Vai trò của các mô hình kinh tế trang trại trong xây dựng nông thôn mới

Thứ hai - 27/05/2013 22:51

Vai trò của các mô hình kinh tế trang trại trong xây dựng nông thôn mới

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một chương trình được triển khai trên địa bàn cấp xã trong phạm vi cả nước nhằm phát triển nông thôn toàn diện, bao gồm nhiều nội dung liên quan đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, hệ thống chính trị cơ sở. Tuy nhiên, mục tiêu chủ yếu và xuyên suốt là nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Như vậy, vấn đề đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất nói chung và các mô hình kinh tế trang trại nói riêng có hiệu quả ở nông thôn là 1 trong 19 tiêu chí để xem xét, đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định.
Thực hiện Nghị quyết số 03/2000/ NQ-CP ngày 2/2/2000 của Chính phủ về phát triển kinh tế trang trại và các nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế gò đồi, ven biển..., những năm qua, với yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, cùng với sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền và các cơ quan quản lý chuyên ngành, các mô hình kinh tế trang trại ở Quảng Trị có những chuyển biến tích cực, đóng góp đáng kể trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động, cung cấp nhiều loại sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cho xã hội và cộng đồng, tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và chủ trang trại, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương. 

Tính đến cuối năm 2010, toàn tỉnh có 902 trang trại các loại, nhiều nhất là huyện Vĩnh Linh có 320 trang trại, huyện Hướng Hóa có 254 trang trại, huyện Gio Linh có 96 trang trại, huyện Hải Lăng có 79 trang trại, huyện Cam Lộ có 70 trang trại, huyện Triệu Phong có 55 trang trại... (theo tiêu chí cũ). Ngày 13/4/2011, Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT quy định tiêu chí và thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại mới. Theo tiêu chí mới, tính đến hết năm 2012 toàn tỉnh có 24 trang trại các loại, giảm 878 trang trại, trong đó 3 huyện Hướng Hóa, Đakrông và Hải Lăng không có trang trại nào đạt chuẩn.

Qua số liệu điều tra, khảo sát tình hình kinh tế trang trại năm 2011 theo tiêu chí mới quy định tại Thông tư 27 của Bộ NN&PTNT cho thấy, các trang trại trồng cây hàng năm chỉ đạt tiêu chí về quy mô diện tích nhưng không đạt tiêu chí về giá trị sản lượng; các trang trại trồng cây lâu năm đa số đạt tiêu chí về quy mô diện tích nhưng không đạt tiêu chí về giá trị sản lượng; các trang trại lâm nghiệp phần lớn đều không đạt cả hai tiêu chí về quy mô diện tích và giá trị sản lượng; các trang trại chăn nuôi không đạt tiêu chí về giá trị sản lượng hàng hoá và dịch vụ bình quân; các trang trại nuôi trồng thuỷ sản đa số đạt tiêu chí về quy mô diện tích nhưng không đạt tiêu chí về giá trị sản lượng; còn các trang trại tổng hợp chỉ đạt về diện tích, nhưng không đạt tiêu chí về giá trị sản lượng hàng hoá và dịch vụ. Nhìn chung các mô hình kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, giá trị sản lượng hàng hóa đạt thấp so với quy định.

Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, vai trò của các hình thức tổ chức kinh tế trong nông nghiệp và nông thôn nói chung và các mô hình kinh tế trang trại nói riêng đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Tuy nhiên với thực trạng nêu trên, để đưa hoạt động của các mô hình kinh tế trang trại đi vào chiều sâu và phát triển đúng hướng, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, cần có sự nhìn nhận đầy đủ hơn, đồng thời có những bước đi, giải pháp phù hợp để các mô hình kinh tế trang trại ngày càng phát triển hiệu quả và bền vững.

Trước hết, cần phải xây dựng một đề án quy hoạch tổng thể về phát triển các loại mô hình kinh tế trang trại, gia trại gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Trên cơ sở đánh giá đầy đủ, cụ thể, chính xác thực trạng của từng loại hình kinh tế trang trại theo các tiêu chí quy định tại Thông tư 27 của Bộ NN& PTNT làm cơ sở để hoạch định các chủ trương, chính sách và các nội dung triển khai thực hiện đề án; đồng thời đề ra các nhiệm vụ và giải pháp hữu hiệu nhằm giúp cho các loại hình kinh tế trang trại, gia trại trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Mặt khác cần tăng cường vai trò chỉ đạo, hướng dẫn của chính quyền địa phương (tỉnh, huyện) và các cơ quan chuyên ngành đối với kinh tế trang trại, gia trại.

Trong tiến trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hiện nay, vị trí và vai trò của các mô hình kinh tế trang trại càng quan trọng hơn bao giờ hết. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở trong khi tập trung nỗ lực để xây dựng nông thôn mới cần dành sự quan tâm, đầu tư về mọi mặt để kinh tế trang trại phát triển lên một bước mới, làm nền tảng vững chắc đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh trong những năm tới.

Tác giả bài viết: Hoàng Đức Dưỡng – Chi cục PTNT

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 2.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập157
  • Hôm nay1,093
  • Tháng hiện tại31,642
  • Tổng lượt truy cập9,581,227
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây