Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thứ năm - 07/09/2017 21:18
Nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng lao động nông thôn trước yêu cầu đáp ứng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống cho người dân ở nông thôn, Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định 1956/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được triển khai ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tỉnh Quảng Trị sau 6 năm triển khai đề án này đã đạt được một số kết quả ban đầu.
Đào tạo nghề sửa chữa ô tô tại Trường Trung cấp nghề Quảng Trị
Đào tạo nghề sửa chữa ô tô tại Trường Trung cấp nghề Quảng Trị

Trong giai đoạn 2011- 2015, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho gần 37.000 lao động ở nông thôn, trong đó sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng là hơn 36.000 người. Đến năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 43,55%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 32,85%. Riêng năm 2016, tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề cho gần 7.500 người, trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn gần 4.000 người. Như vậy, theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn tỉnh cứ 2 lao động nông thôn thì đã có gần 1 lao động được đào tạo nghề, con số này không phải là thấp.

 

Nếu công tác đào tạo nghề triển khai đạt hiệu quả thực chất thì gần 45.000 người được đào tạo nghề cũng đồng nghĩa với gần 45.000 cơ hội việc làm được mở ra. Tuy vậy, thực tế công tác đào tạo nghề lại có những bất cập cần tháo gỡ. Theo các ngành chức năng của tỉnh, người lao động sau khi học nghề đã biết vận dụng các kiến thức, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tuy nhiên, thực tế nhiều lao động sau khi học nghề không phát triển nghề được do thiếu vốn sản xuất và thiếu thị trường tiêu thụ sản phẩm.

 

Còn ở cơ sở, công tác tư vấn học nghề, chọn nghề, điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu của người học mà chủ yếu dạy và học nghề theo phong trào, công tác đào tạo nghề chưa gắn kết với sử dụng lao động nên nhiều lao động sau khi học xong không làm theo đúng nghề đã học. Nguyên nhân chính của việc này là do chính quyền cơ sở nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa của các lớp đào tạo nghề, dẫn đến việc khảo sát nhu cầu, định hướng nghề nghiệp và giải quyết việc làm sau khi kết thúc khóa học cho lao động nông thôn chưa được quan tâm thỏa đáng.

 

Đa số các địa phương chưa bố trí ngân sách để thực hiện công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn. Trách nhiệm của chính quyền địa phương quyết định về hiệu quả trong đào tạo nghề, quan tâm đến đối tượng muốn học nghề để vận dụng vào thực tiễn phát triển kinh tế hộ gia đình cũng như kinh tế địa phương hiệu quả hơn. Có thể nhận thấy rằng cái đích tạo việc làm cho người lao động sau khi được đào tạo nghề theo Đề án 1956 chưa được quan tâm. Đó là chưa kể nhiều nghề được đào tạo không sát với thực tế bởi khi xây dựng các kế hoạch đào tạo đã không quan tâm tới đối tượng học, nghề học, khả năng việc làm sau khi học nghề của người lao động…

 

Do đó, không chỉ người lao động ở nông thôn được đào tạo nghề không phù hợp mà sự gắn kết giữa nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề và người học từ khâu khảo sát xác định nhu cầu đào tạo đến khâu tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm cho lao động cũng chưa được hình thành. Hiện các cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp chưa thiết lập được quan hệ hợp tác, hỗ trợ nhau. Vì vậy, hoạt động đào tạo, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động của trường nghề chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

 

Về phía người lao động thì chưa xác định được nghề mình học và khả năng ứng dụng vào thực tiễn của bản thân mà vẫn cứ tham gia các lớp học nghề. Để khắc phục tình trạng đào tạo nghề không gắn với giải quyết việc làm, năm 2017, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện phương châm “Chỉ đào tạo nghề khi xác định được việc làm và thu nhập sau học nghề”. Đào tạo nghề gắn với việc làm là nhu cầu cấp thiết hiện nay. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục rà soát và phê duyệt điều chỉnh các chỉ tiêu, nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động giai đoạn 2017- 2020 của tỉnh, đảm bảo gắn liền với quy hoạch, định hướng phát triển KT-XH; quy hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương.

 

Trong thời gian tới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến triển khai thực hiện Chỉ thị số 19- CT/TƯ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 19 đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, người lao động và nhân dân; tăng cường công tác tuyên truyền các chính sách của Đảng và Nhà nước về đào tạo nghề cho lao động; về vai trò, tầm quan trọng của đào tạo nghề đối với phát triển KT- XH, tạo việc làm, nâng cao thu nhập để người lao động biết và tích cực tham gia học nghề.

 

Chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016- 2020. Rà soát và phê duyệt điều chỉnh các chỉ tiêu, nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động giai đoạn 2017- 2020 của địa phương, đảm bảo gắn liền với quy hoạch, định hướng phát triển KT-XH; quy hoạch xây dựng nông thôn mới; quy hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, làng nghề, vùng chuyên canh trên cơ sở quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương châm “Chỉ đào tạo nghề khi xác định được việc làm và thu nhập sau học nghề”.

 

Gắn chặt việc rà soát, xác định danh mục nghề đào tạo với làm tốt công tác định hướng, tư vấn nghề để người lao động lựa chọn. Có những biện pháp tích cực giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để người lao động được vay vốn sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm sau khi học để phát huy hiệu quả dạy và học nghề. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng, phê duyệt chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo theo quy định, sát với thực tiễn. Chú trọng lồng ghép bồi dưỡng kiến thức, “kỹ năng mềm” cho người học nghề.

 

Chỉ đạo tổ chức triển khai đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng đối với lao động nông thôn và chịu trách nhiệm về kết quả, hiệu quả đào tạo nghề trên địa bàn, trong đó tập trung chỉ đạo: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo các mô hình đã thí điểm có hiệu quả; đào tạo tại doanh nghiệp, làng nghề, vùng chuyên canh, thôn, bản, xã; gắn đào tạo với liên kết sản xuất, hỗ trợ vốn sản xuất, tạo việc làm cho lao động nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

 

Đối với đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động, tập trung tổ chức đào tạo theo vị trí làm việc tại doanh nghiệp để doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc theo hợp đồng lao động hoặc tổ chức việc làm cho lao động nông thôn theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Đối với đào tạo nghề nông nghiệp, tập trung tổ chức đào tạo cho các đối tượng là nông dân nòng cốt tại địa phương, đủ điều kiện áp dụng kiến thức nghề sau khi học… Mục tiêu của tỉnh đề ra là bình quân mỗi năm tạo việc làm mới cho trên 9.500 lao động; đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65-70%.

 

Để đạt được mục tiêu này, tỉnh cũng đề ra một trong những nhiệm vụ là thực hiện tốt chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với tạo việc làm sau đào tạo. Như vậy, vấn đề dạy nghề cho lao động nông thôn phải được nhìn nhận với tầm quan trọng mới, để từ đó có giải pháp giải quyết các bất cập, vướng mắc để tỉnh có nguồn lao động chất lượng đảm bảo đáp ứng tốt cho nhu cầu phát triển KT-XH của địa phương, người lao động sau khi đào tạo có việc làm, để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt được kết quả thực chất.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập109
  • Hôm nay24,479
  • Tháng hiện tại108,270
  • Tổng lượt truy cập8,308,567
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây