Nâng cao năng lực hoạt động của các HTX nông nghiệp

Chủ nhật - 20/08/2017 22:07
Thực hiện Luật HTX năm 2012, trong những năm qua, với sự chỉ đạo của tỉnh và hỗ trợ của các cấp, các ngành, các HTX nông nghiệp trong toàn tỉnh đã tiến hành Đại hội, chuyển đổi sang mô hình hoạt động mới. Cho đến nay, nhìn chung các HTX đã đảm nhận các khâu dịch vụ, nhiều nơi mở thêm 1 số loại hình dịch vụ mới, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đồng thời có những việc làm thiết thực, góp phần vào quá trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động nhiều HTX đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần được sự quan tâm của các cấp, các ngành.
Mô hình nuôi lợn theo hướng gia trại
Mô hình nuôi lợn theo hướng gia trại
Cuối năm 2015, HTX Kinh Môn, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh đã tổ chức Đại hội, chuyển đổi sang mô hình hoạt động mới theo Luật HTX năm 2012. Với bộ máy quản lý có năng lực trình độ, các thành viên tự nguyện góp vốn, trong 2 năm qua, HTX đã thể hiện rõ vai trò trong việc hỗ trợ, giúp đỡ cho xã viên cũng như tham gia xây dựng nông thôn mới. Cùng với việc thực hiện tốt các khâu dịch vụ với thành viên, HTX còn triển khai các biện pháp thâm canh, nhất là đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi thông qua các buổi tập huấn, hội thảo, xây dựng mô hình trình diễn, nhờ vậy năng suất lúa đã tăng từ 40 tạ lên hơn 50 tạ/ha/vụ, mỗi ha cao su tăng thu nhập từ 10 đến 12 triệu đồng/năm. Ngoài ra khai thác rừng thông 1 năm 180 đến 200 triệu, sau khi trừ chi phí dành lại đầu tư xây dựng cơ bản. So với trước đây, doanh thu và lợi nhuận đều tăng, bình quân 1 năm HTX lãi kinh doanh 131 triệu, thu nhập bình quân đầu người 1 năm 26 triệu đồng, trong đó có hơn 20% hộ gia đình có thu nhập 1 năm trên 200 trăm triệu đồng. Ông Lê Hữu Quang, Giám đốc HTX Kinh Môn, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh nói: Nét mới nhất sau khi Đại hội chuyển đổi theo Luật đó là đội ngũ cán bộ quản lý được củng cố lại, có năng lực và trình độ và các thành viên đã tự nguyện cam kết tham gia các hoạt động do HTX tổ chức, nhất là góp vốn. Thứ hai là cùng với việc củng cố, nâng cao các dịch vụ đã đảm nhận lâu nay, HTX đã mở thêm 1 số dịch vụ mới, đặc biệt là dịch vụ tín dụng nội bộ. Với loại hình này, ngoài nguồn vốn của HTX đã thu hút vốn nhàn rỗi của các thành viên, vừa phục vụ cho nhu cầu vay vừa giải quyết kịp thời cho các thành viên mượn, giải quyết những khó khăn trước mắt khi trong gia đình gặp đau ốm, hoạn nạn. Ngoài ra HTX còn xây dựng Quỹ phúc lợi để góp vốn cùng với địa phương xây dựng đường giao thông, hệ thống kênh mương, lắp đặt đèn đường chiếu sáng, xây dựng nông thôn mới.
Sau khi Luật HTX được Quốc hội thông qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, các ngành chức năng hướng dẫn những nội dung cơ bản về việc tổ chức Đại hội thành viên gắn với chuyển đổi HTX hoạt động theo mô hình mới. Nếu như trước ngày 01 tháng 7 năm 2013, toàn tỉnh có 300 HTX nông nghiệp, sau khi chuyển đổi, đến 31 tháng 12 năm 2016 chỉ còn 260 đơn vị với 68800 thành viên. Với những chính sách ưu đãi, hỗ trợ của tỉnh và của các ngành chức năng cộng với đội ngũ cán bộ quản lý được củng cố kiện toàn, có năng lực và trình độ, đặc biệt xây dựng kế hoạch cũng như xác lập phương án sản xuất kinh doanh phù hợp, sau khi chuyển đổi nhìn chung các HTX đã đảm nhận tốt các khâu dịch vụ, nhiều nơi còn mở thêm 1 số loại hình dịch vụ mới. Bên cạnh đó thực hiện tốt việc quy hoạch đồng ruộng, dồn điền đổi thửa, tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất và đặc biệt là đã từng bước liên doanh, liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Chính nhờ vậy doanh thu bình quân của 1 HTX 1 năm đạt 992 triệu đồng, tăng 205,8 triệu đồng sơ với khi chưa chuyển đổi, lợi nhuận bình quân của 1 HTX 114 triệu đồng, tăng 14,6 triệu. Không chỉ sản xuất kinh doanh có hiệu quả, chung tay thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, các HTX còn trích quỹ phúc lợi, huy động sự đóng góp của xã viên về tiền và ngày công, đảm nhận xây dựng kiên cố hóa hệ thống kênh mương, bê tông hóa các trục đường giao thông, lắp đặt đèn đường, góp làm thay đổi bộ mặt các vùng quê.
Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, qua khảo sát thực tế cho thấy chỉ có 5%  HTX được xem là hoạt động mang lại hiệu quả như mong đợi, 95% HTX còn lại chưa đáp ứng đầy đủ vai trò của HTX kiểu mới, trong đó gần 50% HTX hầu như hoạt động theo mô hình HTX kiểu cũ, tồn tại nhiều hạn chế và khó khăn. Phần lớn cơ sở vật chất kỹ thuật thiếu thốn và xuống cấp, nhiều nơi không có hội trường làm việc, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không đủ các điều kiện thế chấp tài sản vay vốn Ngân hàng, chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, nhiều nơi chưa đổi mới ngành nghề dịch vụ sản xuất kinh doanh mà chỉ tập trung vào các dịch vụ cơ bản phục vụ sản xuất, thiếu liên doanh, liên kết giữa các HTX với nhau trên cùng 1 địa bàn nên lợi nhuận thấp, lợi ích mang lại cho thành viên còn ít. Mặt khác một số nơi cấp ủy đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm một cách đầy đủ việc chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, có nơi can thiệp quá sâu hoặc có nơi thì buông lõng vai trò quản lý. Bên cạnh đó do đội ngũ cán bộ HTX trước đây năng lực yếu kém, quản lý tài chính thiếu chặt chẽ, chưa đúng quy định nhà nước và nhận thức của 1 bộ phận xã viên còn hạn chế, không đóng góp đầy đủ vốn góp bổ sung theo yêu cầu, thậm chí có nơi chây ỳ, không trả nợ dẫn đến nợ khê đọng lớn, 1 số đơn vị phải giải thể, 1 số phải chuyển qua hoạt động theo mô hình Tổ hợp tác. Ông Nguyễn Văn Chung, Tổ trưởng Tổ hợp tác Xuân Hòa, xã Trung Hải, huyện Gio Linh nói với chúng tôi rằng: Khi chuyển qua Tổ hợp tác gặp rất nhiều khó khăn, trụ sở không có, phải mượn trụ sở của thôn để hoạt động. Đặc biệt hiện nay nguồn vốn nợ khê đọng rất lớn và khả năng chi trả của nhân dân khó khăn, không chỉ không có nguồn vốn để hoạt động mà Tổ hợp tác không đủ tư cách pháp nhân để vay các Ngân hàng. Còn ông Trần Hà, Giám đốc HTX nông nghiệp dịch vụ Hồ tiêu Cùa cho biết: Việc tiêu thụ nông sản làm ra rất khó khăn, chưa nói đến giá cả lên xuống thất thường, có năm giá giảm sâu, gây tâm lý hoang mang cho người dân. Mặt khác, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết, dịch bệnh cũng có sự tác động lớn, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của các HTX. Ngoài những khó khăn nói trên cần phải nói thêm rằng sự phối hợp giữa các ngành trong quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác chưa được rõ ràng và thống nhất. Đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước về HTX nông nghiệp từ tỉnh đến huyện, xã còn thiếu cán bộ chuyên trách, hầu hết là kiêm nhiệm, do đó công tác nắm bắt thông tin, hướng dẫn, giúp đỡ HTX gặp rất nhiều khó khăn. Cán bộ quản lý HTXNN hầu hết tuổi đời khá cao và ít được tham gia các lớp tập huấn, đào tạo nên tư duy phát triển sản xuất chưa theo kịp với sự phát triển của cơ chế thị trường. Mặt khác, do thu nhập đối với cán bộ làm việc trong khu vực hợp tác xã còn thấp, chế độ chính sách hỗ trợ mang tính lâu dài chưa có nên chưa có động lực thu hút những người có năng lực, trình độ tham gia vào hợp tác xã. Ông Trần Thanh Hiền, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Trị nhấn mạnh: Để tháo gỡ khó khăn cho các HTX nông nghiệp trên địa bàn, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật HTX năm 2012, mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý. Bên cạnh đó, ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn, nhất là vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX hoạt động, định hướng và chỉ đạo HTX làm tốt các khâu dịch vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ttổ chức sản xuất cánh đồng lớn và vùng nguyên liệu tập trung, xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra chuỗi giá trị và sản phẩm có giá trị cao cũng như kêu gọi và khuyến khích các doanh nghiệp liên kết, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để thu mua, chế biến, giải quyết đầu ra cho nông sản phẩm. Mặt khác tham mưu cho UBND tỉnh và các ngành chức năng tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách để giúp cho Doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các nhà tư vấn, Ngân hàng tham gia hỗ trợ, giúp đỡ cho các HTX.
Trong sản xuất nông nghiệp HTX đóng vai trò rất quan trọng nhưng trong thực tế đang tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ. Để tiến tới xây dựng HTX kiểu mới trong giai đoạn tới phù hợp với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, thiết nghĩ các cấp, các ngành cần có cơ chế khơi thông các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện cho các HTX sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó ưu tiên nguồn lực xây dựng và phát triển các mô hình HTX, tổ hợp tác, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển 1 số cây trồng, vật nuôi chủ lực mà HĐND tỉnh đã ban hành, tạo ra chuỗi giá trị nông sản an toàn và có giá trị kinh tế cao, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp với nông dân thông qua HTX, xúc tiến thành lập liên hiệp HTX sản xuất và kinh doanh một số sản phẩm chủ lực của địa phương.
 

Tác giả bài viết: Bá Thuần

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập7
  • Hôm nay980
  • Tháng hiện tại49,627
  • Tổng lượt truy cập8,143,163
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây