khó khăn, chưa huy động sự vào cuộc, chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân. Sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, phân tán; sản phẩm hàng hóa chưa nhiều, chất lượng và sức cạnh tranh còn thấp, giá trị gia tăng chưa cao. Môi trường nông thôn còn khá nhiều bất cập, đặc biệt là vấn đề chất thải, rác thải sinh hoạt và nước thải ở các khu dân cư; văn minh văn hóa ứng xử trong cộng đồng chưa có bước chuyển biến tích cực; an ninh trật tự nông thôn còn tiềm ẩn một số yếu tố mất ổn định. Một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa và nội dung, đặc biệt là vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM; ý thức tự giác, chủ động tham gia xây dựng NTM chưa cao. Nợ đọng xây dựng NTM tuy chưa nhiều nhưng đã diễn ra ở một số địa phương như Hải Lăng, Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hướng Hóa và thị xã Quảng Trị với tổng số tiền trên 6,9 tỷ đồng ở thời điểm hết năm 2017…

 

Mục tiêu xuyên suốt của xây dựng NTM chính là sự hài lòng của người dân về điều kiện sản xuất, sinh hoạt và đời sống vật chất, tinh thần. Để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng NTM của địa phương trong năm 2018 và những năm tiếp theo, cần tập trung tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền nhằm huy động sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia nhiệm vụ quan trọng này. Trong đó, yêu cầu cơ bản cần xác định đây là công việc của dân, người dân là chủ thể trong tất cả các khâu, được tham gia bàn bạc, quyết định những công việc có liên quan. Thực hiện tốt điều này sẽ khắc phục được tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nhà nước, nhân dân vì quyền lợi của mình mà sẵn sàng đóng góp tiền của, công sức để xây dựng hạ tầng cơ sở, đồng thời cũng làm tốt vai trò quản lý, sử dụng, bảo vệ hạ tầng nông thôn, tránh tình trạng lãng phí, tiêu cực hay đầu tư theo kiểu “có cũng như không”.

 

Cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các xã cần tiếp tục xem xây dựng NTM là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể và phân công nhiệm vụ, đề ra mốc thời gian thực hiện cho từng tập thể, cá nhân. Đội ngũ cán bộ các địa phương cũng cần thay đổi cung cách, lề lối làm việc theo hướng chủ động, sáng tạo, gần dân, đặc biệt quan tâm việc xây dựng chính sách và hỗ trợ cho người dân phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh doanh - dịch vụ. Trong điều kiện hiện nay, kinh phí từ ngân sách nhà nước đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn gặp nhiều khó khăn, để triển khai hiệu quả xây dựng NTM, các địa phương cần chủ động, sáng tạo trong việc huy động sự đóng góp của người dân; kêu gọi các doanh nghiệp, con em xa quê đầu tư về hạ tầng cơ sở, sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản; tổ chức các phong trào, hoạt động thi đua xây dựng NTM dựa vào nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân; không huy động quá sức dân, huy động sức dân bằng mọi cách và chỉ tính toán triển khai những công trình hạ tầng cơ sở thật sự cần thiết cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân và có đủ nguồn lực đầu tư…

 

Xây dựng NTM nhanh và chất lượng không thể thiếu vai trò của Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cấp tỉnh, huyện. Do vậy, các thành viên Ban chỉ đạo cần phát huy tốt hơn vai trò, trách nhiệm trong việc theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện của các địa phương; tăng cường công tác hướng dẫn thực hiện tiêu chí thuộc lĩnh vực phụ trách, bám sát địa phương được phân công để hỗ trợ, giúp đỡ và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Công tác đánh giá kết quả thực hiện xây dựng NTM phải khách quan, nghiêm túc.

 

 

Tác giả bài viết: Huy Nam

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây