Giai đoạn 2021-2025, hệ thống cơ chế, chính sách, quy định để cụ thể hóa các văn bản của Trung ương và triển khai các nội dung của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã được triển khai đồng bộ, kịp thời, làm cơ sở cho các ngành, các địa phương triển khai thực hiện, trong đó: Tỉnh ủy đã ban hành 01 Nghị quyết, HĐND tỉnh ban hành 10 Nghị quyết, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh ban hành 01 Chương trình hành động, 38 Quyết định, 11 Kế hoạch, cùng nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành khác. Trên cơ sở phân công nhiệm vụ theo dõi các tiêu chí, chỉ tiêu, nội dung thành phần của chương trình; công tác phối hợp giữa các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh với các địa phương trong chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện chương trình được thực hiện thường xuyên, kịp thời, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình ngày càng đi vào chiều sâu, bền vững. Thành viên Ban Chỉ đạo và các cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra nắm bắt tình hình và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở để đề xuất giải pháp thực hiện.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể các cấp thường xuyên in ấn, phát hàng nghìn bộ tài liệu, ấn phẩm,… đã dựng hơn 9.700 panô, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền, tổ chức hàng trăm hội nghị, hội thảo, hội thi tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới, học tập chia sẻ trao đổi kinh nghiệm về các mô hình nông thôn mới hiệu quả; đặc biệt Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Viêt Nam tỉnh thông tin, tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới, trong đó tiếp tục nâng cao, thay đổi nhận thức cho người dân. Thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới phát huy tinh thần tự giác, tự chủ, tự lực, tự cường của người dân. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh triển khai phong trào cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”, “tổ tự quản đường giao thông nông thôn”, “trồng hoa thay cỏ dại”. Hội Nông dân tỉnh với phong trào “nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”. Đoàn Thanh niên CSHCM tỉnh với phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ tổ quốc”, xây dựng công trình “thắp sáng đường quê” và “Tuổi trẻ Quảng Trị chung tay xây dựng nông thôn mới”. Hội Cựu chiến binh tỉnh với phong trào “Cựu chiến binh thi đua làm kinh tế giỏi”,.... Tại các thôn/bản nhiều hoạt động lồng ghép tuyên truyền xây dựng nông thôn mới cũng đã được triển khai theo hướng gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư với xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo trong phương pháp tuyên truyền như các địa phương tổ chức các hội thi, các phong trào như phong trào “Mở rộng đường giao thông nông thôn”; phong trào “thắp sáng đường quê”; tuần lễ “chỉnh trang nông thôn”; phong trào “ngày chủ nhật xanh”; phong trào “làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương”; Hội thi “Làng xanh - sạch - đẹp - an toàn”, hội thi “văn hóa nông thôn mới”…
Giai đoạn 2021-2025 đã huy động một nguồn lực rất lớn để xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí là 20.170.907 triệu đồng, trong đó: Ngân sách trung ương là 547.600 triệu đồng; ngân sách địa phương là 1.179.908 triệu đồng; lồng ghép từ các chương trình MTQG, các chương trình, dự án khác trên địa bàn để hỗ trợ hoàn thiện các tiêu chí NTM là 2.662.229 triệu đồng; nguồn vốn tín dụng là 15.101.900 triệu đồng; huy động đóng góp tự nguyện của người dân và cộng đồng là 520.228 triệu đồng, ngoài ra còn có các nguồn vốn xã hội hoá khác.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 69/95 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm tỷ lệ 72,6%), trong đó có 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; bình quân tiêu chí toàn tỉnh là 16,8 tiêu chí/xã; có 04/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (huyện Cam Lộ, Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hải Lăng); có 07 thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt chuẩn thôn nông thôn mới; có 146 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu; có 190 vườn hộ gia đình được công nhận vườn mẫu nông thôn mới.
Bên cạnh kết quả đạt được, xây dựng nông thôn mới còn một số tồn tại, hạn chế như: một số vùng miền vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn, trong khi nhiều xã đã chuyển sang giai đoạn nâng cao chất lượng, xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu thì một số xã có số tiêu chí đạt rất thấp (vẫn còn 19 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt dưới 13 tiêu chí). Chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả của một số xã sau đạt chuẩn còn hạn chế, đặc biệt là tiêu chí môi trường; chất lượng các công trình cơ sở hạ tầng ở một số địa phương đã có dấu hiệu xuống cấp do chưa được quan tâm, duy tu bảo dưỡng thường xuyên.
Một số địa phương chưa tích cực chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí, chưa thực sự phát huy hết nội lực trong Nhân dân. Các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2025 đều là các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với xuất phát điểm thấp, hiện trạng tiêu chí còn tương đối thấp, với nhiều tiêu chí khó, cần nhiều nguồn lực đầu tư như giao thông, trường học, nước sạch và một số tiêu chí chưa đạt tác động lớn đến đời sống của người dân như nhà ở, thu nhập, nghèo đa chiều…Một số địa phương trên địa bàn tỉnh còn chủ quan, thiếu quyết liệt trong việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Nguồn vốn ngân sách nhà nước, nhất là ngân sách trung ương, giải ngân còn chậm, tỷ lệ giải ngân thấp, dù đã được phép chuyển nguồn thực hiện qua nhiều năm.
Công tác chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa đồng đều; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; làng nghề chưa phát triển mạnh, năng lực hoạt động của Hợp tác xã còn một số hạn chế nhất định, chưa mạnh dạn mở rộng phát triển và thực hiện liên kết chuỗi giá trị… Nhiều địa phương chưa chú trọng quy hoạch vùng sản xuất tập trung gắn với sản phẩm chủ lực, nhân rộng mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức, thị trường đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp còn gặp khó khăn.
Phong trào xây dựng NTM ở một số địa phương có dấu hiệu chững lại, chưa chú trọng nhiều đến công tác duy trì bền vững kết quả và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM sau đạt chuẩn, nhất là tiêu chí môi trường, thu nhập,…; đặc biệt là các địa phương miền núi, biên giới có tình hình an ninh trật tự phức tạp, do vậy nhiều xã trên địa bàn huyện Đakrông, Hướng Hóa không đạt hoặc không giữ vững được chỉ tiêu an ninh trật tự. Chất lượng môi trường nông thôn tuy đã được cải thiện nhưng chưa rõ nét, ô nhiễm do rác thải, nước thải, thuốc bảo vệ thực vật còn xảy ra; ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa cao.
Công tác xây dựng thôn, bản khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới còn chưa đạt mục tiêu đề ra, nhiều thôn, bản có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, thu nhập bình quân đầu người khá thấp; cơ sở hạ tầng nông thôn chưa đồng bộ, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư khá lớn. Tiến độ thực hiện một số chương trình, dự án nằm trong kế hoạch trung hạn chưa đảm bảo theo kế hoạch đề ra; việc hỗ trợ nhà ở, đất ở cho người dân còn chậm và nhiều vướng mắc nên ảnh hưởng đến việc hoàn thành các tiêu chí của xã đăng ký đạt chuẩn.
Đối với giai đoạn 2025-2060, trong bối cảnh thực hiện chủ trương sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Với quan điểm xuyên suốt “xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc“, chắc chắn cần nhiều giải pháp tiếp cận khác để xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu chất lượng, trong đó:
Cần thay đổi phương thức thực hiện Chương trình theo hướng quản lý theo mục tiêu, phù hợp với mô hình tổ chức hành chính mới. Điều này đòi hỏi phải có cơ chế tổ chức phù hợp để đảm bảo hiệu quả quản lý khi không còn cấp huyện. Vai trò điều phối của cấp tỉnh cần được tăng cường, trong khi cấp xã phải được trao quyền chủ động nhiều hơn. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế phối hợp linh hoạt giữa các cấp chính quyền để đảm bảo tính hiệu quả trong triển khai chương trình.
Phát triển kinh tế nông thôn phải gắn với chuỗi giá trị bền vững, ứng dụng công nghệ cao và thương mại điện tử. Điều này không chỉ giúp nâng cao năng suất lao động, mà còn tạo ra nhiều việc làm tại chỗ, giữ chân lao động địa phương và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Ngoài ra thích ứng với biến đổi khí hậu cần trở thành một tiêu chí quan trọng trong phát triển nông thôn, gắn với tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
Chuyển đổi số cần được đẩy mạnh trong tất cả các lĩnh vực, không chỉ trong sản xuất nông nghiệp, mà còn trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công và phát triển kinh tế số. Việc phát triển chính quyền số cấp xã sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận các dịch vụ công một cách nhanh chóng, thuận tiện hơn.