Khẳng định vai trò của hợp tác xã nông nghiệp trong xây dựng nông thôn mới

Thứ sáu - 04/11/2022 23:07
Trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tại xã Thanh An, huyện Cam Lộ, các HTX nông nghiệp trên địa bàn đã đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân, từ đó góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn.
Cán bộ HTX nông nghiệp Cam An đóng gói gạo để đưa ra thị trường tiêu thụ - Ảnh: T.L
Cán bộ HTX nông nghiệp Cam An đóng gói gạo để đưa ra thị trường tiêu thụ - Ảnh: T.L
 
HTX nông nghiệp Cam An có 600 thành viên với tổng số vốn hoạt động 10 tỉ đồng. Hiện HTX đang thực hiện có hiệu quả 8 dịch vụ gồm thủy lợi phí, vật tư phân bón, chuyển giao KHKT, lâm nghiệp, tiêu thụ sản phẩm, bảo vệ thực vật, tín dụng nội bộ và dịch vụ giống. Để chung sức cùng địa phương thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM, thời gian qua, HTX nông nghiệp Cam An đã có nhiều nỗ lực.
 
Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Cam An Nguyễn Thế Hoài cho biết: “HTX đã hỗ trợ làm 10 km giao thông nội đồng, 15 km kênh mương nội đồng; thực hiện chuyển giao KHKT cho người dân. Cùng với đó, từ nguồn vốn quỹ tín dụng nội bộ, HTX đã tạo điều kiện cho các thành viên vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất với kinh phí khoảng 5 tỉ đồng để mua 5 máy gặt đập liên hợp và 10 máy cày nhằm tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất. Ngoài ra hằng năm, HTX đã trích lập quỹ phúc lợi để hỗ trợ các hoạt động tại địa phương như hỗ trợ Quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ tình nghĩa…”.
 
Nhằm góp phần thực hiện chương trình xây dựng NTM, HTX nông nghiệp Cam An còn tích cực tham gia chương trình OCOP. Từ năm 2018, HTX bắt đầu triển khai sản xuất lúa chất lượng cao, xây dựng thương hiệu gạo sạch Cam An với diện tích 10 ha. Để gạo sạch Cam An đứng vững trên thị trường, HTX đã thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao. Tất cả các khâu trong quá trình thâm canh lúa từ đánh giá đến lựa chọn vùng đất giống lúa, phân bón, thu hoạch, xử ý sau thu hoạch, nguồn gốc và thu hồi sản phẩm... người lao động đều được tập huấn trước khi thực hiện.
 
Hiện tại, sản phẩm gạo của HTX đã được đóng gói cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Năm 2021, sản phẩm gạo sạch Cam An được tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. HTX đã mở rộng diện tích lúa sạch tăng lên 20 ha. Lâm nghiệp được xác định là thế mạnh trong việc phát triển kinh tế vùng gò đồi. Từ năm 2013, HTX nông nghiệp Cam An đã chú trọng phát triển trồng nguyên liệu theo chứng chỉ FSC. Đến nay diện tích rừng của HTX đã tăng lên 75 ha, đem lại thu nhập bình quân 1 tỉ đồng/năm.
 
Đối với các xã thuần nông, đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM, HTX nông nghiệp càng đóng vai trò quan trọng. Để hoàn thành chương trình xây dựng NTM, các HTX nông nghiệp phải hoạt động hiệu quả, đồng thời chính các HTX sẽ hỗ trợ thực hiện một số tiêu chí khác như thu nhập, hộ nghèo, thủy lợi, lao động, môi trường...
 
Trên địa bàn xã Thanh An hiện có 2 HTX gồm HTX nông nghiệp Cam An và HTX nông nghiệp Thanh Sơn. Cùng với sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động, các HTX đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho các thành viên, ứng dụng các tiến bộ KHKT, nâng cao hiệu quả sản xuất và đã thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
 
Hoạt động của các HTX ngày càng đi vào nền nếp, hỗ trợ cho kinh tế thành viên phát triển, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần phát triển KT-XH ở địa phương. Phó Chủ tịch UBND xã Thanh An Lê Thị Lương cho biết thêm: “Sau khi sáp nhập từ 2 xã là Cam An và Cam Thanh, năm 2020, xã Thanh An được công nhận đạt chuẩn NTM. Để thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM có sự đóng góp rất lớn của các HTX trên địa bàn, đặc biệt là góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi; đối với chuyển giao KHKT, bình quân mỗi năm các HTX mở từ 3-4 lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho người dân.
 
Trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, các HTX đã thực hiện tích cực, nhờ vậy đã có nhiều mô hình cây trồng mới như chè vằng, trồng hoa… được hình thành thay thế cho các loại cây truyền thống, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Bộ mặt nông thôn nhờ vậy có nhiều khởi sắc, thu nhập người dân đạt 54 triệu đồng/người/năm”.
 
Kinh tế tập thể, HTX luôn gắn liền với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, là cơ sở và lực lượng cốt lõi để phát triển KT-XH bền vững. Để nâng cao vai trò của HTX trong xây dựng NTM, trong những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác phát triển mà trọng tâm là xây dựng HTX kiểu mới theo hướng liên kết chuỗi, cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Xã Thanh An cũng có nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tập thể, mà trọng tâm là HTX.
 
Trong đó chú trọng công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế. Đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, tạo nguồn cán bộ trẻ đạt chuẩn để có kế hoạch thay thế các chức danh quản lý trong các HTX. Có cơ chế thu hút cán bộ trẻ, được đào tạo đạt chuẩn về tham gia công tác tại các HTX. Quan tâm phát triển các khâu dịch vụ thiết yếu gắn với quyền lợi trực tiếp của thành viên, dành một phần kinh phí thích đáng cho công tác nghiên cứu, tiếp cận, khảo sát thị trường.
 
Chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển và hình thành chuỗi giá trị nông sản hàng hóa từ khâu cung ứng dịch vụ đầu vào, liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nhằm tăng hiệu quả kinh tế và nâng cao thu nhập cho thành viên. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, phát huy vai trò của mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội trong công tác đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập53
  • Hôm nay18,509
  • Tháng hiện tại195,503
  • Tổng lượt truy cập8,395,800
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây