Nông thôn mới Quảng Trị

https://nongthonmoi.quangtri.gov.vn


Kỷ yếu nông thôn mới

 
   

LỜI NÓI ĐẦU
Thực hiện Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh Quảng Trị xác định xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương; UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương triển khai xây dựng nông thôn mới một cách vững chắc, không chạy theo thành tích, phát động mạnh mẽ phong trào “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới” trong đó nâng cao vai trò chủ thể của người dân, phát huy nội lực thông qua việc hiến đất, hiến công, hiến kế, đóng góp sức người, sức của để xây dựng nông thôn mới theo phương thức “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra và thụ hưởng”.
Trong 3 năm qua (2016-2018) kết quả xây dựng nông thôn mới đã huy động được gần 21 ngàn tỷ đồng, đến nay đã có 42/117 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 36% số xã của tỉnh), tiêu chí đạt bình quân là 14,25 tiêu chí/xã, dự kiến đến hết năm 2018 có thêm 8-10 xã đạt chuẩn (nâng tổng số xã lên 50-52 xã) và đến năm 2019 có 01 huyện đạt chuẩn; đặc biệt xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã kiểm soát tốt về nợ đọng xây dựng cơ bản, không được huy động quá sức dân trong xây dựng nông thôn mới, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo kết quả.
Mục tiêu của tỉnh về xây dựng nông thôn mới đến năm 2020 theo Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 20/4/2017 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017 -2020 là có từ 59-65 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm tỷ lệ 50-55%), có ít nhất 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, không còn huyện chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã đồng bằng đạt dưới 16 tiêu chí, không còn xã miền núi đạt dưới 8 tiêu chí.
Để thực hiện mục tiêu của tỉnh đề ra, đồng thời giúp cán bộ chỉ đạo, thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới ở các cấp, các ngành và cơ sở có thêm tài liệu tham khảo, Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh xin giới thiệu “Kỷ yếu xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Trị” trong đó tập hợp kết quả thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới của các sở, ban, ngành, địa phương, phong trào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, bảo vệ môi trường, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Trong quá trình biên tập Kỷ yếu không thông tránh khỏi những hạn chế, Ban biên tập mong nhận được góp ý của các tập thể, cá nhân để lần xuất bản sau đạt chuất lượng cao hơn.
                                 VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI NÔNG THÔN MỚI QUẢNG TRỊ
PHỤ LỤC
                                                                                                       
TT Nội dung Trang
Phần thứ nhất PHONG TRÀO XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI CỦA CÁC SỞ, BAN,  NGÀNH CẤP TỈNH  
  Nâng cao hiệu quả công tác mặt trận tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng nông thôn mới
Ghi nhận từ cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” của các cấp hội liên phụ nữ Quảng Trị
Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị đẩy mạnh công tác dân vận trong xây dựng Nông thôn mới
Phát huy sức trẻ trong xây dựng nông thôn mới
Kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Kết quả sau 3 năm thực hiện Phong trào “ Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020
Công tác quy hoạch trong xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Trị
Phát triển hạ tầng giao thông nông thôn trong giai đoạn 2008-2018 và giải pháp trong thời gian tới.
 Ghi nhận từ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động chung sức xây dựng nông thôn mới
Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới
Đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động nữ trên địa bàn Quảng Trị
Ngành Y tế Quảng Trị nỗ lực xây dựng tiêu chí quốc gia về y tế

Đẩy mạnh thực hiện tiêu chí Thông tin và Truyền thông trong xây dựng nông thôn mới

Huy động nguồn lực thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.

 

 
Phần thứ hai PHONG TRÀO XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI CỦA CÁC ĐỊA PHƯƠNG  
  Điểm sáng trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới
Tiếp tục tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Đakrông
Sắc xuân trên những làng quê nông thôn mới 
Phát huy sức mạnh nội lực trong xây dựng nông thôn mới              
Nông dân Gio Quang thực hiện vai trò là trung tâm nòng cốt trong phong trào xây dựng nông thôn mới                             
Huy động các nguồn lực để thực hiện mục tiêu xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia
Mô hình sáng tạo, hiệu quả bảo vệ an ninh tổ quốc
 
Phần thứ ba: BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI  
  Quảng Trị chung tay giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon
Tuổi trẻ Quảng Trị xung kích bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan nông thôn xanh sạch đẹp
Vĩnh Lâm tích cực cải tạo cảnh quan môi trường nông thôn
 
 
Phần thứ tư THIẾT CHẾ VĂN HÓA VÀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU  
  Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh Quảng Trị
Triệu Phong xây dựng đời sống văn hóa ở Khu dân cư
Phát động xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu
Cam Hiếu từng bước xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu
Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa
Vĩnh Kim điểm sáng trong xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu
 
Phần thứ năm PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT, NÂNG CAO THU NHẬP TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI  
  Hướng đi mới của hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới 
Các mô hình chuyển đổi sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững
Hiệu quả từ mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp
Bước đột phá trên lĩnh vực “tam nông” ở Vĩnh Linh
Mô hình hợp tác xã chăn nuôi lợn hiệu quả
Hỗ trợ phát triển mô hình cải tạo vườn tạp cho người dân
Nhân rộng mô hình tổ hợp tác nuôi gà an toàn sinh học
Vĩnh Tú chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững
Nông dân Triệu Phong hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch
Mô hình giảm nghèo xã Gio Sơn, huyện Gio Linh
Du lịch về miền nông sản sạch
Trồng sen lấy gương cho thu nhập cao
Triệu Trung phát triển sản xuất rau an toàn
Cam Lộ, chú trọng sản xuất nông sản sạch
Làm giàu từ những vật nuôi mới
 
Phần thứ sáu GƯƠNG ĐIỂN HÌNH TRONG PHONG TRÀO XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI.
Người nông dân làm kinh tế giỏi  
Tấm lòng của người con xa quê
Gương sáng bản làng
Phong trào hiến đất ở A Xing
  

 
Phần thứ nhất
PHONG TRÀO XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI CỦA CÁC SỞ, BAN,  NGÀNH CẤP TỈNH
 
NÂNG CAO HIỆU QUẢ MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM THAM GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
                          (Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh Quảng Trị)
Xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp lâu dài của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó Mặt trận Tổ quốc các cấp đóng vai trò rất quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân đoàn kết, phát huy sức mạnh thực hiện thắng lợi phong trào “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Những năm qua, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã không ngừng được phát huy, mở rộng và ngày càng nâng cao về chất lượng và hiệu quả. Cuộc vận động đã đi vào cuộc sống của người dân, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, thực sự trở thành cuộc vận động rộng lớn của toàn dân, góp phần tích cực vào thực hiện các nội dung, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Từ đó, tạo sự chuyển biến trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nông thôn; thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững; tạo mọi điều kiện để người dân tham gia đóng góp và hưởng lợi nhiều hơn trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Thực hiện vai trò, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam tham gia xây dựng nông thôn mới, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh đã ban hành chương trình hành động số 09/CTHĐ-MT ngày 4/7/2012 về thực hiện phong trào thi đua “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2012 – 2020 và kế hoạch số 85/KH-MTTQ-BTT ngày 07 tháng 11 năm 2016 v/v thực hiện Phòng trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020 đến Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên trên địa bàn tỉnh gắn với các nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã được các tầng lớp nhân dân trong tỉnh hưởng ứng tích cực và nhiệt tình tham gia thực hiện đã mang lại kết quả khá toàn diện, thể hiện rõ trên 5 nội dung của cuộc vận động.
Phong trào “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới” từ năm 2016 – 2018 đã huy động  được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và hoạt động có hiệu quả. MTTQ các cấp trong tỉnh tham gia xây dựng nông thôn mới, thực hiện các tiêu chí về nhà ở dân cư, giúp nhau phát triển kinh tế, đóng góp xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở, môi trường, giao thông, xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; Vận động nhân dân tham gia đóng góp trên 10.000 nghìn ngày công, đóng góp 403,3 tỷ đồng, làm mới và sửa chữa 3.714 km đường giao thông, xây dựng 65 cổng làng; nạo vét, nâng cấp 547 km kênh mương nội đồng, hiến trên 771.913 m2 đất của các hộ gia đình để xây dựng đường giao thông, kênh mương nội đồng được xây dựng theo quy hoạch, nổi bật là UBMTTQVN tỉnh huy huy động nguồn lực hỗ trợ xây dựng và sữa chữa 52 công trình dân sinh với tổng trị giá 21,39 tỷ đồng như: Trường học, trạm y tế, đường giao thông nông thôn, Trung tâm học tập cộng đồng ở khu dân cư ở các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới… Những mô hình tiêu biểu như: vận động nhân dân thực hiện “Thắp sáng đường quê” ở xã Cam Thành (huyện Cam Lộ); Vĩnh Thủy, Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Linh); Mô hình thành lập các tổ nhóm thu gom rác thải ở KDC Đạo Đầu, xã Triệu Trung (huyện Triệu Phong); Mô hình hiến đất làm đường ở thôn Như Lệ, xã Hải Lệ (TX Quảng Trị); Mô hình vận động nhân dân di dời mồ mả ở khu dân cư và trong đất sản xuất đến nơi quy hoạch ở xã Hải Thượng, Hải Lâm (huyện Hải Lăng)... Toàn tỉnh đã có trên 70% đường trục liên xã được bê tông hóa; 60% đường liên thôn được bê tông hóa; Vận động nhân dân đóng góp xây dựng các thiết chế văn hoá; chỉnh trang nhà cửa theo quy hoạch: sân, vườn, ngõ sạch đẹp, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Tham gia thực hiện các tiêu chí về nhà ở dân cư; Vận động nhân dân chỉnh trang nhà cửa theo quy hoạch. Động viên nhân dân phát triển sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển ngành nghề, cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn, đẩy mạnh chăn nuôi, thuỷ sản để tăng thu nhập nâng cao đời sống. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc vận động “Quỹ vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội. Công tác vận động, giải ngân hỗ trợ “Quỹ vì người nghèo” được Mặt trận các cấp trong tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả. Từ 1/1/ 2016 đến 8 tháng đầu năm 2018, Ban vận động “Quỹ vì người nghèo” các cấp trong tỉnh đã huy động được trên 50 tỷ đồng, giải ngân hỗ trợ xây dựng 705 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, trị giá 28,5 tỷ đồng, hỗ trợ sữa chữa nhà ở cho 149 gia đình, trị giá 1.144,6 triệu đồng của các xã xây dựng nông thôn mới để hoàn thành tiêu chí nhà tạm trên địa bàn sớm về đích theo kế hoạch đề ra và các hỗ trợ khác như hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ học sinh nghèo, hỗ trợ khám chữa bệnh, hỗ trợ khó khăn đột xuất trị giá hàng tỷ đồng. Thông qua đó, đã góp phần cùng với các ngành thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, Vì vậy, số hộ khá giả hàng năm tăng, số hộ nghèo giảm đi rõ rệt, đến cuối năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn 11,52% tương ứng với 19.541 hộ, hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 6,85%, tương ứng với 11.613 hộ.
Công tác xây dựng đời sống văn hoá tinh thần lành mạnh, phong phú ở khu dân cư, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; chăm lo sự nghiệp giáo dục; chăm sóc sức khoẻ, thực hiện dân số KHHGĐ đã tạo chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của cán bộ và nhân dân trong việc xây dựng đạo đức và lối sống, gắn liền với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo được môi trường văn hóa lành mạnh ở cộng đồng dan cư, góp phần giữ gìn thuần phong mỹ tục, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta. Thông qua công tác tuyên truyền vận động, việc thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức tiệc cưới, việc tang và lễ hội đã từng bước xóa bỏ tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan; sinh hoạt văn hóa ngày càng vừa thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, vừa đa dạng và nâng cao để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Cùng với sự đầu tư của Nhà nước và đẩy mạnh công tác xã hội hóa nên phong trào văn hóa cơ sở được phát triển, nhân dân ở cộng đồng dân cư đã góp phần tích cực để tạo ra cơ sở vật chất và điều kiện mới phục vụ cho đời sống văn hóa; cơ sở hạ tầng, đường làng ngõ xóm được nâng cấp. Toàn tỉnh hiện có 941/1082 làng có nhà văn hóa duy trì hoạt động thường xuyên, có 513 câu lạc bộ, 882 sân thể thao, góp phần làm cho đời sống văn hóa tinh thần ở các khu dân cư được nâng lên, đem lại giá trị văn hóa tinh thần và ý nghĩa giáo dục sâu sắc.
Vận động nhân dân trong khu dân cư đưa trẻ em trong độ tuổi đi học đến trường; Toàn tỉnh có 140/141 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; 140/141 xã, phường, thị trấn duy trì đạt chuẩn quốc gia về phổ cập THCS; 70/141 xã, phường, thị trấn đạt phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi.  Tiếp tục  xây dựng phong trào khuyến học, khuyến tài; đến nay, toàn tỉnh có 10/10 huyện, thị xã, thành phố và 141/141 xã, phường, thị trấn, 1116 thôn, bản, khu dân cư có chi hội khuyến học, trong đó có 61.757 gia đình đạt danh hiệu gia đình hiếu học (do TW Hội Khuyến học VN quy định), 827 dòng họ hiếu học và 647 cộng đồng đạt danh hiệu cộng đồng khuyến học... đã có 107/117 xã đạt chuẩn về tiêu chí giáo dục trong xây dựng nông thôn mới.
Vận động nhân dân tham gia chăm sóc sức khoẻ, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng còn 17% (KH là 18,5%); trẻ em được tiêm chủng đẩy đủ; thực hiện tốt công tác dân số kế hoạch hoá gia đình, giảm tỷ suất sinh ước đạt 0,6%o (kế hoạch là 0,5%o); phòng, chống HIV/AIDS và phòng chống các tệ nạn ma tuý, mại dâm và các tệ nạn xã hội ở cộng đồng.
Vận động nhân dân thực hiện tiêu chí về Môi trường: Ban Thường trực UBMT tỉnh đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường phát động  phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Các hoạt động thông tin tuyên truyền về nội dung bảo vệ môi trường đã được triển khai đến từng hộ gia đình, khu dân cư. Vận động nhân dân dùng nước sạch và vệ sinh môi trường; xây dựng các điểm thu gom, xử lý rác thải, không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; duy trì các hoạt động giữ gìn vệ sinh làm sạch đẹp khang trang đường làng, ngõ xóm. Xây dựng được 57 khu dân cư thực hiện mô hình điểm xoá đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường và 846/1.137 khu dân cư đảm bảo vệ sinh môi trường. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động và tăng cường kiểm tra, truyền thông mà nhận thức của nhân dân trên địa bàn dân cư được nâng lên rõ rệt. Người dân đã có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh chung.
Phát huy vai trò nhân dân trong tham gia giám sát xây dựng nông thôn mới, đã hướng dẫn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân, Ban GSĐTCĐ; kịp thời phản ánh những ý kiến, kiến nghị của nhân dân để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Hình thức vận động nhân dân giám sát thông qua hoạt động của Ban TTND và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tiếp tục được duy trì và phát huy; Toàn  tỉnh có 141 ban TTND/141 xã, phường, thị trấn với 1.190 thành viên, đã tham gia giám sát 3.094 vụ việc về thực hiện Nghị quyết và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của HĐND; thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; bình chọn các đối tượng nghèo đề nghị hỗ trợ nhà đại đoàn kết; kiểm tra, giám sát việc lập và niêm yết danh sách các hộ dân đề nghị hỗ trợ của Chính phủ do hiện tượng hải sản chết hàng loạt; giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; chi trả chế độ chính sách của Nhà nước đối với các đối tượng được hưởng chính sách; thu chi, quyết toán ngân sách, quản lý các khoản đóng góp của nhân dân, đền bù thiệt hại môi trường biển…; đã tiếp nhận 1.072 đơn khiếu nại, tố cáo và trực tiếp kiến nghị xử lý 750 đơn thư khiếu nại, tố cáo các loại, các kiến nghị xử lý cơ bản được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Từ những kết quả xây dựng nông thôn mới, có thể rút ra một số kinh nghiệm trong công tác Mặt trận tham gia xây dựng nông thôn mới như sau:
1. Mặt trận Tổ quốc phải làm nồng cốt phối hợp với chính quyền, các đoàn thể trong việc hướng dẫn, triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Trong xây dựng nông thôn mới cần tập trung chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện vấn đề dân chủ công khai trong quy hoạch xây dựng, tài chính và đóng góp của nhân dân, trong việc thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng... bảo đảm cho mọi người dân biết và tham gia ý kiến.
2. Cần làm tốt công tác vận động, tuyên truyền trong nhân dân, bảo đảm sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ, phát huy vai trò tập hợp, vận động đoàn viên, hội viên tham gia thực hiện nội dung, kế hoạch đề ra. Tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, khó khăn của địa phương ngay từ cơ sở, huy động sự đóng góp tích cực của nhân dân.
3. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của MTTQ trong việc thực hiện quy hoạch xây dựng, vấn đề thu chi tài chính, đền bù giải phóng mặt bằng, sự đóng góp của nhân dân, bảo đảm công khai minh bạch. Coi trọng việc giám sát của cộng đồng nhân dân, thanh tra nhân dân, phát hiện những sai sót để chấn chỉnh kịp thời.
4. Trong đánh giá, công nhận phải bám sát các tiêu chí cả về nội dung, yêu cầu đạt được và vai trò, ý nghĩa của từng tiêu chí; sâu sát thực tiễn; chủ động trong công việc; để đảm bảo phản ánh chính xác mức độ đạt được của mỗi tiêu chí, để có cơ sở duy trì và nâng cao đối với các tiêu chí đã đạt, cũng như có tác dụng mạnh mẽ trong nhắc nhở địa phương tiếp tục phấn đấu thực hiện đối với các tiêu chí chưa đạt, vì đây là cái gốc xuất phát điểm để thực hiện tiếp theo.
5. Trong quá trình thực hiện, ngay từng nội dung cần xây dựng mô hình mẫu thuyết phục thì việc triển khai nhân ra diện rộng mới thành công.
6. Công tác thi đua, khen thưởng trong xây dựng NTM phải thường xuyên được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, có sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong tổ chức, vận động các tầng lớn nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia.

 
GHI NHẬN TỪ CUỘC VẬN ĐỘNG  “XÂY DỰNG GIA ĐÌNH 5 KHÔNG, 3 SẠCH” CỦA CÁC CẤP HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ QUẢNG TRỊ.
                                                                             (Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh)
 Thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”  do TW Hội LHPN Việt Nam phát động, các cấp Hội Phụ nữ trong toàn tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động gắn với thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, phong trào “Phụ nữ Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới”, với nhiều cách làm hay, sáng tạo, từng bước khẳng định vai trò quan trọng, góp phần cùng các địa phương hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
 Gia đình với ý nghĩa “hạt nhân” của xã hội, có vai trò duy trì những giá trị văn hóa, đạo đức của mỗi cộng đồng góp phần xây dựng nền văn minh của cả xã hội. Tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 6 đã khẳng định: Gia đình là tế bào của xã hội, có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chế độ mới, nền kinh tế mới, con người mới”, công tác xây dựng gia đình là nhiệm vụ quan trọng, là nền tảng cho sự phát triển của xã hội. Thực hiện Nghị quyết của Đảng, sự chỉ đạo của TW Hội LHPN Việt Nam, nhận thức rõ vai trò, thiên chức quan trọng của người phụ nữ trong mỗi gia đình. Năm 2010, TW Hội LHPN Việt Nam đã phát động phụ nữ  trên toàn quốc thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, các cấp Hội LHPN trong toàn tỉnh xác định đây là cuộc vận động có ý nghĩa sâu sắc và thiết thực, định hướng rõ những việc cụ thể để phụ nữ phấn đấu phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc và bảo vệ môi trường sống của toàn xã hội, đồng thời với thiên chức người bà, người mẹ, người vợ trong gia đình, gắn kết các thành viên trong gia đình, xây dựng tổ ấm. Các cấp Hội đã tích cực, nỗ lực, cùng nhau triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động.
Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” với 8 tiêu chí cụ thể. Nội dung  “5 không đó là: không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3 trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học. Nội dung “3 sạch” là: Nhà sạch, bếp sạch, ngõ sạch. Để cuộc vận động ngày càng đi vào thực tiễn cuộc sống và muốn có hành động đúng, trước hết phải có nhận thức đúng. Thấu suốt quan điểm đó, các cấp Hội từ huyện đến cơ sở đã tích cực tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ. Các cấp Hội đã tập trung tuyên tuyền nâng cao nhận thức, kiến thức, trách nhiệm của phụ nữ và cộng đồng về cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và phong trào phụ nữ Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM), đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như tổ chức các điểm tuyên truyền, tập huấn, thông qua  các buổi sinh hoạt Hội, sinh hoạt CLB, tổ,  nhóm tiết kiệm tín dụng, tiết kiệm thôn bản, hội thi cho hàng trăm lượt hội viên, phụ nữ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng về nội dung cuộc vận động như: tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh cấp xã, phường, thị trấn; đăng tải các bài viết trên Bản tin Bình đẳng giới, phát hành 11.900 số cuốn làm tài liệu sinh hoạt hội viên, xây dựng phóng sự, tin bài  tuyên truyền về nội dung, kết quả thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch...cho hơn  5000 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ. Từ các hoạt động tuyên truyền về nội dung cuộc vận động, các cấp Hội đã tập trung hướng dẫn, hỗ trợ hộ gia đình hội viên phụ nữ đăng ký thực hiện các tiêu chí  cuộc vận động gắn với các tiêu chí Nông thôn mới, đã có 113.156 hộ đăng ký thực hiện, có 89.835 hộ đạt 8 tiêu chí, đạt tỷ lệ 79%.
    Thực hiện tiêu chí "Không đói nghèo”, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, các cấp Hội phối hợp với Trung tâm dạy nghề đã mở 316 lớp dạy nghề chăn nuôi, trồng trọt và dịch vụ cho 16.159 hội viên, phụ nữ; tổ chức hội thảo, tư vấn về thức ăn chăn nuôi, trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi,  tuyên truyền, đối thoại trực tiếp về chính sách cho người nghèo về công tác xuất khẩu lao động, vận động đi xuất khẩu tại thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc...đến hơn 5.600 con em và hội viên phụ nữ. Các cấp Hội đã chú trọng hoạt động giúp đỡ, đỡ đầu phụ nữ thoát nghèo đa chiều có địa chỉ, tham gia thực hiện có hiệu quả phong trào “Tổ, xóm, khu dân cư không có hộ nghèo” do tỉnh phát động, phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” do Chính Phủ phát động Tiếp tục thực hiện các hoạt động giúp phụ nữ thoát nghèo đa chiều có địa chỉ trên cơ sở rà soát, nắm bắt cụ thể nguyên nhân nghèo và phân công giúp đỡ, hỗ trợ phụ nữ vươn lên thoát nghèoChỉ tính riêng năm 2017, toàn tỉnh có 4.644 hộ nghèo đa chiều  do phụ nữ làm chủ hộ. Hội đã vận động các chi hội, cán bộ hội viên có điều kiện nhận giúp đỡ, đỡ đầu  4.644 chủ hộ phụ nữ nghèo  bằng nhiều hoạt động với các hình thức khác nhau: hỗ trợ khởi nghiệp, tiếp cận tín dụng, hỗ trợ cây con giống, giúp đỡ ngày công lao động, tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm...Nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ nghèo có hiệu quả như duy trì và nhân rộng mô hình Phụ nữ tiết kiệm - Tín dụng,  xây dựng 3.963 nhóm  với 93.844 hội viên tham gia. Từ năm 2016-2018, các tổ nhóm đã tiết kiệm được 154,2 tỷ đồng giúp cho 4.534 chị em vay phát triển kinh tế gia đình. Các cấp Hội cũng đã tranh thủ kết nối các nguồn lực để hỗ trợ hội viên, phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn vay củ Ngân hàng Chính sách - Xã hội, Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn, vốn các dự án phi chính phủ trong và ngoài tỉnh.Tổng các nguồn vốn do Hội LHPN tỉnh quản lý dư nợ đến nay: 1.635 tỷ đồng cho 84.935 người vay.
Không chỉ giúp vay vốn, các cấp Hội LHPN đã chú trọng xây dựng xây dựng mô hình  “Vì phụ nữ nghèo”, giảm nghèo bền vững, “Thu gom ve chai hướng đến phụ nữ và trẻ em nghèo”... phát động công trình thi đua đặc biệt “Xây dựng ngân hàng bò giống hỗ trợ hội viên, phụ nữ thoát nghèo bền vững”, xây dựng ngân hàng con giống, trao 85 con bò giống, 27.575  con gà, lợn, dê giống cho hội viên, phụ nữ nghèo, khuyết tật; vận động chị em giúp nhau cho mượn tiền không lãi, cho mượn cây, con giống, giúp ngày công..., kêu gọi sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, hội viên, phụ nữ trao quà cho phụ nữ, trẻ em nghèo, khó khăn, hoạn nạn hơn 10 tỷ đồng; xây dựng 22 Mái ấm tình thương cho hội viên, phụ nữ nghèo với tổng số tiền 893,5 triệu đồng.
Ngoài việc hỗ trợ phụ nữ vươn lên thoát nghèo bền vững, Hội cùng chung  sức xây dựng một xã hội, cộng đồng bình yên, đẩy mạnh thực hiện tiêu chí "Không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội",  "Không có bạo lực gia đình",  "Gia đình không vi phạm chính sách dân số", "không có trẻ bỏ học và suy dinh dưỡng", các cấp Hội đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Liên tịch 01“Về quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”,  phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, phòng ngừa tình trạng trộm cắp tài sản, Luật An toàn giao thông  đường bộ, an ninh trật tự, tổ chức tọa đàm về phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con tốt, giáo dục kỹ năng sống, tuyên truyền trong thực hiện KHHGĐ, tuyên truyền Pháp lệnh dân số và Pháp lệnh sửa đổi điều 10 của pháp lệnh dân số, truyền thông giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 và mất cân bằng giới tính khi sinh...cho hơn 389.800 lượt hội viên, phụ nữ. Hội LHPN tỉnh phối hợp với Sở Y tế tổ chức Chiến dịch truyền thông khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 1.570 phụ nữ vùng biển, miền  núi khó khăn. Phối hợp với Tổ chức Peace Trees Việt Nam tổ chức 3 Hội trại ‘Giáo dục nhận thức bom mìn cho trẻ em”, khánh thành và bàn giao 4 nhà mẫu giáo tại 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông, triển khai xây dựng mô hình vườn rau dinh dưỡng cho 220 hộ phụ nữ  tại huyện Đakrông và Hướng Hóa...Những hoạt động của Hội góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội.
Thực hiện tiêu chí "3 sạch", Hội LHPN tỉnh đã chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức nhiều hoạt động như: Tổ chức lễ phát động “Phụ nữ thực hiện vệ sinh ATTP vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”,  Hội thi “Phụ nữ Quảng Trị hành động vì môi trường xanh – sạch – đẹp” , tập huấn, Lễ mít tinh về nước sạch - vệ sinh môi trường, Biến đổi khí hậu, truyền thông, nói chuyện chuyên đề về "3 sạch", bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, an toàn thực phẩm...cho hơn 200 lượt hội viên, phụ nữ;  hỗ trợ giếng nước, xây dựng 385 tổ thu gom rác thải tự quản; hỗ trợ hơn 5 nghìn giỏ đựng rác cho các hộ gia đình xây dựng 767 nhà xí hợp vệ sinh cho các hộ nghèo, hộ gia đình phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; phát động hội viên phụ nữ ra quân vệ sinh môi trường, thu gom và xử lý rác thải đường làng ngõ xóm, tham gia ngày Chủ nhật xanh, vệ sinh đồng ruộng...có 100.577 chị tham gia; xây dựng 40 mô hình góc bếp sạch; bữa ăn gia đình đảm bảo dinh dưỡng. Các cấp Hội xây dựng các mô hình về 3 sạch như: Xây dựng các mô hình về sản xuất lương thực, thực phẩm sạch, phân loại và xử lý rác thải trong hộ gia đình, phụ nữ tự quản về vệ sinh môi trường, đoạn đường kiểu mẫu, đường sáng, rác sạch, nhà hạnh phúc, đường hoa...
Để cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” lan tỏa hơn trong mọi tầng lớp phụ nữ và mỗi gia đình, phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới các cấp Hội có nhiều cách làm mới, làm hay, nhiều hoạt động đa dạng, phong phú. Tiếp tục  tập trung các hoạt động nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ Hội các cấp về thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, xây dựng bồi dưỡng đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên cuộc vận động; tổ chức học tập tham quan mô hình, cách làm hay ngay tại địa phương, tập trung các hoạt động hội nghị, hội thảo, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội cơ sở... Tập trung nguồn lực, nhân lực  tiếp tục đưa cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3, sạch” đi vào thực tiễn cuộc sống của hội viên phụ nữ, gia đình và xã hội.
                                                                                                     

 
HỘI NÔNG DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC DÂN VẬN TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
                                                                               (Hội Nông dân tỉnh)
Xác định công tác dân vận trong xây dựng Nông thôn mới (NTM) là một trong những khâu then chốt đưa chủ trương xây dựng Nông thôn mới của Đảng, Nhà nước đi vào thực tiễn cuộc sống. Nên ngay từ khi có văn bản chỉ đạo của cấp trên, Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cơ sở Hội bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để mỗi cán bộ, hội viên, nông dân nắm rõ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đồng thời đưa nội dung nông dân tham gia xây dựng NTM là một trong ba phong trào thi đua trọng tâm của công tác Hội.
Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân đã tuyên truyền, vận động và xây dựng các mô hình “dân vận khéo”, tạo được sự đồng tình ủng hộ của hội viên và huy động được các nguồn lực xã hội trong xây dựng NTM. Thực tế cho thấy, ở địa phương nào thực hiện “dân vận khéo” sẽ tạo được sự thống nhất trong nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền và sự đồng thuận cao của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai phong trào xây dựng NTM. Thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ hội, sinh hoạt CLB nông dân,  qua các cuộc thi: “Nhà nông đua tài”, “Nông dân học tập và làm theo lời Bác”; tuyên truyền qua Bản tin Nông dân ra hàng quý với 1.400 cuốn cấp miễn phí đến các chi, tổ hội; Website của Hội chuyển tải kịp thời những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, kiến thức khoa học kỹ thuật, các gương điển hình tiên tiến để nông dân học tập và làm theo. Ngoài ra, Hội đã lồng ghép công tác tuyên truyền qua các tập huấn, nói chuyện chuyên đề về phong trào xây dựng Nông thôn mới; xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên v.v… Từ đó đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên nông dân tham gia vào công cuộc xây dựng NTM hiện nay.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, “dân vận khéo” nên việc vận động nông dân đóng góp sức người, sức của để xây dựng NTM trong những năm qua đã có những chuyển biến rõ nét. Đến nay, toàn tỉnh có hàng ngàn hộ tự nguyện hiến hơn 452.770 m2 đất để xây dựng trường học, làm đường giao thông, làm chợ và xây dựng di tích lịch sử; đóng góp hơn 397.860 ngày công và nhiều kinh phí để xây dựng NTM.
Trong đó, đơn vị Hội Nông dân (HND) huyện Hải Lăng đã triển khai nhiều hoạt động tuyền truyền, vận động đi đôi với tạo quỹ hoạt động cho chi Hội nên đã thu hút được nhiều hội viên tham gia. Tiêu biểu như chi Hội Long Hưng (Hải Phú) nhận công trình nạo vét kênh mương bổ sung quỹ hoạt động 5 triệu đồng; HND xã Hải Dương, Hải Quế phát động phong trào thu gom rác thải thuốc BVTV từ nhà ra đồng ruộng, có 500 hội viên tham gia để bổ sung quỹ hoạt động 4,5 triệu đồng; với lượng thu gom là 150 kg chai, lọ, bao bì; 03 chi Hội (Hải Thọ) nhận xây dựng các điểm chứa rác thải thuốc BVTV trên đồng ruộng Thọ Nam , bổ sung quỹ hoạt động 7,5 triệu đồng; chi Hội Mỵ Trường (Hải Trường) tiến hành đặt panno (kinh phí 5 triệu đồng) trên trục đường chính của thôn. Chi hội Phước Điền (Hải Thành) nhận chặt phá 3,2 km cây mai dương trên các tuyến đê nội đồng có 42 hội viên tham gia, bổ sung quỹ hoạt động 1,5 triệu đồng từ thu gom 320 kg bao bì, chai, lọ, thuốc BVTV trên đồng ruộng; chi Hội Xuân Viên (Hải Dương) ra quân làm công trình nạo vét kênh mương với chiều dài 3.500 m rộng 0,7 m, thu hút 140 hội viên tham gia, thu nguồn quỹ trên 14 triệu đồng.
Hiến đất xây dựng NTM đã và đang trở thành phong trào thi đua sôi nổi và phát triển rộng khắp trên địa bàn các huyện, điển hình có ông Hồ Văn Chưm, (52 tuổi) ở thôn A Mô Rơ, xã A Xing, huyện Hướng Hóa tự nguyện hiến hơn 3.000m2 đất bằng phẳng ở gần trung tâm xã để nhà nước xây trường cho con em dân bản; ở xã Tà Rụt huyện Đakrông có chị Hồ Thị Hương thôn Tà Rụt 3 khi có chủ trường mở rộng Trường tiểu học Tà Rụt, chị Hương đã không ngần ngại phá bỏ toàn bộ hoa màu để hiến phần đất ở của gia đình rộng hơn 3000m2 để xây dựng Trường tiểu học và ông Hồ Đức Căng  hiến 1.500 m2 đất vườn xây dựng trường mầm non thôn Tà Rụt 2. Xã Triệu Trung huyện Triệu Phong vận động nông dân, huy động nguồn lực di dời 1.200 ngôi mộ, giải phóng trên 24 ha đất đưa vào sản xuất nông nghiệp; Hội Nông dân huyện Cam Lộ đã huy động tiền đóng góp của nông dân là 7.250 triệu đồng, tham gia 8.213 ngày công, diện tích đất hiến cho xây dựng cơ sở hạ tầng là 2.462 m2, số cây cối lâu năm chặt hạ để giải phóng mặt bằng là 3.780 cây...
Công tác vận động đi đôi với hỗ trợ. Ngoài đào tạo và giải quyết việc làm sau đào tạo nghề, Hội Nông dân tỉnh còn vận dụng linh hoạt nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ ND (HTND) để giúp nông dân có vốn đầu tư sản xuất. Năm 2017, tổng nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh Quảng Trị là trên 11 tỷ đồng, cho vay theo hình thức xoay vòng, mô hình tổ nhóm với lãi suất thấp, thủ tục nhanh chóng để phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh có sự liên kết của các tổ hợp tác trong cùng khu dân cư. Hội còn cho vay nguồn ủy thác qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngân hàng CSXH, ngân hàng Bưu điện Liên Việt với tổng dư nợ đến nay lên đến 299,5 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay, nhiều mô hình làm ăn hiệu quả như chăn nuôi lợn-cá, nuôi cá chình lồng, chăn nuôi bò lai, phát triển cao su, hấp sấy cá…giải quyết từ 10-15 lao động trên mỗi mô hình. Tính đến nay, toàn tỉnh có gần 21.803 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân SXKD giỏi các cấp hộ đạt hộ KDSXG các cấp, 81.642 gia đình nông dân đạt gia đình văn hóa.
Thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong xây dựng Nông thôn mới ngay từ khâu lấy ý kiến nhân dân, huy động nguồn lực, triển khai đầu tư xây dựng, giám sát và nghiệm thu công trình .v.v… đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, hiệu quả. Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức các đoàn đi giám sát huy động sự đóng góp của nông dân về chung sức xây dựng nông thôn mới; bảo vệ môi trường, việc giải phóng mặt bằng của các dự án liên quan đến đất nông nghiệp; các cấp Hội luôn lắng nghe ý kiến và tâm tư nguyện vọng của người dân. Tiến hành kiểm tra định kỳ về các  nội dung xây dựng nông thôn mới của từng cấp Hội.
Trong những năm qua, theo tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, sự phối hợp chặt chẻ giữa Hội đoàn thể với chính quyền, Hội Nông dân các cấp đã phát huy vai trò “dân vận khéo” trong việc huy động nguồn lực xây dựng NTM mới, từ đó tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững./.  

 
PHÁT HUY SỨC TRẺ TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
                                               
                                                                                      (Tỉnh Đoàn Quảng Trị)
                                                                            
Thực hiện phong trào “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới”, những năm qua tuổi trẻ Quảng Trị với nhiều cách làm hay, sáng tạo đã ghi dấu ấn tốt đẹp trong các hoạt động tham gia xây dựng nông thôn mới.
Với phương châm: “Mỗi đoàn viên, thanh niên một việc làm cụ thể, mỗi cơ sở Đoàn một công trình, phần việc thiết thực chung tay xây dựng nông thôn mới”, bám sát hướng dẫn của Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn trong phong trào “Tuổi trẻ Quảng Trị chung tay xây dựng nông thôn mới”, 100% các cấp bộ Đoàn đã cụ thể hóa, triển khai các nội dung đến tận cơ sở. Chủ động tham mưu cho các cấp ủy Đảng trong việc đảm nhận các phần việc tham gia xây dựng nông thôn mới, các hoạt động tạo được sức lan tỏa, thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo đoàn viên, thanh niên, người dân trên địa bàn.
Những năm qua, Đoàn Thanh niên đã có nhiều phong trào hoạt động sôi nổi, thiết thực và hiệu quả. Đặc biệt nhiều hoạt động khơi dậy tinh thần xung kích, tình nguyện của đoàn viên, thanh niên hướng về xây dựng nông thôn mới tại các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Thông qua các mô hình, hình thức hoạt động như: Phong trào “xung kích phát triển kinh tế- xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “xung kích bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”, “đồng hành với thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp”… Đoàn Thanh niên đã đóng góp các công trình, phần việc có giá trị thiết thực và được đẩy mạnh áp dụng, nhân rộng ra nhiều địa phương trong toàn tỉnh như: Triển khai Đề án xây dựng công trình thanh niên “Ánh sáng đường quê” giai đoạn 2016 - 2020, phong trào “Bê tông hóa đường giao thông nông thôn”“10.000 ngày công tham gia xây dựng công trình nông thôn mới”, các hoạt động xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch cho người dân nông thôn được triển khai rộng khắp. Toàn Đoàn đã xây dựng 08 công trình thanh niên cấp tỉnh, 51 công trình thanh niên cấp huyện, 476 công trình, phần việc thanh niên cấp cơ sở với tổng trị giá gần 19 tỷ đồng; đã tiến hành phân bổ và xây dựng 75 km “Ánh sáng đường quê”; vận động nguồn lực xây mới 02 km công trình thanh niên đường giao thông nông thôn, nâng cấp, sửa chữa 217 km đường giao thông nông thôn; khai thông 145 km hệ thống kênh mương nội đồng; đăng ký xây dựng 274 “Con đường thanh niên xây dựng nông thôn mới”; duy trì và xây mới 185 tuyến đường “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - Văn minh - An toàn”.
Hoạt động tham gia bảo vệ môi trường được tổ chức định kỳ 01 lần/tháng thu hút đông đảo đoàn viên, thanh thiếu niên và nhân dân tích cực tham gia như phong trào “Ngày Thứ 7 tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh”; “Mỗi đoàn viên trồng và chăm sóc một cây xanh”, toàn Đoàn đã trồng mới 421.000 cây xanh; vệ sinh thu gom 19 tấn rác thải, duy trì 124 đội hình thanh niên xung kích thu gom rác thải trên địa bàn dân cư.
Toàn Đoàn cũng đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, thành lập và duy trì 45 đội hình giữ gìn trật tự ATGT trên địa bàn, 124 CLB Thanh niên với pháp luật, CLB phòng chống ma túy, 141 mô hình tiếng kẻng thanh niên, địa bàn không có ma túy, tệ nạn xã hội. Các hoạt động góp phần bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp, hạn chế tai nạn giao thông và bảo đảm an ninh trật tự tại các địa phương.
Cùng với đó, các cấp bộ Đoàn đã tổ chức hỗ trợ thanh niên nông thôn và bà con trong các hoạt động như chuyển giao kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; hỗ trợ vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh; phối hợp đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho 2.350 lao động trẻ. Với những nỗ lực vượt bậc, mỗi năm các cấp bộ Đoàn đã tạo điều kiện cho hơn 3.500 thanh niên tìm được việc làm trong và ngoài nước, hơn 6.000 thanh niên và hộ gia đình thanh niên được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; giải ngân 3,4 tỷ đồng cho 68 mô hình phát triển kinh tế trong thanh niên. Nhiều mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, gương điển hình tiên tiến tiếp tục được nhân rộng. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 500 mô hình kinh tế thanh niên làm kinh tế giỏi. Chính điều này đã từng bước hình thành lớp thanh niên nông thôn có kiến thức, tay nghề, có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương mình.
 Các mặt hoạt động xây dựng đời sống văn hóa mới ở nông thôn cũng được chú trọng. Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao... đã lôi cuốn được đông đảo thanh niên tham gia nhằm xây dựng và nâng cao giá trị văn hóa, tinh thần ở nông thôn.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cũng không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc như: Vai trò của Đoàn thanh niên trong việc tham gia xây dựng, giám sát chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn còn mờ nhạt; việc xác định đảm nhận các phần việc của một số đơn vị còn mang tính dàn trải; nguồn kinh phí cho còn eo hẹp nên việc tổ chức phong trào hoạt động còn chưa quy mô; ý thức và tập quán lạc hậu của một bộ phận người dân tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa ảnh hưởng tới kết quả công tác tuyên truyền vận động.
Vì vậy, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu trong công cuộc tham gia xây dựng nông thôn mới cần sự chung tay, vào cuộc, phối hợp đồng bộ, quyết liệt của tất cả các cơ quan, đoàn thể, tổ chức và sự đồng lòng của toàn xã hội. Đoàn Thanh niên cần đẩy mạnh triển khai các biện pháp sau:
Một là, tuyên truyền, vận động thanh niên nông thôn tham gia học tập, nâng cao trình độ, để tổ chức các phong trào xây dựng nông thôn mới có chất lượng, hiệu quả.
Hai là, tổ chức các khoá bồi dưỡng, tập huấn nhằm trang bị kiến thức cho thanh niên nông thôn trong định hướng nghề nghiệp, việc làm, kỹ thuật, kiến thức quản lý, phát triển kinh tế, kỹ năng bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu... để thích ứng với quá trình hội nhập và khai thác có hiệu quả những tiềm năng lợi thế của địa phương; chăm lo, giải quyết nhu cầu chính đáng của thanh niên hỗ trợ về vay vốn, tìm kiếm thị trường, phát triển ngành nghề mới, các mô hình phát triển kinh tế bền vững trên chính quê hương mình.
Ba là, mỗi một cơ sở đoàn và mỗi đoàn viên thanh niên cần thực hiện tốt cuộc vận động “xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư”; đấu tranh, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong thanh niên. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tập hợp, đoàn kết thanh niên của tổ chức Đoàn, Hội.
Với những kết quả thu được, cùng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể nhân dân, sự năng động và quyết tâm cao của các tổ chức cơ sở Đoàn và đoàn viên thanh niên trong toàn tỉnh, tin tưởng rằng phong trào “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới” sẽ thu được kết quả tốt có sự lan tỏa sâu rộng và tạo thành phong trào thi đua sôi nổi trong thời gian tới.                                                                                                                                  
 

 
KẾT QUẢ 10 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 26-NQ/TW NGÀY 5/8/2008 VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN
                                                                     (Sở Nông nghiệp và PTNT) 
 
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/BCHTW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngành nông nghiệp tỉnh nhà có bước phát triển khá ổn định và toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực; kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề; thu nhập của người dân nông thôn tăng gấp 3,5 lần so với năm 2008; tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm giai đoạn 2008 - 2017 bình quân đạt 3,3%/năm (từ 2,5% năm 2008 lên 3,33% năm 2017); sản lượng lương thực bình quân tăng từ 22,71 vạn tấn (2008) lên trên 25.718 vạn tấn (năm 2017), diện tích lúa chất lượng cao tăng 325,1% so với năm 2008 (10.000 ha lên 35.211ha năm 2017), tỷ lệ độ che phủ rừng tăng 110,4% so với năm 2008 (từ 45,4% lên 50,01%); tỷ lệ dân số ở nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh tăng 130,7% so với năm 2008 (từ 70% lên đến 91,48% năm 2017); toàn tỉnh có 41 xã về đích nông thôn mới (chiếm 35%), đạt mức bình quân là 14,15 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 5 tiêu chí. Kết cầu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được đầu tư, đồng bộ, hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới tiêu chủ động cho diện tích lúa 02 vụ, tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương từ 50,36% (2008) lên 55,19% (2017). Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị gắn kết với Doanh nghiệp đã hình thành một nền nông nghiệp sạch, hữu cơ, gắn hiệu quả kinh tế với bảo vệ môi trường. Những thành quả đó đã góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.          
Kết quả đó có được là nhờ quá trình áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự nỗ lực vươn lên làm chủ của người nông dân, sau đây là một số kết quả và nguyên nhân đạt được trong thực hiện Nghị quyết như sau:
Thứ nhất, Chính sự đồng bộ trong chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước từ trung ương đến địa phương là động lực chính để tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và người dân trong thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Trong đó, khẳng định vai trò của truyền thông đã truyền tải và lan tỏa sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Ngay sau khi Nghị quyết 26-NQ/BCHTW năm 2008 của BCH Trung ương Đảng khóa X ban hành; Tỉnh ủy Quảng Trị đã ban hành Chương trình hành động số 72-CTHĐ/TU năm 2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tiếp đó, Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” chính là điểm nhấn đột phá nhằm cụ thể hóa các mục tiêu của NQ 26; Trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1817/QĐ-UBND ngày 09/10/2013 về việc phê duyệt kế hoạch hành động thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 20/4/2017 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến 2025; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 03/NQ-HĐND ngày 23/5/2017 về hỗ trợ phát triển một số cây trồng, con nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017- 2020, định hướng đến năm 2025,… và nhiều Đề án, kế hoạch quan trọng khác.
Những chủ trương chính sách trên chính là định hướng quan trọng để các cấp, các ngành, các địa phương nhận thức được tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong tiến trình phát triển của đất nước. Qua đó, để tập trung lãnh chỉ đạo, đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao.
Thứ hai, Quy hoạch phát triển nông nghiệp, cơ cấu lại các ngành sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đã có bước đi thích hợp tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển
Quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn là một bước quan trọng trong quá trình lập và thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp – nông thôn. Trên cơ sở, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, ngành Nông nghiệp và PTNT tiến hành rà soát, xây dựng quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Quảng Trị đến năm 2020 và được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 01/2014/NQ- HĐND và UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2211/QĐ-UBND ngày 15/4/2014. Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, Ngành đã phối hợp với các địa phương để xây dựng quy hoạch chuyên đề như: Quy hoạch chuyển đổi rừng và đất lâm nghiệp sang trồng cao su trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, Quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, năm 2017 thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy về việc tập trung nguồn lực để xây dựng nền nông nghiệp sạch, hiện đại, bền vững, ngành Nông nghiệp và PTNT cùng với các địa phương đã lựa chọn, đề xuất và được HĐND tỉnh ban hành Nghị Quyết về hỗ trợ, phát triển một số cây trồng, con nuôi tạo sản phẩm chủ lực. Đây chính là kim chỉ nam quan trọng để Ngành cùng với các địa phương phát triển vùng chuyên canh gắn với hệ thống nhà máy chế biến, tập trung nguồn lực để phát triển các sản phẩm trở thành sản phẩm chủ lực mang thương hiệu Quảng Trị.
Thứ ba, Phát triển các vùng chuyên canh tập trung gắn với ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, gắn phát triển với chế biến, ổn định thị trường tiêu thụ
Trên cơ sở khai thác tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu thời tiết, lao động, nguồn lực hiện có, xác định khoa học công nghệ là khâu đột phá, ngành Nông nghiệp và PTNT đã tập trung công tác tuyên tuyền, tập huấn, xây dựng mô hình trình diễn,… Trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, Ngành đã xác định việc thay đổi cơ cấu bộ giống cây trồng – vật nuôi là yếu tố quyết định sản xuất theo hướng chất lượng, hiệu quả. Năng suất, sức sản xuất và sản lượng của hầu hết các sản phẩm nông sản chủ lực đều có sự tăng trưởng vững chắc qua các năm, đạt độ tăng bình quân từ 2% – 3%/năm. Giá trị trên một ha diện tích đất canh tác nông nghiệp tăng từ 42,6 triệu đồng/ha năm 2008 lên 55,3 triệu đồng/ha năm 2017 (tăng 12,7 triệu đồng/ha). Các sản phẩm chủ lực như: Cà phê Khe Sanh, Hồ tiêu Cùa, Hồ Tiêu Vĩnh Linh, tinh bộ sắn… đã được xuất khẩu sang thị trường nhiều nước trong đó có Mỹ và Châu Âu.
Thứ tư, Tổ chức lại sản xuất, phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm đã có những bước đi thích hợp

Thực hiện Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; Tỉnh Quảng Trị đã tập trung xây dựng cánh đồng lớn sản xuất lúa với quy mô từ 20 – 50ha/01 cánh đồng, đến nay đạt trên 4.000 ha, đi đầu trong phong trào này là các địa phương như: Hải Lăng, Triệu Phong, Vĩnh Linh và Gio Linh. Việc sản xuất trên cánh đồng lớn giúp tiết kiệm chi phí sản xuất từ 1,5 – 1,7 triệu đồng/ha, nâng cao giá trị từ 20 – 30% so với sản xuất theo hộ gia đình. Bên cạnh đó, sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự chủ động của Ngành trong việc xúc tiến, liên kết với các Doanh nghiệp/Nhà đầu tư lớn nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư đã mang lại một số kết quả bước đầu như: Ký kết hợp tác với: Công ty TNHH SXTM Đại Nam về phát triển một nền nông nghiệp hữu cơ (đến nay đã mở rộng diện tích canh tác theo hướng hữu cơ trên 400 ha, sau khi trừ chi phí lãi bình quân 22 triệu - 38 triệu đồng/ha/vụđược nông dân đồng tình ủng hộ); với Công ty CPTPXK Đồng Giao về liên kết trồng và thu mua dứa nguyên liệu với diện tích 140 ha; với Công ty CP dược liệu Việt Nam liên kết thu mua dược liệu tại Cam Lộ; với Công ty CP Tổng công ty thương mại Quảng Trị thu mua Hồ tiêu, ngô, sắn...

Trong chăn nuôi, việc liên kết ngày càng phát triển, hiện trên địa bàn tỉnh có 24 mô hình liên kết chăn nuôi theo chuỗi, gồm 04 HTX chăn nuôi và 20 trang trại chăn nuôi liên kết với các công ty thức ăn chăn nuôi, trong đó có HTX Đoàn Kết (Cam Lộ) đang xây dựng chuổi liên kết từ con giống, thức ăn, chăn nuôi đến giết mổ lợn.

Trong lâm nghiệp: Tỷ lệ độ che phủ rừng tăng lên qua các năm, từ 45,4% năm 2008 lên 50,1% năm 2017. Công tác quản lý rừng bền vững theo tiêu chí FSC cũng đã được các địa phương quan tâm và nhân dân ủng hộ, hiện có trên 22 nghìn ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC, chiếm 12% diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC trên toàn quốc, là tỉnh đi đầu trong cả nước; Gỗ từ rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC bán với giá cao hơn 30 – 40% so với gỗ thông thường, bình quân giá bán từ 130 - 150 triệu đồng/ha đã góp phần nâng cao giá trị kinh tế, ổn định đầu ra, góp phần giải quyết nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến hàng hóa xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.

Thông qua Doanh nghiệp, nhiều tiến bộ kỹ thuật mới được ứng dụng và chuyển giao vào sản xuất. Đồng thời, phát huy vai trò, vị trí của Hợp tác xã, Tổ hợp tác trở thành điểm tựa cho Doanh nghiệp liên kết với nông dân để tổ chức sản xuất, giải quyết được tình trạng manh mún nhỏ lẻ trong sản xuất, tạo điều kiện để ứng dụng cơ giới hóa và hiện đại hóa trên diện rộng.

Thực hiện đề án dồn điền đổi thửa, trong những năm qua, các địa phương đã đẩy mạnh dồn ghép, tích tụ ruộng đất phục vụ sản xuất quy mô lớn, mang tính hàng hóa cao. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh bước đầu hình thành tích tụ, tập trung đất đai với hình thức cá nhân và nhóm hộ gia đình đứng ra thuê đất của các hộ dân liền kề trong vùng để tổ chức sản xuất mang lại hiệu quả cao. Nhiều sản phẩm nông sản đã được liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị như: Gạo hữu cơ Quảng Trị, Cà gai leo An Xuân; Chè vằng hòa tan; Cao Dược liệu Định Sơn, Cà phê Khe Sanh, Hồ tiêu Cùa, Hồ tiêu Vĩnh Linh… Giúp định hình một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Nghị quyết vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế:
- Tiềm năng, thế mạnh chưa được khai thác triệt để; Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch chậm, chủ yếu vẫn là thuần nông; giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích chưa cao; sản xuất hàng hoá còn nhỏ, phân tán và chưa bền vững; Công nghệ thu hoạch, bảo quản, chế biến nông - thủy sản còn lạc hậu; áp dụng khoa học và công nghệ còn hạn chế nên năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm chưa cao.
- Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là vùng đồng bào dân tộc với cuộc sống còn nhiều khó khăn; tỷ lệ đầu tư cho hạ tầng thấp, chưa có đầu tư để phát triển sinh kế.
- Dịch bệnh nguy hiểm trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn và thường xuyên xảy ra, ô nhiễm môi trường ngày càng bức xúc, nhất là ô nhiễm môi trường do lạm dụng thuốc BVTV.
- Kinh tế hợp tác thể hiện chưa rõ nét, chưa thích ứng với cơ chế thị trường. Quy mô nhỏ; trình độ, năng lực quản lý của nhiều cán bộ HTX còn hạn chế; hoạt động hỗ trợ cho kinh tế hộ còn đơn điệu chủ yếu là dịch vụ đầu vào, các yếu tố liên kết trong sản xuất còn lỏng lẻo, thiếu ràng buộc, chưa hiệu quả.
- Chính sách tín dụng hỗ trợ cho phát triển sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp chưa thực sự là đòn bẫy để khuyến khích sự phát triển.
Để phát huy những kết quả đạt được cũng như khắc phục những hạn chế, với phương châm chuyển dần sản xuất nông nghiệp phát triển từ số lượng sang nền nông nghiệp lấy chất lượng, giá trị làm mục tiêu, đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao vào sản xuất; nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng ổn định của ngành nông nghiệp từ 3,5 – 4%/năm; sản xuất thích ứng với Biến đổi khí hậu, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 26. Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp và PTNT tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, Tổ chức tuyên truyền, vận động sâu rộng nhận thức mới về vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn phát triển mới; các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt tập trung tuyên truyền đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp và thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” trên địa bàn tỉnh.
Thứ hai, Đẩy mạnh cơ cấu lại, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại trên cơ sở Quy hoạch phát triển ngành Nông nghiệp và PTNT đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt; tiếp tục ban hành cơ chế chính sách nhằm phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, tầm nhìn 2025. Thực hiện Đề án tích tụ ruộng đất gắn với đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất.
Thứ ba, Đẩy mạnh bảo vệ tài nguyên và môi trường, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; tập trung việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng; xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, hữu cơ nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.
Thứ tư, Tiếp tục rà soát, bỗ sung các chính sách nhằm khuyến khích phát triển một số cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao; chính sách khuyến khích và huy động các nguồn lực hỗ trợ cho việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp thu hút các nguồn vốn ODA, FDI, NGO và nguồn vốn khác vào xây dựng NTM.
Thứ năm, Nghiên cứu xây dựng chính sách khuyến khích hỗ trợ thu hút doanh nghiệp, kinh tế tư nhân trong nông nghiệp nông thôn phát triển lành mạnh, đúng hướng.
Thứ sáu, Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khai thác hiệu quả, phát huy tối đa tiềm năng lợi thế các vùng như: Ứng dụng nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới tiết kiệm; Phát triển mạnh các phương pháp sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu như canh tác tự nhiên, canh tác hữu cơ, thủy canh...;
Đẩy mạnh phát triển vốn rừng, nâng cao hiệu quả sản xuất lâm nghiệp gắn với công tác bảo vệ rừng, triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án phát triển lâm nghiệp. Tập trung bảo vệ vốn rừng hiện có; quản lý chặt chẽ các loại rừng phòng hộ, đặc dụng; phát triển mạnh rừng kinh tế. Thực hiện quản lý rừng bền vững và đẩy mạnh trồng rừng theo chứng chỉ FSC.
Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn người dân ứng dụng công nghệ sinh học vào lĩnh vực nuôi thuỷ sản, nhất là xây dựng các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ enzyme, nuôi tôm nhiều giai đoạn nhằm hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh và hoá chất, nâng cao sản lượng, ổn định môi trường, hạn chế dịch bệnh, tạo ra sản phẩm nuôi đảm bảo VSATTP đáp ứng yêu cầu thị trường.
Thứ bảy, Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi cho Doanh nghiệp và nông dân trong việc thực hiện đầu tư vào nông nghiệp, nhất là tích tụ ruộng đất thực hiện các dự án theo chuỗi giá trị, dự án nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ…
Để thực hiện thành công mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thời gian quan ngành Nông nghiệp và PTNT đã nhận được sự quan tâm lãnh chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp và sự hưởng ứng của người nông dân. Thời gian đến, ngành Nông nghiệp và PTNT mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ và đồng hành của Lãnh đạo tỉnh, các cấp, các ngành để tiếp tục thực hiện thành công cơ cấu lại ngành nông nghiệp Quảng Trị theo hướng sạch, hiện đại, bền vững, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI và đưa nông nghiệp, nông dân, nông thôn xứng tầm với vị trí trong đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

 
KẾT QUẢ SAU 3 NĂM THỰC HIỆN PHONG TRÀO “ QUẢNG TRỊ CHUNG SỨC XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI” GIAI ĐOẠN 2016-2020
                                              (Văn phòng điều phối nông thôn mới Quảng Trị)
Qua 3 năm thực hiện phong trào thi đua Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, có thể khẳng định rằng, xây dựng nông thôn mới tiếp tục huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần tạo diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, khang trang, sáng - xanh- sạch- đẹp hơn; đời sống vật chất tinh thần của người dân nông thôn tiếp tục được nâng cao; văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn được đảm bảo.
Kết quả nỗi bật
Hưởng ứng Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch thực hiện phong trào thi đua “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới”, Quy chế công tác thi đua, khen thưởng xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Để khơi dậy phong trào sôi nổi trong quần chúng nhân dân, hàng năm, UBND các huyện, thị xã lựa chọn 01 địa phương để tổ chức phát động phong trào “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với các hoạt động thiết thực, hiệu quả. Qua 3 năm triển khai, công tác tổ chức, thực hiện phong trào thi đua đã được thực hiện khẩn trương, đồng bộ, nghiêm túc, kịp thời với nhiều biện pháp, nội dung phù hợp, sát với thực tế và đáp ứng nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Nhờ vậy, đã đạt được nhiều kết quả tích cực, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, cụ thể:
Ủy ban mặt trận TQVN tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, với nhiều phong trào như: “Đoạn đường kiểu mẫu”, “Đường sáng, rác sạch, nhà hạnh phúc”, “Đường hoa yêu  thương”, "Câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật", “Tuyến đường xanh, sạch, đẹp”. Hội Nông dân tỉnh với chương trình “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường” đã triển khai xây dựng 254 mô hình nông dân bảo vệ môi trường tại các chi hội, mô hình nông dân tự quản xanh-sạch-đẹp đường làng, ngõ xóm. Đoàn TNCSHCM với cuộc thi “tuổi trẻ sáng tạo, chung sức xây dựng nông thôn mới”, với nhiều  phong trào “ánh sáng đường quê”, “con đường thanh niên xây dựng nông thôn mới”,  tuyến đường “sáng-xanh-sạch-đẹp”; “ngày thứ 7 tình nguyện”, “ngày chủ nhật xanh”. Hội Cựu chiến binh tỉnh với phong trào “3 hiến: hiến kế, hiến công, hiến đất” và “chỉnh trang đường làng, ngõ xóm”.
Nhiều địa phương đã có những cách làm sáng tạo, thiết thực về phong trào “xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”, đang từng bước lan tỏa đến khắp các vùng quê trên địa bàn toàn tỉnh, điển hình như: phong trào “ánh sáng đường quê”,  phong trào “ngày nông thôn mới”, “thôn nông thôn mới kiểu mẫu” ở huyện Hải Lăng . Phong trào “khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu”, thực hiện tiêu chí “vườn mẫu” ở huyện Cam Lộ.  Phong trào Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - Văn minh - An toàn”, duy trì và phát triển các đoạn đường thanh niên tự quản, “Đoạn đường ông cháu cùng chăm” ở Huyện Vĩnh Linh.
Các mô hình, dự án về đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn từng bước được triển khai có hiệu quả theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Nhiều mô hình liên kết sản xuất với các doanh nghiệp trong và ngoài nước theo chuỗi giá trị, quy mô lớn, bao tiêu sản phẩm cho người dân lần đầu được triển khai mang lại hiệu quả tích cực như mô hình dứa của Công ty cổ phần thực phẩm Đồng Giao, mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ với Tập đoàn Đại Nam cung cấp phân bón Obi - Ong biển, mô hình trồng Dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại thôn Cang Gián, xã Trung Giang, huyện Gio Linh của Công ty Sumitomo - Nhật Bản, kết nối với siêu thị Intimex tại Hà Nội để hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, hiện nay tỉnh đang tăng cường hợp tác, thu hút, kêu gọi nhiều doanh nghiệp đến khảo sát, đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh như: Tập đoàn FLC (đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Cam Lộ và Triệu Phong), Công ty Sumitomo - Nhật Bản (trồng Dưa lưới, nuôi tôm công nghệ cao và trang trại tổng hợp tại các xã vùng cát huyện Gio Linh); Học viện Nông nghiệp Việt Nam (phát triển trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp), Công ty ISE-FOOD của Nhật Bản (ngô nguyên liệu gắn với nuôi gà đẻ trứng), tập đoàn Nafoods (trồng và chế biến Chanh leo xuất khẩu tại Hướng Hóa) v.v.
Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc khu vực nông thôn được đẩy mạnh, có bước phát triển mới với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, góp phần xây dựng đảm bảo an ninh nông thôn.
Các sở, ngành địa phương đã phát động các phong trào thi đua đột xuất, thi đua theo các chuyên đề  gắn với từng nội dung tiêu chí xây dựng nông thôn mới để thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh, cải cách hành chính được cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng nhân dân tích cực tham gia.
Trong quá trình thực hiện đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tập thể, cá nhân xuất sắc đã có nhiều đóng góp cho xây dựng nông thôn mới như mô hình:  “Đường sáng, rác sạch, nhà hạnh phúc”, “Đường hoa yêu  thương” của Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh, các mô hình “họ -tộc không có người vi phạm pháp luật”, mô hình “Phật giáo huyện Cam Lộ tham gia bảo vệ ANTQ và xây dựng nông thôn mới”, mô hình “Giáo xứ Phước Tuyền chung tay bảo vệ ANTQ và xây dựng nông thôn mới” của Công an tỉnh. Nhiều cá nhân có nhiều đóng góp cho xây dựng nông thôn mới như: hộ Ông Hồ Ta Dóc ( xã ĐaKrông): hiến 10.000m2 đất để xây dựng trường mầm non và trường tiểu học, đóng góp trên 120 ngày công lao động làm đường bê tông; Chị Hồ Thị Hương (thôn Tà Rụt 3, xã Tà Rụt) hiến 3.000m2 đất ở và đất vườn để xây dựng Trường tiểu học; Ông Hồ Văn Thu  (thôn Ala, xã Ba Nang) hiến 2.500 m2 đất và hơn 40 cây mít độ tuổi hơn 20 năm để xây dựng cầu Rà Lây; Ông Hồ Đức Trung (thôn Kim Giao, xã Hải Dương) hiến 1.000 m2 đất để mở rộng đường giao thông nội đồng, Ông Lê Văn Quỳnh (Giám đốc HTX Linh Hải) và Ông  Cao Duy Lộc (Giám đốc HTX Thủy Ba Hạ) ở xã Vĩnh Thủy đã trích kinh phí HTX hơn 700 triệu đồng để bê tông hóa gần 1 km đường giao thông nông thôn.
Nhờ thực hiện có hiệu quả Phong trào mà hiện trạng tiêu chí tiêu chí nông thôn mới của các xã trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến đáng kể, đến nay tổng số tiêu chí đạt bình quân là 14,25 tiêu chí/xã (tăng 2,55 tiêu chí/xã so với đầu năm 2016), tiệm cận với mức tiêu chí bình quân chung của cả nước; đến nay đã có 42/117 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 24 xã so với đầu năm 2016); các xã miền núi hiện không còn xã dưới 05 tiêu chí.
Bài học kinh nghiệm
Từ thực tế chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào trong 3 năm qua, nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra,
Một là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện phải có sự thống nhất và quyết tâm chính trị cao từ tỉnh đến tận cơ sở. Phát huy vai trò chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp đảm bảo sự vào cuộc thật sự và phát huy được sức mạnh của hệ thống chính trị tham gia xây dựng nông thôn mới.
Hai là, coi trọng và thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động để người dân tích cực, chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới.
Ba là, thực hiện phong trào thi đua gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng cấp, từng ngành, từng lĩnh vực. Thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức tổ chức phong trào nhằm huy động đông đảo các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng.
Bốn là, có cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện của từng địa phương thông qua lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên, vận dụng sáng tạo cơ chế, chính sách. Tích cực huy động, lồng ghép, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Năm là, chú trọng công tác xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ nồng cốt ở các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở. Xây dựng hệ thống lãnh đạo, chỉ đạo Chương trình đồng bộ, hiệu quả; bộ máy giúp việc đủ năng lực, chuyên nghiệp, sát thực tế sẽ là yếu tố quan trọng đảm bảo cho công tác chỉ đạo có hiệu quả.
Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; kịp thời xử lý các vướng mắc khó khăn; định kỳ tiến hành sơ kết để rút kinh nghiệm và biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có cách làm hay, sáng tạo và đóng góp thiết thực cho xây dựng nông thôn mới để nêu gương học tập và nhân ra diện rộng.
 
 
Mục tiêu, giải pháp trong thời gian tới
Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 20/4/2017 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017 -2020 đã đưa ra mục tiêu xây dựng nông thôn mới đến năm 2020 là:  có từ 59-65 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm tỷ lệ 50-55%), có ít nhất 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, không còn huyện chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã đồng bằng đạt dưới 16 tiêu chí, không còn xã miền núi đạt dưới 8 tiêu chí.  Để đạt được những mục tiêu này, trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện một số nội dung sau:
 Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động trong tạo phong trào thi đua sâu rộng và toàn diện từ cấp tỉnh đến tận thôn/bản, gắn với  đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các phong trào, các cuộc vận động đang triển khai.
 Tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo và bộ máy giúp việc Ban chỉ đạo các cấp. Nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các thành viên Ban chỉ đạo các chương trình MTQG. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng chỉ đạo và tổ chức thực hiện cho đội ngũ cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp, nhất là cấp cơ sở;
 Huy động, lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, huy động tối đa nguồn lực của địa phương; đẩy mạnh huy động vốn đầu tư từ doanh nghiệp; phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng nhằm huy động có hiệu quả nguồn lực từ nhân dân; tăng cường thu hút nguồn đỡ đầu, tài trợ của các tổ chức, cá nhân để ưu tiên cho các xã đăng ký đạt chuẩn sớm và các xã khó khăn.
 Thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; chuyển dần sản xuất nông nghiệp phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu; đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao vào sản xuất; nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Tiếp tục thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa, cải tạo đồng ruộng, tích tụ ruộng đất, hình thành các vùng chuyên canh có quy mô tập trung theo thế mạnh từng vùng.
 Chỉ đạo việc duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới, từng bước xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu theo Quyết định số 507/QĐ-UBND ngày 12/3/2018 của UBND tỉnh về Ban hành bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018-2020, phát động phong trào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, tạo không khí thi đua sôi nổi, lan tỏa mạnh mẽ trong từng hộ gia đình, từng thôn xóm, từng xã trong phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, từng bước xây dựng “miền quê đáng sống”.
Chỉ đạo việc xây dựng nông thôn mới phải thực chất, không chạy theo phong trào, chạy theo thành tích, không công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nếu huy động quá sức dân và để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản.
 Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát định kỳ và đột xuất việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Kịp thời khen thưởng, động viên các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn mới.

CÔNG TÁC QUY HOẠCH TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH QUẢNG TRỊ
                                                                      
(Sở Xây dựng tỉnh Quảng Trị) 
Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới thực hiện Nghị quyết 26 Hội nghị lần 7 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X, công tác quy hoạch xây dựng là công việc mang tính tiền đề, có tầm quan trọng trước mắt cũng như lâu dài đối với việc xây dựng nông thôn mới. Trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch (tiêu chí số 1) đóng vai trò then chốt, là điều kiện tiên quyết trong xây dựng phát triển nông thôn mới, tạo nền móng để thực hiện các tiêu chí còn lại.
Công tác lập và quản lý quy hoạch xây dựng NTM được các địa phương trong tỉnh xác định là tiền đề, mấu chốt cho việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM và được tổ chức triển khai thực hiện khá bài bản, chủ động. Sau hơn 8 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, công tác quy hoạch xây dựng NTM ở các địa phương đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi diện mạo nông thôn. Trong giai đoạn 2011-2015, 100% số xã trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành xong quy hoạch chung xây dựng NTM đảm bảo theo yêu cầu tiến độ thực hiện của tỉnh, là một trong những tỉnh đầu tiên hoàn thành quy hoạch và công bố quy hoạch nông thôn mới. Việc sớm hoàn thành tiêu chí quy hoạch góp phần vào những kết quả cụ thể của chương trình xây dựng NTM của tỉnh.
Nhìn chung, chất lượng các đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu là cơ sở cho việc xây dựng các Đề án xây dựng nông thôn mới xã trong giai đoạn trước mắt, phục vụ tốt cho công tác xây dựng nông thôn mới theo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010- 2020. Quy hoạch xây dựng nông thôn mới bước đầu đã đi vào cuộc sống, tạo ra cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp hơn ở các vùng nông thôn và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân theo mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, toàn tỉnh có 42/117 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 36% số xã của tỉnh; mức đạt tiêu chí bình quân là 14,25 tiêu chí/xã, tăng 10,55 tiêu chí/xã so với cuối năm 2010, không còn xã dưới 5 tiêu chí. Đối với các chỉ tiêu, tiêu chí do ngành xây dựng phụ trách cũng đã đạt được những kết quả quan trọng như:
- Tiêu chí về Quy hoạch: 117/117 xã đạt tiêu chí, chiếm tỷ lệ 100%.
- Tiêu chí về Nhà ở dân cư: 81/117 xã đạt tiêu chí, chiếm tỷ lệ 69%.
- Chỉ tiêu Mai táng phù hợp với quy định và theo quy hoạch: 91/117 xã đạt tiêu chí, chiếm tỷ lệ 78%.
- Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh: đạt 91,28%.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc quy hoạch xây dựng nông thôn mới còn bộc lộ những bất cập, hạn chế:
Hầu hết các đồ án quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới đều lập theo Thông tư số 09/2010/TT- BXD ngày 4/8/2010 của Bộ Xây dựng và có bổ sung một số nội dung về quy hoạch sản xuất, quy hoạch sử dụng đất được quy định trong Thông tư liên tịch số 13/2011/TTLT-BXD-BNNPTNT-BTN&MT. Các đồ án chưa thể hiện rõ yêu cầu QHXD nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và thiếu tính liên kết vùng trong các mặt tổ chức sản xuất hàng hóa lớn, xây dựng hạ tầng khung, xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn cấp huyện, tạo điều kiện tiết kiệm trong đầu tư cơ sở hạ tầng và nâng cao điều kiện sống người dân nông thôn gần với điều kiện sống người dân đô thị. Nhìn chung, các đồ án quy hoạch xây dựng xã nông thôn chỉ mới đáp ứng được yêu cầu trước mắt, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển lâu dài trên địa bàn xã.
Thời gian đầu, việc lập, thẩm định và phê duyệt các đồ án còn lúng túng, mất nhiều thời gian, chưa đáp ứng được yêu cầu và mục tiêu quy hoạch phải đi trước một bước làm cơ sở cho việc triển khai đầu tư và phát triển kinh tế địa phương. Cùng đó, chất lượng đồ án tại một số địa phương chưa cao, không bám sát yêu cầu và tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương, nhiều xã mới dừng ở quy hoạch chung, thiếu cụ thể hóa cần thiết. Đặc biệt, quy hoạch của xã thiếu ăn nhập và chưa phù hợp với quy hoạch chung của huyện; quy hoạch của vùng nối liền hệ thống giao thông thủy lợi, cấp thoát nước, môi trường giữa các xã trong huyện chưa thống nhất.
Một số bộ phận trong công tác lập quy hoạch chưa am hiểu sâu về nông thôn. Nhiều cán bộ vẫn lập quy hoạch nông thôn theo tư duy của lập quy hoạch đô thị. Bên cạnh đó, quy hoạch xây dựng NTM chưa gắn liền với quy hoạch các khu đất ở mới gắn với tạo nguồn kinh phí xây dựng NTM. Vị trí các khu dân cư mới thiếu tính tập trung, bám dọc theo các trục đường tỉnh lộ, trục xã, chưa định hướng các khu dân cư nông thôn bền vững; vấn đề môi trường trong xây dựng nông thôn mới chưa được quan tâm cụ thể, nhiều địa phương khó khăn trong lựa chọn các khu vực để xử lý chất thải rắn, thoát nước thải các khu dân cư ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan làng xóm.
Chất lượng đồ án quy hoạch và đề án nông thôn mới còn nặng về tính toán đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa chú trọng đúng mức tới các lĩnh vực như:  phát triển sản xuất, văn hoá, bảo vệ môi trường; thiếu giải pháp thực hiện; kế hoạch huy động nguồn lực còn thiếu tính thực tiễn. Công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch, đề án chậm được triển khai thực hiện.
Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng thể phát triển kinh tế – xã hội không chỉ liên quan đến mảng Nông thôn – Nông nghiệp và Nông dân, mà còn liên quan đến hầu hết các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của toàn xã hội. Do đó quy hoạch xây dựng nông thôn mới cũng phải gắn liền với các quy hoạch phát triển của cả vùng, trong đó phải tính đến sự phát triển nhanh chóng của đô thị. Hiện nay và nhiều năm sau nữa tốc đô thị hóa ở tỉnh ta đã đang và sẽ còn sử dụng rất nhiều đất nông nghiệp, tỉnh ta đang phấn đấu tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm đất nông nghiệp trong tính toán đưa khoa học kỹ thuật để tăng năng xuất các sản phẩm nông nghiệp bảo đảm an ninh lương thực quốc gia một cách hợp lý. Do đó, trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới phải chú trọng đến việc đấu nối, liên kết hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội với các quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch vùng miền. Vấn đề quy hoạch làm thế nào để kết nối được các vùng với nhau, tạo mảng liên kết cộng đồng thông thương, tạo ra được các vùng sản xuất chuyên canh mang lại giá trị cao cho các vùng. Các đô thị bùng nổ nhanh trong khi quy hoạch nông thôn mới cũng ồ ạt “về đích” nhưng lại thiếu một qui hoạch có tính chiến lược, bền vững, thiếu những cơ sở pháp lý đồng bộ, không kiểm soát được việc quản lý xây dựng hoặc không kịp xây dựng đồng bộ các cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, khiến nhiều giá trị của các quỹ đất đô thị bị mai một, nhiều giá trị văn hoá tại các vùng nông thôn bị phá vỡ.
Nếu so tỷ lệ đô thị hóa tỉnh ta hiện nay đạt khoảng 30% thì tỷ lệ nông thôn vẫn rất lớn, tác động mạnh đến quản lý và phát triển xã hội. Bởi vậy, việc lập, quản lý, thực hiện quy hoạch nông thôn mới phải nhằm mục tiêu tạo điều kiện cho cả người dân và chính quyền dễ thực hiện; tổ chức cuộc sống cho người dân thuận tiện cả trong sản xuất và sinh hoạt.
Trong giai đoạn tiếp theo, đối với các xã đã đạt chuẩn trước hết cần tập trung duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM. Nâng cao chất lượng tiêu chí bao gồm nâng mức đạt của các chỉ tiêu và bổ sung một số chỉ tiêu phản ánh mức độ hưởng thụ cao hơn về vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Trong đó, tiêu chí Quy hoạch phải rà soát, bổ sung, cập nhật quy hoạch để phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp - dịch vụ - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, hướng đến tăng thu nhập bền vững cho người dân và xây dựng môi trường cảnh quan xanh - sạch - đẹp, trở thành “miền quê đáng sống”.
Trên cơ sở báo cáo của các địa phương hiện nay hầu hết các địa phương đang triển khai rà soát, điều chỉnh để quy hoạch nông thôn mới đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương và Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 20/4/2017 của Tỉnh uỷ Quảng Trị về đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025. Các địa phương cũng đang xây dựng quy chế quản lý quy hoạch, thực hiện cắm mốc chỉ giới các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn theo quy hoạch nhằm xác định hành lang bảo vệ các công trình, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch. Việc rà soát, bổ sung quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới và quy hoạch chi tiết các điểm dân cư nông thôn cần tuân thủ theo Luật Xây dựng 2014 và Thông tư số 02/2017/TT-BXD ngày 01/3/2017 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về quy hoạch xây dựng nông thôn mới (thay thế Thông tư liên tịch số 13/2011); trong đó kiến nghị cần thực hiện đúng quy định tại Luật Xây dựng 2014 là: Uỷ ban nhân dân cấp huyện phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng thuộc UBND cấp tỉnh (trước đây chưa được tuân thủ).
Đề nghị lựa chọn 1-2 huyện có 100% số xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và có mức độ đô thị hoá cao để lập quy hoạch xây dựng vùng huyện, đồng thời, xác định các định hướng của một số ngành và lĩnh vực trong quá trình xây dựng nông thôn mới nhằm phục vụ quá trình tái cơ cấu nông nghiệp và phục vụ dân sinh gắn với các vùng sản xuất hàng hoá lớn trên địa bàn huyện và từng tiểu vùng trong huyện, tiến tới đạt tiêu chí huyện nông thôn mới theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ, làm tiền đề cho việc phát triển đô thị trên địa bàn huyện.

 
PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN TRONG GIAI ĐOẠN 2008 - 2018 VÀ GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
(Sở Giao thông vận tải)
Hệ thống đường giao thông nông thôn đóng vai trò quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội của khu vực nông thôn, là tiền đề phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, phục vụ sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa, góp phần xoá đói giảm nghèo.
Xác định tầm quan trọng đó, ngay từ năm 2002, ngành giao thông vận tải đã xây dựng Đề án chương trình KCH GTNT giai đoạn 2002 – 2015 theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 7d/2002/NQ-HĐ ngày 31/01/2002; Năm 2014 đề án được điều chỉnh bố sung cho giai đoạn 2015 - 2020 và được thông qua tại Nghị quyết số 07/2014/NQ-HĐ ngày 25/7/2014. Từ năm 2010, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ, phong trào xây dựng hệ thống hạ tầng nông thôn đã được toàn thể các cấp ủy, chỉnh quyền và nhân dân hưởng ứng, tham gia, trong đó tiêu chí xây dựng hệ thống giao thông nông thôn là một trong các tiêu chí trọng tâm. Những thành quả đạt được trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn đã góp phần cải thiện đáng kể mạng lưới đường sá và giao thông vận tải của khu vực nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, văn hoá và tinh thần cho dân cư vùng nông thôn.
I. Những kết quả phát triển hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn trong giai đoạn 2008 - 2017:
1. Trong công tác quản lý nhà nước: 
- Trong Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Quảng Trị đến năm 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 2422/QĐ-UBND ngày 16/12/2008 và được điều chỉnh, bổ sung tại Quyết định số 1305/QĐ-UBND ngày 23/6/2015 của UBND tỉnh, đã xác định: Đến năm 2020 kiên cố hóa hệ thống giao thông nông thôn đường huyện, đường xã đạt tỷ lệ ≥80%, đường thôn, ngõ phố đạt tỷ lệ ≥60%; Đến năm 2030 toàn bộ hệ thống đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa 100%.
- Để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình kiên cố hóa giao thông nông thôn, giảm chi phí khảo sát, thiết kế, Sở Giao thông Vận tải đã ban hành hồ sơ thiết kế, dự toán mẫu đường giao thông nông thôn tại Quyết định số 294/QĐ-SGTVT ngày 28/4/2002; Năm 2014, Sở GTVT đã điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và ban hành theo Quyết định số 3508/QĐ-SGTVT ngày 09/10/2014.
- Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình kiên cố hóa GTNT và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Sở GTVT đã phối hợp với các Sở, ngành, các địa phương liên quan tiến hành kiểm tra việc quản lý, sử dụng  nguồn vốn hỗ trợ của  ngân sách và nguồn vốn đóng góp của nhân dân; kiểm tra việc chấp hành áp dụng thiết kế, dự toán mẫu, thủ tục lập, phê duyệt dự toán; kiểm tra chất lượng, khối lượng thi công ở hiện trường nhằm đánh giá việc thực hiện đề án, chất lượng công trình và hạn chế những sai sót trong quá trình thực hiện.
2. Lồng ghép các chương trình, dự án để phát triển hệ thống giao thông nông thôn:
Được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tinh, Sở GTVT đã phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương để tìm kiếm nguồn vốn và lồng ghép các dự án đầu tư của các Bộ ngành trung ương để phát triển hệ thống giao thông nông thôn của tỉnh như:
- Dự án Giao thông nông thôn 3: Dự án do Ngân hàng thế giới tài trợ, thực hiện từ năm 2008 đến năm 2014; Đã đầu tư nâng cáp, cải tạo hơn 30 tuyến đường huyện, đường xã, chiều dài 238,5km, với tổng nguồn vốn 156 tỷ đồng.
- Dự án Xây dựng cầu treo dân sinh đảm bảo an toàn giao thông trên phạm vị 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên của Bộ Giao thông Vận tải, trong đó tỉnh Quảng Trị được đầu tư 03 cầu: Cầu Bản Vây 2, xã Tân Lập, cầu Khe Me, xã Linh Thượng, cầu Bản 2 nối Bản 3, xã Vĩnh Ô với tổng chiều dài 240m.
- Dự án Xây dựng cầu dân sinh và Quản lý tài sản đường địa phương (dự án RLAMP):
+ Hợp phần Khôi phục cải tạo các tuyến đường: Theo Quyết định phê duyệt dự án đầu tư số 622/QĐ-BGTVT ngày 02/3/2016 của Bộ GTVT, tỉnh Quảng Trị được đầu tư 16 tuyến đường, chiều dài 53km, tổng vốn đầu tư 203 tỷ đồng. Sau khi cân đối lại nguồn vốn, suất vốn đầu tư, Sở GTVT đã tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ GTVT điều chỉnh số tuyến đường từ 16 tuyến thành 32 tuyến, chiều dài từ 53km lên 99,92km, với tổng vốn đầu tư 203 tỷ đồng như đã duyệt. Hiện nay UBND tỉnh đã phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật 15 công trình, chiều dài 59,05km; tuy nhiên công tác đấu thầu, thi công chưa triển khai do nguồn vốn của Ngân hàng thế giới chưa được thông báo.
+ Hợp phần Xây dựng cầu dân sinh: Theo Quyết định số 622/QĐ-BGTVT ngày 02/3/2016 của Bộ GTVT, tỉnh Quảng Trị được đầu tư xây dựng 57 cầu, gồm 48 cầu cứng và 9 cầu treo, tổng nguồn vốn 131 tỷ đồng; Sau khi rà soát lại các cầu dân sinh trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở giữ nguyên tổng nguồn vốn được phân bổ, Sở GTVT đã tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ GTVT điều chỉnh số lượng cầu còn 53 cầu do điều chỉnh quy mô xây dựng của một số cầu và loại bớt các cầu đã được đầu tư bằng nguồn vốn khác. Hiện đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng 14 cầu, cống hộp, đang triển khai xây dựng 15 cầu, chuẩn bị đấu thầu 7 cầu. 
3. Khối lượng đường giao thông nông thôn đã kiên cố hóa trong giai đoạn 2008 - 2017: 
- Đường huyện: Đã kiên cố hóa 751km trên tổng số 1.204km, đạt tỷ lệ 62,4%%:
- Đường xã, phường: Đã kiên cố hóa 529,7km trên tổng số 881,4km, đạt tỷ lệ 60,1%;
- Đường trục thôn, bản, liên thôn, bản: Đã kiên cố hóa 1.420,7km trên tổng số 2.161,8km, đạt tỷ lệ 65,7%;  
- Đường xóm, ngõ phố: Đã kiên cố hóa 1.036,4km trên tổng số 1.345,5km, đạt tỷ lệ 77,0%;  
- Đường trục chính nội đồng: Đã kiên cố hóa 464,2km trên tổng số 1.438,8km, đạt tỷ lệ 32,3%.
* Tính chung toàn bộ hệ thống đường giao thông nông thôn đã kiên cố hóa được 4.202km trên tổng số 7.121,5km, đạt tỷ lệ 59,0%.  
4. Về nguồn vốn đầu tư: 
Tổng nguồn vốn đã huy động để đầu tư cho hệ thống đường giao thông nông thôn giai đoạn 2008 - 2018: 1.919,7 tỷ đồng, trong đó:
- Nguồn vốn Trung ương: (Hỗ trợ cho các Chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, 135...): 718,4 tỷ đồng;
- Nguồn vốn địa phương: 461,1 tỷ đồng;
- Nguồn vốn ODA (dự án GTNT 3, dự án RLAMP...): 441,0 tỷ đồng;
- Nguồn vốn nhân dân đóng góp (Chương trình Kiên cố hóa GTNT, Xây dựng nông thôn mới...): 121,5 tỷ đồng;
- Nguồn vốn khác (nguồn xã hội hóa, các dự án tài trợ của các tổ chức quốc tế....): 177,3 tỷ đồng.
II. Giải pháp để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn trong thời gian tới:
- Huy động nhiều nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện tiêu chí giao thông của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới;
- Tích cực tìm kiếm nguồn vốn các dự án đầu tư của các Bộ, ngành trung ương để đầu tư phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn;
- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (dự án LRAMP) theo quyết định số 622/QĐ-BGTVT ngày  02/3/2016 của Bộ Giao thông vận tải; 
- Lồng ghép việc đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn vào các chương trình, dự án khác, nhất là các chương trình, dự án đầu tư cho phát triển nông thôn của các ngành, địa phương, nhà tài trợ.

 
GHI NHẬN TỪ PHONG TRÀO “TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA, GẮN VỚI CUỘC VẬN ĐỘNG CHUNG SỨC XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
(Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
Qua hơn 20 năm thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, với sự nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn của toàn Đảng, toàn dân, phong trào đã mang lại nhiều kết quả quan trọng, có sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư và được đông đảo quần chúng nhân dân đồng tình hưởng ứng mạnh mẽ, được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; các ban, ngành, mặt trận, đoàn thể phối hợp thực hiện một cách đồng bộ, kịp thời, đem lại hiệu quả thiết thực. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã tạo nên một diện mạo mới cho nông thôn, khắp các nẻo đường làng đã có sự thay đổi và khởi sắc.
Thông qua phong trào, việc xây dựng nếp sống văn hóa mới có nhiều chuyển biến tích cực, số gia đình, làng, bản văn hóa được công nhận tăng lên, công tác bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa được thực hiện chặt chẽ, có chất lượng; Công tác quy hoạch quỹ đất đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao và cơ sở vật chất hạ tầng được quan tâm, với phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm” đã có tác động tích cực đến ý thức tự nguyện, tự giác, quyết tâm của chính quyền cùng nhân dân trong việc huy động các nguồn lực để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, cơ sở vật chất, hạ tầng nông thôn mới, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa, cảnh quan môi trường sạch, đẹp; Thông qua phong trào, nhiều nét đẹp trong lao động sản xuất hình thành, bà con cùng giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng, xây dựng nông thôn ngày càng hiện đại, đổi mới; góp phần vun đắp tình làng ngõ xóm, cũng cố khối đại đoàn kết dân tộc, từng bước thực hiện có hiệu quả phong trào “TDĐKXDĐSVH” và thành công trong công cuộc xây dựng nông thôn mới của tỉnh nhà.
Về thực hiện tiêu chí 06:
Với sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, việc quy hoạch, đầu tư xây dựng, sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở từng bước hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân, góp phần nâng cao ý thức của nhân dân trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy tính dân chủ, tinh thần đoàn kết và nhu cầu hưởng thụ văn hóa, rút ngắn khoảng cách văn hóa giữa các vùng miền trong tỉnh.
 Đến nay, từ tỉnh đến cơ sở, phần lớn các huyện, thị, thành phố hoàn thành việc quy hoạch quỹ đất, huy động nguồn kinh phí để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao đến năm 2020.
Đến nay, toàn tỉnh có:
-         104/141 Trung tâm Văn hóa- Thể thao cấp xã;
-         75/104 Trung tâm Văn hóa- Thể thao cấp xã đạt chuẩn theo quy định
-         996/1082 Nhà văn hóa, khu thể thao thôn.
-         598/996 Nhà văn hóa, khu thể thao thôn đạt chuẩn theo quy định
Nhìn chung các thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở từng bước được xây dựng, hoàn thiện, phát huy hiệu quả sử dụng, dần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân. Đặc biệt các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở như Nhà văn hóa- khu thể thao thôn, Nhà sinh hoạt cộng đồng, Đình làng, nhà rông, nhà dài... đã phát huy hết công năng, hiệu quả sử dụng. Hàng tuần, tháng là địa điểm tập trung sinh hoạt của người dân như:  hội họp của các tổ chức đoàn thể như Phụ nữ, Nông dân, Chi đoàn thanh niên, Người cao tuổi ..; Là nơi tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, các hội thi hội diễn nhân những sự kiện trọng đại, ngày lễ tết của quê hương đất nước; là địa điểm vui chơi giải trí, đọc sách cho trẻ em, tập thể dục dưỡng sinh, đi bộ của người già;  nơi giao lưu, tập luyện và thi đấu các môn thể thao của thanh thiếu niên; Là nơi tổ chức các buổi tập huấn, truyền đạt kiến thức, kỹ năng về khoa học kỹ thuật cho bà con nhân dân trong lao động, sản xuất…Ngoài ra, để tạo nguồn kinh phí tổ chức hoạt động, phát huy lợi thế về quỹ đất, trang thiết bị, sân, bãi và cảnh quan đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong sinh hoạt, phục vụ cho đời sống văn hóa tinh thần của người dân, được sự nhất trí của chính quyền địa phương và người dân, Ban điều hành văn hóa đã tạo điều kiện cho các hộ gia đình trong thôn thuê mặt bằng để thực hiện các sự kiện nhưng vẫn bảo đảm an toàn các thiết chế văn hóa.
Về thực hiện tiêu chí 16:
Trên quan điểm chú trọng chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là mục tiêu, là nhiệm vụ hàng đầu nên trong những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch – Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh đã tham mưu HĐND, UBND tỉnh đẩy mạnh phong trào phát triển theo hướng chiều sâu, chất lượng. Để thực hiện tốt mục tiêu trên, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở đẩy mạnh việc thành lập, hoạt động các mô hình tự quản, các mô hình Câu lạc bộ ở địa phương. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban ngành liên quan, thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh như: Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội người cao tuổi, Đoàn thanh niên, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phát động các phong trào thi đua yêu nước… để tạo thành sức mạnh tổng hợp, đẩy mạnh phong trào phát triển có quy mô, chất lượng. Chính vì vậy, đến nay phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở Quảng Trị phát triển đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Toàn tỉnh có:
-         148.908/164.458 gia đình được công nhận gia đình văn hóa
-         1039/1082 làng, bản, khu phố đạt danh hiệu văn hóa
-         50/117 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới
-         41/117 xã đạt chuẩn nông thôn mới
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận trên, thực tế thực hiện phong trào “TDĐKXDĐSVH” gắn với xây dựng nông thôn mới vẫn còn một số tồn tại như việc lồng ghép giữa các tiêu chí về xây dựng “làng, bản, khu phố văn hóa”, “xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới’ với các tiêu chí xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới vẫn còn chậm; Quy hoạch quỹ đất dành cho xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao ở một số địa phương còn khó khăn, phân tán; đầu tư ngân sách còn hạn chế; cơ chế chính sách thu hút các nguồn lực thực hiện xã hội hoá văn hoá chưa mạnh và đồng đều, phần lớn các thiết chế văn hóa, thể thao chưa đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Để thực hiện phong trào “TDĐKXDĐSVH” gắn với xây dựng nông thôn mới có hiệu quả trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần quan tâm thực hiện một số giải pháp như xây dựng cơ chế, chính sách, chương trình lồng ghép có hiệu quả, đồng bộ, cụ thể với 02 tiêu chí liên quan đến ngành văn hóa; Chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thị, thành phố tiến hành lập quy hoạch quỹ đất, xây dựng lộ trình đầu tư và hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2018-2020 đạt chuẩn của Bộ VH,TT&DL; cần có chính sách đầu tư để cơ sở có đủ nguồn lực về kinh phí, nhân lực nhằm xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao; Cần có hướng mở và tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho các tổ chức chính trị- xã hội, doanh nghiệp, cá nhân trong việc tham gia xã hội hóa xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, các thiết chế văn hóa, thể thao và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao ở cơ sở.
Trong mọi thời điểm, chúng ta tâm đắc câu nói của Bác Hồ “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “Dĩ bất biến” chính là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; “ứng vạn biến” chính là đưa ra các giải pháp nhằm huy động sức mạnh toàn xã hội, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân để xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Thực hiện có hiệu quả 2 nội dung chính là cơ sở, nền tảng xây dựng thành công nông thôn mới của tỉnh nhà.
                                                                                
 
ỨNG DỤNG TIẾN BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ PHỤC VỤ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
                                                                                                (Sở Khoa học và Công nghệ)
          Những năm vừa qua, hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng tiến bộ KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh được quan tâm triển khai, góp phần thúc đẩy cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển biến tích cực theo hướng tập trung, đẩy mạnh sản xuất nông sản gắn với nhu cầu thị trường và có giá trị kinh tế cao, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ, mục tiêu xây dựng nông thôn mới. 
Công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của KH&CN trong sự nghiệp xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh. Các thông tin liên quan đến công tác nghiên cứu ứng dụng KH&CN phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa hóa nông nghiệp và nông thôn được cập nhật liên tục tại Cổng Thông tin điện tử của Sở Khoa học và Công nghệduy trì 20 Điểm Thông tin KH&CN phục vụ nông nghiệp nông thôn đặt tại 20 xã phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; xuất bản Bản tin Thông tin khoa học và công nghệ phục vụ nông nghiệp nông thônĐặc san Khoa học và Công nghệ; phát sóng Chuyên mục KH&CN trên Đài PT-TH tỉnh, trên Báo Quảng Trị... Thông qua các hoạt động này đã giúp người dân tiếp cận với những thông tin về tiến bộ KH&CN phục vụ hoạt động sản xuất và đời sống góp phần thúc đẩy việc ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, thông qua triển khai Chương trình phối hợp liên ngành giai đoạn 2017-2020 giữa Sở Khoa học và Công nghệ và Hội nông dân tỉnh, Sở đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn khai thác thông tin KH&CN phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn cho các cán bộ Hội cơ sở.
Công tác ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đạt được nhiều thành tựu nổi bật. KH&CN đã tác động tích cực vào tất cả các lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản...) thúc đẩy thâm canh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần tích cực vào việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
         Tỉnh đã tập trung đổi mới, cải tạo giống cây trồng, vật nuôi chủ lực, có lợi thế của địa phương, góp phần nâng cao chất lượng giống; tăng năng suất, chất lượng, sản lượng cây trồng, vật nuôi; từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi của tỉnh, tiêu biểu như: Tuyển chọn một số giống cà phê chè triển vọng và xây dựng mô hình vườn ươm cây giống cà phê chè mới trên địa bàn huyện Hướng Hóa; Ứng dụng các tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình phát triển cây cam sạch bệnh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất và sử dụng chế phẩm probiotic bổ sung thức ăn nuôi trồng thủy sản phù hợp tại tỉnh Quảng Trị; Cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo đồng thời lựa chọn các nái lai chất lượng làm nền để phối tinh của các giống bò thịt chất lượng cao; Áp dụng nuôi các giống lợn nái ngoại, lai ngoại để thực hiện thụ tinh nhân tạo tạo giống lợn thương phẩm chất lượng cao; Nghiên cứu khảo nghiệm tập đoàn giống lúa mới ngắn ngày, chất lượng cao để bổ sung vào cơ cấu bộ giống lúa chủ lực của tỉnh và phục tráng giống lúa HC95 nhằm tạo ra được 1 bộ giống tốt, sạch bệnh...
Với mục tiêu KH&CN xuất phát từ cơ sở và hướng về cơ sở, phục vụ cơ sở, các nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở đã tập trung hoàn thiện, chuyển giao các công nghệ, các mô hình mới gắn với thực tiễn sản xuất nông nghiệp của các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh. Nhiều đề tài, dự án bước đầu đã tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, được thị trường ưa chuộng và có khả năng nhân rộng sau khi nghiệm thu như: Trồng thử nghiệm cây Cà gai leo và cây Chùm ngây trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Xây dựng mô hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tỏi đen tại Quảng Trị; Sản xuất thử nghiệm cây chè vằng tạo sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Thử nghiệm trồng tỏi tía trên đất cát ven biển tại xã Trung Giang và trồng cây mướp đắng trong nhà lưới chắn côn trùng tại thôn Lại An xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh; Hoàn thiện quy trình trồng hoa ly và trồng thử nghiệm cây tulip tại khu vực Bắc Hướng Hóa; Sản xuất thử nghiệm cây chè vằng tạo sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Ứng dụng tiến bộ KH&CN mới để xây dựng vùng sản xuất rau an toàn tập trung...
         Riêng trong lĩnh vực thủy sản, tỉnh đã phối hợp với Tổ chức NEDO (Nhật Bản) triển khai dự án Ứng dụng đèn LED cho các tàu đánh bắt xa bờ tỉnh Quảng Trị, tiến hành lắp đặt đèn LED cho 39 tàu cá của ngư dân tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Triệu Phong. Việc thay thế hệ thống đèn cao áp hiện hữu cho 40 tàu bằng các đèn LED (COB) với tiêu chuẩn của Nhật Bản sẽ tiết kiệm khoảng 70% nhiên liệu, giúp cho ngư dân giảm chi phí đánh bắt, tăng lợi nhuận. Sự thành công của dự án này là điểm nhấn để nhân rộng cho tất cả các tàu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vươn khơi bám biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Các nhiệm vụ KH&CN cũng đã tập trung nghiên cứu, ứng dụng, hoàn thiện, đổi mới công nghệ để sản xuất, chế biến sâu theo hướng nâng cao giá trị các sản phẩm, nguyên liệu nông nghiệp mang tính đặc thù của địa phương như: Xây dựng vùng nguyên liệu và sản xuất các loại trà hòa tan gồm: Chè Vằng (TralaVang), Cà gai leo – Linh chi (Cagali), Linh Chi (Đất lửa); Các loại thực phẩm, thức uống bảo vệ sức khỏe gồm: Nhộng Trùng Thảo (Đông Trùng Hạ Thảo), rượu Đông Trùng Hạ Thảo; Tỏi đen (Winner), rượu Tỏi đen... là các sản phẩm có giá trị kinh tế lớn, hàm lượng khoa học cao; các sản phẩm đến nay đã được thương mại hóa. Các nhiệm vụ KH&CN cũng đã chú trọng nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ sấy tiến tiến (sấy ở nhiệt độ thấp) để chế biến, bảo quản một số sản phẩm đặc thù, có giá trị kinh tế cao ở địa phương như: Ném, Hồ tiêu, Chuối, Cá ... góp phần bảo quản được nông sản, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm để hình thành hàng hóa thương mại trong và ngoài nước.
Cùng với việc nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm nông sản, các nhiệm vụ KH&CN thời gian qua cũng đã tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu, giúp nhiều doanh nghiệp, địa phương nâng cao chất lượng, danh tiếng của các sản phẩm nông sản tiềm năng, thế mạnh, chủ lực của tỉnh, mở rộng thị trường tiêu thụ; góp phần đưa sản phẩm nông sản của Quảng Trị đến với thị trường trong nước và thế giới. Đặc biệt, năm 2017-2018 là năm các sản phẩm nông sản đặc sản truyền thống của địa phương được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu tập thể/nhãn hiệu chứng nhận nhiều nhất từ trước đến nay (Gạo Hải Lăng, Ném Vĩnh Linh, Dưa hấu Vĩnh Tú, Lạc Vĩnh Linh, Rau an toàn Đông Hà, Chuối Hướng Hóa, Rượu truyền thống men lá Ba Nang, Khoai Môn Vĩnh Linh, Cao dược liệu Định Sơn, Đậu đen xanh lòng Triệu Vân, Nước mắm Cửa Việt, Nước mắm Cồn Cỏ, Nước mắm Mỹ Thủy). Đặc biệt, hai sản phẩm chủ lực, thế mạnh của tỉnh có quy mô và chất lượng cao là hạt tiêu Quảng Trị và cà phê chè (Arabica) vùng Hướng Hóa đến nay đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận mở rộng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm “Hạt tiêu Quảng Trị” ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ và Hướng Hóa và Nhãn hiệu tập thể “Khe Sanh” cho sản phẩm cà phê chè vùng Hướng Hóa.
Đặc biệt, được sự quan tâm hỗ trợ của Bộ KH&CN, từ năm 2006 đến nay, tỉnh triến khai thực hiện 15 dự án thuộc Chương trình Hỗ trợ ứng dụng và chuyến giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi (Chương trình Nông thôn miền núi). Các dự án trong lĩnh vực trồng trọt đã giúp các địa phương tiếp nhận và ứng dụng các công nghệ để chủ động sản xuất giống cây trồng sạch bệnh, phát triển sản phẩm có lợi thế của địa phương (Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô và giâm hom cây lâm nghiệp tỉnh Quảng trị; Xây dựng mô hình sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu tại tỉnh Quảng Trị; Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất giống hoa và hoa thương phẩm chất lượng cao tại  tỉnh Quảng Trị; Xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất hoa lan hồ điệp, hoa lily tại Quảng Trị; Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình chuỗi giá trị trong sản xuất lạc an toàn theo VietGAHP tại tỉnh Quảng Trị)Trong lĩnh vực chăn nuôi, dự án Xây dựng mô hình chăn nuôi gà thịt trang trại tiêu chuẩn VietGAHP theo chuỗi giá trị tại vùng cát tỉnh Quảng Trị tiếp nhận, làm chủ các quy trình công nghệ chăm sóc nuôi dưỡng gà Ri lai nuôi thịt an toàn thực phẩm theo Tiêu chuẩn VietGAHP và quy trình kỹ thuật nuôi giun quế làm thức ăn bổ sung trong chăn nuôi gà. Trong lĩnh vực thủy sản, dự án Xây dựng mô hình nuôi công nghiệp tôm thẻ chân trắng vụ Thu Đông trên vùng đất cát ven biển tỉnh Quảng Trị đã hình thành nghề mới, nghề nuôi tôm thẻ chân trắng vụ Thu Đông, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tận dụng đất phong hóa, đất kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản. Các dự án trong lĩnh vực công nghệ sinh học đã giúp người dân tiếp nhận và làm chủ các công nghệ sản xất các chế phẩm sinh học chế biến phế phẩm phụ sinh học thành phân hữu cơ; tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp, thủy sản để sản xuất các loại phân bón hữu cơ vi sinh, sản xuất các chế phẩm và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, phục vụ phát triển trồng trọt trên địa bàn (Xây dựng mô hình sản xuất chế phẩm sinh học và ứng dụng để xử lý các phế phụ phẩm nông nghiệp tại tỉnh Quảng Trị;Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ nguồn than bùn sẵn có ở địa phương ở quy mô công nghiệp phục vụ phát triển cây cao su vùng gò đồi, vùng núi tỉnh Quảng Trị). Trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, dự án Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sử dụng năng lượng mặt trời tại các xã khó khăn vùng nông thôn có “Làng ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ” tỉnh Quảng Trị đã tiếp nhận và chuyển giao hệ thống cung cấp nước nóng bằng năng lượng mặt trời cho 03 trạm y tế và 06 trường mầm non của 03 xã vùng dự ánTrong lĩnh vực công nghệ thông tin, dự án Xây dựng mô hình cung cấp thông tin KH&CN về nông thôn và miền núi tỉnh Quảng Trị đã ứng dụng tích hợp công nghệ thông tin để đưa thông tin khoa học công nghệ tới cấp xã phục vụ phát triển kinh tế - xã hội góp phần nâng cao dân trí, xoá đói, giảm nghèo, cải thiện chất lượng đời sống tinh thần và vật chất cho nông dân... Đặc biệt, có 02 dự án giúp khôi phục sản xuất, chuyển đổi sinh cho người dân sau sự cố môi trường biển (Ứng dụng tiến bộ KH&CN trong chăn nuôi bò nhằm chuyển đổi sinh kế cho người dân ở vùng cát ven biển chịu ảnh hưởng sự cố môi trường biển tỉnh Quảng Trị; Ứng dụng công nghệ sản xuất giống nấm dạng dịch thể, phục vụ nuôi trồng, chế biến nấm trong mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị vùng cát ven biển chịu ảnh hưởng sự cố môi trường biển và miền núi tỉnh Quảng Trị). Thông qua việc triển khai các dự án đã chuyển giao và ứng dụng các công nghệ tiên tiến và tiến bộ kỹ thuật mới về nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội cao, góp phần xoá đói, giảm nghèo cho vùng nông thôn miền núi tỉnh Quảng Trị, đồng thời đã tập trung phát triển các cây, con chủ lực, tiềm năng của tỉnh. Hầu hết các dự án thuộc Chương trình triển khai thực hiện tại Quảng Trị đã thực sự tạo được điếm sáng về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực trên các địa bàn thực hiện dự án, góp phần nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất, dân trí và cải thiện đời sống nhân dân.
Công tác ứng dụng tiến bộ KH&CN trong nông nghiệp thời gian qua đã có nhiều tiến bộ, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, trình độ khoa học công nghệ trong nhiều lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp còn hạn chế nên năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm chưa cao. Việc áp dụng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng và giám sát chất lượng chưa được chú trọng đúng mức; thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, mẫu mã, bao bì sản phẩm thiếu đầu tư; chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của huyện chưa được áp dụng, chưa kết nối sâu rộng vào thị trường và các chuỗi phân phối trên cả nước.
          Vì vậy, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển, ứng dụng tiến bộ KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn phục vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới cần có những bước đi mạnh mẽ hơn nữa, trọng tâm là thực hiện có hiệu quả công tác hỗ trợ ứng dụng và nhân rộng các kết quả KH&CN trong nông nghiệp, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong triển khai các chương trình, đề tài, dự án KH&CN vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn./.
                                                                                                                

ĐÀO TẠO NGHỀ, GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO LAO ĐỘNG NỮ TRÊN ĐỊA BÀN QUẢNG TRỊ
                                                            (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh)
 
Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua, ngành Lao động-TB&XH đã phối hợp chặt chẽ với các cấp Hội phụ nữ nhằm thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nữ và bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng.
Xác định công tác đào tạo nghề cho phụ nữ nói chung và phụ nữ nông thôn nói riêng là một nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt của các cấp, các ngành; giúp chị em có thêm kiến thức khoa học kỹ thuật, kỹ năng áp dụng vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần đưa phụ nữ nông thôn thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, đồng thời tạo cơ hội cho chị em nâng cao vị thế trong xã hội.
Hàng năm Sở Lao động-TB&XH và Hội LHPN tỉnh đã ký kết và triển khai quy chế phối hợp nhằm cụ thể hóa các nội dung: đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, nhân rộng các mô hình có hiệu quả, phát huy vai trò năng lực của người phụ nữ trong xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Cùng với các địa phương chuyển dịch nhanh, mạnh lực lượng lao động hoạt động từ lĩnh vực nông- lâm- ngư sang lĩnh vực công nghiệp- xây dựng- thương mại. Kết quả phối hợp giữa 2 ngành đã đạt được những kết quả như sau: Từ năm 2011 đến nay, đã có 54.056 lao động được đào tạo nghề, trong đó lao động nữ chiếm trên 50%; đến cuối năm 2017, tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 49,57%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 36,2%; các mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm phù hợp, hiệu quả, tăng thu nhập cho lao động nữ: Các nghề Phi nông nghiệp như nghề May công nghiệp có khoảng 3.000 lao động nữ được giải quyết việc làm với thu nhập ổn định từ 3-4,5 triệu đồng/tháng;  nghề Kỹ thuật chế biến món ăn có gần 2.000 lao động nữ; nghề Trang điểm thẩm mỹ 150 lao động nữ; học viên sau đào tạo đã được các cơ sở, doanh nghiệp chuyên nấu ăn phục vụ đám cưới, hội nghị tuyển dụng vào làm việc với thu nhập hàng tháng từ 03 triệu đồng trở lên; Các mô hình nghề nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế  rất cao cho người lao động như Kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại hoa tiếp tục được nhân rộng tại các địa bàn vùng ven đô thành phố Đông Hà, Triệu Phong, Vĩnh Linh, Cam Lộ (có 450 lao động); mô hình nghề Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Ném, kỹ thuật trồng Nấm được nhân rộng tại các địa bàn huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Vĩnh Linh (có 590 lao động); người lao động, chủ yếu là lao động nữ có thu nhập khá và ổn định với bình quân 5 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh việc đào tạo nghề, công tác giải quyết việc làm cũng được 2 đơn vị quan tâm: Đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách của Đảng và Nhà nước về việc làm, học nghề nhằm nâng cao nhận thức của lao động trên địa bàn tỉnh, thông qua các chuyên mục, các tập san, các cuộc đối thoại, đặc biệt là Sàn giao dịch việc làm được tổ chức định kỳ vào ngày 15 hàng tháng tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và Sàn giao dịch việc làm lưu động được tổ chức tại các cụm xã, thị trấn; các cuộc giao lưu  gặp gỡ giữa lao động với các nhà doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu lao động và các cơ quan quản lý nhà nước về lao động với các chủ đề “Người lao động với học nghề và cơ hội tìm việc làm” “Thanh niên với công tác Xuất khẩu lao động”; hỗ trợ tư vấn định hướng nghề nghiệp, học nghề và giới thiệu việc làm cho lao động để nâng cao kỹ năng tay nghề, tăng cơ hội tìm kiếm việc làm, giảm thất nghiệp nâng cao thu nhập, góp phần ổn định đời sống.  
Sở đã chỉ đạo Phòng Việc làm và ATLĐ phối hợp chặt chẽ với các Ban chức năng của Hội LHPN tỉnh tổ chức các Hội nghị, các diễn đàn đối thoại về Việc làm và xuất khẩu lao động  để tuyên truyền phổ biến, tư vấn giới thiệu việc làm và học nghề, tạo cơ hội cho người lao động lựa chọn nghề, xác định việc học nghề tìm kiếm việc làm phù hợp.
 Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu việc làm của tỉnh thời kỳ 2011-2016 bình quân hàng năm giải quyết việc làm mới từ 9.500- 9.600 lao động. Riêng năm 2017, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho 11.782 lượt lao động lượt lao động, trong đó:  6.604 lượt lao động làm việc trong tỉnh; 3.143 lượt lao động làm việc ngoại tỉnh; 2.035 lao động làm việc ở nước ngoài. Có thể nói, Chương trình phối hợp giữa 02 đơn vị trong việc đào tạo nghề,  giải quyết việc làm thời gian qua đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả; là đòn bẩy tạo đà cho chị em phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
                                    
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho phụ nữ trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế: Như nhận thức của một số chị em chưa đầy đủ, còn thờ ơ trong việc tham gia học nghề, tìm kiếm việc làm, đặc biệt là phụ nữ  thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người do phong tục tập quán còn lạc hậu, trình độ dân trí thấp, thiếu ý thức vươn lên làm giàu, thái độ còn trông chờ ỷ lại vào các chế độ chính sách của nhà nước; Tình trạng lao động nữ chưa qua đào tạo nghề và thiếu kiến thức làm ăn còn nhiều. Công tác hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm do nguồn lực còn hạn chế nên chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của lao động nữ, ảnh hưởng không nhỏ đến tạo sinh kế cho hộ dân, giúp họ vươn lên thoát nghèo.
Để tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nữ, đảm bảo quyền học nghề và có việc làm của phụ nữ theo chính sách và mục tiêu bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Sự phối hợp trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm đạt được kết quả cao hơn trong thời gian tới, cần phải tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa Sở Lao động-TB&XH với Hội LHPN tỉnh trong công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, hạn chế tình trạng thất nghiệp; làm tốt công tác tư vấn học nghề, việc làm và vận động hội viên phụ nữ trong độ tuổi tham gia học nghề; Tăng cường sự tham gia của các cấp Hội phụ nữ, Hội phụ nữ tỉnh là cơ quan đầu mối, tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh về các chính sách đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm, đồng thời tiến hành khảo sát, điều tra nhu cầu học nghề, việc làm, xuất khẩu lao động đối với lao động nữ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các chính sách về học nghề, tạo việc làm cho phụ nữ trên địa bàn; Các cấp Hội phụ nữ cần chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, câu lạc bộ doanh nghiệp nữ  đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm mới gắn với cung ứng lao động nữ. Đa dạng hóa các hình thức dạy nghề cho lao động nữ tại cộng đồng phù hợp với khả năng, trình độ và đặc thù phát triển kinh tế ở địa phương, tạo cơ hội để chị em phát huy khả năng, áp dụng vào mô hình phát triển kinh tế gia đình, có thu nhập ổn định, giúp xóa đói, giảm nghèo, nâng cao vị thế của mình trong xã hội.    

 
NGÀNH Y TẾ QUẢNG TRỊ  NỖ LỰC XÂY DỰNG TIÊU CHÍ QUỐC GIA VẾ Y TẾ
(Sở Y tế Quảng Trị)
Chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đặc biệt chú trọng phát triển mạng lưới y tế cơ sở vì tuyến y tế cơ sở là tuyến y tế gần dân nhất, nơi đầu tiên cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản cho người dân. Cùng với mục tiêu xây dựng nông thôn mới những năm qua ngành Y tế đã tích cực chỉ đạo thực hiện tiêu chí số 15 thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn liền với việc thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về Y tế xã của Bộ Y tế giai đoạn đến năm 2020.
Củng cố mạng lưới y tế xã phường là nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế. Trong những năm qua, ngành y tế Quảng Trị đã nỗ lực triển khai các chương trình y tế và đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị nhằm hỗ trợ tuyến y tế cơ sở. Đến nay, tỉnh Quảng Trị đã có 135/141 xã đạt Tiêu chí quốc gia y tế xã, chiếm 95,7%.
Từ năm 2016, ngành y tế đã có nhiều sự thay đổi về cơ cấu và cơ chế chính sách như: Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi từ ngày 01/01/2016 - thông tuyến khám chữa bệnh BHYT giữa tuyến xã và tuyến huyện trên cùng địa bàn tỉnh; UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Quyết định số 44/2016/QĐ-UBND  ngày 15/11/2016 về cơ cấu tổ chức của Sở Y tế trên cơ sở Thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ. Toàn tỉnh đã sát nhập Trung tâm Y tế huyện và Bệnh viện đa khoa huyện, điều này góp phần củng cố chuyên môn cho bác sỹ tại trạm y tế tốt hơn khi Trung tâm y tế huyện thực hiện 2 chức năng điều trị và dự phòng, trực tiếp hỗ trợ trạm y tế xã trong công tác khám chữa bệnh.
Cùng với sự đổi mới đó, ngành y tế  đã tăng cường thực hiện nhiều giải pháp nhằm xây dựng nông thôn mới nói chung và xây dựng tiêu chí về y tế nói riêng như: thực hiện Kế hoạch số 2708/KH-UBND ngày 21/6/2017 của UBND tỉnh về Triển khai đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới – tỉnh Quảng Trị; tiếp tục phân bổ ngân sách chi thường xuyên cho các huyện và các đơn vị trực thuộc để hỗ trợ trạm y tế xã trong công cuộc xây dựng trạm y tế đạt chuẩn quốc gia y tế xã, đồng thời huy động nguồn lực hỗ trợ từ UBND xã; thực hiện Nghị quyết số 12/2013/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút và tạo nguồn nhân lực của tỉnh giai đoạn 2013-2020 nhằm đảm bảo đạt được mục tiêu 100% số TYT có bác sỹ làm việc tại Trạm y tế xã (hiện nay 80% Trạm Y tế xã có Bác sỹ làm việc thường xuyên tại Trạm y tế); tăng cường nâng cao chuyên môn cho các cán bộ y tế xã thông qua các lớp đào tạo chuyển giao kỹ thuật 1816 từ tuyến tỉnh cho tuyến huyện, tuyến xã bằng nguồn ngân sách nhà nước và bằng nguồn hỗ trợ của các dự án (Dự án Bắc Trung Bộ, Dự án Hạnh phúc Quảng Trị - KOICA…) giúp cho cán bộ y tế có khả năng triển khai 80% dịch vụ kỹ thuật tại đơn vị.
Để tiếp tục tăng cường về cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế, ngành y tế triển khai thực hiện dự án nâng cấp cơ sở vật chất ngành y tế tỉnh Quảng Trị vay vốn ODA của Chính phủ Italia, xây dựng mới và trang cấp thiết bị cho 7 xã của huyện Hải Lăng, Chương trình hỗ trợ y tế do EU tài trợ, triển khai các dự án với sự tài trợ của Cơ quan hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) hỗ trợ về trang thiết bị y tế như máy siêu âm, máy điện tâm đồ, máy đo đường huyết cho một số xã trên toàn tỉnh. Bên cạnh đó, ngành y tế tích cực thực hiện hiệu quả các chương trình y tế - dân số bằng kinh phí ngân sách nhà nước và nguồn hỗ trợ từ các chương trình dự án phi chính phủ nước ngoài như: Dự án Phòng chống HIV-AIDS khu vực tiểu vùng sông Mekong (ADB) , Dự án phòng chống Bệnh truyền nhiễm khu vực tiểu vùng sông Mekong (MBDS), Dự án An ninh y tế, Dự án phòng chống sốt rét, Dự án nước sạch VSMT của Plan, World Vision, Dự án HI, Dự án KOICA...Một số kết quả đạt được qua các năm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể cân nặng theo tuổi giảm từ 14,9 (năm 2015) còn 13,8 (năm 2017), tỷ lệ tham gia BHYT đạt 91,6% (năm 2017), tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm từ 18,9% (năm 2015) còn 17,7% (năm 2017), tỷ số giới tính khi sinh đạt 112,6 bé trai/100 bé gái.
Ngành y tế Quảng Trị tiếp tục phấn đấu đạt các mục tiêu về nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở nhằm đạt hiệu quả cao trong công tác khám chữa bệnh và y tế dự phòng, giảm quá tải tuyến trên, hướng tới mục tiêu công bằng, hiệu quả và phát triển. 

 

ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN TIÊU CHÍ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

                                                                                         (Sở Thông tin và Truyền thông)
 
Qua 7 năm triển khai thực hiện phong trào “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới” thực sự đã trở thành một trong những phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ và huy động cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân đồng lòng, quyết tâm để xây dựng nông thôn mới. Đến nay, sau 7 năm toàn tỉnh đã đạt được một số kết quả khá quan trọng về xây dựng nông thôn mới như: nguồn thu nhập và đời sống của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao, bộ mặt nông thôn đã được đổi mới, cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội đã được cải thiện và nâng cấp. Để đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ đó, ngoài sự nỗ lực của toàn thể nhân dân, của tỉnh, của các cấp, các ngành trong đó có sự đóng góp quan trọng của ngành Thông tin và Truyền thông góp phần cùng toàn tỉnh “chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Nhiệm vụ của ngành Thông tin và Truyền thông trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới bao gồm việc hướng dẫn công tác tuyên truyền, hướng dẫn các xã thực hiện đạt Tiêu chí Thông tin và Truyền thông. Xác định được vai trò, nhiệm vụ của đơn vị, Sở Thông tin và Truyền thông thường xuyên hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn xem việc tuyên truyền về Chương trình xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ trọng tâm. Hướng dẫn các địa phương mở chuyên trang điện tử tuyên truyền với nội dung phản ánh đầy đủ, kịp thời các hoạt động của ban chỉ đạo các cấp, các ngành về xây dựng nông thôn mới; cập nhật các văn bản chỉ đạo điều hành hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh; phản ánh thực trạng và tiến độ xây dựng nông thôn mới; biểu dương những đơn vị, cá nhân điển hình trong xây dựng nông thôn mới… Những nội dung tuyên truyền đó đã góp phần đưa những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến gần hơn với nhân dân; cổ vũ toàn dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, cổ vũ, động viên phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh. Các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương thường xuyên phản ánh mọi mặt hoạt động để giúp cho cán bộ và nhân dân hiểu rõ hơn mục đích, nội dung, tư tưởng chỉ đạo của TW, tỉnh, huyện về xây dựng nông thôn mới để nhân dân chủ động tham gia vào các nội dung xây dựng nông thôn mới; kịp thời cổ vũ, nêu gương những địa phương có cách làm hay cũng như những mô hình điển hình của tập thể, cá nhân, cộng đồng dân cư tiêu biểu nhằm động viên sự quyết tâm, đồng tình hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Ngày 17/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1980 ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 gồm 19 tiêu chí, được áp dụng thực hiện từ ngày 01/12/2016 và thay thế bộ tiêu chí cũ. Tiêu chí Thông tin và Truyền thông nằm trong nhóm Hạ tầng kinh tế - xã hội, cùng với các tiêu chí Giao thông, Thủy lợi, Điện, Trường học, Cơ sở vật chất văn hóa, Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, Nhà ở dân cư. Tiêu chí Thông tin và Truyền thông gồm có 4 nội dung: Xã có điểm phục vụ bưu chính; xã có dịch vụ viễn thông, Internet; xã có Đài Truyền thanh và hệ thống loa đến các thôn; xã có ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành. Như vậy, so với Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới ban hành năm 2009, tiêu chí Thông tin và Truyền thông trong Bộ tiêu chí mới ban hành năm 2016 đã đảm bảo tính toàn diện trên các lĩnh vực của ngành. Triển khai có hiệu quả các tiêu chí này sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính cấp xã; đồng thời, giúp người dân nhanh chóng tiếp cận thông tin, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ thông tin giữa nông thôn và thành thị.
Căn cứ quy định một số tiêu chí xã nông thôn mới thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh giai đoạn 2016-2020 và quy định chi tiết thực hiện tiêu chí Thông tin và Truyền thông trong bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở đã ban hành văn bản hướng dẫn các huyện, thành phố, các xã, thị trấn xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh thực hiện. Chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính viễn thông cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông chất lượng cao, đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân và góp phần thực hiện tiêu chí nông thôn mới về điểm phục vụ bưu chính, viễn thông; tăng cường cơ sở vật chất, vùng phủ sóng thông tin di động 3G, triển khai mạng 4G, quang hóa các tuyến truyền dẫn đến xã, thôn, xóm... Phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn như: Chương trình đưa internet về nông thôn; chương trình viễn thông công ích; cáp quang về đến hộ gia đình và các giải pháp phát triển cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục được triển khai hiệu quả. Các loại hình dịch vụ bưu chính, viễn thông tại các Bưu cục, điểm Bưu điện văn hóa xã ngày càng đa dạng, đảm bảo chất lượng.
Bên cạnh đó, Sở đã tiến hành thẩm định và kiểm tra thực tế hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới cho các xã về tiêu chí số 8; Hướng dẫn các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới về Tiêu chí Thông tin và Truyền thông thực hiện theo Công văn số 478/HD-STTTT ngày 20/8/2017 về hướng dẫn thực hiện tiêu chí số 8 (Thông tin và Truyền thông) của Bộ tiêu chí xã Nông thôn mới giai đoạn 2017 – 2020. Trong tiêu chí số 08 tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông”, có chỉ tiêu “Xã có đài truyền thanh và hệ thống loa đến các thôn” là cần phải đầu tư để đạt chuẩn. Qua đánh giá hiện trạng về tiêu chí số 8 (thông tin và truyền thông), trong 12 xã đăng ký về đích Nông thôn mới năm 2018 đã có 5 xã đã có đài truyền thanh cơ sở: xã Tân Thành (huyện Hướng Hóa); xã Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh); xã Trung Hải (huyện Gio Linh); xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ), xã Hải Dương (huyện Hải Lăng); 7 xã còn lại đang có nhu cầu cấp thiết có đài truyền thanh và hệ thống loa đến các thôn là Vĩnh Chấp (huyện Vĩnh Linh); Linh Hải, Gio Bình (huyện Gio Linh); Triệu Giang, Triệu Sơn (huyện Triệu Phong); Hải Vĩnh, Hải Thọ, (huyện Hải Lăng).
Từ năm 2011 đến nay, triển khai CTMTQG đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, Sở Thông tin và Truyền thông đã tích cực, chủ động đề xuất tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu về tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ và nội dung thông tin cho hệ thống đài truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh. Sở đã phối hợp, đầu tư cơ sở vật chất cho 12 đài truyền thanh cơ sở; tiến hành nâng cấp 9 Đài Phát thanh - Truyền hình cấp huyện; nâng cấp 9 Trạm phát lại Truyền hình cấp xã; xây dựng mới 03 Trạm phát lại Truyền hình cấp xã; đồng thời hỗ trợ, trang bị bộ phương tiện tác nghiệp thông tin và truyền thông cơ sở. Sở đã phối hợp sản xuất 21 chương trình truyền hình; 20 chương trình phát thanh với nội dung: Tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Đảng và Nhà nước về vùng xâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; giới thiệu các gương điển hình, mô hình sản xuất giỏi, đạt hiệu quả cao trên địa bàn; phổ biến một số kỹ thuật sản xuất chăn nuôi... Phát lại 69 chương trình truyền hình của Bộ Thông tin và Truyền thông  cấp; Phát lại 55 chương trình phát thanh của Bộ Thông tin và Truyền thông  cấp.
Để nâng cao năng lực, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ công tác thông tin, tuyên truyền, Sở đã tổ chức 5 lớp đào tạo, tập huấn bồi dưỡng tăng cường năng lực cho hơn 650 lượt cán bộ phụ trách lĩnh vực thông tin truyền thông ở cấp xã, phòng Văn hóa và Thông tin, Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện. Qua đó, giúp cho cán bộ thông tin và truyền thông thấy được tầm quan trọng của hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở đối với công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; nắm bắt được những nghiệp vụ cơ bản về chuyên môn kỹ thuật, cách khai thác viết tin bài.
Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững về tăng cường nội dung thông tin và truyền thông về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, Sở Thông tin và Truyền thông đã biên soạn, xuất bản 03 ấn phẩm: “Phổ biến một số kiến thức khoa học, kỹ thuật và sản xuất, chăn nuôi”; “Một số chính sách, pháp luật về thông tin và truyền thông”; “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, truyền thống đồng bào dân tộc tỉnh Quảng Trị” (xuất bản 15.000 cuốn cho 3 chuyên đề); Xây dựng tin, bài tuyên truyền các chương trình phát thanh phát trên các đài truyền thanh huyện về các chính sách, chủ trương, đưa thông tin về cơ sở và giảm nghèo bền vững.
Xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp cách mạng lâu dài của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta bởi không thể có một nước công nghiệp nếu nông nghiệp, nông thôn lạc hậu, nông dân có đời sống văn hóa và vật chất thấp. Chính vì vậy, việc khai thác, sử dụng có hiệu quả các thiết chế thông tin và truyền thông trong giai đoạn tới sẽ giúp mọi người dân có điều kiện tiếp cận, sử dụng, nắm bắt thông tin về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; áp dụng khoa học kỹ thuật vào hoạt động sản xuất kinh doanh; góp phần nâng cao nhận thức, cải thiện chất lượng cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong lộ trình xây dựng Nông thôn mới của cả nước./.
 
 
HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH KIÊN CỐ HÓA KÊNH MƯƠNG GẮN VỚI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
                                                                                                                      (Chi cục Thủy lợi)
                Xây dựng nông thôn mới là chương trình trọng tâm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, Nghị quyết toàn diện nhất về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ trước tới nay. Đây là một quá trình lâu dài và đòi hỏi phải có nguồn lực tài chính lớn, phải huy động nhân dân và doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn. Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016-2020 được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 325/QĐ-UBND ngày 23/2/2017, trong đó tiêu chí về Thủy lợi là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá quá trình phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương.
          Chương trình kiên cố hóa (KCH) kênh mương tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016-2020 định hướng đến 2025 được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 27/2016/NQ-HĐND ngày 14/12/2016 và UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 671/QĐ-UBND ngày 05/4/2017 với mục tiêu là Kiên cố hoá kênh mương nhằm đảm bảo cho các cấp kênh chuyển đủ lưu lượng thiết kế, thực hiện việc kiên cố đồng bộ, tiết kiệm đất xây dựng, giảm chi phí quản lý khai thác và kéo dài tuổi thọ công trình. Nâng cao năng lực và mở rộng diện tích tưới của các hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, giảm nhẹ ảnh hưởng thiệt hại do thiên tai; cải thiện môi trường, đồng ruộng; giúp dân chuyển đổi mô hình sản xuất và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hạ tầng nông nghiệp nông thôn ngày càng được cải thiện.
  Trong đó kênh loại III là kênh nội đồng, trực tiếp đưa nước đến mặt ruộng do nhà nước và nhân dân cùng làm với chiều dài còn lại chưa được KCH là 603km với tổng vốn đầu tư là 588.000 triệu đồng. Đề án đã đưa ra chính sách huy động vốn cho kênh loại III là ngân sách tỉnh và vốn vay ứu đãi hỗ trợ 50%, nhân dân đống góp 50% đối với khu vực đồng bằng. Đối với khu vực miền núi (huyện Hướng Hóa, huyện Đakrông) là ngân sách Tỉnh và vốn vay ưu đãi đầu tư 80%, nhân dân đóng góp 20%. Các xã đặc biệt khó khăn là vốn ngân sách nhà nước 95%, nhân dân đóng góp 5%. Việc quy định tỷ lệ huy động từ các nguồn vốn như trên cho thấy vai trò của nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) trong việc thực hiện chương trình KCH kênh mương là rất quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong phát triển nông thôn, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế - xã hội nông thôn Việt Nam đang có nhiều thay đổi (do quá trình thực hiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cùng với việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế nói chung và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong nông nghiệp, nông thôn nói riêng).
Sau khi Nghị Quyết số 27/2016/NQ-HĐND ngày 14/12/2016 được HĐND tỉnh thông qua và được UBND tỉnh phê duyệt ban hành được nhân dân đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và của cả hệ thống chính trị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, vào cuộc. Bên cạnh đó, các văn bản pháp lý để thực hiện Đề án đầy đủ, rõ ràng, thuận lợi trong quá trình quản lý đầu tư xây dựng các công trình. Việc đầu tư KCH kênh mương sẽ nâng cao mức bảo đảm tưới, tiêu chủ động, đáp ứng mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới; góp phần tăng năng suất, sản lượng các loại cây trồng trên đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện tổng thể giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch thực hiện từng năm nhằm chủ động kinh phí đối ứng để thực hiện, trong đó chú trọng đến nguồn vốn huy động từ người dân.
Mặc dù nguồn vốn vay ưu đãi của tỉnh trong 2 năm 2016, 2017 không có, bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn khác, đến hết năm 2017, kết quả thực hiện kênh loại III được 86,14km, với kinh phí là 21.249 triệu đồng, trong đó người dân đống góp 4.749 triệu đồng.
 Có được kết quả trên là nhờ sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, sự đống góp của nhân dân bằng nhiều hình thức như: Các xã đồng bằng căn cứ vào tình hình, điều kiện cụ thể của từng địa phương, vận động nhân dân góp vốn, ngày công, vật tư vật liệu, hiến đất...; thống nhất phương thức đóng góp thông qua họp dân và lập Biên bản họp dân. Các xã miền núi, xã đặc biệt khó khăn khuyến khích, động viên nhân dân tự nguyện đóng góp ngày công để thực hiện KCH kênh mương. Các hình thức huy động nguồn đóng góp của nhân dân: Bằng tiền (Việt Nam đồng và ngoại tệ nếu có), ngày công lao động, nguyên vật liệu có sẵn tại địa phương, hiến đất do công trình chiếm chỗ và vốn hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tự nguyện đóng góp. Trường hợp nguồn vốn đóng góp của nhân dân là nguyên vật liệu hoặc ngày công lao động thì được quy đổi thành tiền theo đơn giá trong dự toán được duyệt để thực hiện ghi thu, ghi chi theo quy định.
Vài trò dân chủ cơ sở trong việc huy động sự đống góp của người dân trong việc thực hiện KCH kênh mương luôn luôn được chú trọng. Căn cứ danh mục, công trình được phê duyệt trong Đề án; công trình do xã nào quản lý thì UBND xã đó có trách nhiệm thông báo cho nhân dân trong xã biết. Phương thức thông báo thực hiện theo quy định của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Trên cơ sở ý kiến tham gia của nhân dân trong xã được ghi trong biên bản họp dân và khả năng huy động các nguồn lực của địa phương, UBND xã xây dựng kế hoạch KCH kênh mương trên địa bàn xã, trình HĐND xã quyết định và chỉ đạo tổ chức thực hiện. HĐND xã, UBND xã có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã; bảo đảm cho nhân dân vùng hưởng lợi của công trình thực hiện đầy đủ quyền hạn và nghĩa vụ tham gia đóng góp nguồn vốn, kiểm tra, giám sát tất cả các khâu trong quá trình đầu tư xây dựng công trình.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, việc KCH kênh mương thực hiện đồng thời với chương trình bê tông giao thông nông thôn, KCH trường học, mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và một số chương trình khác cần vốn đầu tư lớn. Vì vậy, việc huy động đủ nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và đóng góp của dân cho KCH kênh mương sẽ gặp nhiều khó khăn. Việc lồng ghép các nguồn vốn để KCH kênh mương chưa được kết hợp chặt chẽ ở một số địa phương trong tỉnh. Tỷ lệ KCH hệ thống kênh mương trong tỉnh còn thấp. Sau lũ lụt phần kênh đất bị hư hỏng ngày càng gia tăng mức độ nên chi phí KCH ngày một tăng cao... Việc khảo sát, thiết kế một số tuyến kênh chưa tỉ mỉ, chi tiết, chưa sát với thực tế, nhất là thiết kế một số số tuyến kênh chưa phù hợp với điều kiện miền núi, thậm chí thiết kế tuỳ tiện, dẫn đến lãng phí hoặc không đảm bảo an toàn. Quá trình thi công, nguồn vốn được bố trí chưa kịp thời, gây khó khăn rất lớn cho việc đảm bảo tiến độ công trình. Giai đoạn đầu thực hiện KCHKM, do thực hiện chủ trương kích cần sử dụng vật liệu tại địa phương, nên một số loại nguyên liệu khai thác tại chỗ không phù hợp với việc xây dựng kênh mương, dẫn đến chất lượng chưa đảm bảo...
Để thực hiện tốt kế hoạch KCH kênh mương, thiết nghĩ, các địa phương cần triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp liên quan. Ngay từ bây giờ, cần củng cố ngay Ban quản lý xây dựng, Ban Giám sát cộng đồng ở xã, tiến hành rà soát, lựa chọn danh mục đầu tư, chủ động lập kế hoạch xây dựng gắn với quy hoạch và phù hợp với đề án đã ban hành, bố trí kinh phí đối ứng của địa phương. Bên cạnh đó, huy động tốt sự đóng góp của nhân dân và cần công khai tất cả các nguồn vốn đóng góp thực hiện KCH kênh mương rộng rãi.... Với chức năng của cơ quan chuyên môn, phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cần tăng cường vịêc đôn đốc, hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh tiến độ thi công và nghiệm thu quyết toán các công trình đúng tiến độ và trước mùa mưa bão hàng năm. Đồng thời, tổ chức tập huấn hướng dẫn về công tác lập hồ sơ, các quy trình kỹ thuật về thi công, nghiệm thu...
Các cấp uỷ đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở cần tăng cường công tác lãnh chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình; UBMTTQ, các đoàn thể ở huyện và cơ sở cần tăng cường hơn nữa công tác vận động tuyên truyền về chủ trương, chính sách đến mọi tầng lớp nhân dân, nâng cao nhận thức trong cộng đồng về chương trình KCH kênh mương để nhân dân hưởng ứng và tích cực thực hiện trong thời gian đến/.
 

Phần thứ hai: PHONG TRÀO XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI CỦA CÁC ĐỊA PHƯƠNG
 
ĐIỂM SÁNG TRONG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG NGƯỜI DÂN THAM GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
(Văn phòng điều phối huyện Vĩnh Linh)
Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, cán bộ và nhân dân xã Vĩnh Kim đã phát huy truyền thống anh hùng, nêu cao tinh thần cách mạng vượt qua mọi khó khăn, đoàn kết thống nhất hưởng ứng phong trào thi đua và kết quả là cuối năm 2014 - xã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới - là một trong 3 xã về đích đầu tiên của tỉnh.
  Từ sau khi xã được công nhận NTM, Đảng bộ và nhân dân xã Vĩnh Kim xác định không thỏa mãn với kết quả đã đạt được mà xem đó là tiền đề, là động lực để xây dựng xã nhà ngày một phát triển đi lên trên con đường CNH-HĐH đất nước, từng bước hội nhập quốc tế nên cần phải tiếp tục giữ vững và nâng cao các tiêu chí XDNTM, đặc biệt là các tiêu chí mới đạt ở mức tối thiểu. Vì vậy, các năm 2015, 2016, 2017 xã Vĩnh Kim vẫn giữ vững các tiêu chí XDNTM.
Thực hiện trong trào “ Cả nước chung tay xây dựng NTM” giai đoạn 2016-2020- BCĐ, BQL xã Vĩnh Kim đã xác định: cần tập trung chỉ đạo thực hiện giữ vững 19 tiêu chí theo bộ tiêu chí mới, đồng thời phải tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí theo hướng “phát huy tiềm năng lợi thế của xã, chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; Đời sống vật chất, tinh thần của  nhân dân ngày một khởi sắc, bộ mặt nông thôn ngày càng  đổi mới, văn minh, an ninh chính trị ổn định”. Để thực hiện được mục tiêu trên, BCĐ, BQL xã luôn xác định: Cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị , phát huy nội lực của toàn dân thực hiện tốt vai trò Đảng lãnh đạo, Nhà nước điều hành, Ủy ban MTTQ và các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các phong trào, cuộc vận động với phương châm “Phát huy tối đa mọi nguồn lực”, trong đó “Nhân dân phải thực sự là chủ thể của Chương trình". Vì vậy, cán bộ và nhân dân xã Vĩnh Kim đã đồng lòng, quyết tâm xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Hưởng ứng phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức hội đã tích cực tham mưu cấp ủy, phối hợp với chính quyền, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới như: hiến đất, hiến cây, đóng góp ngày công mở rộng đường theo quy hoạch, đóng góp kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất, phúc lợi xã hội như đường điện thắp sáng đường quê,  nhà văn hóa, sân thể thao, xây dựng đường hoa...với hơn 12.000 ngày công và đóng góp trên 600 triệu đồng. Đồng thời, tổ chức tiến hành đăng kí các mô hình hoạt động, các phong trào hoạt động nhằm chỉnh trang lại bộ mặt nông thôn xã nhà. Trong đó, xuất hiện nhiều mô hình điển hình, nhiều cách làm hay, sáng tạo của hội viên, đoàn viên.
Tiêu biểu có thể kể đến phong trào “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và mô hình “Đoạn đường phụ nữ tự quản” của Hội phụ nữ. Lấy tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới là cơ hội để thay đổi nhận thức, hành vi của người dân nhằm bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh chung, cải thiện tình trạng vứt rác bừa bãi, Hội Phụ nữ xã đã vận động chị em thực hiện vệ sinh môi trường theo 3 tiêu chí “3 sạch” gồm sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ bằng các việc làm cụ thể như: vận động hội viên phụ nữ và nhân dân thường xuyên quét dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, phát quang bụi rậm, giúp bộ mặt nông thôn được thoáng đãng, sạch sẽ. Đối với rác thải trong sản xuất nông nghiệp, hội phụ nữ đã phối hợp vận động nhân dân thu gom bao bì, vỏ chai, lọ đựng thuốc trừ sâu vào đúng nơi quy định; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng môi trường sống an toàn , đồng thời vào ngày 28 hằng tháng là ngày “môi trường xanh” để hội viên, phụ nữ cùng nhau vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Thông qua các hoạt động đó, đã góp phần nâng cao ý thức, thay đổi hành vi cho chị em phụ nữ trong ứng xử với môi trường. Hội đã tổ chức được 80 buổi tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, thu gom rác thải có trên 4.000 lượt cán bộ, hội viên tham gia.
Là những thế hệ “Bộ đội cụ Hồ” trưởng thành trong quân đội, hội viên Hội CCB luôn là những tấm gương sáng về tinh thần gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động tại địa phương và là những người uy tín trong cộng động, luôn tạo được niềm tin trong nhân dân. Trong thời gian qua. Hội CCB xã nhà đã có nhiều hoạt động,việc làm thiết thực tham gia xây dựng nông thôn mới như: Tích cực tham gia, hưởng ứng , vận động hội viên tham gia tốt công tác bảo vệ môi trường góp phần xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp. Cụ thể Hội CCB đã có nhiều hoạt động như: nhận các cung đường tự quản làm sạch đường làng, ngõ xóm, khu dân cư, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Ngoài việc gương mẫu vận động chấp hành và thực hiện bảo vệ môi trường, cán bộ, hội viên CCB trong toàn xã còn trực tiếp tham gia đóng góp trên 2.000 ngày công để sửa chữa, mở rộng, tu bổ trên 14km đường bê tông nội thôn và đường sản xuất. Hiến hơn 35.000m2 đất, hàng trăm cây ăn quả, cây bóng mát để làm mới, mở rộng tuyến đường điện, đường liên xã… Những việc làm thiết thực của Hội CCB đã có sức lan tỏa rộng trong cộng đồng dân cư, góp phần nâng cao ý thức đóng góp xây dựng nông thôn mới.
Trong thời gian vừa qua, từ thực tiễn công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, Đoàn xã Vĩnh Kim đã triển khai cuộc vận động “Tuổi trẻ Vĩnh Kim chung tay xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu” với các nội dung chính là đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, tham gia xây dựng hạ tầng cảnh quan và bảo vệ môi trường nông thôn; tham gia phát triển kinh tế; tích cực xây dựng đời sống văn hóa, xung kích đi đầu giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn nông thôn; xây dựng tổ chức Đoàn, Hội vững mạnh và tích cực tham gia xây dựng đảng, chính quyền ở địa phương như  tổ chức lực lượng làm vệ sinh, thay cát, thay hoa tại Nghĩa trang Liệt sỹ xã vào dịp Tết nguyên đán và ngày thương binh liệt sỹ; tham gia tốt các phong trào, hoạt động tại địa phương. Trong đó hoạt động tham gia xây dựng cảnh quan và bảo vệ môi trường nông thôn đã tạo dấu ấn nổi bật và mang nét đặc trưng riêng của Đoàn thanh niên với các hoạt động tham gia trồng hoa trước các trụ sở nhà văn hóa, cơ quan, đơn vị; đảm nhận các tuyến đường làng, ngõ xóm xanh sạch đẹp và đoạn đường tự quản của thanh niên, định kỳ cùng các tổ chức trong khối Mặt trận tích cực vệ sinh đường tự quản, ra quân “Ngày chủ nhật xanh” và tuyên truyền, vận động gia đình, người thân vệ sinh đường làng, ngõ xóm, cắt tỉa hàng rào hàng tháng… Bên cạnh đó đặc biệt trong năm 2018 Đoàn xã Vĩnh Kim đã phát động phong trào “Làm sạch biển” với các hoạt động vệ sinh, dọn rác ở khu vực Biển Mũi Trèo.  Đẩy mạnh các hoạt động nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho thanh thiếu nhi; tuyên truyền, vận động thanh niên tự nguyện đăng ký khám tuyển nghĩa vụ, lên đường nhập ngũ đảm bảo số lượng và chất lượng. Các hoạt động tuyên truyền, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông được chỉ đạo triển khai sôi nổi, chất lượng, chú trọng trong các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước. Nhiều đoàn viên thanh niên tham gia vào lực lượng lực lượng cơ động, Dân quân tự vệ và dự bị động viên, thường xuyên tuần tra, bảo vệ tốt các dịp lễ, tết, bảo vệ tài sản của nhân dân, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Đồng thời công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, luật lệ giao thông, không sử dụng pháo và các chất gây cháy, nổ... Đến nay, đoàn thanh niên đã đóng góp 300 ngày công cho xây dựng NTM.
Với phương châm phát huy nội lực, sức mạnh đoàn kết của cộng đồng dân cư, vận động nông dân thực hiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, bên cạnh việc thường xuyên tuyên truyền phổ biến các mô hình, cách làm hay để phát triển kinh tế của các hội viên, Hội Nông dân xã đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên tham gia xây dựng NTM với các tiêu chí môi trường bằng những hoạt động cụ thể như: chỉnh trang nhà ở, xây dựng chuồng trại chăn nuôi gọn gàng, xanh, sạch đẹp; đã tổ chức được các hội nghị tuyên truyền xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường; khuyến khích hội viên xây hầm biogas xử lý chất thải trong chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường... Nhờ đó, mà diện mạo nông thôn thay đổi, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.  
Ngoài ra các tổ chức thành viên khác của Mặt trận đã không ngừng nâng cao trách nhiệm của mình trong công tác tuyên truyền vận động hội viên chung sức xây dựng nông thôn mới trên mọi phương diện.
Với kết quả đạt được trong chương trình xây dựng nông thôn mới trong 7 năm qua, vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội được khẳng định rõ hơn trong việc phối hợp tham gia vận động nhân dân thực hiện các nội dung cụ thể của xây dựng nông thôn mới phù hợp với nhiệm vụ, chức năng của mình.     
Từ thực tiễn qua 7 năm hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới có thể rút ra một số kinh nghiệm chỉ đạo. Đó là:
Tăng cường và tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền vận động của Mặt trận, đoàn thể về ý nghĩa và tầm quan trọng của công cuộc xây dựng nông thôn mới. Lấy dân làm gốc, phát huy sức mạnh nội lực trong nhân dân tạo mọi điều kiện để dân biết, dân bàn, dân chọn, dân làm, dân kiểm tra giám sát và hưởng lợi từ kết quả xây dựng nông thôn mới. Phải xác định rõ việc xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của xã nhà để tạo sự quyết tâm trong chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Để giữ vững các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quán triệt sâu sắc sự nghiệp đổi mới và chính sách Đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng, Nhà nước ta. Tập trung đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân xây dựng, củng cố và mở rộng khối Đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Tiếp tục giữ vai trò là lực lượng nồng cốt, tích cực, tiên phong trong phong trào xây dựng nông thôn mới, tập trung hướng về cơ sở với những mục tiêu cụ thể, góp phần quan trọng cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã nhà giữ vững các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới./.
                                                                                               


  TIẾP TỤC TẠO CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI Ở HUYỆN ĐAKRÔNG
                                               
(Văn phòng điều phối NTM huyện Đakrông)
 
Đakrông là huyện miền núi, biên giới và là huyện duy nhất của tỉnh Quảng Trị đang được thụ hưởng các chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 80% dân số, trình độ dân trí không đồng đều và thấp so với mặt bằng chung của toàn tỉnh. Huyện có 14 đơn vị hành chính gồm 01 thị trấn và 13 xã trong đó 13 xã thực hiện xây dựng nông thôn mới đều là xã đặc biệt khó khăn. Vì vậy, xuất phát điểm trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới rất thấp và gặp không ít khó khăn; toàn huyện lúc mới khởi động Chương trình chỉ có 16 tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới trong đó có 03 xã trắng tiêu chí (gồm Ba Nang, A Vao, Tà Long), xã đạt cao nhất mới chỉ có 04  tiêu chí (Hải Phúc), 9 xã còn lại chỉ đạt 01 đến 03 tiêu chí.
Sau 07 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là việc phát huy vai trò chủ thể của người dân cùng sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, mặc dù chưa đạt được kết quả như mong muốn nhưng có thể khẳng định bộ mặt nông thôn của huyện Đakrông đã có nhiều khởi sắc. Kinh tế - xã hội của huyện phát triển toàn diện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đời sống và sản xuất của nhân dân, cơ cấu lao động chuyển dịch mạnh mẽ...
Xác định Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, ngay từ khi triển khai thực hiện chương trình, huyện đã tăng cường và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm phổ biến các mục tiêu, chủ trương, chính sách về Chương trình xây dựng nông thôn mới đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện. Từ đó, nhận thức của hệ thống chính trị và nhân dân về xây dựng nông thôn mới ngày càng được nâng lên, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, khuyến khích, động viên người dân tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới. Sau 7 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, cảnh quan, môi trường nông thôn được đổi mới văn minh hơn, hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, thu nhập và điều kiện sống của nhân dân được cải thiện và nâng cao. Đến nay, huyện đã có 13/13 xã đạt 04 tiêu chí về quy hoạch, thủy lợi, văn hóa và an ninh trật tự; 13/13 xã đạt tiêu chí về điện; 12/13 xã đạt tiêu chí về y tế; 08/13 xã đạt tiêu chí giao thông; có 02 xã đạt trên 10 tiêu chí và 11 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí. Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” phát triển mạnh mẽ, tạo thêm nguồn lực, sức mạnh mới và động viên tinh thần các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện huyện gặp rất nhiều khó khăn. Đến nay, còn 06/19 tiêu chí gồm cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, nhà ở, thu nhập, hộ nghèo, tổ chức sản xuất, môi trường và an toàn thực phẩm chưa có xã nào đạt; có 3 xã mới đạt 5/19 tiêu chí. Công tác tuyên truyền chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương thiếu thường xuyên, chưa sâu rộng, hình thức và phương pháp chưa thích hợp; vì vậy, một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân chưa nhận thức sâu sắc về việc xây dựng nông thôn mới, còn xem Chương trình xây dựng nông thôn mới là một dự án đầu tư. Vốn tập trung xây dựng nông thôn chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, sức huy động được từ các nguồn lực khác hầu như chưa có. Các hình thức tổ chức sản xuất chưa phát triển, hoạt động chưa hiệu quả, lúng túng trong xác định chiến lược sản xuất. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động tại các xã còn gặp nhiều khó khăn. Vấn đề môi trường nông thôn ở hầu hết các xã chưa thực sự quan tâm, các công trình nước sinh hoạt hư hỏng, xuống cấp trong lúc người dân thiếu nguồn nước sinh hoạt. Các hoạt động gây suy giảm môi trường vẫn còn diễn ra song nhiều xã chưa có giải pháp tích cực để khắc phục kể cả các xã điểm của tỉnh và huyện. Việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ ở hầu hết các xã vẫn còn gặp khó khăn; hiện vẫn còn 64% cán bộ công chức cấp xã chưa qua đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, trên 80% chưa qua đào tạo quản lý Nhà nước. Hơn 16% cán bộ chuyên trách chưa qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, 13% cán bộ vẫn còn ở trình độ học vấn THCS và tiểu học (5 cán bộ). An ninh trật tự một số địa phương còn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn, nhất là các tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc, trộm cắp...
Nhằm tiếp tục thực hiện xây dựng nông thôn mới một cách có hiệu quả, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khoá V đã thống nhất ban hành Kết luận số 14-KL/HU về “về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khoá IV; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020”, trong đó xác định mục tiêu là: Xây dựng nông thôn mới theo hướng quy hoạch, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp và phát triển thương mại dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch, hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, môi trường sinh thái xanh - sạch - đẹp; bản sắc văn hoá được bảo tồn, dân trí và chất lượng hệ thống chính trị được nâng cao nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên. Đồng thời, huyện đã đề ra các chỉ tiêu phấn đấu của giai đoạn 2016 - 2020:
- Duy trì 88 tiêu chí đã đạt chuẩn nông thôn mới của giai đoạn 2011 - 2015.
- Giai đoạn 2016 - 2020, phấn đấu đạt thêm 165 tiêu chí, bình quân đạt 12,7 tiêu chí /xã: Trong đó: 4 xã (A Vao, Ba Nang, Tà Long, Đakrông) đạt 8-10 tiêu chí; 6 xã (A Bung, Tà Rụt, A Ngo, Húc Nghì, Hướng Hiệp, Ba Lòng) đạt từ 11 đến 15 tiêu chí; xã Mò Ó đạt 18 tiêu chí và 02 xã (Hải Phúc và Triệu Nguyên) đạt 19 tiêu chí
- Phấn đấu huy động tổng nguồn vốn là 502.425 triệu đồng, trong đó: Vốn từ ngân sách nhà nước: 417.425 triệu đồng; vốn vay tín dụng ưu đãi: 25.000 triệu đồng; vốn ngoài NSNN: 50.000 triệu đồng; vốn dân góp: 10.000 triệu đồng để thực hiện hỗ trợ cho các lĩnh vực: Hỗ trợ phát triển sản xuất: 61.100 triệu đồng; xây dựng cơ sở hạ tầng: 392.425 triệu đồng; văn hóa - xã hội: 23.000 triệu đồng; đào tạo, giải quyết việc làm: 10.000 triệu đồng; lĩnh vực khác: 17.300 triệu đồng.
Để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, trong giai đoạn 2016 - 2020, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất: Tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới một cách thường xuyên, sâu rộng, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, từng địa bàn dân cư, từng đối tượng để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở; làm cho mỗi người dân nhận thức sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới, từ đó phát huy vai trò chủ thể của họ trong qua trình thực hiện.
Thứ hai: Tập trung rà soát điều chỉnh quy hoạch và Đề án xây dựng nông thôn mới các xã, nắm vững mục tiêu và hệ thống tiêu chí nông thôn mới để có cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh ở từng địa phương. Việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, Đề án nông thôn mới cần phải có sự tham gia của cộng đồng dân cư ở thôn, bản; Quy hoạch trên quan điểm tôn trọng hiện trạng, chỉnh trang, bổ sung để đạt tiêu chí nông thôn mới và phù hợp với các quy hoạch của huyện.
Thứ ba: Tiếp tục kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo, Văn phòng điều phối Nông thôn mới cấp huyện, ban chỉ đạo và ban quản lý xây dựng nông thôn mới từ cấp xã. Xây dựng nội quy, quy chế hoạt động, phân công rõ trách nhiệm cho từng bộ phận, từng thành viên, phân cấp quản lý cụ thể, rõ ràng, tập trung lãnh đạo với phương châm “dễ làm trước khó làm sau”, ưu tiên các tiêu chí ít đòi hỏi về nguồn lực, không nóng vội, chạy theo thành tích. Phát huy tốt quy chế dân chủ công khai, minh bạch, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh, điều chỉnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn về xây dựng nông thôn mới, trang bị kỹ năng đánh giá hiện trạng và cập nhật hệ thống dữ liệu nông thôn mới cho đội ngũ cán bộ thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới các cấp.
Thứ tư: Tập trung chuyển dịch cơ cấu, phát triển sản xuất, ngành nghề nông thôn. Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; khuyến khích, thu hút cán bộ trẻ đã được đào tạo, đủ tiêu chuẩn về công tác ở các xã, 100% xã có cán bộ chuyên trách nông thôn mới. Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn; thực hiện tốt phong trào “Toàn đân đoàn kết thực hiện đời sống văn hoá ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới, phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”; vận động nhân dân tham gia phát triển ngành nghề, xuất khẩu lao động, giữ gìn an ninh, trật tự ở địa phương; bảo tồn và tôn tạo các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể,... quan tâm hơn nữa công tác giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân...
Thứ năm: Thực hiện lồng ghép nguồn vốn nông thôn mới và các nguồn vốn khác để tăng nguồn lực trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Huy động tối đa nguồn lực của địa phương, các khoản đóng góp theo nguyên tắc tự nguyện của cộng đồng, nhân dân trong xã; các khoản viện trợ không hoàn lại của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho các dự án đầu tư vào địa bàn nông thôn. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn tín dụng đầu tư của nhà nước được Trung ương phân bổ cho huyện theo các chương trình, dự án; vốn tín dụng thương mại theo quy định tại Nghị định số 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.
Với tinh thần tích cực, chủ động, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới cùng với sự nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng và vào cuộc của mỗi một người dân, Đakrông sẽ khắc phục khó khăn, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ V, nhiệm kỳ 2015 - 2020./.

SẮC XUÂN TRÊN NHỮNG LÀNG QUÊ NÔNG THÔN MỚI
(Văn phòng điều phối nông thôn mới huyện Cam Lộ)
Về làng quê nông thôn mới Cam Lộ mùa xuân này, dấu ấn đậm nét là những khu vườn hoa trái trù mật; diện mạo nông thôn khởi sắc, xanh, sạch, đẹp, lung linh ánh điện về đêm. Đặc biệt, với người nông dân cả đời gắn bó với ruộng vườn, hơn ai hết, họ cảm nhận sâu sắc những đổi thay trên quê hương mình.
Làng An Mỹ, xã Cam Tuyền có lịch sử hình thành cách đây khoảng 500 năm, là ngôi làng đầu tiên của huyện Cam Lộ được chọn làm điểm phát động xây dựng Làng văn hóa- Gia đình văn hóa từ năm 1996. Xác định tầm quan trọng của văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, các thế hệ con dân làng An Mỹ luôn phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, đùm bọc giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống mới. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trong làng đạt 25 triệu đồng/năm. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao; các giá trị văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục được bảo tồn và phát huy; những hủ tục, tệ nạn xã hội dần bị đẩy lùi. An Mỹ là địa phương đi đầu thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội cũng như phong trào xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới, giữ vững danh hiệu “Đơn vị văn hóa xuất sắc”. Phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa được cụ thể hóa bằng việc phát triển kinh tế hộ, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, chăm lo nuôi dạy con tốt, phát huy tình làng nghĩa xóm đoàn kết giúp đỡ nhau lúc khó khăn, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, giữ gìn vệ sinh môi trường xanh- sạch- đẹp… đã tạo động lực xây dựng đời sống văn hóa mới tiến bộ hơn.
        Trong phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, mỗi địa phương có đặc thù riêng nên có những cách làm khác nhau, nhưng tựu trung là ý Đảng hợp lòng Dân, nhân dân đã phát huy vai trò chủ thể tham gia hiến kế, hiến đất, hiến cây, hiến công mở rộng đường giao thông, kênh mương nội đồng, hăng say thi đua lao động sản xuất, xây dựng đời sống mới, làm giàu cho gia đình, quê hương. Từ phong trào đã vận động nhân dân hiến hàng nghìn mét vuông đất, hàng vạn cây cối, ngày công lao động và tiền mặt để mở rộng và bê tông hóa đường giao thông; duy trì, nâng cấp hệ thống công trình thắp sáng đường quê ở 96/113 khu dân cư với hơn 3.358 bóng điện/ 290 tuyến đường. Các tổ chức hội, đoàn thể đã đảm nhận 348 đoạn đường, tuyến đường tự quản, tuyến đường kiểu mẫu; trồng được trên 2.300 cây bóng mát trên các tuyến đường..., làm cho diện mạo nông thôn mới xanh, sạch, đẹp, văn minh, an toàn. Huyện Cam Lộ cũng đã ban hành quyết định về “Tiêu chuẩn xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu”, tập trung vào 6 tiêu chí với 22 nội dung cơ bản liên quan đến các nội dung, công việc cần thực hiện trong xây dựng khu dân cư nông thôn mới, đô thị văn minh kiểu mẫu; đồng thời ban hành “Bộ tiêu chí tạm thời xây dựng vườn mẫu nông thôn mới áp dụng trên địa bàn huyện Cam Lộ”.

        Toàn huyện có 113 khu dân cư, đến nay đã có 42 khu dân cư đăng ký xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, chiếm tỷ lệ 37,1%. Các khu dân cư này đều triển khai nhiều công trình, phần việc có hiệu quả như xây dựng tuyến đường kiểu mẫu, vườn mẫu; trồng hoa, cây cảnh ven đường; xây dựng công trình “thắp sáng đường quê”; thu gom, xử lý rác thải; vận động nhân dân quy hoạch chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường; thực hiện cải tạo vườn tạp, chỉnh trang nông thôn, vườn nhà… Tiêu biểu cho phong trào xây dựng mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu có các đơn vị như: Cu Hoan (xã Cam Nghĩa), Cồn Trung (xã Cam Chính), Quật Xá (xã Cam Thành), An Mỹ (xã Cam Tuyền), Lâm Lang 1 (xã Cam Thủy), đội 7, thôn An Bình (xã Cam Thanh), Tân Hiếu (xã Cam Hiếu), Phổ Lại (xã Cam An)... Việc thực hiện cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn kết hợp với xây dựng nông thôn mới xanh- sạch- đẹp không chỉ giữ được nét đẹp thanh bình, trù phú của làng quê, mà còn góp phần tăng thu nhập, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững.
Hiện nay, toàn huyện Cam Lộ đạt 18,4 tiêu chí nông thôn mới/ xã. Trong năm 2018, Cam Lộ tiếp tục quyết tâm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân, nỗ lực phấn đấu xây dựng thành công huyện nông thôn mới trước năm 2020 theo hướng chất lượng và nâng cao sự hài lòng của người dân bằng 2 nội dung chính: Đẩy mạnh đổi mới hình thức tổ chức sản xuất theo hướng tập trung, chuyên canh gắn với liên kết để nâng cao giá trị sản phẩm và tạo ra giá trị mới cho 6 sản phẩm có thế mạnh của huyện Cam Lộ. Đẩy mạnh, nhân rộng các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu theo các tiêu chí là nông dân có thu nhập khá; nông thôn có dân chủ; đường làng xanh, sạch, đẹp, sáng, an toàn và vườn cây của nông dân đem lại giá trị kinh tế cao”.

PHÁT HUY SỨC MẠNH NỘ LỰC TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
                                                                                       (Xã Vĩnh Tân) 
Vĩnh Tân là một xã nằm ở phía Đông huyện Vĩnh Linh, cách trung tâm huyện lỵ 13km; diện tích tự nhiên 556,3ha, có 06 thôn với dân số 2.709 người.
Năm 2011, thực hiện theo Quyết định số 800/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên, Đảng bộ, chính quyền xã luôn xác định việc phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm để tập trung chỉ đạo thực hiện. Đảng uỷ xã thống nhất ra Nghị quyết lãnh đạo tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới, cùng với việc ra Nghị quyết lãnh đạo, Đảng uỷ quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của địa phương. Tiến hành phân công nhiệm vụ, lĩnh vực phụ trách cho từng thành viên một cách cụ thể và chi tiết. Sau khi Ban chỉ đạo thành lập, UBND xã ra Quyết định thành lập Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã và Tổ khảo sát.
Xác định việc xây dựng hoàn thành 19/19 tiêu chí XDNTM là một việc khó cần đầu tư và tập trung nhiều nguồn lực chính vì vậy trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, công tác xây dựng cơ sở hạ tầng luôn được xác định là yếu tố quan trọng quyết định thúc đẩy sản xuất và nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân, do vậy Cấp uỷ Đảng cũng như Ban chỉ đạo của xã tập trung chỉ đạo và ưu tiên triển khai thực hiện việc cứng hóa đường giao thông nông thôn; triển khai nạo vét toàn bộ hệ thống kênh mương thuỷ lợi theo quy hoạch nông thôn mới; xây dựng các công trình phúc lợi của xã như trường học, trạm y tế, trụ sở UBND xã và các trung tâm văn hóa xã và thôn làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Nhìn lại chặng đường hơn 7 năm xây dựng nông thôn mới (XDNTM), Đảng bộ và nhân dân xã Vĩnh Tân có quyền tự hào với những thành tựu đạt được.  Mặc dù không được tỉnh chọn là xã để hổ trợ về đích trong năm 2016 nhưng bằng nội lực của mình xã đã  hoàn thành 19/19 tiêu chí trong năm 2016 cho thấy những nỗ lực to lớn, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhờ đó diện mạo nông thôn có sự thay đổi toàn diện, đây là cơ sở để xây dựng xã Vĩnh Tân ngày càng giàu đẹp, dân chủ, công bằng, văn minh, có cơ cấu hợp lý, quan hệ sản xuất phù hợp, kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội ngày càng phát triển.
Cùng với nhiều địa phương khác trên địa bàn, xã đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng phát động và đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, XDNTM, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương.
 Thời gian đầu triển khai xây dựng NTM, đại bộ phận người dân quan niệm đó là việc của chính quyền địa phương và nhà nước giống các chương trình hỗ trước đó. Kinh phí triển khai xây dựng chương trình phải do nhà nước và tỉnh hỗ trợ nên rất khó khăn trong việc huy động nguồn lực. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền vận động, đến nay đa phần người dân đã hiểu công cuộc xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm của dân, đem lại lợi ích cho người dân.
Từ khi bắt đầu thực hiện đề án XDNTM, xã đã quán triệt rõ mục đích, ý nghĩa của chủ trương này để nhân dân hiểu XDNTM là vì nhân dân, phục vụ nhu cầu lợi ích của nhân dân.
Không trông chờ ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, Vĩnh Tân quyết tìm ra cách để vượt khó bằng chính nội lực của địa phương. Đó là huy động sức dân, dựa vào đóng góp của nhân dân để XDNTM. Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, công tác tuyên truyền  được chú trọng ngay từ đầu, qua đó nâng cao tư tưởng, nhận thức của cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân. Điểm nổi bật trong phong trào XDNTM ở Vĩnh Tân là công tác xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, hạ tầng phục vụ sản xuất cũng như điện, đường, trường, trạm được cải thiện đáng kể.
Cho đến nay, các tuyến đường giao thông huyết mạch liên xã đều được trải nhựa, đường liên thôn, liên xóm và ở các khu dân cư cơ bản được bê tông hóa, đường ra nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện. Hệ thống kênh mương cứng hóa đạt trên 85%, đáp ứng nhu cầu tưới, tiêu cho sản xuất. Toàn bộ hệ thống điện được thi công xây dựng mới, đảm bảo cho 100% hộ sử dụng điện an toàn, 6/6 thôn đều có đèn thắp sáng đường quê.
Công tác chỉ đạo trong phát triển kinh tế với những bước đi thích hợp đã tạo sựu đột phá. Xã đã có các chính sách hỗ trợ cũng như tích cực chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương như phát triển và chăm sóc tốt 65ha cây hồ tiêu, và 136ha cây hồ tiêu. Công tác quy hoạch khu chăn nuôi tập trung nhằm bảo vệ môi trường củng như tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã chăn nuôi dịch vụ và trên 11 trang trại, gia trại chăn nuôi  phát triển mạnh. Vì vậy, đến nay  thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã tăng lên trên 31,85 triệu đồng/người/năm. Hộ nghèo giảm xuống còn 27 hộ chiếm 3,5%. Mặt khác người dân Vĩnh Tân luôn phát huy truyên thống cách mạng của quê hương, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, nhất là chăm lo giúp đỡ hỗ nghèo, gia đình chính sách.
Kinh phí để thực hiện XDNTM, ngoài nguồn vốn từ Trung ương, vốn dự án, ngân sách địa phương, xã thực hiện tốt công tác huy động sức dân. Thực hiện tốt quy chế dân chủ, công khai, minh bạch từ khâu dự toán, thi công đến quyết toán công trình. Quá trình đó, người dân giám sát và cho ý kiến cụ thể để thực hiện các công trình. Đặc biệt, xã đã làm tốt công tác dân vận, vận động người dân đóng góp tiền của, công sức cùng XDNTM. Quan đây là cơ sở để xây dựng xã Vĩnh Tân ngày càng giàu đẹp, dân chủ, công bằng, văn minh, có cơ cấu hợp lý, quan hệ sản xuất phù hợp, kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội ngày càng phát triển.
 Chính vì vậy trong gần 7 năm qua với sự đóng góp của nhân dân đã thi công xây dựng được trên 9km đường bê tông nội thôn, đã hiến trên 3000m2 đất làm đường giao thông và nhà văn hóa thôn và trên 7000 ngày công nhằm xây dựng nông thôn mới, từng gia đình có ý thức chỉnh trang nhà cửa, tường rào, cải tạo vườn tạp, tham gia bảo vệ môi trường, nuôi dạy con cái, xây dựng nếp sống văn hóa mới, tham gia giữ gìn an ninh chính trị, phòng chốn các tệ nạn xã hội…
Tuy vậy, đảng bộ và nhân dân xã Vĩnh Tân xác định đạt chuẩn không có nghĩa là dừng lại bởi bên cạnh những tiêu chí đạt điểm tuyệt đối cũng còn một số tiêu chí chỉ đủ điểm để công nhận đạt chuẩn. Với quan điểm đó xã đã tiếp tục phát huy sức mạnh chủ thể của người dân, kêu gọi các nguồn đầu tư, thực hiện lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; từng bước duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí xã đạt và hướng đến xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Với cách làm trên Vĩnh Tân đã tạo được sự đồng thuận cao, phát huy tính dân chủ tập thể trong nhân dân đó chính là nội lực và sức mạnh của lòng dân để có thể hoàn thiện được 19/19 tiêu chí XDNTM, tiến tới xây dựng thành công nông thôn mới kiểu mẫu.   

 
NÔNG DÂN GIO QUANG THỰC HIÊN VAI TRÒ LÀ TRUNG TÂM NÒNG CỐT TRONG PHONG TRÀO XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
                                                     (Phương Thiện, Hội Liên phiệp phụ nữ tỉnh)
 
Thực hiện Kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM)  và xây dựng giai cấp Nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020,   được sự chỉ đạo của Hội cấp trên, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, Hội Nông dân xã Gio Quang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị đã  thực hiện vai trò là trung tâm nòng cốt trong phong trào nông dân xây dựng nông thôn mới. Hội Nông dân xã đã chủ động triển khai thực hiện những việc làm hay, thiết thực được đông đảo hội viên tích cực hưởng ứng tham gia.
Phong trào Nông dân xây dựng NTM được hội gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng làng văn hóa, gia đình nông dân văn hóa. Từ năm 2010 đến nay, Hội đã chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao kiến thức, ý thức tự lực tự cường, tạo sự đồng thuận trong nông dân, tuyên truyền những nội dung liên quan đến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng NTM, ý nghĩa, mục đích của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đến hơn 600 hộ hội viên nông dân thông qua nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng như: Lồng ghép trong các sinh hoạt chi, tổ Hội, sinh hoạt Câu lạc bộ, hội thi, tọa đàm, hái hoa dân chủ, biểu dương các điển hình tiên tiến trong sản xuất kinh doanh giỏi...Hội cũng đã tuyên truyền vận động bà con nông dân hiến đất làm đường, thực hiện mô hình thắp sáng đường quê, đoạn đường tự quản, con đường hoa, vệ sinh môi trường nông thôn, thu gom, xử lý rác thải..., phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn, truyền chuyên đề, như: phòng chống tội phạm, ma túy, phòng chống bạo lực gia đình, thực hiện kế hoạch hóa gia đình...
 Xây dựng NTM phải kể đến việc đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình. Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, Hội Nông dân xã đã phát động mạnh mẽ phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” gắn với xây dựng Nông thôn mới. Để thúc đẩy phong trào sản xuất kinh doanh giỏi. Hội Nông dân xã đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt cho hội viên nông dân về chăm sóc cây lúa, trồng lạc, nuôi bò vỗ béo, bò sinh sản, chăn nuôi lợn, gà...Đồng thời với việc hỗ trợ kiến thức, Hội tranh thủ các nguồn vốn vay hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình kinh tế vườn, ao, chuồng, trồng hoa màu, trồng cỏ nuôi bò, nuôi gà, vịt..., đầu tư cơ giới hóa nông nghiệp, bà con nông dân đã đầu tư mua hơn 20 chiếc máy gặt đập liên hợp, 500 máy cày, máy phay. Gio Quang trở thành vựa lúa lớn nhất huyện Gio Linh, 100%  nông dân đã cơ giới hóa nông nghiệp. Từ những mô hình, sản xuất kinh doanh giỏi, nhiều hội viên nông dân đã thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng.
Phong trào Hiến đất làm đường được hội viên nông dân đồng tình, tích cực hưởng ứng. “Tấc đất tấc vàng”, để vận động người dân hiến đất là điều tưởng chừng như khó thành hiện thực. Vậy nhưng chính những con đường ở các làng quê trong xã đã được mở rộng, nhiều đường đã bê tông hóa, người dân thuận tiện trong đi lại, vận chuyển cũng chính từ những đóng góp không nhỏ của nông dân xã. Nhiều hộ nông dân đã tự nguyện hiến trên 10.000 mđất để làm đường giao thông nông thôn. Hội Nông dân xã Gio Quang cũng đã vận động hội viên, nông dân đóng góp ngày công, tiền mặt xây dựng bê tông hóa giao thông nông thôn, thắp sáng đường quê...Bà con nông dân đã quyên góp ủng hộ tiền mặt, hơn 1.000 ngày công với tổng trị giá  trên 1,5 tỷ đồng góp sức cùng với xã nhà xây dựng nông thôn mới ngày càng khởi sắc.
Công tác tham gia bảo vệ môi trường nông thôn, xây dựng chi hội Xanh - Sạch - Đẹp được Hội Nông dân xã chú trọng. Hội chủ động phối hợp với các ban ngành, đoàn thể liên quan tổ chức các hoạt động bảo vệ tài nguyên môi trường.  Toàn xã Gio Quang có gần 900 hộ sản xuất nông nghiệp, nếu không biết bảo vệ môi trường, thu gom xử lý rác thải thì lượng rác thải nông nghiệp sẽ rất lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của nhân dân. Nhận thấy được điều này, hàng quý,  hàng tháng, Hội phát động hội viên nông dân tham gia khơi thông cống rãnh, nạo vét kênh mương nội đồng, chỉnh trang nhà ở, vườn nhà, cổng rào, tường rào…Vận động hội viên nông dân tham gia quét dọn đường làng, ngõ xóm, thu gom, phân loại và xử lý chất thải trong sinh hoạt, rác thải trong sản xuất nông nghiệp, thu gom chất thải bao bì thuốc bảo vệ thực vật ngoài đồng ruộng, nơi trồng cây hoa màu...đảm bảo môi trường trong xanh, sạch đẹp.
Với vai trò, trách nhiệm của mình, cán bộ, hội viên nông dân xã Gio Quang đã đoàn kết, đồng sức, đồng lòng xây dựng NTM. Những đóng góp trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được bà con nông dân xã cảm thấy đó là niềm vui, phấn khởi. Ông Lê Văn Thương, Chi hội Vinh Quang Thượng, xã Gio Quang vui mừng chia sẻ: “Từ khi thực hiện phong trào xây dựng NTM, quang cảnh nông thôn ngày càng đổi thay, khởi sắc, giao thông thuận lợi, điện đường nông thôn chiếu sáng, an ninh trật tự đảm bảo, kinh tế phát triển, kiến thức về áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt ngày càng nâng cao, thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp như chiếc máy gặt đập liên hợp đem lại năng suất làm việc và hiệu quả kinh tế cao”.
Để ngày càng khẳng định vị trí, thể hiện vai trò là trung tâm nòng cốt trong xây dựng NTM, trong thời gian tới, Hội Nông dân xã Gio Quang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua Nông dân Gio Quang chung sức xây dựng NTM;  phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh, Trạm Khuyến nông huyện và các ban ngành, đoàn thể  tích cực đẩy mạnh đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm, đẩy mạnh các hoạt động giảm nghèo. Mở rộng các mô hình kinh tế theo hướng đầu tư về khoa học công nghệ, áp dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhân rộng các mô hình kinh tế trang trại, nông trại, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp to lớn, có sáng kiến, việc làm tốt trong xây dựng NTM..., tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, cùng nhau chung sức xây dựng NTM ngày càng khởi sắc, góp phần cùng cấp uỷ, chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.
 
HUY ĐỘNG CÁC NGUỒN LỰC ĐỂ THỰC HIỆN MỤC TIÊU XÂY DỰNG TRƯỜNG HỌC ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA 
                                                      (Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Linh)
Xây dựng trường chuẩn Quốc gia là một trong những nhiệm vụ quan trọng, quyết định chất lượng giáo dục toàn diện của các nhà trường hiện nay. Trong những  những năm qua, huyện Vĩnh Linh đã huy động mọi nguồn lực đầu tư cho giáo dục với nguồn ngân sách đầu tư tăng dần theo từng năm. Qua đó, từng bước chuẩn hóa cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu dạy và học ngày càng cao ở địa phương, góp phần hoàn thiện các tiêu chí xây dựng các xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới.
Vĩnh Linh là một trong những địa bàn có số lượng trường học lớn của tỉnh Quảng Trị, với 70 trường học.Trong đó, có 26 trường mầm non, 24 trường tiểu học và 16 trường THCS, 4 trường THPT. Để đạt mục tiêu nâng cao tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia, ngoài việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, Vĩnh Linh cần có nguồn lực lớn để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại. Từ thực trạng của địa phương, thầy giáo Lê Thanh Hải, Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện tâm sự: “Khó khăn lớn nhất trong quá trình xây dựng trường chuẩn Quốc gia ở địa phương chính là thiếu kinh phí đầu tư về cơ sở vật chất. Để giải quyết khó khăn này, những năm qua, Phòng đã tham mưu cho địa phương đưa nhiệm vụ xây dựng trường chuẩn vào nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, có kế hoạch lồng ghép các nguồn lực, vận động các doanh nghiệp, nhân dân đầu tư cơ sở vật chất, sửa chữa trường lớp học, mua sắm và trang bị các thiết bị dạy học hiện đại…”
Hằng năm, Ban chỉ đạo xây dựng trường chuẩn Quốc gia huyện đều thực hiện rà soát thực trạng các trường học, hướng mục tiêu xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, chiến lược phát triển nhà trường theo các  tiêu chí xây dựng trường chuẩn Quốc gia, từ đó chỉ đạo tổ chức thực hiện. Đặc biệt là tập trung làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người dân đều thấy được lợi ích thiết thực của việc xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia. Cơ sở vật chất trường lớp ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, tỷ lệ phòng học kiên cố, phòng bộ môn, thư viện đạt chuẩn tăng; trang thiết bị giáo dục ngày càng đáp ứng tốt hơn. Hầu hết các cơ sở trường học đều có cây xanh, bóng mát, cây cảnh; khuôn viên trường học được quy hoạch, bố trí hợp lý, các phòng học, phòng thư viện, thiết bị, phòng bộ môn thoáng mát trang trí đúng quy định; các lối đi nội bộ phần lớn đã bê tông hóa … tạo được môi trường sư phạm xanh- sạch- đẹp. Một số trường có được sân chơi, bãi tập khang trang, hiện đại. Phong trào xây dựng “ Trường học thân thiện, học sinh tích cực” được tất cả các trường chú trọng.Thiết bị dạy học được đầu tư, mua sắm từng bước đáp ứng nhu cầu dạy học, 100% các trường trung học cơ sở đã có các phòng học thực hành, phòng học bộ môn, trong đó có 60% phòng đạt chuẩn, 80 % trường có thư viện đạt chuẩn trở lên. Nhiều trường có phong trào tự làm đồ dùng dạy học đưa vào giảng dạy có hiệu quả. Về phòng làm việc, phòng chức năng, phòng bộ môn, phòng nghe nhìn, phòng truyền thống, nhà đa năng…Các trường đã đạt chuẩn xây dựng tương đối đầy đủ  khối công trình này.
Công tác xã hội hóa giáo dục đã được các xã, thị trấn hết sức quan tâm, ngoài việc huy động sự đóng góp của phụ huynh, địa phương còn kêu gọi tài trợ của các chương trình dự án, các cá nhân, các tổ chức trong và ngoài nước để xây dựng cơ sở vật chất và các điều kiện đảm bảo dạy học. Việc chăm sóc đến học sinh là con em dân tộc thiểu số, các gia đình đối tượng chính sách, gia đình nghèo, khó khăn cũng được các cấp, các ngành quan tâm với nhiều suất học bổng để trợ giúp học sinh nghèo vượt khó học tập, phát thưởng cho học sinh nghèo học giỏi vào dịp cuối kì và cuối năm học. Bên cạnh các nguồn lực trên, UBND huyện cũng dành nguồn kinh phí tổ chức phát thưởng cho CB, GV, HS giỏi, học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia vào ngày 19-5 hằng năm. Đến nay, các xã đều có Hội Khuyến học đi vào hoạt động có nền nếp và hiệu quả. Ban đại diện cha mẹ học sinh trong các trường học đã hoạt động tích cực và huy động được nhiều sự đóng góp của nhân dân để xây dựng sự nghiệp giáo dục.Các đơn vị có phong trào xã hội hóa giáo dục tốt như xã Vĩnh Chấp, TT Cửa Tùng, TT Hồ Xá, xã Vĩnh Thạch, xã Vĩnh Kim, xã Vĩnh Nam, xã Vĩnh Tân… đã góp phần thúc đẩy sự nghiệp GD&ĐT của huyện từng bước đi lên. Nhờ có xã hội hóa giáo dục nên việc đầu tư tài chính cho giáo dục hằng năm có tăng hơn, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên rõ nét, đáp ứng được nhu cầu học tập của con em trong huyện và đặc biệt là góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Kết quả cụ thể, trong năm học 2017-2018 có thêm 04 trường được công nhận mới trường đạt chuẩn quốc gia, đó là: TH Võ Thị Sáu (đạt mức độ 2), TH Vĩnh Thuỷ (đạt mức độ 1), THCS Vĩnh Sơn và THCS Vĩnh Thái; có 04 trường được công nhận lại đạt chuẩn sau 5 năm là TH Vĩnh Chấp, TH Vĩnh Thành, MN Vĩnh Hoà, MN Vĩnh Nam…Đến nay, toàn ngành có 43/66 trường công lập thuộc Phòng GD&ĐT quản lý được công nhận đạt chuẩn đạt tỷ lệ gần 65,1% trong đó có 05 trường đạt mức độ 2; 01 trường thuộc Sở GD&ĐT quản lý là THPT Vĩnh Linh. Tỷ lệ chung toàn huyện là 44/70 trường đạt chuẩn Quốc gia,tỷ lệ 63%. Một số trường đã được công nhận, duy trì và nâng chuẩn đạt kết quả cao, tiêu biểu là MN Sơn Ca, TH Kim Đồng, TH Võ Thị Sáu, TH Vĩnh Chấp,THCS Đinh Tiên Hoàng, THCS Hùng Vương, THCS Lê Quý Đôn.Trong đó, TH Võ Thị Sáu từ chổ mất chuẩn đã vươn lên đạt mức độ 2. Một số xã, thị trấn có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 100% như xã Vĩnh Thạch, xã Vĩnh Nam, xã Vĩnh Giang, xã Vĩnh Tân, xã Vĩnh Hiền, xã Vĩnh Kim, xã Vĩnh Thủy, xã Vĩnh Chấp, xã Vĩnh Tú, xã Vĩnh Sơn, TT Hồ Xá…Phong trào vận động các đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân cùng tham gia đóng góp đầu tư xây dựng trường lớp, tạo môi trường học tập khang trang, sạch đẹp cho con em. Trung bình mỗi năm, huyện vận động nhân dân đóng góp trên 10 tỷ đồng để tu sửa, mở rộng, nâng cấp trường lớp, mua sắm trang thiết bị dạy học. Chỉ tính riêng năm học 2017-2018, huyện đã huy động được gần 12 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất, phục vụ công tác giảng dạy ở các cấp học. Từ nguồn kinh phí này, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, nhiều trường đã được đầu tư tu sửa, nâng cấp, mở rộng. Cụ thể, huyện đã đưa vào sử dụng 6 nhà lớp học 2 tầng, với 48  phòng học, trị giá trên 30 tỷ đồng tại các trường: Mầm non Vĩnh Thạch, Mầm non Vĩnh Thái, Tiểu học Vĩnh Giang, Tiểu học Võ Thị Sáu, THCS Trần Công Ái và THCS Nguyễn Trãi.
Cùng với việc chuẩn hóa về cơ sở vật chất, huyện đã từng bước nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ giáo viên thông qua việc xây dựng và thực hiện kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ theo hướng chuẩn hóa. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 2.368 cán bộ, giáo viên thì 100% đã đạt chuẩn, trong đó 70% đạt trình độ trên chuẩn. Ngoài ra, các nhà trường thường xuyên đẩy mạnh việc bồi dưỡng học sinh, cải thiện môi trường giáo dục, qua đó, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên. Đối chiếu với các tiêu chí trong xây dựng trường chuẩn Quốc gia, hiện nay, hầu hết các trường đều đáp ứng tốt yêu cầu về chất lượng đội ngũ, học sinh và môi trường giáo dục... Để đạt được kết quả này, ngoài sự quan tâm của các cấp, ngành, còn có sự nỗ lực của các nhà trường và mỗi cán bộ, giáo viên trong cuộc chạy đua xây dựng trường chuẩn Quốc gia.
Tính đến tháng 6 năm 2018, trên địa bàn huyện đã có 16/22 đơn vị xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới, trong đó 3 đơn vị Vĩnh Thạch, Vĩnh Kim, Vĩnh Thủy được chọn để xây dựng mô hình Nông thôn mới kiểu mẫu. Góp phần to lớn trong sự thành công đó, các cơ sở giáo dục thuộc địa bàn các đơn vị trên đây đều đã phấn đấu đạt danh hiệu trường chuẩn quốc gia ở các mức độ khác nhau. Với điều kiện của một địa phương thuần nông như Vĩnh Linh, để có được kết quả như trên không hề dễ dàng, đó là cả một quá trình phấn đấu nỗ lực, có sự đồng thuận, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương đến sự ủng hộ của các cấp, ngành và người dân địa phương. Hiện nay, ngoài việc phấn đấu những trường còn lại sẽ được công nhận đạt chuẩn, huyện tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí đối với các trường đã đạt đồng thời tiến hành lập dự án xây dựng trường học kiểu mẫu, trường trọng điểm chất lượng cao ở các tuyến cụm xã vùng nông thôn. Nhận thức rõ, việc xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia đã khó, việc duy trì cũng khó khăn không kém, nên tập thể cán bộ, giáo viên các nhà trường vẫn luôn nỗ lực trong mọi hoạt động, trong đó trọng tâm là nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, góp phần hoàn thiện các tiêu chí xây dựng  xã đạt chuẩn nông thôn mới để Vĩnh Linh phấn đấu trở thành đơn vị đầu tiên của toàn tỉnh Quảng Trị đạt mục tiêu huyện chuẩn quốc gia về Nông thôn mới vào năm 2020.
 
MÔ HÌNH SÁNG TẠO, HIỆU QUẢ BẢO VỆ AN NINH TỔ QUỐC
 
                                                                                               (Báo Quảng Trị)
 
Địa bàn huyện Cam Lộ nằm trên giao điểm của nhiều tuyến giao thông quan trọng đi qua gồm: Quốc lộ 1A; đường Hồ Chí Minh; Quốc lộ 9 - tuyến đường liên Á nối Việt Nam - Lào - Thái Lan và các nước trong khu vực. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, song cũng là những yếu tố phát sinh các loại tội phạm và tai tệ nạn xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh trật tự của địa phương.
 
Huyện Cam Lộ đã chọn mô hình “Họ- tộc không có người vi phạm pháp luật” để tổ chức thực hiện thống nhất trong toàn huyện, thay thế cho các mô hình, câu lạc bộ phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội hiệu quả thấp trước đây. Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc huyện còn phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện, Công an huyện phát động phong trào “Phật giáo Cam Lộ tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) và xây dựng nông thôn mới”, củng cố khối đoàn kết toàn dân, chủ động phát hiện và kịp thời đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu xâm phạm an ninh trật tự.

Đây là những mô hình mới, cách làm sáng tạo của huyện Cam Lộ nhằm huy động sức mạnh toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật, những biểu hiện tiêu cực trong xã hội, góp phần giữ vững ổn định an ninh trật tự, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của quê hương, đất nước. Huyện Cam Lộ có 186 họ, tộc lớn nhỏ, xác định họ, tộc là gốc rễ của phong trào bảo vệ ANTQ ở cơ sở, từ tháng 3/2017 đến nay, toàn huyện đã phát động hơn 100 họ, tộc xây dựng mô hình “Họ- tộc không có người vi phạm pháp luật”.
 
Sự ra đời của mô hình họ, tộc không có người vi phạm pháp luật phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ giữ gìn ANTT nông thôn, khơi dậy lòng tự tôn họ mạc trong việc giáo dục con cháu không vi phạm pháp luật, tạo được sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân. Khi dòng họ này làm tốt việc giáo dục con cháu thì sẽ tạo động lực thi đua cho dòng họ kia, bởi vì nền nếp gia phong, lòng tự trọng, tự tôn họ mạc ở nông thôn rất được các bậc tiền nhân chú trọng giữ gìn. Dù ai đi đâu, làm gì thì cũng luôn hướng về quê cha đất tổ, nêu gương các bậc tiền nhân để nỗ lực phấn đấu và tự răn mình sống tốt hơn, sống có ý nghĩa hơn, góp phần làm rạng danh tiên tổ.
 
Thực tiễn cho thấy mô hình này hiệu quả rất tốt, một số đối tượng vi phạm pháp luật khi đưa ra kiểm điểm trước dân còn chậm tiến bộ, nhưng khi đưa ra kiểm điểm trước họ tộc thì chuyển biến rất tích cực. Huyện Cam Lộ phấn đấu đến cuối năm 2017 có 100% họ, tộc trên địa bàn phát động xây dựng mô hình “Họ- tộc không có người vi phạm pháp luật”, phát huy truyền thống văn hóa các dòng tộc giáo dục con cháu hướng thiện, xây dựng gia đình văn hóa, tăng cường mối quan hệ gắn kết trong gia tộc với cộng đồng.
 
Đối với khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện đường hướng “Đạo pháp- dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, Giáo hội Phật giáo huyện Cam Lộ đã tích cực phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể địa phương đẩy mạnh nhiều hoạt động phật sự “tốt đời, đẹp đạo”, “ích nước, lợi dân”; tuyên truyền, vận động tăng, ni, bà con phật tử hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng đời sống văn hóa, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng. Trên địa bàn huyện Cam Lộ hiện có 12 cơ sở thờ tự, gần 1.600 tín đồ, chiếm 3,5% dân số của huyện.
 
Việc tổ chức phát động mô hình “Phật giáo Cam Lộ tham gia bảo vệ ANTQ và xây dựng nông thôn mới” nhằm tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ đi vào chiều sâu, đoàn kết tôn giáo, đồng hành với phong trào xây dựng “Họ- tộc không có người vi phạm pháp luật” do huyện phát động, chủ động đấu tranh chống các thế lực thù địch lợi dụng chiến lược “Diễn biến hoà bình” để xuyên tạc tình hình tôn giáo và chính sách tự do tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước ta. Thông qua Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhằm gắn liền phong trào bảo vệ ANTQ và các phong trào thi đua do MTTQ các cấp phát động với phong trào thi đua của Giáo hội Phật giáo; gắn việc giảng pháp với tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội dung của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các quy định của địa phương về công tác tôn giáo.
 
Trong các ngày lễ trọng đại và sinh hoạt phật sự, thực hiện việc giảng pháp với triển khai tới tăng ni, phật tử những kiến thức về phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội len lỏi vào các cơ sở thờ tự của đạo Phật; đồng thời thường xuyên đưa giáo lý Phật giáo vào thực tiễn cuộc sống bằng những bài giảng thiết thực cho các phật tử có tâm thức hướng thiện, khuyên bảo con cháu trong gia đình thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, tránh xa các tệ nạn xã hội, tham gia cùng với các cấp chính quyền giải quyết tốt các vấn đề nổi lên liên quan đến an ninh tôn giáo, an ninh nông thôn, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, góp phần chung sức xây dựng nông thôn mới.
 
Cùng với thực hiện có hiệu quả diễn đàn “Công an Cam Lộ nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, điểm nổi bật là quy trình về cải cách thủ tục hành chính “Công dân chỉ một lần đến cơ quan công an là được giải quyết xong thủ tục hành chính”, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục xuống còn 2/3 thời hạn quy định và công dân sẽ được trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại nhà, Công an huyện Cam Lộ đã xây dựng được hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân gần dân, hiểu dân, trọng dân, để nhân dân tin yêu, mến phục, làm lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ ANTQ.
 
Nhờ những mô hình sáng tạo, hiệu quả huy động sức mạnh toàn dân tham gia bảo vệ ANTQ, nên phạm pháp hình sự và tội phạm về kinh tế giảm so với cùng kỳ các năm trước, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện Cam Lộ giữ vững ổn định, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng nông thôn mới.
 
 
  Phần thứ 3: BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
 
QUẢNG TRỊ CHUNG TAY GIẢI QUYẾT Ô NHIỄM NHỰA VÀ NILON
(Chi cục Bảo vệ môi trường)
 
Ngày nay sản phẩm nhựa và túi nilon đã trở nên phổ biến trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của cộng đồng. Với ưu điểm tiện dụng, bền, giá thành thấp nên sản phẩm nhựa và túi nilon có mặt hầu như khắp mọi nơi. Đồng nghĩa với đó là lượng chất thải nhựa được thải ra môi trường ngày càng gia tăng. Đặc biệt nguy hại hơn khi ở môi trường tự nhiên một túi nilon phải mất từ hàng trăm năm mới phân hủy gây nên hiện tượng ô nhiễm môi trường nặng nề và trở thành một vấn đề bức xúc đối với môi trường và xã hội.
Theo công bố của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), mỗi năm chúng ta thải ra một khối lượng nhựa đủ để trải quanh Trái đất bốn lần, có khoảng 500 tỷ túi nhựa được tiêu thụ trên thế giới song phần lớn lượng rác thải nhựa không được chôn trong các bãi chôn lấp. Theo ước tính, với nhịp độ sử dụng nhựa như hiện nay, sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất vào năm 2050 và một phần lớn trong số đó sẽ nằm trong các đại dương nơi mà nó sẽ tồn tại trong nhiều thế kỷ.
Một thực tế đáng lo ngại là rác nhựa không có cách nào thu hồi lại được, nhất là khi chúng bị phân mảnh thành những hạt nhựa cực nhỏ. Theo số liệu của Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc, mỗi năm khoảng 8 triệu tấn rác nhựa thải ra đại dương, ước tính đại dương đang chứa tới 51.000 tỉ hạt nhựa cực nhỏ (1) . Những hạt vi nhựa này lại được đi vào dạ dày của các sinh vật biển và nhiều trong số các sinh vật biển này thuộc vào chuỗi thực phẩm của con người. Những con số trên thực sự đáng báo động đối với tình trạng ô nhiễm môi trường và phần nào thay đổi cách hành xử của con người đối với chất thải nhựa.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, rác thải nilon nếu chôn lấp sẽ gây ô nhiễm môi trường đất và nước, gây cản trở sự sinh trưởng và phát triển các loại thực vật, ngăn cản việc đưa nước từ đất đến các loại thực vật làm các loại này kém phát triển, đồng thời là nguyên nhân của sự xói mòn đất, ảnh hưởng đến sự phát triển sinh thái trong vùng. Mặt khác nếu đốt nilon sẽ tạo ra khí thải có chất dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng đến tuyến nội tiết, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng tiêu hóa và các dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ và nguy hiểm hơn là tiềm ẩn khả năng gây ung thư…
Tại Việt Nam, theo kết quả khảo sát của Cục Kiểm soát Ô nhiễm (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tại 5 tỉnh, thành đại diện cho 3 vùng, miền cho thấy bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng 223 túi nilon/tháng, tương đương 1 kg túi nilon/hộ/tháng. Hiện nay, Việt Nam cũng đã ban hành nhiều chính sách về khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện đối với các loại hình sản xuất tái chế chất thải đặc biệt là chất thải nhựa như: Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 11/4/2013 về việc phê duyệt đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020, theo đó mục tiêu đề ra đến năm 2020: Giảm 65% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2010; giảm 50% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh so với năm 2010; thu gom và tái sử dụng 50% tổng số lượng chất thải túi nilon khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt. Theo đó, các giải pháp chủ yếu được áp dụng là tăng cường công tác truyền thông bảo vệ môi trường, vận động thay đổi nhận thức, thói quen bảo vệ môi trường trong sinh hoạt tại cộng đồng dân cư; khuyến khích các cá nhân, hộ gia đình, đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn sử dụng công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy, hạn chế phát sinh chất thải, đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng chất thải.
Cùng chung tay với cả nước, tỉnh Quảng Trị cũng đã chú trọng trong công tác tuyên truyền, vận động thay thổi thói quen bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi nilon trong cộng đồng dân cư, khuyến khích các cá nhân, hộ gia đình, đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh sử dụng công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy, hạn chế phát sinh chất thải, đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng chất thải. Bên cạnh đó, tích cực lồng ghép nội dung của Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt vào các kế hoạch, chương trình, các cuộc vận động của các tổ chức, đoàn thể như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Phụ nữ Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cựu chiến binh gương mẫu, gia đình văn hoá”, thực hiện tiêu chí 17 môi trường trong chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên toàn tỉnh; Lồng ghép trong công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy tại các chương trình, dự án, khóa đào tạo, tập huấn của Sở Tài nguyên và Môi trường như: Đề án Cam kết bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư (18 lớp tập huấn), Đề án Cam kết bảo vệ môi trường trong trường học (09 lớp tập huấn) và tại các lớp tập huấn, khóa đào tạo hàng năm của Sở (05-06 lớp tập huấn/năm); Xây dựng chuyên mục Tài nguyên Môi trường phát trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Trị trong đó truyền tải nội dung liên quan đến việc hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt, ít nhất 01 chuyên mục/số báo/năm. Đặc biệt, Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Trị đã phát động thành lập 25 câu lạc bộ “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon” trên địa bàn toàn tỉnh với 1930 thành viên, theo đó các chi Hội cơ sở cũng đã vận động kinh phí từ nhiều nguồn để hỗ trợ “giỏ, làn đi chợ” để chị em phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon trong sinh hoạt.
Đến nay, Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đã đem lại những hiệu quả tích cực trong nhận thức của người dân trên địa bàn cả nước về việc hạn chế sử dụng sản phẩm làm từ nhựa và túi nilon. Ngoài ra, Luật Thuế Bảo vệ môi trường có hiệu lực ngày 01/01/2012 có quy định một số sản phẩm tiềm tàng gây ô nhiễm môi trường sẽ phải chịu thuế, trong đó túi nilon là một trong những sản phẩm phải chịu mức thuế cao, cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong tiến trình hạn chế, giảm thiểu các vấn đề môi trường do sử dụng và thải bỏ các loại bao bì khó phân hủy. 
Thực tế cho thấy ở số đông người dân vẫn ý thức được rằng sử dụng túi nilon thông thường sẽ gây những hậu quả không tốt đối với môi trường. Tuy nhiên sự tiện dụng của túi nilon tạo nên thói quen khó bỏ của người tiêu dùng trong việc sử dụng. Không thể phủ nhận sự tiện dụng của túi nilon, điển hình như các vật liệu thông thường chưa thể thay thế sản phẩm từ nhựa cho dù ở hoàn cảnh nào, ví dụ một bệnh viện không thể không có găng tay phẫu thuật làm từ chất liệu nhựa hay với hiệu quả giữ cho thực phẩm tươi mới sử dụng được lâu hơn, các bao bì nhựa về căn bản đã làm giảm được lượng chất thải hữu cơ (tức hạn chế lượng thực phẩm hỏng bị bỏ đi), vốn là một vấn đề môi trường đang ngày càng nhức nhối (1) . Do đó, điều quan trọng là chúng ta cần phải có giải pháp thiết thực trong việc sử dụng sản phẩm nhựa một cách hiệu quả trong đời sống thương mại, dân sinh ngày nay.
Để việc hạn chế sử dụng túi nilon trong thực tiễn cần có những giải pháp tổng thể và thiết thực như có các chính sách khuyến khích, động viên, hỗ trợ trong việc sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường tại địa phương; phát triển đồng bộ hệ thống thu gom tái chế nhựa, túi nilon; khuyến khích các nhà phân phối, nhà bán lẻ tham gia chương trình giảm phân phát túi nilon khó phân hủy…
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia về môi trường có thể sử dụng giải pháp cấm sử dụng túi nilon, nhưng cần phải có chế tài cụ thể, thực hiện có lộ trình, chế độ thưởng phạt rõ ràng, phải có bộ máy giám sát thực thi và quan trọng hơn hết là phải có sản phẩm có cùng công dụng thay thế. Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhà sản xuất, phân phối túi nilon thân thiện với môi trường, để người tiêu dùng và nhân dân được tiếp cận với loại sản phẩm đó.
Để hạn chế việc sử dụng túi nilon, cơ quan chức năng cần chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền đến tận người dân về những tác hại của thói quen sử dụng túi nilon đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng. Ngoài các giải pháp mang tính tổng thể đồng bộ, đồng thời đưa ra những giải pháp cụ thể trong thực tiễn như phân loại rác nilon để tái chế, áp dụng ưu đãi thuế đối với sản phẩm túi nilon thân thiện với môi trường, khuyến khích sử dụng nhiều lần tại các siêu thị, chợ, trung tâm thương mại…. Và quan trọng hơn hết vẫn là sự vào cuộc của mỗi người dân, người tiêu dùng, là sự thay đổi thói quen hạn chế sử dụng túi nilon của mỗi người trong cuộc sống hàng ngày nhằm tạo ra cho chính bản thân mình môi trường sống an toàn và lành mạnh.
                              

 
TUỔI TRẺ QUẢNG TRỊ XUNG KÍCH BẢO VỆ MÔI TRƯÒNG, CẢI TẠO CẢNH QUAN NÔNG THÔN XANH SẠCH ĐẸP
 (Tỉnh Đoàn Quảng Trị)
 
Với nhiệt huyết trẻ, tinh thần tiên phong, thanh niên Quảng Trị là lực lượng nòng cốt trong các phong trào thi đua xây dựng quê hương văn minh giàu đẹp. thực hiện phong trào “Tuổi trẻ Quảng Trị chung tay xây dựng nông thôn mới” tuổi trẻ Quảng Trị với nhiều cách làm hay, sáng tạo đã ghi dấu ấn tốt đẹp trong tham gia xây dựng nông thôn mới, nổi bật là các hoạt động xung kích bảo vệ môi trường cải tạo cảnh quan nông thôn xanh sạch đẹp.
Với phương phâm: “Mỗi đoàn viên thanh niên mỗi việc làm cụ thể, mỗi cơ sở Đoàn một công trình, phần việc thiết thực chung tay bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp” , bám sát hướng dẫn của Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn trong tham gia xây dựng nông thôn mới, 100% các huyện, thị, thành Đoàn và Đoàn trực thuộc đã cụ thể hóa, triển khai các nội dung đến tận cơ sở. Chủ động tham mưu cho các cấp ủy Đảng trong việc đảm nhận các phần việc tham gia cải tạo môi trường nông thôn, các hoạt động được sức lan tỏa, thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo đoàn viên thanh niên, người dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Quảng Trị đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với sở Tài nguyên & Môi trường và các ngành liên quan đồng thời chỉ đạo các cấp bộ Đoàn chủ động phối hợp với phòng ban có liên quan ở địa phương xây dựng các kế hoạch liên ngành triển khai các phần việc cụ thể tạo phong trào thi đua sôi nổi trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Để góp phần tác động tới nhận thức tiến đến thay đổi thói quen, hành vi, công tác tuyên truyền đóng một vai trò rất quan trọng, các cấp bộ Đoàn đã chú trọng triển khai nhiều hình thức đa dạng, sinh động chuyển tải các chủ trương, chính sách Đảng, nhà nước và tỉnh nhà về công tác cải tạo cảnh quan môi trường cũng như các thông điệp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cụ thể như: Tuyên truyền thông qua lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chi đoàn, chi hội; đẩy mạnh truyền thông trong các đợt cao điểm của chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, Tháng thanh niên, Mùa hè xanh, Tết trồng cây, Giờ trái đất, Ngày Môi trường thế giới, chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, hoạt động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về Nước sạch và Vệ sinh môi trường, tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam....; sử dụng có hiệu quả các phương tiện truyền thông của Đoàn, Hội qua hệ thống Website Đoàn Thanh niên, chuyên mục thanh niên trên đài phát thanh truyền hình tỉnh, đặc san tuổi trẻ Quảng Trị, hệ thống phát thanh tại các địa phương, kịp thời có các tin bài, phóng sự đưa tin đồng thời thông tin nhanh về tình hình triển khai các cuộc vận động tại cơ sở phản ánh các gương người tốt, việc tốt, các mô hình hoạt động có hiệu quả; tổ chức các hội thảo, diễn đàn, hội thi với chủ đề “Tuổi trẻ Quảng Trị xung kích bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”, các cuộc thi vẽ tranh trong thanh thiếu nhi về đề tài bảo vệ môi trường, thi sân khấu hóa tuyên truyền về môi trường. Bên cạnh đó, 100% các huyện, thị, thành Đoàn đã tổ chức treo băngrôn, panô, các khẩu hiệu bảo vệ môi trường, làm đẹp cảnh quan môi trường. Hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nâng cao năng lực kỹ năng tuyên truyền và hệ thống luật pháp trong bảo vệ môi trường cho đội ngũ cán bộ, tuyên truyền viên. Qua đó, tổ chức được 19 lớp tập huấn cho hơn 2650 cán bộ đoàn là Bí thư, Phó Bí thư của các xã và đội ngũ tuyên truyền viên cấp cơ sở đưa phong trào lan tỏa rộng rãi đến từng ngôi nhà, đường làng, ngõ phố.
Các mô hình, công trình, phần việc, phong trào tình nguyện được phát động trong toàn Đoàn đang tác động mạnh mẽ và làm thay đổi nhận thức, hành động của đoàn viên, thanh niên và người dân trong ứng xử với môi trường theo chiều hướng tích cực, góp phần cải thiện môi trường nông thôn. Kể từ khi phát động phong trào đến nay, Đoàn Thanh niên đã đảm nhận 185 tuyến đường  “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - Văn minh - An toàn”; xây dựng 12 bể chứa rác trên đồng ruộng thông qua mô hình "Giữ sạch cánh đồng quê hương"; thành lập 124 đội hình thanh niên xung kích thu gom rác thải trên địa bàn dân cư với sự tham gia của 2.964 đoàn viên, thanh niên và 193 đội thanh niên xung kích, tuyên truyền măng non bảo vệ môi trường; triển khai các hoạt động cải tạo, nâng cấp hệ thống cung cấp nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh cho người dân nông thôn qua đó đã hỗ trợ giúp nhân dân nâng cấp 05 công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh, di chuyển nhà tiêu không hợp vệ sinh ra xa chỗ ở cho 11 hộ dân; tiến hành khơi thông 95 km kênh mương nội đồng, trồng và bảo vệ rừng trên tuyến đường Hồ Chí Minh, bảo vệ các Khu bảo tồn sinh thái, Khu bảo tồn thiên nhiên. 100% các cơ sở Đoàn đã tổ chức cho đoàn viên thanh niên ký cam kết bảo vệ môi trường, nguồn nước, dòng sông quê hương và định kỳ hàng tháng phát động “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”, đồng thời, đẩy mạnh gắn các hoạt động vệ sinh môi trường trong thời gian cao điểm hưởng ứng “Tuần lễ quốc gia vệ sinh môi trường”, “Ngày môi trường thế giới”, “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn” cụ thể với các hoạt động: Phát động “Phong trào mỗi đoàn viên trồng và chăm sóc một cây xanh”, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, thu gom, xử lý rác thải, diệt muỗi, bọ gậy, xóa các điểm đen gây ô nhiễm môi trường, diệt cây Mai Dương, khơi thông các dòng sông, kênh, rạch, vận động người dân tôn tạo hàng rào, vườn tược tạo cảnh quan sạch đẹp, vận động đoàn viên, thanh niên, người dân hạn chế sử dụng túi nilon, bỏ rác đúng nơi quy định, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi đúng quy cách... nổi bật trong các hoạt động là việc 100% đã đồng loạt ra quân “Ngày chủ nhật xanh”, vệ sinh môi trường trong 4 tuần của Tháng Thanh niên năm 2018 và ngày 3/6 tạo được khí thế sôi nổi trong toàn Đoàn về công tác bảo vệ môi trường. Đến thời điểm hiện tại toàn Đoàn đã tổ chức 178 đợt ra quân làm đẹp cảnh quan nông thôn, trồng mới 40,05 ha cây tràm keo, gần 73.305 cây bóng mát.
Trong quá trình thực hiện nổi bật lên nhiều gương sáng, việc làm tốt của các đoàn viên, thanh niên và cán bộ công chức trẻ nhiệt huyết, năng nổ trong công tác tuyên truyền, vận động thanh niên, người dân chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện các phong trào. Các cơ sở Đoàn đã tích cực giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau, qua đó, nhiều mô hình hay, cách làm sáng đã được nhân rộng trong toàn Đoàn.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cũng không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc như: Một số đơn vị còn chưa mạnh dạn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong việc đăng ký đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên; việc xác định đảm nhận các phần việc của một số đơn vị còn mang tính dàn trải do đó chất lượng của các hoạt động chưa cao; nguồn kinh phí cho còn eo hẹp nên việc tổ chức phong trào hoạt động còn chưa quy mô; ý thức và tập quán lạc hậu của một bộ phận người dân tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa ảnh hưởng tới kết quả công tác tuyên truyền vận động.
Vì vậy, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu trong công cuộc bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp cần sự chung tay, vào cuộc phối hợp đồng bộ, quyết liệt của tất cả các cơ quan, đoàn thể, tổ chức và sự đồng lòng của toàn xã hội. Cần đa dạng hóa các hoạt động, đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức và phát triển kỹ năng cho đội ngũ cán bộ đoàn cấp xã và lực lượng thanh thiếu nhi nòng cốt trong công tác bảo vệ môi trường. Duy trì và mở rộng thành lập các đội thanh niên tình nguyện xung kích bảo vệ môi trường, tăng cường đầu tư hơn nữa các phương tiện, công cụ hỗ trợ, đa dạng hóa các nguồn lực cho hoạt động bảo vệ môi trường. Phản ánh kịp thời các gương người tốt, việc tốt, nhân rộng các mô hình hay hoạt động có hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường, động viên, khen thưởng tạo động thực cho toàn Đoàn thi đua thực hiện.
Với những hành động cụ thể của đoàn thanh niên tỉnh Quảng Trị đã góp phần tích cực trong việc xây dựng thái độ, tinh thần tự nguyện, tự giác của tuổi trẻ và cộng đồng trên địa bàn tỉnh trong việc bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan môi trường nông thôn sạch đẹp làm thay đổi bộ mặt nông thôn thôn.
                                                                                                             
     

 
VĨNH LÂM, TÍCH CỰC CẢI TẠO CẢNH QUAN MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔN
                               (Văn phòng điều phối nông thôn mới huyện Vĩnh Linh)
 
  Nằm về phía Tây Nam huyện Vĩnh Linh, có diện tích tự nhiên 1.383,4 ha và dân số hơn 6.100 người, xã Vĩnh Lâm từ lâu đã được biết đến là vùng đất giàu truyền thống Cách mạng. Là nơi ra đời của một trong ba Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện, nơi sản sinh ra những người con anh dũng, ngoan cường, lập nhiều chiến công oanh liệt trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, xã đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Bước vào thời kỳ mới, Vĩnh Lâm trở thành địa phương tiên phong trong các phong trào như: Công trình điện thắp sáng nông thôn, Xây dựng kiên cố hóa trường học, Dồn điền đổi thửa,… Nhờ đó, diện mạo địa phương có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân ngày càng sung túc, hạnh phúc. Thu nhập bình quân năm 2017 của xã đạt 38 triệu đồng/người/năm. 
Với đặc trưng của một nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, xã luôn chủ động dự báo tình hình, hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh, tăng cường chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, các mô hình cánh đồng mẫu. Là xã điểm của tỉnh trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Trong những năm qua Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng lớn, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy chính quyền từ xã đến thôn, sự hưởng ứng tích cực của người dân Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới  xã Vĩnh Lâm đã đạt được kết quả bước đầu khă quan xã Vĩnh Lâm đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. Mặc dù nhiều tiêu chí cần phải tiếp tục duy trì và phát triển. Trong quá trình  xây dựng nông thôn mới thì thực hiện tiêu chí 17 về môi trường là tiêu chí khó thực hiện nhất. Để hoàn thành 5 chỉ tiêu của tiêu chí này cũng cần rất nhiều nguồn lực và sự vào cuộc vận động của toàn hệ thống chính trị xã hội vì môi trường luôn gắn với đời sống, sản xuất và sức khỏe của cộng đồng. Chính vì vậy ngay từ khi bước vào thực hiện BCĐ XDNTM đã xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai xây dựng Tiêu chí môi trường cụ thể cho từng năm. Và đến nay dã đạt được các chỉ tiêu của tiêu chí 17 về môi trường.
Bằng các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, các nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách hàng năm trên 800 triệu đồng, xã đã tuyên truyền Nhân dân xây dựng các công trình phục vụ sinh hoạt đảm bảo vệ sinh, xử lý chất thải trong chăn nuôi như xây hầm Bioga, đệm lót sinh thái. Xây dựng hệ thống xử lý nước sinh hoạt đảm bảo hợp vệ sinh. Đến nay đã có trên 98% hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh. Nhiều hộ dân đã đầu tư các phương tiện lọc nước nhằm nâng cao chất lượng nước đủ nước sạch để dùng trong sinh hoạt.
Xã đã tập trung quy hoạch các vùng chăn nuôi quy mô lớn ra xa khu dân cư gắn với việc dồn điền đổi thửa đến nay toàn xã đã xây dựng trên 60 mô hình như: Lúa – Cá – Gia cầm – Lợn; Cá – Gia cầm – Lợn và các gia trại chăn nuôi lợn quy mô lớn ở xa khu dân cư; Tổ chức cho 100% hộ dân thực hiện cam kết bảo vệ môi trường.
Quy hoạch các điểm thu gom rác thải tại các thôn trong những năm qua xã đã hối hợp với Sở tài nguyên môi trường xây dựng 4 điểm thu gom rác thải chuyển ra ngoài địa bàn để xử lý theo quy định. Hiện nay toàn xã dã thành lập 03 tổ phụ nữ thu gom rác thải tại hộ gia đình. Tỷ lệ thu gom rác thải đạt trên 90%.
Vận động nhân dân và xây dựng quy chế cấm sử dụng thuốc cỏ khô để diệt cỏ trên đất canh tác, do đó từ năm 2016 đến nay tình trạng sử dụng thuốc cỏ khô trên đồng ruộng giảm hẳn. Xã chỉ đạo các HTX đặt các bể thu gom bao, chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng trên đồng ruộng 01 bể thu gom cho 20 - 50 ha đất canh tác.
Để tiếp tục xây dựng môi trường xanh sạch đẹp xã đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể Hội phụ nữ đăng ký và nhận quản lý và vệ sinh các tuyến đường trong thôn. Cuối năm 2015, Hội LHPN xã Vĩnh Lâm bắt đầu triển khai mô hình trồng hoa dọc các tuyến đường. Sau ngày phát động trồng thí điểm với 500m đường tại thôn Quảng Xá, mô hình được 8/8 chi hội hưởng ứng, thu hút gần 1.200 hội viên tham gia. Không chỉ đơn thuần là con đường để lưu thông đi lại, giờ đây, những con đường hoa mang vẻ đẹp thôn quê dân dã, yên bình còn là nơi để người dân dạo chơi, thư giãn. Đến nay toàn xã đã xây dựng được trên 10 km con đường hoa đủ màu sắc.
Ngoài ra, nghĩa trang trên địa bàn xã được quy hoạch tập trung. Trong năm 2017 xã tiếp tục đầu tư ngân sách xây dựng mặt bằng mở rộng diện tích nghĩa trang Nhân dân, thường xuyên tuyên truyền nhân dân thực hiện nghiêm túc việc tổ chức an táng đúng theo quy định đảm bảo vệ sinh.
Những kết quả đạt được về Tiêu chí môi trường đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo sự đồng thuận và chung tay bảo vệ môi trường nông thôn của người dân.
Bên cạnh những thuận lợi trong những năm qua cơ sở hạ tầng trong nông thôn từng bước được đầu tư xây dựng như giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, cơ sở vật chất văn hóa, nghĩa trang nhân dân, quy hoạch các vùng chăn nuôi ra xa khu dân cư và nhận thức của nhân dân về bảo vệ môi trường đã góp phần đạt được những kết quả về tiêu chí môi trường.
Tuy nhiên, hiện nay tình trạng môi trường nông thôn đang chịu sức ép ô nhiễm ngày càng lớn từ sự gia tăng dân số, chăn nuôi nông hộ phát triển, tình trạng lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc BVTV ngày càng gia tăng, bỏ trống khâu xử lý chất thải nông nghiệp sau thu hoạch.
Nguồn nước nhân dân sử dụng 100% từ giếng đào và giếng khoan vì vậy giữa quy định nước sạch và nước hợp vệ sinh còn chưa rõ ràng. Các hộ chăn nuôi gia đình đã xử lý nhưng chưa triệt để gây thất thoát và thải ra môi trường còn nhiều.
Hơn nữa, Vĩnh Lâm là một xã Vùng trũng thường xuyên ngập về mùa mưa lụt nên việc giải quyết nước thải và thoát úng một số địa bàn gặp nhiều khó khăn.
Dù khó khăn là vậy, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức chung lòng của toàn xã hội, Nhân dân và cán bộ xã Vĩnh Lâm đã rút ra được một bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng nông thôn mới nói chung và hoàn thiện tiêu chí môi trường nói riêng đó chính là "sức mạnh Nhân dân", đây cũng chính là yếu tố tiên quyết trong thực hiện Chương trình. Sức mạnh đó được huy động bằng cách:  Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện Chương trình nông thôn mới gắn với nâng cao chất lượng các cuộc vận động của các hội, đoàn thể như “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Chỉnh trang nông thôn mới”, mô hình “5 không, 3 sạch”  bằng nhiều hình thức với sự phối hợp của Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ huyện đến xã, thôn. Đồng thời, phân công trách nhiệm về nâng cao chất lượng môi trường nông thôn cho Hội liên hiệp phụ nữ xã thực hiện.
Việc tuyên truyền cho nhân dân về xây dựng môi trường trong sạch đó là trách nhiệm của từng người dân và mỗi người dân phải tích cực tự giác tham gia.
Đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2015, Vĩnh Lâm đang cố gắng vượt bậc để giữ vững và đưa địa phương trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu trong tương lai./.
                                                                                         

 
Phần thứ tư: THIẾT CHẾ VĂN HÓA, XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU
 
GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ, KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG CÁC THIẾT CHẾ VĂN HÓA, THỂ THAO TRÊN ĐịA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ
(Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
Thực tiễn đã chỉ ra rằng hệ thống thiết chế văn hóa có vai trò cực kỳ quan trọng và tiên quyết trong đời sống văn hóa của nhân dân, là nơi sinh hoạt văn hóa, tinh thần của cộng đồng, giữ vị trí nồng cốt trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội của địa phương, khẳng định vai trò chỉ đạo, hướng dẫn các hoạt động văn hóa - văn nghệ ở cơ sở và là bộ mặt văn hóa của địa phương; phục vụ nhu cầu về hưởng thụ, sáng tạo văn hóa của nhân dân, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực để thúc đẩy sự phát triển kinh tế của xã hội. Nhận thức được tầm quan trọng đó UBND tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch sử dụng, khai thác, quản lý các thiết chế văn hóa có hiệu quả, phát huy hết công năng sử dụng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Thực hiện việc hướng dẫn các địa phương, đơn vị sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao chung, sinh hoạt lồng nghép vào Hội trường thôn, Đình làng, nhà rông, nhà dài…khi chưa có điều kiện về kinh phí, quỹ đất để xây dựng nhà văn hóa xã, thôn. Chỉ đạo, hướng dẫn việc trang cấp, sử dụng các thiết bị âm thanh, loa máy, trang thiết bị cần thiết từ chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa cho các nhà văn hóa xã, thôn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn.
Với sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, việc quy hoạch, đầu tư xây dựng, sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở từng bước hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân, góp phần nâng cao ý thức của nhân dân trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy tính dân chủ, tinh thần đoàn kết và nhu cầu hưởng thụ văn hóa, rút ngắn khoảng cách văn hóa giữa các vùng miền trong tỉnh. Đến nay, từ tỉnh đến cơ sở, phần lớn các huyện, thị, thành phố hoàn thành việc quy hoạch quỹ đất, huy động nguồn kinh phí để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao đến năm 2020.
Các công trình văn hóa, thể thao quan trọng cấp tỉnh được đầu tư xây dựng như: Quảng trường và Nhà văn hóa trung tâm tỉnh, Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch, Ban Quản lý di tích, Bảo tàng tỉnh, Đoàn Nghệ thuật tỉnh, Trung tâm huấn luyện thi đấu thể dục thể thao tỉnh, Nhà thi đấu đa năng thuộc khu thi đấu liên hợp thể thao tỉnh, Thư viện tỉnh, Nhà văn hóa thiếu nhi tỉnh, Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên, Bể bơi tổng hợp...
 Các thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện cũng được đầu tư, phát triển từng bước như: Nhà tập luyện và thi đấu huyện Vĩnh Linh, Thư viện và sân vận động Thị xã Quảng Trị, Nhà thiếu nhi huyện Cam Lộ.. Toàn tỉnh có 10 trung tâm văn hóa- thể thao cấp huyện, 12 khu vui chơi giải trí, 06 nhà văn hóa thiếu nhi, 05 nhà thi đấu theo môn thể thao, 07 nhà thi đấu đa năng, 04 sân vận động, 25 bể bơi, 1297 sân thể thao các cấp.
Toàn tỉnh có  100/141 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa- trung tâm thể thao, chiếm tỉ lệ 70,1%, với mức đầu tư từ 500 - 1200 triệu đồng/nhà văn hóa; Có  945/1073 làng, bản, khu phố có nhà văn hóa, khu thể thao chiếm tỉ lệ 88,7% với mức đầu tư từ 300 - 600 triệu đồng/nhà văn hóa. Hầu hết các nhà văn hóa- trung tâm thể thao các xã, phường, thị trấn, thôn, bản, khu phố được đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, hội họp ở cộng đồng dân cư. Có 592/945 nhà văn hóa – khu thể thao làng, bản, khu phố đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đạt tỷ lệ 62,6% và 79/100 nhà văn hóa – Trung tâm thể thao xã, phường, thị trấn đạt chuẩn theo Quy định của Bộ VH,TT&DL, đạt tỷ lệ 79%; 100% xã, phường, thị trấn, thôn, bản chưa có nhà văn hóa- trung tâm thể thao đã có quy hoạch xây dựng mới giai đoạn 2017-2020. Gần 1.000 cụm bảng thông tin cổ động, 2.500 panô các loại, 9.227 hộp đèn pano tuyên truyền, 5.000 tấm appich, 75 cụm pano cỡ lớn, 1.348 sân thể thao, 810 đội văn nghệ, 450 câu lạc bộ trong các làng văn hoá duy trì, hoạt động thường xuyên, có 245 thư viện và 250 tủ sách phục vụ nhân dân trong các làng, bản, khu phố văn hoá đến đọc, nghiên cứu và tìm hiểu.
Được sự quan tâm của Bộ VH,TT&DL và các cấp ủy đảng, chính quyền, những năm qua việc đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, cung cấp các ấn phẩm văn hóa cho các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và vùng khó khăn của các huyện đã được chú trọng trong chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa như đầu tư, cung cấp, trang cấp hệ thống âm thanh, loa máy, xây dựng nhà văn hóa cho các làng, bản có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như Nhà văn hoá Bản Cheng tại Tân Liên (huyện Hướng Hoá) với kinh phí 500 triệu đồng; Nhà văn hoá thôn Vùng Kho, xã Đakrông (huyện Đakrông) với kinh phí 600 triệu đồng. Ngoài ra, Ngân hàng Công thương Quảng Trị đã hỗ trợ gần 400 triệu đồng để xây dựng nhà sinh hoạt văn hoá cộng đồng cho Bản A Đeng, xã A Ngo (huyện Đakrông); Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel hỗ trợ xây dựng 5 nhà cộng đồng tránh lũ kết hợp làm nhà văn hóa cộng đồng (mỗi công trình 400 triệu đồng) cho các huyện: Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng và Đakrông. Các địa phương huy động nhiều nguồn lực trong xã hội, đặc biệt là các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ một nguồn kinh phí đáng kể để xây dựng các thiết chế văn hoá, thể thao ở các làng văn hoá, góp phần đáp ứng nhu cầu hội họp và sinh hoạt văn hóa, tinh thần của nhân dân.
  Thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 05/2009/NQ-HĐND và Nghị quyết 04/2012/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh, ngân sách của tỉnh đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao là 7,35 tỷ đồng (năm 2010: 02 tỷ đồng, năm 2011: 1,2 tỷ đồng, năm 2012: 2,5 tỷ đồng; năm 2013: 1,65 tỷ đồng, năm 2014, 2015, 2016, 2017: 00đ), kết hợp với nguồn ngân sách các huyện, thị, thành phố và nguồn đóng góp của nhân dân, nguồn ngân sách từ chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của tỉnh để xây dựng nhà văn hóa- trung tâm thể thao xã, thôn trong toàn tỉnh.
Nhìn chung các thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở từng bước được xây dựng, hoàn thiện, phát huy hiệu quả sử dụng, dần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân. Đặc biệt các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở như Nhà văn hóa- khu thể thao thôn, Nhà sinh hoạt cộng đồng, Đình làng, nhà rông, nhà dài... đã phát huy hết công năng, hiệu quả sử dụng. Hàng tuần, tháng là địa điểm tập trung sinh hoạt của người dân như:  hội họp của các tổ chức đoàn thể Phụ nữ, Nông dân, Chi đoàn thanh niên, Người cao tuổi ..; Là nơi tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, các hội thi hội diễn nhân những sự kiện trọng đại, ngày lễ tết của quê hương đất nước; là địa điểm vui chơi giải trí, đọc sách cho trẻ em, tập thể dục dưỡng sinh, đi bộ của người già;  nơi giao lưu, tập luyện và thi đấu các môn thể thao của thanh thiếu niên; Là nơi tổ chức các buổi tập huấn, truyền đạt kiến thức, kỹ năng về khoa học kỹ thuật cho bà con nhân dân trong lao động, sản xuất…Ngoài ra, để tạo nguồn kinh phí tổ chức hoạt động, phát huy lợi thế về quỹ đất, trang thiết bị, sân, bãi và cảnh quan đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong sinh hoạt, phục vụ cho đời sống văn hóa tinh thần của người dân, được sự nhất trí của chính quyền địa phương và người dân, Ban điều hành văn hóa đã tạo điều kiện cho các hộ gia đình trong thôn thuê mặt bằng để thực hiện các sự kiện những vẫn bảo đảm an toàn các thiết chế văn hóa.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng, quản lý, sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở  còn một số hạn chế như mặc dù được chú trọng đầu tư nhưng chưa đồng bộ và hoàn chỉnh do nguồn kinh phí còn hạn hẹp. Phần lớn các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được xây dựng từ sớm nên không đảm bảo theo quy chuẩn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ngân sách các cấp dành cho việc đầu tư xây dựng, sửa chữa, cải tạo, quản lý, sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao còn thấp so với lộ trình đưa ra, ngân sách cấp từ chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa không có. Một số địa phương nhất là ở đô thị, việc quy hoạch quỹ đất xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cùng với nguồn kinh phí chưa có dẫn đến việc phải sinh hoạt lồng ghép vào hội trường thôn, nhà mẫu giáo, đình làng, nhà rông, nhà dài, nhà sinh hoạt cộng đồng. Các trang thiết bị như âm thanh, loa máy, các dụng cụ phục vụ sinh hoạt còn thiếu đồng bộ. Công tác quản lý, khai thác và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao ở một số phường, xã còn hoạt động theo sự vụ, tư tưởng quản lý, khai thác còn ỷ lại, trông chờ cấp trên, không có kế hoạch hoạt động cụ thể.Việc thu hút các nguồn lực thực hiện xã hội hoá văn hoá còn gặp nhiều khó khăn. Cán bộ làm công tác văn hóa kiêm nhiệm nhiều công việc, cán bộ làm chuyên môn ít được đào tạo hướng dẫn, tập huấn, nên tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Để khai thác, quản lý và sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau như có chính sách đầu tư phù hợp để cấp cơ sở có đủ nguồn lực về kinh phí, quy hoạch quỹ đất, nguồn nhân lực quản lý trong xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao đạt quy chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tăng cường kinh phí trong sự nghiệp văn hóa, thể thao để tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, cổ động trực quan, khai thác và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của nhân dân; Cần có chính sách, cơ chế thuận lợi cho các tổ chức chính trị- xã hội, doanh nghiệp, cá nhân trong việc tham gia đóng góp để xây dựng, quản lý và sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao, đẩy mạnh công tác xã hội hóa văn hóa ở cơ sở; Tăng cường công tác tập huấn cho cán bộ làm văn hóa các cấp, đặc biệt là cán bộ ở cơ sở về kỹ năng quản lý, hướng dẫn và tổ chức các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; Xây dựng cơ chế lồng ghép, phối hợp giữa phong trào xây dựng đời sống văn hóa với chương trình mục mục quốc gia xây dựng nông thôn mới, cụ thể với 02 tiêu chí liên quan đến xây dựng Nhà văn hóa, khu thể thao xã và Nhà văn hóa, khu thể thao thôn.
          Với nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của sự nghiệp văn hóa trong sự phát triển của xã hội, những năm tới với sự đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa từng bước đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, đội ngũ cán bộ văn hóa ngày càng được nâng cao về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng động, sáng tạo, chắc chắn sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao, góp phần phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa phong phú, đa dạng của cộng đồng dân cư, làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc và địa phương.
                                                                                                          

 
TRIỆU PHONG XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA Ở KHU DÂN CƯ
                                                          (Bá Thuần, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh)
Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư" gắn với phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới ở huyện Triệu Phong trong những năm qua đã đem lại hiệu quả thiết thực. Không chỉ thắt chặt thêm tình đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng mà quan trọng hơn là đã tạo động lực để người dân thi đua lao động sản xuất, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, cùng chung sức xây dựng nông thôn mới.
Tiểu khu 4, Thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong được thành lập vào năm 1994. Sau hơn 23 năm, với sự quan tâm của các cấp, các ngành, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, nhất là hệ thống điện, nước, đường giao thông. Bên cạnh đó, người dân ở đây đã tập trung khai thác lợi thế của địa phương nằm ven Quốc lộ 1, mở mang các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, phát triển các loại hình kinh doanh thương mại, dịch vụ. Do đó đến nay thu nhập bình quân đầu người tăng lên 28 triệu đồng/năm và toàn Tiểu khu chỉ còn 5 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,4%. Không chỉ kinh tế phát triển, người dân trong Tiểu khu còn đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Ông Lê Quang Phương, Trưởng ban công tác mặt trận Tiểu khu 4, Thị trấn Ái Tử cho biết: Có được kết quả đó chính là nhờ chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm cho mọi người dân có ý thức chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết trong cộng đồng, thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Bên cạnh đó cấp ủy, chính quyền luôn có sư quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện cho mọi hoạt động của mặt trận.
Không chỉ Tiểu khu 4, 156 khu dân cư ở huyện Triệu Phong trong những năm qua đã đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động, nhân dân đã hiến hơn 167 ngàn m2 đất để xây dựng trường học, làm đường giao thông và xây dựng di tích lịch sử, đóng góp trên 13 ngàn ngày công và hàng chục tỷ đồng xây dựng các công trình phúc lợi ở địa phương. Tiêu biểu như khu dân cư Anh Tuấn xã Triệu Tài huy động trên 1 tỷ đồng để xây dựng đường giao thông nông thôn, khu dân cư Đạo Đầu xã Triệu Trung vận động nông dân di dời 1200 ngôi mộ, giải phóng trên 24 ha đất sản xuất nông nghiệp. Đồng thời Mặt trận các cấp đã phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội trong việc quy hoạch, thực hiện các chương trình, dự án, xây dựng cơ sở hạ tầng. Mặt khác các cấp Mặt trận đã phối hợp với các tổ chức thành viên vận động đoàn viên, hội viên giúp đỡ nhau xóa đói giảm nghèo, tín chấp cho người nghèo vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp qua các kênh, qua các Ngân hàng, tổ tập huấn kỹ thuật, dạy nghề, giải quyết việc làm, huy động nhiều nguồn lực chăm lo cho người nghèo, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó tuyên truyền, vận động nhân dân chỉnh trang nhà cửa, vườn tược, tham gia thu gom rác thải, bảo vệ môi trường, xây dựng và nhân rộng các mô hình như Khu dân cư không có tội phạm, không có người sinh con thứ 3 trở lên, Khu dân cư kết hợp hài hòa giữa xóa đói giảm nghèo với bảo vệ môi trường. Đến nay toàn huyện có 97,5% khu dân cư đạt danh hiệu tiên tiến và trên 90% hộ đạt gia đình văn hóa. Ông Trần Việt Dũng, Chủ tịch UBMTTWVN huyện Triệu Phong cho biết: Trong những năm qua, đồng hành với sự đổi mới và phát triển của quê hương, UBMTTQ Việt Nam huyện luôn bám sát mục tiêu nhiệm vụ chính trị, phát huy sức mạnh tổng hợp của quần chúng, tạo không khí thi đua sôi nổi rộng khắp trong cộng đồng dân cư. Các cấp mặt trận đã vận động toàn dân thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động lớn như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Đền ơn đáp nghĩa”, ‘Ngày vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Kết quả đã góp phần làm cho bộ mặt các làng quê, khu phố có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày một nâng cao. Năm 2011 UBMTTQVN huyện Triệu Phong vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.
Từ những kết quả đạt được cho thấy vai trò của Mặt trận ngày càng được khẳng định, xứng đáng là nơi tập hợp sức mạnh của quần chúng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và lợi ích của nhân dân, là chỗ dựa để quần chúng gửi gắm niềm tin, tâm tư nguyện vọng, cùng nhau chung tay góp sức xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Hiện nay, các cấp mặt trận ở huyện Triệu Phong đang tập trung chỉ đạo các Khu dân cư tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Thông qua đó lồng ghép tổng kết 20 năm thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục nhân rộng các mô hình, xây dựng khu dân cư văn hóa, khu dân cư tiên tiến.
  

 
PHÁT ĐỘNG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU
(Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh)
Xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp lâu dài của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó Mặt trận Tổ quốc các cấp đóng vai trò rất quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân đoàn kết, phát huy sức mạnh thực hiện thắng lợi phong trào “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Những năm qua, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã không ngừng được phát huy, mở rộng và ngày càng nâng cao về chất lượng và hiệu quả. Cuộc vận động đã đi vào cuộc sống của người dân, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, thực sự trở thành cuộc vận động rộng lớn của toàn dân, góp phần tích cực vào thực hiện các nội dung, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Từ đó, tạo sự chuyển biến trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nông thôn; thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững; tạo mọi điều kiện để người dân tham gia đóng góp và hưởng lợi nhiều hơn trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Công tác tuyên truyền chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được tập trung chỉ đạo bằng nhiều hoạt động phong phú cả chiều rộng lẫn chiều sâu, hướng về cơ sở, nhằm huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư nông thôn. Nội dung tuyên truyền đã có bước đổi mới về nội dung và hình thức, tập trung chủ yếu vào cơ chế, chính sách mới, cách làm hay, sáng tạo, mô hình hiệu quả. Thông qua đó, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã phát huy được tiềm năng trong nhân dân, từ đó đạt được những kết quả nỗi bật. Nhận thức của cán bộ và đảng viên về mục đích, ý nghĩa, nội dung của Chương trình được nâng lên rõ rệt, đặc biệt là vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM, thể hiện ở sự đồng tình ủng hộ, tự nguyện, tích cực tham gia đóng góp công sức, trí tuệ, tiền của để xây dựng NTM. Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã thực sự trở thành phong trào rộng khắp, huy động sự tham gia tích của của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Huy động được nguồn lực phong phú để thực hiện Chương trình, qua 5 năm (từ 2013 - 2018) đã huy động được tổng kinh phí 5.600,23 tỷ đồng để đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, doanh số cho vay nông nghiệp, nông thôn 5 năm trên 27.729 tỷ đồng. Hiện trạng nông thôn mới thay đổi rõ nét; đến nay, toàn tỉnh có 42/117 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 35,04% số xã của tỉnh; mức đạt tiêu chí bình quân là 14,25 tiêu chí/xã, tăng 6,05 tiêu chí/xã so với cuối năm 2013, không còn xã dưới 5 tiêu chí.
Để tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, thay mặt Ban Thường trực Uỷ ban MTTQVN tỉnh xin hưởng ứng phát động xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu của Ban chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.
Nhận thức sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, trong thời gian tới tiếp tục động viên các tầng lớp nhân dân chung sức, chung lòng cùng với Đảng bộ, chính quyền tỉnh nhà thực hiện có hiệu quả các nội dung chủ yếu sau đây:
1. Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, hưởng ứng mạnh mẽ phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết nông thôn mới, đô thị văn minh”. Động viên nhân dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế nhanh và bền vững, tích cực tham gia xây dựng và thực hiện các quy hoạch chuyển dịch cơ cấu kinh tế, huy động được nhiều nguồn lực giúp nhau phát triển kinh tế, tham gia tổ chức thực hiện xây dựng đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển, chung sức xây dựng nông thôn mới bằng kế hoạch, chương trình, phần việc cụ thể, tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế nông thôn, góp phần phát triển sản xuất, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo và tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng cơ giới hóa nông nghiệp, phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn; phát triển ngành nghề, làng nghề truyền thống. Đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi các cấp.
 Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững.. Phát huy vai trò chủ trì của Mặt trận trong việc chủ động và phối hợp thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng Quỹ "Vì người nghèo" các cấp; hỗ trợ xoá nhà ở tạm bợ cho hộ nghèo, đồng thời có kế hoạch trích từ nguồn quỹ để hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất. Cải thiện cơ bản cuộc sống của người nghèo, hộ nghèo.
2. Phối hợp đẩy mạnh thực hiện các hoạt động xây dựng nếp sống văn hoá nông thôn; xây dựng gia đình văn hoá, khu dân cư văn hoá; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; chăm lo sự nghiệp giáo dục; chăm sóc sức khỏe, thực hiện dân số kế hoạch hóa gia đình. Thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, xây dựng cộng đồng khu dân cư ổn định về chính trị, dân chủ, hòa thuận, nhân ái, giàu bản sắc dân tộc. Phấn đấu đến năm 2020 có 90% làng, bản đạt tiêu chuẩn đơn vị văn hóa, 90% gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa.
3. Tích cực vận động các tầng lớp nhân dân tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn, xây dựng môi trường cảnh quan xanh - sạch - đẹp, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường từ hộ gia đình đến cộng đồng khu dân cư. Duy trì có kết quả các mô hình tự quản về bảo vệ môi trường sinh hoạt nông thôn, chú trọng thực hiện chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm đảm bảo sức khỏe cộng đồng.
4. Phối hợp triển khai thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn, góp phần giữ vững an ninh, trật tự xã hội nông thôn; xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể nhân dân ở cơ sở, khu dân cư thực sự trong sạch vững mạnh, góp phần xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh.
Đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, giải quyết có hiệu quả các tranh chấp, khiếu kiện, đơn thư, khiếu nại ở nông thôn. Đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội, an ninh nông thôn, phòng chống bạo lực gia đình, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội ở nông thôn.
5. Đẩy mạnh các hoạt động tương trợ, giúp đỡ nhau trong cộng đồng dân cư, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, thực hiện tốt công tác nhân đạo, từ thiện, chăm lo tốt các gia đình liệt sĩ, thương binh và những người có công với nước. Giúp đỡ người già cô đơn, trẻ mồ côi, những nạn nhân chất độc hoá học và những người không may mắn trong cuộc sống ở địa bàn nông thôn.
Ban Thường trực Uỷ ban MTTQVN tỉnh tin tưởng rằng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp uỷ Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp Chính quyền, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên và sự hưởng ứng đông đảo của các tầng lớp nhân dân, phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới chắc chắn sẽ nhanh chóng lan toả đi vào cuộc sống, mang lại kết quả thiết thực, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp tỉnh nhà phát triển, nông thôn văn minh, nông dân từng bước khá giả.Với tinh thần đó, thay mặt Ban Thường trực Uỷ ban MTTQVN tỉnh tôi kêu gọi các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh hãy chung sức đồng lòng, quyết tâm thi đua xây dựng chương trình nông thôn mới để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đưa tỉnh nhà ngày càng phát triển bền vững.
 
     CAM HIẾU TỪNG BƯỚC XÂY DỰNG XÃ NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU
                                                (Văn phòng điều phối nông thôn mới Quảng Trị)
Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, đến nay xã Cam Hiếu là một trong 2 xã của huyện Cam Lộ được UBND tỉnh Quảng Trị công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017 (huyện Cam Lộ đã có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, riêng xã Cam Tuyền đang phấn đấu đạt chuẩn năm 2018, dự kiến năm 2019 huyện Cam Lộ phấn đấu là huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh), sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, Đảng bộ và nhân dân xã Cam Hiếu quyết tâm xây dựng nông thôn mới nâng cao về chất theo hướng xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu và đã được UBND tỉnh chọn là một trong 8 xã của tỉnh để chỉ đạo điểm về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Xác định nhân dân là chủ thể trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) và NTM kiểu mẫu theo phương châm “ Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”, UBND xã Cam Hiếu đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác tuyên truyền đến tận cán bộ Đảng viên và nhân dân bằng nhiều hình thức khác nhau như: Phối hợp BCĐ huyện; tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ cốt cán từ xã đến thôn tham gia để tuyên truyền, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về xây dựng NTM; truyên truyền văn bản các cấp bộ, ngành TW, địa phương để cán bộ và nhân biết thực hiện; cấp phát tờ rơi; sổ tay hướng dẫn; in ấn bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu cấp phát cho 10 thôn niêm yết tại các hội trường thôn để nhân dân biết, tổ chức thực hiện.
 Ngoài tuyên truyền trên hệ thống phát thanh Fm không dây của xã, UBND xã còn phối kết hợp với Đài truyền thanh Cam Lộ thực hiện Phóng sự về quá trình thực hiện phong trào xây dựng NTM ở các thôn trên địa bàn toàn xã đồng thời tổ chức phân công cán bộ tuyên truyền trên hệ thống máy chiếu projector của xã đến tận 10 thôn,  qua đó đã giúp nhân dân nâng cao hơn nhận thức, tạo khí thế thi đua sôi nổi giữa các thôn trong toàn xã, thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới. Để làm thay đổi nhận thức sâu sắc và có bước đi trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, UBND xã dự kiến sẽ tổ chức cho các trưởng thôn và cán bộ làm nông thôn mới của xã trực tiếp học tập kinh nghiệm ở một số tỉnh bạn đã triển khai phong trào xây dựng nông thôn mới thành công và hiệu quả.
 Nhờ quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và sự tích cực vào cuộc của người dân nên kinh tế xã không ngừng phát triển. Đáng chú ý là trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xã đã chủ động nguồn lực cùng với nguồn ngân sách cấp trên hỗ trợ xây dựng lộ trình phù hợp, bảo đảm cân đối giữa nhu cầu và nguồn lực, cơ bản không để nợ đọng xây dựng cơ bản và mất cân đối thu chi tài chính. Trong đó, đáng chú ý một số thôn có cách triển khai tích cực, nhiều cách làm sáng tạo, nhận được sự hưởng ứng tích cực của chính quyền, người dân và các đơn vị, doanh nghiệp như ở thôn Mộc Đức, Thạch Đâu, Bích Giang, Tân Hiếu…. Tại đây, dù đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa nhưng người dân chủ động phối hợp với chính quyền vận động đóng góp hàng chục triệu đồng và hiến hàng nghìn m2 đất để mở rộng đường làng, ngõ xóm; xây dựng nhiều công trình hạ tầng như đường làng, kiên cố hóa hệ thống kênh mương thủy lợi; xây bảng tin, trồng cây và hoa hai bên đường, chỉ tính riêng nguồn lực huy động được năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 đạt trên 22 tỷ đồng.  Nhờ vậy bộ mặt nông thôn của xã trong thời gian vừa qua có sự chuyển biến đột phá, diện mạo nông thôn ngày càng sáng-xanh-sạch-đẹp, người dân hài lòng về kết quả xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Để triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo từng bước đi, cách làm cụ thể, UBND Cam Hiếu đã xây dựng Đề án “Xây dựng xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ thành xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020”, trong đó tập trung vào một số mục tiêu và nội dung như sau: 
 Duy trì ổn định 19 tiêu chí, 49 chỉ tiêu theo bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới đã đạt được và từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chí. Tập trung huy động mọi nguồn lực, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn, quyết tâm đạt thêm 12 tiêu chí để xây dựng thành công xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo Quyết định số 507/QĐ-UBND ngày 12/03/2018 của UBND tỉnh Quảng Trị, về Ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018 - 2020.
Ngoài ra, UBND xã triển khai rà soát để điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới theo hướng xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu cho phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt là các quy hoạch về phát triển sản xuất và giao thông nông thôn.
 Để triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu thành công, Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, UBND xã Cam Hiếu đã thành lập Ban quản lý xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; chỉ đạo tổ chức thực hiện gắn với phân công, phân nhiệm từng tiêu chí, phần việc, địa bàn, lộ trình cụ thể, giao chỉ tiêu cho các thôn để triển khai theo đề án của xã. 
Với sự quyết tâm và cách làm đồng bộ của đảng ủy, chính quyền và người dân xã Cam Hiếu trong xây dựng nông thôn mới, chắc chắn rằng bộ mặt nông thôn của xã sẽ có nhiều thay đổi, trở thành vùng quê đáng sống.
                                                                   
XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU Ở XÃ TÂN HỢP, HUYỆN HƯỚNG HÓA
                                                                                                (Xã Tân Hợp)
Xây dựng nông thôn mới là một trong những nội dung quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài nhằm thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” tại khu vực nông thôn.
Trong giai đoạn 2011 – 2015 xã Tân Hợp thực hiện xây dựng nông thôn mới của xã được sự tâm của các cấp, các ngành cũng như sự đoàn kết, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự đồng thuận chung tay của nhân dân trong và ngoài xã đến cuối năm 2015 xã Tân Hợp được tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới theo Quyết định số: 2056/QĐ-UBND, ngày 29/9/2015.
Xã có nhiều đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày càng được nâng lên, song địa phương xác định đạt chuẩn không có nghĩa là dừng lại bởi bên cạnh những tiêu chí đạt điểm tuyệt đối cũng còn một số tiêu chí chỉ đủ điểm để công nhận đạt chuẩn và so với mục tiêu chung của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 của Thủ tướng Chính phủ cũng như Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới của tỉnh cần phải tiếp tục phấn đấu hơn nữa. Với quan điểm đó, xã đã tập trung rà soát lại tất cả các tiêu chí NTM và xây dựng kế hoạch, giải pháp củng cố, với quyết tâm nâng cao chất lượng các tiêu chí. Đặc biệt là những tiêu chí có khả năng biến động như: thu nhập, môi trường, trường học, văn hóa,... Từ thời điểm được công nhận xã NTM đến nay, xã tiếp tục cùng với các ngành chức năng huyện rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phù hợp với quy hoạch chung của huyện và điều kiện đặc thù của địa phương về sản xuất nông nông nghiệp. Hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư: giao thông nông thôn đưa vào khai thác sử dụng, được quản lý duy tu bảo dưỡng, đồng thời tiếp tục nâng cấp mở rộng, bê tông hóa đường trục thôn, xóm,  thực hiện theo phương châm “Nhà nước nà Nhân dân cùng làm” giúp cho việc đi lại của nhân dân được thuận lợi, kinh tế có thêm động lực để phát triển, bộ mặt nông thôn của xã thêm phần khởi sắc (tổng kinh phí nhân dân đóng góp trên 2,5 tỷ đồng); vận động nhân dân cùng với ngành điện lực chỉnh trang các tuyến điện đảm bảo an toàn và mỹ quan nông thôn, các tuyến đường giao thông nông thôn được lắp đặt hệ thống chiếu sáng, và một số tuyến do nhân dân tự đóng góp và tự quản vận động xã hội hóa 2,5 tỷ đồng xây dựng một trường Mầm non đạt chuẩn góp phần nâng chất tiêu chí trường học; Công tác khuyến nông, đào tạo nghề nông thôn luôn được quan tâm thực hiện và nhân dân được áp dụng vào sản xuất, các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế được nhân rộng góp phần tăng thu nhập của nhân dân (mô hình trồng thanh long ruột đỏ, Trồng hoa…); cảnh quan môi trường được cải thiện hơn; hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, trình độ năng lực đảng viên, cán bộ được nâng lên, mặt trận, các đoàn thể được kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động; an ninh trật tự an toàn xã được giữ vững.
UBND tỉnh Quyết định đã ban hành  "bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẩu tỉnh Quảng Trị" giai đoạn 2018-2020 và Quyết định 854/QĐ-UBND ngày 23/4/2018 của UBND tỉnh Quảng Trị về việc phê duyệt danh sách các địa phương chỉ đạo điểm xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẩu giai đoạn 2018 – 2020; Trước hết địa phương đồng tình cao với bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẩu của UBND tỉnh, đây là điều kiện cần và đủ để các địa phương đã đạt chuẩn nông thôn mới có hướng phấn đấu duy trì và nâng cao các tiêu chí đã đạt được, chỉnh trang môi trường nông thôn xanh sạch đẹp. Thực hiện các Quyết định của UBND tỉnh và hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới trong toàn tỉnh, UBND xã ban hành Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 21/5/2018 về việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẩu giai đoạn 2018-2020, và đã được Hội đồng nhân dân xã thông qua tại kỳ họp thứ VI nhiệm kỳ 2016-2021;
          Nhằm đẩy mạnh thực hiện hiệu quả và bền vững Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông nông mới giai đoạn 2016 - 2020: "Đối với xã Tân Hợp đã đạt chuẩn nông thôn mới, tiếp tục tập trung rà soát, nâng cao hơn chất lượng các tiêu chí để tiếp tục phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẩu vào năm 2020". Địa phương tổ chức các cuộc họp để tổ chức vận động toàn thể nhân dân thực hiện đầy đủ các nội dung yêu cầu của bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẩu, thành lập các tổ liên gia theo từng đường kiệt, ngõ xóm có nhà đẹp, vườn hộ gia đình khang trang, ngăn nắp. Cải tạo đường làng, ngõ xóm rộng rãi, thoáng mát, xanh sạch đẹp. Làm mẩu việc cải tạo cảnh quan môi trường, trồng hàng rào cây xanh và cây bóng mát tại khu vực nhà các hộ gia đình và của tổ liên gia.
          Để thực hiện việc phát triển kinh tế đặc biệt là kinh tế hộ gia đình, UBND đã sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước từ nguồn nông thôn mới kiểu mẩu là 490 triệu đồng, và sự đóng góp của nhân dân là 122,5 triệu đồng để xây dựng cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp, hỗ trợ xây dựng chuồng trại chăn nuôi nhợp vệ sinh và xây dựng 5 mô hình vườn mẩu trong toàn xã để lấy đó làm mô hình trình diễn cho các hộ gia đình trong toàn xã học tập kinh nghiệm sản xuất kinh doanh có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong toàn xã. Nguồn vốn giảm nghèo bền vững 50 triệu đồng hỗ trợ giống bò cho các hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số.
Để triển khai thực hiện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới kiểu mẩu ở địa phương, chúng tôi đúc rút một số bài học kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện giai đoạn tiếp theo, xin chia sẻ gồm:
          1. Phát huy vai trò lãnh đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền và các hội đoàn thể từ xã đến thôn, xóm, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẩu để xây dựng khu dân cư xanh, sạch, đẹp, có kinh tế xã hội phát triển, an ninh trật tự được đảm bảo, đáp ứng được nguyện vọng của người dân.
          2. Phát huy hơn nữa vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới, huy động tối đa các nguồn lực tiềm tàng trong nhân dân với sự hỗ trợ hiệu quả của nhà nước để phục vụ lợi ích của người dân.
          3. Xây dựng nông thôn có kinh tế hộ gia đình, phát triển các mô hình vườn mẩu; xây dựng kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu của người dân; cải tạo môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp, hài hòa; giữ gìn, phát huy vẻ đẹp, yên bình của làng quê, để trở thành miền quê đáng sống.
4. Thực hiện tốt Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cơ sở; Phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị và Ban giám sát đầu tư cộng đồng trong thực hiện giám sát các công việc của địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM; lắng nghe, kịp thời giải quyết những kiến nghị của nhân dân, đề xuất với các cấp, các ngành tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.

 
VĨNH KIM ĐIỂM SÁNG TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU
(Văn phòng điều phối nông thôn mới Quảng Trị)
Là một trong 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) sớm nhất của tỉnh Quảng Trị vào năm 2014, trong 4 năm qua, Đảng bộ và nhân dân xã Vĩnh Kim đã không tự bằng lòng với những kết quả đạt được mà tiếp tục phấn đấu, đoàn kết, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình MTQG xây dựng NTM, với chất lượng cao hơn, tiến tới xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Đến nay, tất cả các tiêu chí NTM đã đạt được duy trì bền vững và không ngừng nâng cao về chất lượng.
Để đạt được điều này, Ban chỉ đạo NTM xã đã xác định mục tiêu là phải giữ vững 19 tiêu chí xã NTM và từng bước nâng cao hơn về chất lượng, trong đó đặc biệt quan tâm chỉ đạo nâng cao đối với các tiêu chí đang ở mức đạt chuẩn tối thiểu. Trong chỉ đạo thực hiện, hàng năm Đảng ủy tiếp tục ban hành các Nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM; Ban chỉ đạo, Ban quản lý xây dụng NTM xã cụ thể hóa và giao trách nhiệm cho các thành viên, đặc biệt là đẩy mạnh và coi trọng công tác tuyên truyền, vận động để tạo được sự đồng thuận, quyết tâm cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với việc duy trì bền vững và nâng cao chất lượng bộ tiêu chí xây dựng xã NTM.
          Năm 2016, mặc dù UBND Tỉnh Quảng Trị chưa triển khai và ban hành bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu nhưng xã Vĩnh Kim đã mạnh dạn đề xuất UBND Huyện Vĩnh Linh ban hành Bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu trên địa bàn xã và tổ chức phát động xây dựng xã NTM kiểu mẫu vào ngày 19/5/2017. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương, xã đã xây dựng bộ tiêu chí NTM kiểu mẫu với 8 tiêu chí, 36 chỉ tiêu tập trung vào các nội dung: giao thông, điện, vườn và nhà ở hộ gia đình, thu nhập, văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường, xây dựng hệ thống chính trị và an ninh, trật tự xã hội. Đồng thời, triển khai tuyên truyền sâu rộng đến các đoàn viên, hội viên các ban ngành đoàn thể và nhân dân. Tổ chức ký cam kết thực hiện giữa các thôn, hiện có 12/12 thôn đăng ký thực hiện xây dựng NTM kiểu mẫu giai đoạn 2017-2020 trong đó 8/12 đơn vị đăng ký đạt chuẩn cuối năm 2018 và 4 thôn còn lại vào năm 2019.
Khi UBND tỉnh ban hành bộ tiêu chí NTM kiểu mẫu theo Quyết định số 507/QĐ-UBND ngày 12/3/2018, Xã Vĩnh Kim đã tổ chức chỉ đạo các thôn rà soát cụ thể từng tiêu chí, xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể gắn với phân công trách nhiệm của từng thành viên theo dõi, chỉ đạo thực hiện. So với Bộ tiêu chí của tỉnh, xã Vĩnh Kim đã đạt 7/12 tiêu chí (điện, hộ nghèo, tổ chức sản xuất, văn hóa, môi trường, thông tin và truyền thông, an ninh trật tự hành chính công).
 Để có cơ sở chỉ đạo thực hiện xây dựng thành công bộ tiêu chí NTM kiểu mẫu, trước hết Ban chỉ đạo, BQL NTM xã Vĩnh Kim đã chỉ đạo rà soát lại đồ án quy hoạch để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Xác định việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững là việc làm thường xuyên, trọng tâm trong xây dựng NTM kiểu mẫu; với lợi thế về tiềm năng đất đai, xã tiếp tục chỉ đạo phát triển các mô hình sản xuất có hiệu quả như phát triển cây hồ tiêu, xây dựng mô hình tiêu sạch, phát triển chăn nuôi bò nhốt. Phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan triển khai xây dựng chỉ dẫn địa lý - nhãn mác, bao bì cho một số loại sản phẩm nông sản truyền thống đặc trưng của địa phương nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và phù hợp với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Tĩnh Quảng trị như: hồ tiêu, ném, khoai môn..vv; bên cạnh đó xã còn thực hiện tốt công tác liên kết tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản cho người dân; thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, định hướng học nghề và xuất khẩu lao động cho lực lượng lao động trong độ tuổi; nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người hàng năm của xã không ngừng được nâng lên, hiện nay là 38 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống ở mức 3.6%;
          Cùng với việc nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho người dân, xã luôn quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn: như đầu tư nâng cấp hoàn thành chuẩn các nhà văn hóa thôn, xây dựng trường học đạt chuẩn, đầu tư xây dựng hệ thống đài truyền thanh xã, triển khai trồng đường hoa, cây bóng mát, mở rộng đường vào các vùng sản xuất theo quy hoạch. Tuyên truyền, vận động nhân dân, các đơn vị, các tổ chức tích cực tham gia công tác chỉnh trang nông thôn và cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn; với định kỳ vào ngày 28 hàng tháng tổ chức tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Công tác đảm bảo an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội luôn được quan tâm thực hiện.
 Ông Nguyễn Viết Túc, Chủ tịch UBND -Trưởng Ban quản lý NTM xã cho biết: Từ khi được công nhận xã đạt chuẩn NTM, đi đôi với niềm phấn khởi và tự hào, Đảng bộ và nhân dân xã Vĩnh Kim xác định không thỏa mãn với kết quả đạt được mà xem đó là tiền đề, động lực để xây dựng địa phương ngày một phát triển.  Với mục tiêu đó, xã đã mạnh dạn đăng ký thực hiện xây dựng xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và đã được Ban thường vụ Huyện ủy Vĩnh Linh đề nghị UBND tỉnh thấp thuận chọn là 1 trong 8 xã  để chỉ đạo điểm xây dựng đạt chuẩn NTM kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020. Khi xây dựng xã NTM kiểu mẫu phải hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn, xây dựng cảnh quan xanh sạch đẹp, an toàn; tạo dựng mối quan hệ đoàn kết, tình làng nghĩa xóm, sẵn sàng giúp đỡ, sẽ chia lẫn nhau. Ông cho rằng xây dựng NTM kiểu mẫu phải tiếp tục lấy vai trò của cộng đồng dân cư là chính, để người dân bàn bạc thảo luận; lấy  đơn vị cấp thôn để triển khai thực hiện kết hợp với tạo phong trào thi đua sôi nỗi giữa các thôn nhằm đẩy nhanh tiến độ và thực hiện có hiệu quả quá trình xây dựng NTM kiểu mẫu.
 Phát huy truyền thống của một địa phương 02 lần được Đảng và nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng, sự đoàn kết đồng lòng chung sức của nhân dân và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đảng bộ Xã Vĩnh Kim đặt mục tiêu quyết tâm thực hiện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu vào cuối năm 2019 đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm bác Hồ tặng máy cày cho xã; với các mục tiêu cụ thể đạt được như thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/người; Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều giảm dưới mức 3% ; Tỷ lệ hộ đạt tiêu chí gia đình văn hoá lên trên 98%; Giữ vững phổ cập bậc tiểu học, trung học cơ sở đúng độ tuổi và danh hiệu các trường đạt chuẩn quốc gia (trong đó có trường tiểu học chuẩn II); Đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 65%; Giữ vững danh hiệu xã đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020. Tỷ lệ người dân tham gia các loại hình BHYT đạt 100%. Đây là nhiệm vụ quan trọng đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền xã và nhân dân cần phải quyết tâm, đoàn kết để thực hiện.
          Để đạt được điều này trong thời gian tới xã Vĩnh Kim cũng đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt; trong đó quan tâm chú trọng đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, nhằm tạo được sự đồng thuận và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực cộng đồng dân cư.  Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong xây dựng NTM, phát huy nội lực và phát huy vai trò chủ thể của người dân. Quan tâm phát triển sản xuất, ngành nghề dịch vụ nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững; thực hiện tốt nếp sống văn hóa, giữ vững danh hiệu làng văn hóa; gia đình văn hóa xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, hài hòa với thiên nhiên, thân thiện với môi trường; Xây dựng và củng cố hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh, đảm bảo an ninh nông thôn; Thực hiện tốt công tác sơ kết, tổng kết thi đua phong trào “Vĩnh Kim chung tay xây dựng NTM kiểu mẫu”; Biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho phong trào xây dựng quê hương.
Với tinh thần và quyết tâm cao trong phong trào thi đua xây dựng NTM. Xã Vĩnh Kim tiếp tục là một điểm sáng trong phong trào xây dựng NTM của Tỉnh Quảng trị. Chúng ta tin tưởng rằng cán bộ và Nhân dân xã Vĩnh Kim sớm thực hiện thành công mục tiêu xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020.
 
Phần thứ năm: PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT, NÂNG CAO THU NHẬP TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
 
HƯỚNG ĐI MỚI CỦA HỢP TÁC XÃ TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
                                                (Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Trị)
Kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã là một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các hợp tác xã có vai trò hết sức quan trọng, không chỉ nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn trong thời kỳ hội nhập. Nếu HTX phát triển đúng hướng, sẽ tạo nền tảng thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp và có vai trò rất lớn trong điều hành sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường đầu ra, tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên và nông dân.
Xác định tầm quan trọng của kinh tế tập thể, trong những năm qua, đặc biệt là sau khi Luật HTX 2012 ra đời, tỉnh Quảng Trị đã bám sát chỉ đạo của Trung ương và quyết liệt trong việc tổ chức triển khai rà soát, củng cố và tổ chức đăng ký lại các hợp tác xã. Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 71- CTHĐ/TU ngày 11/7/2013 của Ban thường vụ Tỉnh ủy khóa XV thực hiện Kết luận số 56- KL/TW ngày 21/02/2013 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Nghị quyết số Nghị quyết 04- NQ/TU ngày 20 tháng 4 năm 2017 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017- 2020, định hướng đến năm 2025;
Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết 05/2017/NQ-HĐND ngày 23/5/2017 về việc quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2017- 2020 trên địa bàn tỉnh; Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị cũng đã ban hành Quyết định 2299/QĐ-UBND ngày 23/8/2017 về bộ tiêu chí xây dựng Hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới giai đoạn 2017 -2020, Quyết định 2096/QĐ- UBND ngày 03/8/2017 về thí điểm đưa cán bộ trẻ có trình độ cao đẵng, đại học về làm việc tại HTX, Quyết định 665/QĐ-UBND ngày 30/3/2018 về phê duyệt kế hoạch xây dựng và phát triển hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2018- 2020.
Toàn tỉnh hiện có 299 HTX, trong đó 282 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Tổng số thành viên các hợp tác xã nông nghiệp là 69.523 thành viên. Doanh thu bình quân 874,8 triệu đồng/HTX, lợi nhuận bình quân 114 triệu đồng/HTX. Trình độ đội ngũ cán bộ hợp tác xã nông nghiệp: 8% cán bộ có trình độ Đại học, cao đẳng; 47,3 % cán bộ trình độ trung cấp, sơ cấp; còn lại chủ yếu bồi dưỡng ngắn hạn. Có 48,1 HTX loại khá tốt, có 47,3% HTX loại trung bình và 4,6% HTX loại yếu.
Trong những năm gần đây, với yêu cầu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, kinh tế HTX đã có bước phát triển về chất lượng và tạo ra hướng đi mới hiệu quả đã thúc đẩy sản xuất kinh doanh ở khu vực nông thôn phát triển.
Đối với Các HTX nông nghiệp được chuyển đổi từ các hợp tác xã kiểu cũ: Các HTX nông nghiệp đã mạnh dạn đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới để tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến đáp ứng yêu cầu của thị trường. Phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất. Nhiều HTX đã mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều ngành nghề, phát triển kinh doanh tổng hợp, đầu tư trang thiết bị để nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, thực hiện tốt công tác dồn điền đổi thửa, sắp xếp, bố trí sản xuất; đồng thời tham gia các hoạt động xã hội trên địa bàn dân cư, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương, giải quyết nhu cầu, lợi ích chính đáng của thành viên và người lao động. Bên cạnh đó, có không ít HTX nhanh chóng thích nghi với cơ chế thị trường, tạo sự liên kết, hợp tác với nhau và với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cho thành viên, điển hình như HTX Phú Hưng, Kinh Môn, Quang Hạ, Cam An…
Đối với những hợp tác xã thành lập mới sau khi Luật HTX 2012 ra đời: Đã xuất hiện nhiều mô hình HTX kiểu mới hoạt động đúng bản chất và đưa lại hiệu quả kinh tế, nhiều HTX chuyên ngành được ưu tiên tập trung phát triển để tạo ra sản phẩm như: hồ tiêu, cà phê, sản xuất rau củ quả công nghệ cao, cao dược liệu, chăn nuôi lợn, chăn nuôi gà, canh tác lúa theo hướng tự nhiên...Các hợp tác xã này tìm được hướng đi phù hợp, phát triển sản xuất kinh doanh gắn với sản phẩm có lợi thế, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chú trọng thị trường đầu ra và định hướng phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm. Đây thực sự là hướng đi có hiệu quả trong xây dựng hợp tác xã kiểu mới, điển hình có HTX Chân Mây Bắc Hướng Hóa với sản phẩm cà phê hữu cơ, sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết với Doanh nghiệp vừa là thành viên vừa là đối tác tiêu thụ đầu ra cho Hợp tác xã; Hợp tác xã Hồ tiêu Vĩnh Linh xây dựng thương hiệu sản phẩm với quy mô toàn huyện, liên kết hầu hết các hộ sản xuất hồ tiêu để cùng xây dựng nhãn hiệu tập thể, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Một số Hợp tác xã lại chú trọng phát triển sản phẩm theo hướng hữu cơ, canh tác tự nhiên như HTX Nông sản sạch Triệu Phong với sản phẩm Gạo sạch, HTX Chăn nuôi Gà Triệu Thượng, HTX chăn nuôi Gà Tứ Hải với sản phẩm gà sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhiều Hợp tác xã mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, mang lại hiệu quả cao và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm như HTX Nguyên Khang garden với sản phẩm rau thủy canh, dưa lưới; HTX Thành Công với công nghệ làm mát tự động trong chăn nuôi lợn, trồng rau thủy canh;  HTX Trường Sơn với sản phẩm dưa lưới, dưa hấu; HTX Đoàn Kết ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi lợn…
Xác định tiêu chí 13 là một tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, chú trọng phát triển hợp tác xã kiểu mới, toàn tỉnh đã lựa chọn 60 HTX để xây dựng hợp tác xã kiểu mới giai đoạn 2018-2020. Đây là định hướng quan trọng để tạo sự đột phá trong phát triển hợp tác xã góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới.  

 
CÁC MÔ HÌNH CHUYỂN ĐỔI SẢN XUẤT THEO HƯỚNG NÂNG CAO GIÁ TRỊ GIA TĂNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
                   (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật)
 
Thực hiện chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ; được cụ thể hóa tại Quyết định số 1817/QĐ-UBND ngày 09/10/2013 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kế hoạch hành động thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Ngành Nông nghiệp và PTNT đã ban hành các chương trình, kế hoạch trọng tâm với nhiều nhiệm vụ và giải pháp để chuyển đổi sản xuất từ mục tiêu số lượng sang năng suất và chất lượng, đặc biệt xác định việc xây dựng các mô hình điểm, tiêu biểu là giải pháp hiệu quả, quan trọng để cùng với người nông dân thay đổi suy nghĩ, cách làm, từ đó tạo chuyển biến sâu rộng từ nhận thức tới hành động nhằm chuyển đổi sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trên cơ sở xác định Khoa học công nghệ (KHCN) chính là giải pháp đột phá để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển liên kết trong chuỗi giá trị là hướng đi tất yếu để xây dựng nền nông nghiệp sạch, hiện đại phát triển bền vững, thực hiện hiệu quả các mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
1. Một số mô hình nổi bật và hiệu quả của các mô hình trong năm 2017
a)  Mô hình hợp tác liên kết giữa “Sở Nông nghiệp và PTNT, Công ty TNHH sản xuất thương mại Đại Nam –Nhà máy sản xuất phân bón Ong biển, Tổ hợp tác/HTX” để xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ bền vững:
Năm 2017, ghi nhận sự phát triển đột phá của phong trào sản xuất lúa hữu cơ với việc có gần 90 ha lúa được sản xuất theo quy trình công nghệ theo hướng hữu cơ được chuyển giao độc quyền bởi Công ty TNHH Đại Nam – Nhà máy sản xuất phân bón Ong biển và Sở Nông nghiệp và PTNT với các địa phương trong tỉnh. Đây là lần đầu tiên có 1 Doanh nghiệp hỗ trợ cho nông dân ứng trước 100% phân hữu cơ (8.500.000 đồng/ha), hỗ trợ một phần chênh lệch giá giống (1.000.000 đồng/ha); hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật; cam kết đền bù năng suất với mức trung bình 5 tấn/ha (lúa tươi); cuối vụ thu mua toàn bộ sản phẩm lúa tươi ngay tại ruộng với giá 7.000 đồng/kg. Kết quả, năng suất lúa mô hình tương đương ruộng đại trà (Đạt bình quân 40- 45 tạ/ha lúa tươi, có một số điểm như: Diên Khánh – Hải Lăng đạt 48 tạ/ha); Tổng sản lượng lúa hữu cơ thu được hơn 400 tấn. Sau khi trừ toàn bộ chi phí, hiệu quả kinh tế của ruộng liên kết đem lại cao hơn từ 2 – 2,5 lần so với ruộng đại trà (tương đương lãi hơn từ 9.000.000 đồng/ha – 15.000.000đ/ha). Toàn bộ mô hình mang lại thu nhập cho nông dân hơn 2,8 tỷ đồng, lãi hơn 810 triệu đồng so với sản xuất đại trà trên cùng một diện tích.
b) Mô hình liên kết 4 nhà “UBND tỉnh Quảng Trị, Công ty cổ phần TPXK Đồng Giao, Học viện nông nghiệp Việt Nam – HTX/THT trồng Dứa” phát triển cùng nguyên liệu Dứa phục vụ xuất khẩu:
Năm 2017, là năm đánh dấu sự liên kết chặt chẽ, bài bản đầu tiên trên lĩnh vực nông nghiệp giữa 4 nhà Trong đó: Doanh nghiệp cho nông dân ứng trước giống, phân bón gần 6 tỷ đồng Nhà nước hỗ trợ gần 5 tỷ đồng; còn lại là nông dân đối ứng. Ngoài ra, để liên kết với Doanh nghiệp, có 24 Tổ hợp tác trồng Dứa đã được thành lập. Doanh nghiệp cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra theo Hợp đồng liên kết. Đây được xem là chiến dịch trồng trọt lớn nhất từ trước đến nay, đặc biệt trong số này có 8 ha mô hình chuyển đổi sinh kế cho các xã ven biển bị ảnh hưởng bởi sự cố Formosa. Hiện nay, cây Dứa đang ở giai đoạn phát triển quả, dự kiến từ giữa cuối tháng 6 đến tháng 8 năm 2018 sẽ cho thu hoạch sản phẩm với năng suất ước bình quân đạt 40 tấn/ha; thu nhập bình quân trên 01 ha ước đạt 160 triệu đồng, trừ chi phí khoảng 100 triệu đồng/ha, lợi nhuận thu được bình quân 60 triệu đồng/ha/15 tháng, cao gấp 4 lần so với trồng rừng sản xuất, gấp 2,5 lần so với trồng sắn.
c) Các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao
- Mô hình trồng Dưa lưới theo công nghệ Nhật Bản (Tập đoàn Sumitomo) thực hiện tại xã Trung Giang - huyện Gio Linh
Thực hiện nội dung Biên bản ghi nhớ ngày 10/10/2017 về việc hợp tác phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao giữa UBND tỉnh Quảng Trị và Tập đoàn Sumitomo-Nhật Bản; Từ cuối năm 2017, Sở Nông nghiệp và PTNT cung với Cty TNHH Sumitomo Việt Nam và Cty TNHH Seibu Nousan Việt Nam tiến hành triển khai mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại thôn Cang Gián, xã Trung Giang với quy mô 1.000 m2, kinh phí thực hiện hơn 1,5 tỷ đồng. Tại mô hình này, người dân và cán bộ kỹ thuật trên địa bàn được tiếp cận với một số phương thức canh tác ứng dụng công nghệ cao như: Công nghệ nhà lưới và trồng trọt của Nhật Bản, vận hành hệ thống tưới nhỏ giọt, sử dụng phân chuyên dùng cho từng giai đoạn sinh trưởng của cây... Đây là cơ sở để các địa phương vùng cát ven biển tham quan, học tập để ứng dụng vào sản xuất và tạo thu nhập. Hiện nay, sau thời gian gieo hạt 80 ngày cây Dưa lưới đã thu hoạch, sản lượng thu được trên diện tích 500 m2: 980 kg, giá bán 50.000 đồng/kg, lợi nhuận 20-25 triệu đồng/500m2.
2. Thuận lợi, khó khăn 
a) Thuận lợi
- Tiềm năng đất đai, lao động dồi dào, nhiều vùng sinh thái phù hợp để xây dựng và nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng KHCN vào sản xuất;
- Tỉnh xác định tái cơ cấu nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của hệ thống chính trị. Do đó, đã và đang tập trung nhiều nguồn lực, huy động lồng ghép các nguồn vốn khác nhau để phát triển, cơ cấu lại nông nghiệp phù hợp với tiềm năng, lợi thế, điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của tỉnh;
- Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm đến công tác xúc tiến đầu tư, thu hút các Doanh nghiệp/Tập đoàn lớn để khảo sát và đầu tư, liên kết sản xuất nông nghiệp, đặc biệt nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh;
- HĐND, UBND tỉnh và các địa phương đã ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển các mô hình nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn.
b) Khó khăn
- Điều kiện khí hậu thời tiết khắc nghiệt, tiềm ẩn nhiều rủi ro do thiên tai gây ra (lốc tố, gió bão…).làm thiệt hại lớn đến cơ sở vật chất, năng suất, sản lượng nông sản trên địa bàn;
-  Cơ sở hạ tầng nông nghiệp nông thôn tuy được đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; vai trò của hợp tác xã và kinh tế trang trại chưa được phát huy mạnh mẽ, chưa thể hiện được vai trò chủ đạo thúc đẩy phát triển nông nghiệp;
- Vốn đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao lớn, trong khi Quảng Trị là tỉnh nghèo nên chính sách hỗ trợ còn hạn chế, hoạt động đầu tư chưa được tập trung; nguồn vốn đầu tư còn ít, các mô hình sản xuất hiệu quả chưa được đầu tư nguồn kinh phí để nhân rộng. Thị trường nông sản thiếu ổn định, rủi ro cao; liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn thiếu và yếu nên nhiều hộ nông dân, đặc biệt Doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng KHCN, đặc biệt công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.
3. Bài học kinh nghiệm và biện pháp tăng cường hiệu quả mô hình
- Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục phối hợp với các Sở, Ban ngành liên quan, các địa phương để nhân rộng nhanh, mở rộng quy mô sản xuất trên địa bàn toàn tỉnh các mô hình đã thành công trong năm 2017.
- Phối hợp với các địa phương để rà soát quy hoạch vùng sản xuất 6 cây trồng, 2con nuôi chủ lực, tập trung chuyển đổi các vùng sản xuất kém hiệu quả, đặc biệt là đối với đất lúa 01 vụ, đất lúa bấp bênh, đất rừng sản xuất kém hiệu quả sang các đối tượng cây trồng, vật nuôi khác. Đồng thời, phối hợp với các địa phương để lựa chọn, dành các các quỹ đất sạch, tập trung, đề xuất xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng để kêu gọi thu hút các nhà đầu tư tiềm năng vào đầu tư phát triển nông nghiệp.
- Nghiên cứu để đẩy mạnh, khuyến khích tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa xây dựng cánh đồng lớn, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, mời gọi, thu hút các Doanh nghiệp đến đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, xây dựng nhà máy chế biến, hợp tác liên kết để xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm nông sản chủ lực.
- Ưu tiên nguồn lực KHCN để tập trung giải quyết một số điểm nghẽn, tồn tại hạn chế của việc phát triển một số sản phẩm cây trồng, vật nuôi chủ lực, cụ thể đó là Tái canh cây cà phê; nâng cao năng suất chất lượng, giảm sâu bệnh cho hồ tiêu, cây ăn quả đặc sản như:Cam K4; lựa chọn bộ giống lúa chất lượng cao chủ lực để phục vụ cho chiến lược phát triển gạo hữu cơ.
- Đẩy mạnh công tác truyền thông về các thành tựu khoa học công nghệ của Việt Nam, thế giới vào sản xuất; nâng cao chỉ số khoa học công nghệ trong sản phẩm nông nghiệp; Kịp thời phát hiện các điển hình tiên tiến trong việc ứng dụng KHCN vào sản xuất để đề xuất hỗ trợ kịp thời; Phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực KHCN.
- Phối hợp với các Sở, ban ngành liên quan và các địa phương để xây dựng các Chương trình/Dự án/Đề án KHCN cấp Bộ, cấp Nhà nước, nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia để giải quyết những vấn đề lớn, liên vùng trong thực tiễn sản xuất.
- Xây dựng chiến lược lâu dài nhằm thu hút, kêu gọi Doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao thông qua các chính sách; Tạo quỹ đất sạch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng; ưu đãi thuế và các chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút nhiều nguồn lực đặc biệt quan tâm đến nguồn đầu tư trực tiếp (FDI), hợp tác công tư... Nhằm tạo ra bước đột phá trong sản xuất, khai thác tối ưu tiềm năng và lợi thế của tỉnh Quảng Trị.
- Triển khai có hiệu quả cũng như điều chỉnh các chủ trương, chính sách đã được ban hành trong thời gian qua nhằm đáp ứng thực tiễn sản xuất trên địa bàn tỉnh;
- Tiến hành lựa chọn các sản phẩm có lợi thế về chất lượng, hiệu quả kinh tế cao xây dựng thương hiệu, nhãn mác, nhận diện thương hiệu, xây dựng cửa hàng trưng bày để nâng cao vị thế cũng như chất lượng ngành hàng nông sản của tỉnh.
Nhìn chung, năm 2017 là năm đánh dấu một số tín hiệu tích cực ban đầu từ việc ứng dụng KHCN, đặc biệt nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất. Chính nhờ tập trung ứng dụng Tiến bộ Khoa học kỹ thuật mới gắn với xây dựng mô hình điểm để chuyển giao đã giúp nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong năm qua có những thay đổi căn bản về sản xuất theo hướng ổn định, đảm bảo an ninh lương thực, dinh dưỡng, đồng thời khai thác tốt lợi thế để phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, từng bước xây dựng thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường.

HIỆU QUẢ TỪ MÔ HÌNH CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP
(Trung tâm Khuyến nông)
Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một chương trình phát triển nông thôn toàn diện và là chương trình khung định hướng các nội dung cần thiết phải thực hiện để xây dựng các xã đạt chuẩn nông thôn mới. Chương trình sẽ được triển khai trên địa bàn các xã trong toàn tỉnh, nhằm xây dựng nông thôn phát triển toàn diện, bao gồm nhiều nội dung liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, hệ thống chính trị ở cơ sở và an ninh trật tự xã hội ở nông thôn. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã xác định: "Xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu đẹp, dân chủ, công bằng, văn minh, có cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất phù hợp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển ngày càng hiện đại". Tại xã Hải Thượng huyện Hải Lăng toàn hệ thống chính trị và toàn dân trong xã đã vào cuộc quyết liệt để cùng nhau nổ lực chung tay xây dựng nông thôn mới.
Để thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới, chính quyền địa phương xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, nông dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thi đua sản xuất kinh doanh giỏi làm giàu chính đáng, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Trong những năm qua ở xã đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả để phát triển kinh tế, đem lại thu nhập cao và ổn định. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi các cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế, trên địa bàn xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng một số hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế tổng hợp. Qua thời gian đã mang lại hiệu quả kinh tế khả quan cho bà con nông dân. Điển hình trong bức tranh khởi sắc về kinh tế nông hộ có thể kể đến là mô hình kinh tế lợn - cá của gia đình chị Nguyễn Thị Sen ở thôn Đại An Khê.
Chúng tôi đến thăm gia đình chị trong một ngày nắng hạ, những cái nắng oi ả làm cho ai cũng lấm tấm mồ hôi. Được chị dẫn đi thăn trang trại nuôi Lợn - Cá của gia đình, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, một bức tranh phát triển kinh tế nơi vùng quê nghèo đang dần hiện ra. Trước mắt tôi là một khu chuồng trại gồm 2 dãy dài cùng những ao cá, những bóng cây dừa nghiêng che dọc 2 bên đường đi vào khu chuồng trại cùng làn hơi nước mát của ao cá nó như xoa dịu nhẹ phần nào những khắc nghiệt của thời tiết.
Đi cùng chị một vòng chúng tôi mới thấy được những màu xanh mát đang hồi sinh trên mảnh đất đầy bon đạn ngày xưa của vùng quê nghèo này. Tiếp xúc với chị, chị cho biết sau khi lập gia đình vợ chồng chị đã xây dựng cơ ngơi bề thế này từ đôi bàn tay trắng. Với bản tính cần cù không khuất phục trước những khó khăn thì không bao giờ phải sợ đói, nhưng khi hai con đến tuổi ăn tuổi học, những chi phí trong gia đình cứ ngày một tăng cao, nó như thôi thúc anh chị phải làm thêm các hoạt động tạo thu nhập khác. Năm 2006 khi xã có chủ trương chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả ở vùng xa dân cư sang nuôi Lợn, nuôi Cá, chị đã bàn với gia đình mạnh dạn đấu thầu gần 1,5 ha trong vòng 50 năm. Sau khi thuê máy về đào đắp, với vốn liếng ban đầu còn eo hẹp gia đình chị chỉ xây dựng 2 ô chuồng trại và thả các loại cá truyền thống. Biết được trong hoạt động sản xuất muốn thành công thì những kỹ thuật rất quan trọng ngoài tiếp cận các thông tin về khoa học kỹ thuật qua đài báo chị còn xin đăng ký theo học các lớp tập huấn về thủy sản và chăn nuôi do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị mở ở huyện, xã.
Làn da rám nắng và những giọt mồ hôi lăn trên gò má, nó như giúp tôi hiểu thêm phần nào những khó khăn mà chị đã vượt qua để có một cơ ngơi bề thế như ngày hôm nay. Đi cùng tôi chị vui vẽ tâm sự: "những vụ cá đầu tiên thấy cũng có lãi vợ chồng tôi vui và hăng hái lắm, ngoài làm trang trại gia đình tôi còn làm thêm 2,5 sào ruộng, 2 sào đất màu, nuôi thêm gia cầm như vịt, ngan..." chắt chiu từng đồng vốn nhỏ, dần dần gia đình chị đã mở rộng cơ ngơi xây được cả dảy chuồng, năm 2010 khi nghe tin Trung tâm Khuyến nông xây dựng mô hình lợn F1 sinh sản chị đã mạnh dạn viết đơn đang ký tham gia. Nắm bắt được tâm tư nguyện vọng, và sự đề xuất của Khuyến nông viên cơ sở ở xã Hải Thượng, Trung tâm Khuyến nông Tỉnh đã đồng ý cho gia đình chị tham gia xây dựng mô hình.
Trao đổi với chúng tôi ông Nguyễn Trung Hậu, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị cho biết “Nhận thức được tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã phối hợp tốt với chính quyền các địa phương bám sát nhiệm vụ được giao triển khai nhiệm vụ chuyên môn gắng với phong trào Khuyến nông chung sức xây dựng NTM. Trung tâm Khuyến nông tập trung tăng cường công tác khuyến nông; đẩy mạnh xây dựng các mô hình có trọng tâm, trọng điểm gắn với lợi thế và định hướng phát triển kinh tế của vùng, của địa phương; nhanh chóng nhân rộng những mô hình có hiệu quả nhằm tạo sự đột phá trong sản xuất hàng hóa; quan tâm xây dựng các mô hình khuyến nông ở địa phương để người dân có điều kiện áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần xây dựng nông thôn mới”.
Nhờ sự hướng dẫn của cán bộ Khuyến nông, sự chịu khó tìm tòi học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi Lợn, nuôi Cá của cá nhân chị Sen nên mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực cho gia đình. Cuối năm 2012 chị đã đầu tư hơn 100 triệu xây thêm một dãy chuồng, đến nay trong trang trại của gia đình chị ngoài các ao cá luôn có từ 50-70 lợn thịt, 6-8 lợn nái, ngan, vịt 30-50 con. Đi cùng chúng tôi, chi Sen cởi mở tâm sự rằng "Trước đây tôi rất muốn thực hiện mô hình này nhưng chưa có vốn, đồng thời không biết có thành công không, bản thân tôi không am hiểu kỹ thuật, sợ rủi ro nên không dám đầu tư. Nhờ sự hỗ trợ ban đầu của Trung tâm Khuyến nông giúp tôi mạnh dạn khi thực hiện mô hình, đặc biệt là sự hỗ trợ kỹ thuật từ các lớp tập huấn, nó rất thiết thực đối với gia đình và bà con ở vùng này". Tổng thu nhập từ trang trại hàng năm sau khi trừ chi phí còn thu lãi hơn 120 triệu đồng. Điều đặc biệt từ mô hình nuôi lợn F sinh sản thành công của gia đình anh chị, đến nay nhiều chị em trong HTX Đại An Khê cũng như trên địa bàn xã Hải Thượng đã nhân rộng mô hình, đầu tư chuyển đổi từ nuôi lợn nái Móng Cái sang F sinh sản. Trung bình các gia đình nuôi, có từ 3-5 nái mẹ hàng năm cung cấp cho thị trường lợn giống và lợn thịt thu về nhiều nguồn lợi cho xã.
Tiếp xúc với chúng tôi bà Lê Thị Bé Hương, phó chủ tịch UBND xã Hải Thượng cho biết: " Xác định chủ trương xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống chính trị trong giai đoạn hiện nay, Đảng ủy xã Hải Thượng đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM, UBND xã đã cụ thể hóa nội dung xây dựng nông thôn mới vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm để chỉ đạo thực hiện. Đây là điều kiện thuận lợi để từng bước thay đổi diện mạo của một xã thuần nông như Hải Thượng, trong đó phát triển kinh tế xây dựng các mô hình trang trại, gia trại đưa các cây trồng, con nuôi có hiệu quả vào sản xuất nhằm nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được chúng tôi chú trọng. Chính quyền và người dân chúng tôi đang chung sức, chung lòng để mang lại thành công trong công cuộc xây dựng NTM trên địa bàn xã".
Niềm vui và nụ cười tươi khi thấy đàn cá bơi lội, những thành quả đạt được trên sự làm giàu chính đáng từ đôi tay, chị Sen xứng đáng là một gương sáng điển hình, đóng góp không nhỏ trong thành tích chung của thôn, của xã. Những thành công mang lại trong những năm qua càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của mình trong các phong trào phụ nữ ở địa phương nhất là phong trào phụ nữ thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới./.

 
BƯÓC ĐỘT PHÁ TRÊN LĨNH VỰC “TAM NÔNG” Ở VĨNH LINH
     (Đc Trần Văn Bến, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vĩnh Linh)
Thực hiện sự nghiệp đổi mới của Đảng, trong 10 năm qua (2008-2018) huyện Vĩnh Linh đã có bước phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, Nghị quyết số 26- NQ/TW ngày 5/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ban hành đã định hướng và thúc đẩy sự phát triển toàn diện trên lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đưa sự nghiệp CNH, HĐH đất nước từng bước phát triển vững chắc. Nhờ có nhiều chủ trương và giải pháp đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy nên các cấp ủy đảng đã vận dụng sáng tạo nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống.
Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tổ chức học tập quán triệt cho trên 200 cán bộ chủ chốt của huyện và các xã, thị trấn; xây dựng chương trình hành động cụ thể các lĩnh vực theo từng giai đoạn. Chỉ đạo 100% tổ chức cơ sở đảng, các cơ quan, đơn vị, các ban, ngành, đoàn thể liên quan tổ chức quán triệt các nội dung nghị quyết và xây dựng kế hoạch thực hiện. Công tác tuyên truyền được triển khai đồng bộ với nhiều hình thức phong phú nhằm chuyển tải các quan điểm, chủ trương, biện pháp giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của nghị quyết. Gắn việc triển khai nghị quyết với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, các cuộc vận động thông qua các tổ chức đoàn thể như phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Chỉnh trang nông thôn”, mô hình “5 không, 3 sạch”... 
Một trong những giai đoạn thực hiện các chương trình công tác trọng tâm có tính hiệu quả và thuyết phục cao, đó là Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã xây dựng và ban hành 3 chủ trương lớn: Xây dựng nông thôn mới; thu hút đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng; giảm nghèo bền vững cho 11 bản khó khăn thuộc 3 xã miền núi của huyện. Từ 3 chương trình công tác trọng tâm lớn này đã góp phần hoàn thiện cơ bản về kết cấu hạ tầng nhờ thu hút được nguồn lực đầu tư; đưa tỷ lệ phát triển chung hài hòa giữa các vùng, miền, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong xây dựng nông thôn mới. Sau 7 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, Vĩnh Linh đã có 14 xã đạt chuẩn. Giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp tăng bình quân trong 10 năm từ 6 - 7%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 42 triệu đồng. Huyện đã hình thành vùng sản xuất hàng hoá nông nghiệp tập trung, thực hiện đầu tư thâm canh, áp dụng các giống và quy trình sản xuất mới có năng suất, chất lượng cao; hoàn thiện hệ thống tưới tiêu; đẩy nhanh cơ giới hoá đồng bộ các khâu sản xuất; chú trọng việc nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa. Cây trồng được bố trí lại mùa vụ để giảm thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, phù hợp với điều kiện từng vùng. Ngành nông nghiệp huyện đã xác định được bộ giống lúa chủ lực, ngắn ngày, có năng suất, chất lượng cao, tránh thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, đưa vào sản xuất diện rộng nhằm gia tăng giá trị trên đơn vị diện tích. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung chuyên canh, thâm canh, khai thác tiềm năng đất đai và lợi thế vùng. Diện tích gieo trồng lúa hằng năm đều tăng, riêng năm 2017 đạt 7.720 ha, tăng 1.170 ha so với năm 2008, không những đảm bảo an ninh lương thực mà còn tạo ra nguồn lương thực hàng hóa có giá trị.
Đặc biệt, năm 2017 Vĩnh Linh đã đưa vào sản xuất các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như mô hình trồng dưa, rau củ quả sạch trong nhà màng với quy mô trên 5.500m2 tại 2 xã Vĩnh Trung và Vĩnh Tú; xây dựng mô hình sản xuất rau sạch theo phương pháp thủy canh với quy mô trên 1.300m2 tại xã Vĩnh Trung; xây dựng vườn sản xuất tiêu sạch tại xã Vĩnh Kim; mô hình trồng chuối đỏ Dacca tại xã Vĩnh Hiền bước đầu phát triển tốt. Việc liên kết giữa Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Học viện Nông nghiệp Việt Nam - HTX/THT trồng dứa bước đầu đã có sự chặt chẽ. Đây là tiền đề để xây dựng vùng nguyên liệu dứa tại các xã Vĩnh Long, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy, Vĩnh Thái, Vĩnh Tú với diện tích 29 ha. Ngành chăn nuôi, thủy sản đang phát triển tích cực. Các địa phương vùng biển đã cơ cấu lại lực lượng đánh bắt thủy, hải sản, có chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, nhất là sau sự cố ô nhiễm môi trường biển năm 2016.
Công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển y tế, giáo dục, văn hóa- xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn ngày càng được chú trọng. Kinh tế hộ được phát triển theo hướng mở rộng về quy mô, kinh tế gia trại, trang trại phát triển và ngày càng phát huy hiệu quả. Toàn huyện có 46 trang trại sản xuất nông, lâm, thủy sản đã được cấp phép đạt tiêu chí theo Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Tổng thu nhập bình quân một trang trại đạt hơn 1,2 tỷ đồng. Cùng với việc tổ chức phát triển sản xuất, mạng lưới chế biến nông, lâm sản được đầu tư trên địa bàn. Mạng lưới thương mại, dịch vụ ở nông thôn ngày càng phát triển rộng khắp với các hình thức đa dạng, phong phú, từng bước giải quyết các dịch vụ đầu vào và đầu ra cho sản xuất.
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, nền nông nghiệp của Vĩnh Linh phát triển khá toàn diện; cơ cấu sản xuất chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với định hướng CNH, HĐH. Giá trị sản xuất nông nghiệp liên tục tăng; các ngành trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản phát triển. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa ngày càng được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm nhanh (từ 16,7% vào năm 2008 xuống còn 6,76% cuối năm 2017); tỷ lệ hộ sử dụng điện, nước sạch, nước đảm bảo vệ sinh, hộ có phương tiện nghe nhìn, internet, điện thoại cố định và di động tăng đáng kể. Mạng lưới chăm sóc sức khỏe được đầu tư, 100% số xã đã có trạm y tế; cơ sở vật chất giáo dục ở nông thôn được đầu tư phát triển mạnh. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được quan tâm; tỷ lệ lao động được đào tạo đạt 49,5%, giải quyết việc làm cho khoảng 1.300 lao động mỗi năm. Công tác giao đất, giao rừng cho hộ nông dân được tích cực thực hiện; hỗ trợ nông dân vay vốn phục vụ sản xuất, vai trò tự chủ của nông dân ngày càng được thể hiện rõ hơn. 
Hoạt động chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật triển khai khá đồng bộ, nhất là việc đưa các mô hình cây trồng mới, con nuôi mới vào sản xuất. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội các vùng nông thôn được quan tâm đầu tư. Hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố, tăng cường; dân chủ cơ sở được phát huy, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
                                 

 
            MÔ HÌNH HỢP TÁC XÃ CHĂN NUÔI LỢN HIỆU QUẢ
                                                                     (Chi cục Chăn nuôi Thu y tỉnh)
           Những năm qua, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển đã giúp nông dân trong tỉnh phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về lao động, nguồn thức ăn, đất đai, thị trường… Tuy nhiên, hạn chế lớn phải nhìn nhận là người chăn nuôi tuy sản xuất ra sản phẩm nhưng chưa có hợp đồng với các công ty để tiêu thụ mà chủ yếu thông qua khâu trung gian nên thường bị ép giá… Vì vậy việc hình thành nên các HTX, tổ hợp tác trong chăn nuôi  xây dựng các chuỗi liên kết khép kín trong sản xuất chăn nuôi, kết hợp áp dụng khoa học công nghệ để giảm giá thành chăn nuôi, góp phần đảm bảo bao tiêu đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi, tăng năng lực cạnh tranh cho các thành viên tham gia liên kết, đáp ứng được số lượng sản phẩm lớn và chất lượng sản phẩm là cách tốt nhất để tìm thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi của tỉnh. Điển hình như HTX Đoàn Kết –  Cam Nghĩa - Cam Lộ,  Dù thành lập chưa lâu nhưng cách làm mà Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ tổng hợp Đoàn Kết là mô hình gợi mở hướng đi mới cho các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.    
          HTX Đoàn Kết được thành lập từ tháng 5/2014 với 07 thành viên do ông Nguyễn Ngọc Xuân làm giám đốc. Trước khi hình thành được HTX, ông Nguyễn Ngọc Xuân và những người chăn nuôi lợn ở Cam Nghĩa đã đi tham quan các mô hình chăn nuôi lợn quy mô lớn ở hai tỉnh Hà Tĩnh và Đồng Nai. Từ các mô hình thực tế, cùng với ý tưởng liên kết chăn nuôi quy mô lớn theo tiêu chuẩn VietGap, những người sáng lập ra HTX Đoàn Kết đã xây dựng đề án phát triển HTX thuyết phục được chính quyền địa phương, nhà khoa học và doanh nghiệp cùng bắt tay thực hiện. Hiện HTX Đoàn Kết được xã Cam Nghĩa tạo điều kiện cấp hơn 1 ha đất sạch để xây dựng cơ sở hạ tầng. Một trang trại lợn giống tập trung đã được hình thành với quy mô giai đoạn 1 là 120 con lợn nái và 1.000 con lợn thịt. HTX Đoàn Kết đã phối hợp Viện Chăn nuôi Việt Nam để được cung cấp thức ăn và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi đúng tiêu chuẩn.
          Song song với sự phát triển của trại lợn giống, HTX Đoàn Kết đang tích cực hoàn thiện hồ sơ thủ tục để xây dựng thương hiệu chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap và chuẩn bị mở rộng quy mô trại giống giai đoạn 2 lên 500 con lợn nái, đảm bảo cung ứng khoảng 80% lợn giống cho địa bàn vùng Cùa và một số xã trên địa bàn huyện Cam Lộ. Khi chủ động được nguồn lợn giống, HTX sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi lợn thịt và xây dựng lò mổ lợn khép kín, cung cấp lợn thịt sạch cho thị trường theo tiêu chuẩn VietGap. Để thực hiện theo quy trình này, các thành viên HTX đã được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi phải đảm bảo được các tiêu chí theo đúng quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT như: Không dùng chất tăng trưởng, ghi chép sổ sách chuồng trại, không bán lợn mới được tiêm kháng sinh, chưa đủ thời gian cách ly ra thị trường…
          Để đạt được tiêu chuẩn chăn nuôi này cần mô hình khép kín hoàn toàn, đảm bảo được quản lý chặt chẽ các khâu từ con giống, nguồn thức ăn, kỹ thuật và đầu ra sản phẩm, đảm bảo cung ứng ra thị trường sản phẩm thịt lợn an toàn. Thực tế cho thấy, chăn nuôi an toàn thời gian vật nuôi được xuất chuồng kéo dài hơn từ 10 - 15 ngày so với chăn nuôi thông thường nhưng chất lượng sản phẩm được đảm bảo, giá bán lại cao hơn từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Đặc biệt, ưu điểm của quy trình này là kịp thời phát hiện sai sót trong quá trình chăn nuôi, truy xuất nguồn gốc theo sổ sách ghi chép để có biện pháp khắc phục. Với quy trình chăn nuôi ứng dụng khoa học tiên tiến, cách chăn nuôi mà HTX Đoàn Kết lựa chọn sẽ tạo ra được nguồn thực phẩm sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh, đáp ứng nhu cầu sử dụng nguồn thực phẩm đảm bảo chất lượng của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh…
Ngoài ra, HTX còn nuôi gà thả vườn và đang nuôi thí điểm giống gà Đông Tảo, sản xuất nhân giống chè lá vằng, thanh long, trồng cây dược liệu. Qua hơn 4 năm hoạt động, mặc dù giá lợn xuống thấp nhưng vẫn có lãi. Hiện nay, nguồn thu chính của HTX Đoàn Kết vẫn là từ chăn nuôi lợn và trong thời gian tới khi giá lợn thịt ổn định hơn, việc chăn nuôi gà thả vườn thuận lợi thì mức thu nhập của các thành viên trong HTX Đoàn Kết sẽ cao hơn nhiều lần so với hiện nay. Mặc dù mới đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa lâu song cách cùng nhau góp sức làm giàu của HTX Đoàn Kết đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Họ không chỉ biết vươn lên tích lũy làm giàu mà còn góp phần giải quyết việc làm cho 12 lao động nông thôn với mức thu nhập bình quân từ 4 - 4,5 triệu đồng/người/ tháng. Có thể nói, đây là một mô hình kinh tế tập thể phù hợp với định hướng tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, là giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững và hướng đi mới của một HTX nông nghiệp và ngành chăn nuôi tỉnh.
 

 
HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH CẢI TẠO VƯỜN TẠP CHO NGƯỜI DÂN
                                                                  (Ủy ban MTTQVN tỉnh)
Nhằm tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, trong những năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã luôn chú trọng vận động nguồn lực để hỗ trợ sinh kế cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều nguồn hỗ trợ đã phát huy tác dụng và đã có nhiều mô hình sản xuất kinh doanh của người dân mang lại hiệu quả cao góp phần tăng nguồn thu nhập giúp người dân vươn lên thoát nghèo.
Trong năm 2017, bên cạnh việc hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết, chữa bệnh hiểm nghèo cho người dân, hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, Ban vận động “Quỹ vì người nghèo” các cấp trong tỉnh đã tập trung hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất cho 101 hộ gia đình với tổng trị giá 521 triệu đồng. Từ nguồn kinh phí này, các hộ gia đình đã có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập nâng cao đời sống vượt qua khó khăn. Để tiếp tục triển khai và thực hiện có hiệu quả việc hỗ trợ sản xuất cho người dân, bên cạnh công tác chỉ đạo, hỗ trợ về kinh phí, Mặt trận và các đoàn thể thường xuyên tuyên truyền, vận động, giám sát quá trình tổ chức thực hiện. Đặc biệt, hướng dẫn người dân chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cải tạo vườn tạp, xây dựng mô hình vườn kiểu mẫu phù hợp với từng địa phương. Ngoài hỗ trợ con giống, cây trồng cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trong năm 2018, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã khảo sát và chọn xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ để tập trung hỗ trợ nguồn kinh phí không lãi suất cho người dân cải tạo vườn tạp, xây dựng mô hình kiểu mẫu nhằm phát triển sản xuất. 
Hiện nay, toàn xã có khoảng 278/1.736 hộ có diện tích vườn từ 250 m2 trở lên. Vườn lớn nhất 1.500m2. Để khai thác thế mạnh kinh tế vườn, nhiều hộ đã thực hiện thành công mô hình cải tạo vườn tạp như: trồng rau sạch, trồng cây ăn quả các loại, thu nhập bình quân từ 30tr đến 35 triệu/năm. Tuy nhiên, số lượng còn rất ít, mỗi thôn chỉ có 01 đến 02 hộ.
Để phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ kinh phí thực hiện mô hình cải tạo vườn tạp, vườn kiểu mẫu, 17 hộ tiêu biểu ở 8 thôn trong xã được đưa vào danh sách chọn thực hiện mô hình từ nguồn kinh phí hỗ trợ của UBMTTQVN tỉnh. Trong đó, có 02 hộ thực hiện mô hình trồng rau sạch, 15 hộ thực hiện mô hình trồng cây ăn quả như: Bưởi, ổi, cam... đảm bảo các các tiêu chí để xét chọn bao gồm: hộ có năng lực lao động, có diện tích vườn đủ lớn (trên 300m2), có điều kiện đất đai phù hợp với cây trồng, không bị ngập úng. UBMTTQVN tỉnh đã hỗ trợ nguồn kinh phí không lãi suất 500 triệu đồng/17 hộ với thời gian trong 5 năm cho các hộ gia đình có điều kiện phát triển sản xuất tăng thêm nguồn thu nhập. Sau 5 năm, các hộ gia đình sẽ hoàn lại số tiền này cho UBMTTQVN tỉnh để tiếp tục hỗ trợ cho những mô hình khác. Từ nguồn kinh phí được hỗ trợ này, UBMTTQVN huyện Cam Lộ đã tổ chức họp triển khai các nội dung, hướng dẫn các hộ thực hiện mô hình theo đúng tiêu chí vườn mẫu, làm mô hình điểm nhằm mang lại hiệu quả cao để từng bước nhân rộng trên địa bàn huyện. Đặc biệt, UBMTTQVN huyện phối hợp các đoàn thể để tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nhân dân, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện. Theo đó, các hộ gia đình được hỗ trợ nguồn vốn đã giải phóng mặt bằng vườn tạp với tổng diện tích 9.350m2/17 vườn và làm hệ thống hàng rào, nước tưới, mái che… để phục vụ cho sản xuất. Ngoài nguồn vốn được hỗ trợ từ UBMTTQVN tỉnh, các hộ gia đình đã chủ động đầu tư thêm nhân công, các điều kiện đảm bảo khác để cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn kiểu mẫu với kinh phí khoảng hơn 700 triệu đồng, 340 công lao động. Nhìn chung, tinh thần hưởng ứng tham gia và quyết tâm thực hiện của các hộ gia đình rất cao.
Với những nổ lực và quyết tâm của các hộ gia đình sẽ hứa hẹn những kết quả bước đầu tốt đẹp. Tin rằng, với sự hướng dẫn, chỉ đạo, động viên, đặc biệt là nguồn kinh phí hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất từ Mặt trận các cấp, các hộ gia đình sẽ tập trung vào sản xuất nhằm đem lại những vụ mùa bội thu giúp tăng thêm nguồn thu nhập để vươn lên thoát nghèo bền vững.
 
NHÂN RỘNG MÔ HÌNH TỔ HỢP TÁC NUÔI GÀ AN TOÀN SINH HỌC
 
                                                        (Bá Thuần, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh)
 
       Gần đây trên địa bàn tỉnh Quảng Trị với sự hỗ trợ của các cấp Hội Nông dân, các hộ gia đình đã tìm ra hướng phát triển kinh tế mang tính bền vững, đó là thành lập các nhóm, Tổ hợp tác để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau sản xuất, chăn nuôi, mang lại nguồn thu nhập cao
 
       Mô hình nuôi gà an toàn sinh học
Trong đó đáng chú ý là đã xây dựng mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học, đưa lại hiệu quả kinh tế cao nhưng không gây ô nhiễm môi trường. Ông Nguyễn Khắc Sách, người dân ở xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng nói với chúng tôi rằng: Ở vùng gò đồi, ngoài việc trồng rừng và chăn nuôi trâu bò, trong khuôn viên gia đình có diện tích đất vườn khá lớn nhưng lâu nay gia đình ông chủ yếu trồng khoai sắn, hiệu quả kinh tế rất thấp. Đầu tháng 8 năm 2017, khi được Hội nông dân xã tuyên truyền, vận động, ông đã tham gia Tổ hợp tác nuôi gà an toàn sinh học. Sau khi được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững và xã tổ chức, được hỗ trợ 50 kg sinh khối giun quế và một gói men vi sinh để làm đệm lót sinh học, ông đã cải tạo lại vườn, quy hoạch, xây bể nuôi giun quế, làm chuồng trại, mua lưới về nuôi thử 50 con gà giống Ai Cập, sau đó tăng dần và hiện tại đàn gà tăng lên hơn 1000 con, mang lại thu nhập khá cao.
Được sự hỗ trợ của Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững về kỹ thuật và cung ứng một số vật tư, 18 hộ gia đình ở xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng đã tự nguyện thành lập Tổ hợp tác, liên kết, hỗ trợ, giúp nhau nuôi gà an toàn sinh học. Dưới sự điều hành của Ban quản lý, các thành viên khi tham gia mô hình này cam kết chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật đã được tập huấn. Ngoài việc chọn nguồn giống tốt, sử dụng đệm lót sinh học, khẩu phần thức ăn của gà chỉ dùng lúa, ngô bột cám gạo, bổ sung thêm giun quế với một lượng phù hợp, tuyệt đối không sử dụng các loại thức ăn công nghiệp. Bên cạnh đó, chú trọng công tác chăm sóc và tiêm phòng nên gà tăng trọng nhanh, đối với gà sinh sản đẻ nhiều trứng hơn, sản phẩm đảm bảo chất lượng, bán được giá, tạo được nguồn thu nhập ổn định.
Ông Hoàng Hữu Quyết, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng vừa là Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết: Nuôi gà theo hướng thả vườn, an toàn sinh học không khó nhưng vấn đề quan trọng là phải thay đổi tư duy. Trong đó, cần ứng dụng công nghệ đệm lót sinh thái bằng chế phẩm sinh học, mức đầu tư rất thấp nhưng đảm bảo an toàn dịch bệnh, gà tăng trọng nhanh, độ đồng đều cao và quan trọng hơn là vấn đề môi trường được giải quyết một cách cơ bản. Đặc biệt, đối với giun quế có hàm lượng dinh dưỡng rất cao nên phải biết cách pha trộn với các loại ngũ cốc với tỷ lệ cân đối và  chỉ cho gà ăn 2 lần/tuần, trong đó lượng thức ăn cho gà ăn đêm nhiều hơn ban ngày vì gà sẽ hấp thụ tốt. Tuy mới triển khai 1 năm nhưng cho thấy, các hộ gia đình đều có thu nhập ổn định, tính ra nếu nuôi 400 đến 500 con, mỗi năm thu về hơn 50 triệu đồng tiền lãi.
  Xây dựng bể nuôi giun quế
      Thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi gà an toàn sinh học là mô hình phát triển mang tính bền vững, không chỉ tạo ra sản phẩm sạch, tạo ra chuỗi giá trị cao hơn so với nuôi gà mang tính truyền thống mà quan trọng hơn là thu nhập bền vững và không gây ô nhiễm môi trường. Mô hình này rất phù hợp, nhất là hiện nay nhiều gia đình tập trung cải tạo vườn tập nhưng đang băn khoăn chưa biết lựa chọn loại cây trồng, vật nuôi nào cho phù hợp. Chính vì vậy, Hội Nông dân huyện Hải Lăng chỉ đạo sơ kết, rút kinh nghiệm, có các biện pháp hỗ trợ cho Tổ hợp tác phát triển với quy mô lớn hơn cũng như tạo điều kiện cho hội viên nông dân trên địa bàn đến tham quan, học tập, thành lập thêm 1 số Tổ hợp tác nhân rộng mô hình.
 

VĨNH TÚ CHÚ TRỌNG PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT, NÂNG CAO THI NHẬP, GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG 
                                                                                                  (Xã Vĩnh Tú)
Trước khi triển khai xây dựng Nông thôn mới, xuất phát điểm của Vĩnh Tú rất thấp, mới có 8/19 tiêu chí đạt chuẩn. Đất đai rộng, dân số hơn 3.000 người nhưng bao đời nay người dân Vĩnh Tú còn rất chật vật bởi sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Các loại cây nông sản trồng truyền thống đã được sản xuất từ lâu đời trên vùng đất này như lúa, lạc, sắn, khoai.. không có loại nông sản nào được xem là bền vững và có tính cạnh tranh trên thị trường. Đối với các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như hồ tiêu, cao su thì diện tích chưa nhiều và năng suất cũng thấp hơn các xã khác trong huyện, đời sống của những người dân "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" vẫn không khấm khá lên. Năm 2010 thu nhập bình quân đầu người của Vĩnh Tú chưa đầy 10 triệu đồng, hộ nghèo và cận nghèo có 185/918 hộ, chiếm trên 20%, trong đó hộ nghèo trên 12,7%. Những giọt mồ hồ, nước mắt, những ánh mắt hằn lên nổi lo âu "cơm, áo, gạo, tiền" của những con người cần cù sương gió càng làm cho những người làm công tác "phục vụ nhân dân" băn khoăn trăn trở.
Vì vậy, ngay từ khi bắt đầu thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới Đảng ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) xã Vĩnh Tú đã xác định việc phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân được xác định là mục tiêu trọng tâm của chương trình xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn xã, để thực hiện có hiệu quả công tác này ngay từ bước lập Đồ án quy hoạch xây dựng Nông thôn mới Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Tú đã định hướng cho các thôn trên địa bàn mỗi thôn lựa chọn một địa điểm quy hoạch khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, nhờ vậy với 34 ha đất quy hoạch nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã đã mạnh dạn phát triển các mô hình chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại quy mô lớn, đầu tư chuồng trại và trang thiết bị hiện đại vào chăn nuôi đem lại hiệu quả cao nhờ đó nhiều hộ gia đình đã vươn lên trở thành hộ khá, hộ giàu.
Đối với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như Cao su, Hồ tiêu để khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế đất đai của địa phương UBND xã đã định hướng nhân dân đầu tư phát triển mở rộng diện tích như cây Hồ tiêu trên địa bàn HTX Mỹ Tú và HTX Huỳnh Công Tây, nhờ vậy từ diện tích cây Hồ tiêu là 31 ha năm 2010 đến cuối 2017 đã phát triển lên 54,5ha, hàng năm đem lại thu nhập từ 7 - 8 tỷ đồng cho nhân dân trên địa bàn xã.
Đối với các loại cây đặc sản truyền thống của địa phương như ném, lạc, dưa hấu... UBND xã đã quy hoạch lại vùng sản xuất theo hướng tập trung và đưa các giống có chất lượng, năng suất cao vào sản xuất như mô hình trồng ném tập trung tại HTX Huỳnh Công Tây, mô hình thâm canh lạc trên địa bàn HTX Trường Kỳ, và đặc biệt là cây dưa hấu một cây trồng truyền thống đã được người tiêu dùng trên địa bàn trong và ngoài huyện ưa chuộng và đánh giá rất cao đã được tập trung phát triển mạnh về diện tích đồng thời giao cho HTX Huỳnh Công Tây làm đại diện đăng ký nhãn hiệu để đưa sản phẩm dưa hấu Vĩnh Tú được nhiều người tiêu dùng biết đến hơn nữa.
Ngoài những mô hình phát triển sản xuất các loại cây, con truyền thống UBND xã cũng đã vận động các tổ chức, cá nhân trên địa bàn mạnh dạn thực hiện các cây mô hình sản xuất áp dụng công nghệ cao như dự án “Trồng dưa lưới, dưa hấu công nghệ cao trong nhà màng tại HTX nông nghiệp Trường Sơn”, dự án “Trồng rau, củ, quả sạch trong nhà màng tại HTX nông nghiệp Huỳnh Công Tây” đây là các mô hình áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đầu tiên trên địa bàn huyện Vĩnh Linh, bước đầu các mô hình này đã hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất và bắt đầu đưa sản xuất, hứa hẹn tạo ra một hướng phát triển sản xuất mới đầy triển vọng cho nhân dân trên địa bàn xã.
Sau hơn 6 năm thực hiện chương trình, bộ mặt nông thôn Vĩnh Tú đã có nhiều khởi sắc, thu nhập của người từ gần 10 triệu/người/năm đến cuối năm 2017 là hơn 31 triệu đồng/người/năm. Người nông dân càng thêm phấn chấn, tích cực lao động hăng say làm giàu cho gia đình, góp phần xây dựng quê hương ngày càng khang trang, văn minh.
Để đạt được những thành quả đó, cán bộ và nhân dân xã Vĩnh Tú đã hóa thách thức thành cơ hội, với truyền thống cách mạng anh dũng, kiên cường, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị mà đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo sát đúng của Đảng ủy, UBND xã trong việc quy hoạch phát triển sản xuất, đưa các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện của nhân dân cũng như khai thác được tiềm năng, lợi thế của địa phương từ đó đưa kinh tế của xã nhà ngày một phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân ngày càng được nâng cao. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để Vĩnh Tú nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới trong những năm tiếp theo, hướng tới xây dựng Vĩnh Tú vững về chính trị, giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, mạnh về quốc phòng, an ninh./.

 
NÔNG DÂN TRIỆU PHONG HƯỚNG ĐẾN SẢN XUẤT  NÔNG NGHIỆP SẠCH
                                                            (Phương Thiện - Hội LHPN tỉnh Quảng Trị) 
          Để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, đồng thời nâng cao giá thành sản phẩm, năng suất, chất lượng trồng trọt, chăn nuôi, Hội Nông dân huyện Triệu Phong đã hỗ trợ, hướng dẫn bà con nông dân từng bước cải tiến, đổi mới kỹ thuật,  thưc hiện các mô hình canh tác tự nhiên, sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ  theo hướng bền vững, tạo thương hiệu, niềm tin cho người tiêu dùng.
            Trên hành trình xây dựng nông thôn mới hôm nay, người nông dân Triệu Phong đã tiếp cận và thích ứng với mô hình canh tác tự nhiên để sản xuất rau sạch, chăn nuôi lợn, gà theo hướng an toàn sinh học. Tiếp cận với mô hình canh tác này và thấy được lợi ích kinh tế và sự an toàn cho chính người sản xuất, nhiều hộ nông dân trên địa bàn đã lựa chọn mô thực hiện có hiệu quả. Hội Nông dân Triệu Phong đang  đồng hành cùng nông dân tiếp tục tìm kiếm phương án hỗ trợ tối ưu nhất để sản xuất sản phẩm sạch như: Tập huấn khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, sản xuất canh tác tự nhiên và đặc biệt là xây dựng thương hiệu, tìm kiếm, mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh, quảng bá, giới thiệu nông sản sạch Triệu Phong. Thị trường được mở rộng với các mặt hàng như đậu đen xanh lồng, đậu xanh, mướp đắng...xã Triệu Vân, gạo sạch xã Triệu Sơn, ớt, tỏi, gừng, chuối, các loại rau  thuộc nhóm Sản xuất rau sạch thôn Thâm Triệu xã Triệu Tài. Hoạt động của Hợp tác xã  Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong đến từ một số thôn của xã Triệu Tài, Triệu Trung, Triệu Sơn tập trung vào sản xuất lúa sạch với trên 22 ha đã cung cấp gạo sạch cho người tiêu dùng. Gạo trước khi tiêu thụ sẽ được các ngành chức năng kiểm tra chất lượng, đảm bảo không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và hoá chất độc hại. Qua quá trình sản xuất, so sánh sản lượng với lúa canh tác thông thường, hiện sản lượng của lúa canh tác tự nhiên chỉ thấp hơn khoảng 10%, nếu 1ha lúa canh tác thông thường đạt 5 tấn/ha, thì lúa sạch tự nhiên đạt 4,5 tấn/ha nhưng giá thành lại đạt gấp đôi khiến người nông dân yên tâm, vui mừng tham gia sản xuất. Phương thức sản xuất “Gạo sạch Triệu Phong” là một cách làm hay trong việc bảo vệ môi trường, hệ sinh thái cũng như sức khỏe con người. Mặt khác, hiệu quả kinh tế mang lại rất lớn hứa hẹn mở ra một hướng đi mới cho người nông dân.        
Bên cạnh sản xuất lúa sạch, có các vườn rau canh tác  tự nhiên của nhóm sản xuất rau sạch thôn Thâm Triệu, xã Triệu Tài với diện tích 1ha được trồng đủ các loại rau, quả.  Ngoài ra, Hội Nông dân huyện và một số xã trên địa bàn đã thực hiện hoạt động phát triển chuỗi giá trị địa phương đối với các nông sản sạch áp dụng tại 8 xã trên địa bàn huyện Triệu Phong gồm Triệu An, Triệu Vân, Triệu Trạch, Triệu Sơn, Triệu Trung, Triệu Tài, Triệu Thượng, Triệu Ái với 4 mô hình thân thiện với môi trường như: mô hình thu gom rác thải, mô hình bếp biogas, mô hình bếp đun cải tiến và mô hình canh tác tự nhiên.
 Để tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, người dân mất nhiều công sức cho việc chăm bón, tìm kiếm các loại diệt trừ sâu tự nhiên như: rượu, tỏi, ớt, gừng pha loãng phun lên cây để trừ sâu. Một trong những người có kinh nghiệm diệt trừ sâu bệnh không dùng hóa chất là chị  Phạm Thị Tư,  ở thôn An Hưng,  xã Triệu Tài, Triệu Phong dành riêng một góc nhà kho để những  thùng chứa  ớt, tỏi, gừng, can xi xương được ngâm trong dung dịch rượu để làm chế phẩm bón cho cây lúa, cây rau. Muốn rau phát triển tốt mà không cần đến phân hóa học, những người nông  dân như chị  Phạm Thị Tư,  ở thôn An Hưng,  xã Triệu Tài và nhiều hộ nông dân khác thực hiện chế phẩm đạm cá được làm từ cá, ốc FAA là phân bón cho cây lúa, chế phẩm nước thân cây PFJ được lên men từ thân cây chuối, cây rau và một số cây khác để tưới cho rau. Anh Đào Văn Xá ở thôn Bích Khê, xã Triệu Long chia sẻ: “ Để đảm bảo nguồn rau sạch, an toàn thực phẩm, rau xanh non, bắt mắt, tôi    pha loãng thuốc bổ B1 vào nước rồi tưới đều cho cây, tạo ra  những chế phẩm dùng để thay thế cho phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học trước đây gia đình tôi  dùng trong sản xuất nông sản”. Nhiều hộ nông dân trên địa bàn nuôi lợn sạch bằng cách dùng thân  cây chuối, cá trộn với đường để lên men, dùng bột bắp, bột cá để đảm bảo dinh dưỡng cho đàn lợn sạch. Quy trình nuôi lợn sạch ngoài đảm bảo khâu giống, thức ăn sạch, vấn đề xử lý chất thải cũng được quy định nghiêm ngặt. Chất thải của lợn cùng với trấu sẽ được ủ thành phân bón sử dụng cho cây trồng.
Các hộ nông dân tăng thu nhập thông qua việc áp dụng phương pháp canh tác tự nhiên trên cây trồng và vật nuôi, gắn kết sản xuất với thị trường, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường trong khu dân cư cũng như trên đồng ruộng thông qua việc giảm hoặc chấm dứt việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp. Có nhiều phương pháp thực hiện tạo nông sản sạch, thực phẩm sạch, thương hiệu.  Sản phẩm nông nghiệp sạch đã tạo   niềm vui của người nông dân khi sản phẩm nông sản sạch do họ làm ra đến được với nhiều người tiêu dùng, giúp họ thoát nghèo bền vững.                
Nói đến việc sản xuất nông canh tác tự nhiên, tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, Ông Trần Hữu Giám đốc hợp tác xã Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong  cho biết: “ Nhiều hộ nông dân trên địa bàn đã hướng đến sản xuất nông sản sạch, thực phẩm sạch, riêng  88 thành viên của 3 xã Triệu Trung, Triệu Sơn và Triệu Tài thuộc huyện Triệu Phong tham gia thực hiện sản xuất nông sản sạch đã đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng. Đây là hình thức liên kết giúp người nông dân yên tâm hơn trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất ngày càng phục vụ cuộc sống tốt hơn”.
Với phương thức canh tác sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đồng ruộng của người nông dân  không những phục hồi được hệ sinh thái mà còn tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ đất, nguồn nước, phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững, vươn lên khá và giàu, chung sức xây dựng nông thôn mới ngày càng khởi sắc. 
MÔ HÌNH GIẢM NGHÈO XÃ GIO SƠN, HUYỆN GIO LINH                                                                                                         
                                                                                     (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh)
Thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” do TW Hội LHPN Việt Nam phát động; thực hiện phong trào phụ nữ Quảng Trị chung sức xây dựng NTM; thực hiện sự chỉ đạo của Hội cấp trên Hội phụ nữ xã Gio Sơn đã chọn 8/19 tiêu chí phù hợp với nhiệm vụ và phong trào của hội để thực hiện, trong quá trình thực hiện nổi bật nhất của Hội LHPN xã là tiêu chí 11 (về hộ nghèo).
Để thực hiện tiêu chí không đói nghèo, trong thời gian qua Hội LHPN xã đã chủ động khai thác các nguồn lực để tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức chăn nuôi và trồng trọt, hỗ trợ sinh kế. Được sự quan tâm của hội LHPN cấp trên, phối hợp với trường trung cấp nông nghiệp, Hội đã nắm bắt nhu cầu nguyện vọng của từng đối tượng đăng ký tổ chức các lớp học nghề cho chị em hội viên, hội đã tổ chức được 02 lớp học nghề kỹ thuật nuôi và trị bệnh cho lợn, 01 lớp nữ công gia chánh, 03 lớp cạo mũ cao su và các nghề khác. Sau khi chị em được tham gia học nghề với kinh nghiệm tự có và kiến thức học được chị em đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, thay đổi cây trồng vật nuôi, tận dụng các thửa đất bỏ hoang, ruộng có thu nhập thấp đưa cây cao su,  cây bơ, cây hồ tiêu, các loại cây ngắn ngày, loại rau cho thu nhập cao.
Ngoài ra, hội còn vận động chị em tập trung xây dựng các mô hình kinh tế tổng hợp vừa chăn nuôi gia súc, gia cầm vừa trồng trọt  có 50 mô hình, điển hình như các hộ gia đình chị Phạm Thị Nga  chi hội Phú Ốc, chị Trần Thị Lan, Trần Thị Tình ở chi hội An Khê, chị Trần Thị Hường chi hội Lạc Sơn … nuôi từ 4 đến 12 con lợn nái và 20 lợn thịt, bò từ 5-10 con bò, trồng cây cao su từ 1- 2 ha và 100 gốc tiêu, thu nhập bình quân 100 triệu đồng/năm.
Đối với nhiều hộ thiếu nguồn vốn để sản xuất kinh doanh hội đã chủ động phối hợp với NHCSXH, NHNN hỗ trợ nguồn vốn vay cho chị em để đầu tư vào kinh doanh, buôn bán, thương mại dịch vụ. Không khuất phục trước đói nghèo, chị Hoàng Thị Liên – thôn Nam Đông đã chịu khó tìm tòi, học hỏi, khai thác tiềm năng lao động của gia đình để phát triển nghề làm bún tươi kết hợp với chăn nuôi, trồng trọt. Chị mạnh dạn vay vốn 50 triệu đồng mua máy và các dụng cụ làm bún với công suất làm ra 50 kg bún/giờ. Mỗi ngày, cơ sở này làm ra từ 200kg đến 300 kg bún tươi để bỏ cho các chợ đầu mối và các cửa hàng ăn uống. Hiện tại, cơ sở sản xuất bún tươi của chị đã giải quyết việc làm cho 3 lao động là chồng, con, dâu của gia đình. Ngoài làm bún, chị Liên  còn tận dụng nguồn phụ phẩm là nước vo gạo từ cơ sở sản xuất bún, để chăn nuôi 3 con lơn nái và 30 con lợn thịt, hàng năm chị xuất chuồng bán được 3 lứa lợn, bình quân gia đình thu nhập150.000.000 đồng/năm.
 Song song với việc phát triển kinh tế hội còn chú trọng vào hoạt động giúp đỡ, đỡ đầu hộ nghèo cho phụ nữ đơn thân, phụ nữ làm chủ hộ, xây dựng các mô hình tiết kiệm. Đến nay, tại 5/5 chi hội đều có mô hình TKTD đạt 100% có 432 thành viên/ 469 hội viên, tham gia TKTD đạt 92 %, cho 450 lượt thành viên vay vốn với lãi suất 0,5%/ tháng, giúp đỡ các hộ nghèo hộ khó khăn khi thiếu vốn làm ăn để kịp thời giải quyết khó khăn trước mắt. Hàng năm hội đã phân công đỡ đầu các hộ phụ nữ đơn thân làm chủ hộ thuộc hộ nghèo về kiến thức, tinh thần, ngày công và được vay các nguồn vốn ưu  đãi. Trong nhiệm kỳ có 38/ 85 lượt hộ, hội viên giúp đỡ thoát nghèo, đạt 44,7%,  Phụ nữ đơn thân làm chủ hộ có 18/ 38 lượt hộ thoát nghèo, đạt chỉ tiêu 47%. Có 3 hộ thoát nghèo bền vững vươn lên làm giàu, có thu nhập từ 70- 100 triệu đồng/ năm.
Từ những hoạt động cụ thể của hội phụ nữ xã Gio Sơn đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 11,2% đến nay xuống còn 3,01% đưa mức thu nhập bình quân đầu người lên 24.400.000đ/ năm, tăng 14.000.000đ.
Với kết quả đạt được của hội phụ nữ đã được Đảng ủy, chính quyền đánh giá cao trong việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia thực hiện môi trường xanh – sạch – đẹp, phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo góp phần giúp cho xã nhà đạt tiêu chí tiêu chí 11 (hộ nghèo) trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và đẩy nhanh tiến độ về đích xã đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới của huyện Gio Linh.
 

                                                                                               DU LỊCH VỀ MIỀN NÔNG SẢN SẠCH
                                                                                                                                  
                                                                                                      (Tây Long, Báo Quảng Trị)
 
Năm 2015, mô hình canh tác tự nhiên ra đời tại huyện Triệu Phong với sự hỗ trợ tích cực của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới và Dự án KOICA huyện Triệu Phong. Đến nay, mô hình đã gặt hái nhiều thành quả đáng mừng từ khâu sản xuất, chế biến, đóng gói đến tiêu thụ sản phẩm. Dưới sự giúp đỡ của chuyên gia nông nghiệp Hàn Quốc, cán bộ kĩ thuật Phòng Nông nghiệp&PTNT, Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Triệu Phong, bà con nông dân nhanh chóng làm quen với quy trình kĩ thuật để sản xuất nông nghiệp bền vững. Nhiều đặc tính ưu việt của quy trình này đã được ghi nhận. Trước tiên, quy trình kĩ thuật canh tác tự nhiên dễ làm, dễ áp dụng. Hầu hết các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất do người dân tận dụng và tự làm thông qua quá trình lên men đơn giản. Thứ hai, thực hiện quy trình canh tác tự nhiên là bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất lẫn người tiêu dùng. Vì không can thiệp hóa chất trong quá trình sản xuất nên nông sản làm ra bảo đảm an toàn tuyệt đối. Thứ ba, thực hành quy trình canh tác tự nhiên góp phần bảo vệ môi trường, giúp hệ sinh thái đồng ruộng dần được phục hồi. Sau khi áp dụng quy trình canh tác tự nhiên, theo ghi nhận của người dân, bà con không còn ngứa chân tay khi lội ruộng. Thứ tư là giá trị nông sản được nâng cao, tạo điều kiện cho bà con nông dân tăng thu nhập. Nhận thấy những đặc tính ưu việt ấy, hàng trăm hộ dân trên địa bàn đã tham gia dự án, bắt tay vào sản xuất các giống cây, con gồm: lúa, rau, lợn, gà.
 
Đến nay, sản phẩm nông sản sạch do người nông dân trong vùng Dự án chuỗi giá trị địa phương ở huyện Triệu Phong làm ra đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Cửa hàng nông sản sạch Triệu Phong nằm trên đường Hàm Nghi, thành phố Đông Hà trở thành điểm đến tin cậy. Tri ân khách hàng và người thân, với ý tưởng cho bà con tận mắt thấy quy trình canh tác tự nhiên, vừa qua các cán bộ Dự án Chuỗi giá trị địa phương đã quyết định tổ chức tour du lịch về vùng sản xuất nông sản sạch. Chị Trần Thị Thúy, nhân viên Dự án Chuỗi giá trị địa phương, cho biết: “Gắn bó với mảnh đất Quảng Trị, chúng tôi biết mảnh đất này nổi tiếng với du lịch hoài niệm. Những năm gần đây, loại hình du lịch sinh thái bắt đầu được ưa chuộng. Qua thực tế công việc, chúng tôi nói với nhau, tại sao không tổ chức một tour du lịch cho khách hàng và người thân về với ruộng đồng? Đó chính là điều thôi thúc anh em tổ chức những chuyến tham quan về vùng sản xuất nông sản sạch Triệu Phong. Điều khiến chúng tôi bất ngờ nhất là chuyến đi đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng cao từ người dân trên địa bàn”.
 
Để chuẩn bị một chuyến du lịch về với ruộng đồng cho 100 người tham gia, cán bộ, nhân viên Dự án chuỗi giá trị địa phương phải trăn trở, suy nghĩ và nỗ lực rất nhiều. Tất cả các khâu như: chuẩn bị phương tiện, bố trí các nhóm tham quan về từng xã, sửa soạn hội trường, phục vụ cơm trưa… đều được chuẩn bị hết sức chu đáo. Trong tour du lịch đặc biệt này, những người nông dân quanh năm chân lấm, tay bùn trở thành “hướng dẫn viên”. Bà Phan Thị Kim Chi (68 tuổi), trú tại xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong cho biết: “Ngày đón đoàn du khách đầu tiên ghé nhà thăm mô hình chăn nuôi gà sạch của gia đình, tôi lo lắng lắm, cả đêm trằn trọc mãi. Đến khi tiếp xúc, thấy mọi người vui vẻ, gần gũi nên tôi mới lấy lại sự tự tin”. Khác với bà Chi, ông Nguyễn Minh Sỹ, trú tại thôn Đồng Bào, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong sớm bước qua sự ngại ngần. “Tôi xác định không nói văn hoa gì. Mình làm như thế nào, hiệu quả ra sao, tôi cứ chia sẻ thật”, ông Sỹ vui vẻ nói.
 
Với sự chuẩn bị chu đáo của Dự án Chuỗi giá trị địa phương và sự ủng hộ của mọi người, chuyến tham quan thử nghiệm diễn ra cuối tháng 8 đã thành công ngoài mong đợi. Đó cũng chính là động lực để cán bộ, nhân viên dự án tổ chức chuyến đi thứ 2 vào đầu tháng 9 vừa qua. Cũng như lần trước, đúng 7 giờ 30 phút sáng, 100 khách tham quan, trong đó có khoảng 50 em nhỏ tập trung tại Nhà văn hóa Trung tâm tỉnh, lên những chiếc xe mà Dự án Chuỗi giá trị địa phương chuẩn bị sẵn. Sau khi phân thành 3 nhóm, điểm danh, mọi người lên đường. Mỗi nhóm được về một vùng sản xuất nông sản sạch khác nhau như: Triệu Thượng, Triệu Trung, Triệu Sơn, Triệu Tài… để tìm hiểu để sau đó có sự đối chiếu, so sánh. Tham gia chuyến trải nghiệm, nhiều du khách chia sẻ, họ đã đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Một số người còn học được cách sản xuất nông sản sạch để về áp dụng cho gia đình. Ông Nguyễn Mỹ (66 tuổi), trú tại khu phố 7, phường 3, thành phố Đông Hà cho biết: “Tôi lớn lên chốn đồng quê gốc rạ, cũng từng làm nông. Vậy mà, tôi vẫn bất ngờ khi thấy bà con ở đây trồng trọt, chăn nuôi. Việc sử dụng phương pháp canh tác tự nhiên mang lại rất nhiều hiệu quả. Tôi nghĩ cần nhân rộng mô hình này ở các địa phương khác”.
 
Chuyến trải nghiệm về vùng sản xuất nông sản sạch Triệu Phong do Dự án Chuỗi giá trị địa phương khép lại với món quà nhỏ mà những người nông dân chân chất tặng du khách. Các thành viên tham gia tour du lịch 0 đồng đều bày tỏ niềm hi vọng những chuyến trải nghiệm ý nghĩa như thế này sẽ được tiếp nối. Và đó cũng chính là mong muốn của những người thai nghén ý tưởng và tổ chức tour du lịch về miền sản xuất nông sản sạch Triệu Phong.
 
 
       TRỒNG SEN LẤY GƯƠNG CHO THU NHẬP CAO
 
                                                                         (Trần Tú Linh, Báo Quảng Trị)
 
Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Hải Lăng theo hướng bền vững, không ngừng nâng cao thu nhập cho nông dân, đối với những diện tích vùng trũng, trồng lúa kém hiệu quả, huyện khuyến khích chuyển sang trồng cây sen lấy gương. Thực tế mô hình này những năm qua cho hiệu quả gấp 3 đến 5 lần trồng lúa trên cùng diện tích
Ông Nguyễn Minh Phong ở thôn Diên Khánh, xã Hải Dương có diện tích ruộng trồng sen cao sản màu hồng lấy gương rộng 2,5 ha. Đây là mô hình trồng sen cho năng suất cao và cảnh quan đẹp nhất huyện Hải Lăng. Mới thu hoạch đầu vụ nhưng sen được mùa nên mỗi ngày ông Phong cần đến 5 lao động hái gương sen mới kịp. Chủ tịch UBND xã Hải Dương Hoàng Cảnh cho biết, người trồng sen nhiều nhất xã là ông Nguyễn Thế Anh ở thôn Kim Giao với diện tích 5,2 ha. Ông Anh là người đi đầu chuyển đổi sang mô hình trồng sen cao sản lấy gương trên vùng đất, ao hồ sình thấp trũng trước đây trồng lúa từ mấy năm nay. Ban đầu ông Anh mua hơn 1.000 cây giống sen hồng về trồng. Sau 45 ngày sen lên tốt và cho ra hoa rất nhiều. Ông Anh cho biết từ khi ra hoa đến gần ba mươi ngày sau thì gương sen đã già, cho thu hoạch. Cứ 3 đến 5 ngày thu hoạch một lần được gần 100 kg gương sen. Đang thời điểm đầu mùa nên ông Anh bán được giá gần 50 ngàn đồng/kg hạt sen tươi chưa tách bóc vỏ, bỏ tim sen. Ruộng sen của ông Anh mấy năm nay trung bình cho năng suất hơn 2 tấn hạt tươi /ha. Theo ông Anh thì trồng sen lấy gương cho lãi gấp 3 đến 5 lần trên cùng một diện tích so với trồng lúa.
 
Còn gia đình ông Nguyễn Đăng Sơn ở thôn Phú Kinh, xã Hải Hoà có diện tích trồng sen vụ này lên đến 12 ha. Để có diện tích lớn như vậy, gia đình ông thuê thêm đất ruộng trũng các xã trong vùng để trồng. Anh Nguyễn Đăng Đông, con ông Sơn cho biết trồng lúa ở ruộng thấp trũng tốn nhiều công sức mà thu nhập không cao so với cây trồng khác nên gia đình anh chuyển sang trồng sen lấy gương. Do được đầu tư chăm sóc bài bản nên ruộng sen của gia đình ông Sơn cho năng suất bình quân mấy năm nay từ 3 đến 4 tấn hạt sen tươi /ha, cao nhất vùng. Cái khó nhất để có được ruộng sen chất lượng tốt là phải có nguồn giống bảo đảm. Vì vậy, ông Sơn tự nghiên cứu để sản xuất được giống sen cho mình, đồng thời cung cấp cho nhiều hộ trồng sen khác trong xã. Địa phương trồng sen nhiều nhất của huyện Hải Lăng là xã Hải Sơn. Cây sen ở Hải Sơn được sản xuất rất bài bản ở các thôn. Bà Đoàn Thị Diệu Thư, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết vụ này diện tích trồng sen của các hộ dân đến gần 20 ha. Để phát triển tốt mô hình này, xã đã thành lập tổ hợp tác sản xuất sen có 24 hộ tham gia, do ông Nguyễn An làm tổ trưởng.
 
Chúng tôi ra đồng sen đang mùa thu hoạch, màu của hoa sen tím ngát cánh đồng, hương sen thơm ngào ngạt giữa đồng quê thanh bình. Anh Nguyễn Quảng ở thôn Lương Điền trồng 1,5 ha sen với mật độ 40 gốc sen/sào. Để có giống tốt, anh phải đặt hàng ở những cơ sở sản xuất giống sen uy tín ở Thừa Thiên Huế với giá 15 ngàn đồng/ gốc sen, tổng chi phí đầu tư trồng sen đến 500 ngàn đồng/sào. Anh Quảng cho biết, thông thường sau khi hết gió mùa đông bắc, người dân bắt đầu trồng sen. Sau một tháng rưỡi thì ruộng sen ra hoa rồi kết gương sen. Thời gian thu hoạch gương sen kéo dài đến 3 tháng đúng vào mùa hè nên thuận lợi cho việc chế biến, tiêu thụ. Dự kiến ruộng sen của anh Quảng cho năng suất 2,5 tấn/ ha. Với thời điểm đầu mùa có giá 50 ngàn đồng/kg hạt tươi chưa tách bóc vỏ, đến giữa mùa giảm xuống còn 30 đến 35 ngàn đồng. Trung bình 1,5 kg hạt sen sau khi bóc và tách vỏ, xoi tim thì còn lại được 1kg hạt sen. Một ngày công mỗi người bóc tách được 4 đến 5 kg hạt sen, bán với giá 100 ngàn đồng/ kg hạt sen tươi.
 
Ông Dương Viết Hải, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hải Lăng cho biết, diện tích trồng sen của huyện vụ này đạt hơn 70 ha ( diện tích toàn tỉnh hơn 100 ha), ruộng sen cho năng suất cao và chất lượng tốt. Hạt sen rất giàu hàm lượng protein, magie, kali và phốt pho, trong khi đó hàm lượng mỡ bão hòa, natri và cholesterol lại rất thấp. Cây sen được nhiều người quan tâm bởi công dụng đa dạng trong nâng cao sức khỏe con người của tất cả các bộ phận của cây sen. Đặc biệt những nghiên cứu gần đây cho thấy hạt sen còn có tác dụng trong việc chống lão hóa và tăng cường sức khỏe người cao tuổi. Phần lớn diện tích trồng sen là đất thấp trũng, trước đây trồng lúa nhưng kém năng suất nên người dân chuyển đổi sang trồng sen. Ngoài lợi nhuận từ sen, người trồng sen còn có thu nhập một khoản lớn từ cá tự nhiên sinh trưởng trong đầm sen. Nguồn thu từ cá đủ để trang trải chi phí như tiền thuê đất, nhân công trồng sen.
 
Ông Hải chia sẻ kinh nghiệm, để cây sen thu hoạch lâu và năng suất cao, sau khoảng 3 tháng sen già sẽ cắt lá và bón phân một đợt. Do trồng sen lấy gương nên phải hạn chế việc lấy ngó sen, vì lấy nhiều ngó sen thì gương sen sẽ bị nhiều hạt lép. Đồng thời để sen được ngon, cần hái vào sáng sớm. Cây sen chỉ thích nước trong. Khi gặp nước đục lâu ngày, sen sẽ bị thối ngó dẫn đến tàn lụi, cây chết. Để khắc phục tình trạng nước đục, người trồng sen chỉ cần đắp bờ bao ruộng, rồi bơm nước đục ra, có thể để cạn vài ngày rồi bơm nước trong vào. Với hiệu quả mang lại cao gấp nhiều lần trồng lúa trên diện tích ruộng trũng, trồng sen không chỉ giúp nhiều gia đình thoát nghèo mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng trăm lao động nhàn rỗi vùng nông thôn.
 
Để giúp người dân có thị trường tiêu thụ sản phẩm hạt sen ổn định, Công ty Cổ phần Tổng công ty thương mại Quảng Trị đã thu mua hạt sen cho nông dân toàn tỉnh, đặc biệt là các xã của huyện Hải Lăng. Ông Hồ Xuân Hiếu, Tổng giám đốc cho biết, hai giai đoạn đầu mùa và cuối mùa nông dân bán hạt sen được giá cao hơn ở ngoài thị trường thì tổng công ty không thu mua. Đến khi giữa mùa, sản lượng sen khai thác nhiều, ít người thu mua, nguồn tiêu thụ của thị trường giảm thì tổng công ty sẽ thu mua hết cho người dân với giá 100 ngàn đồng/kg hạt sen đã tách, bóc vỏ và xoi tim, còn hạt sen khô chưa bóc, tách sẽ được mua với giá 22 ngàn đồng/kg.
 
Theo ông Hiếu, một “điểm nghẽn” trong thị trường tiêu thụ hạt sen mà người trồng sen gặp khó là khi thu hoạch đồng loạt sen tươi về họ bóc tách vỏ và xoi tim không kịp nên phải phơi khô nguyên vỏ. Mà khi đã khô thì rất khó để bóc, tách, xoi tim bằng thủ công nên rất khó tiêu thụ sản phẩm. Chia sẻ khó khăn này, trước mắt tổng công ty thu mua toàn bộ sen tươi, sen khô cho người dân để mang đi gia công rồi mới đóng gói bán ra thị trường. Tổng công ty đang tìm hiểu công nghệ và đầu tư dây chuyền tách, bóc hạt sen cho người sản xuất được thuận lợi. Khi đó sẽ khuyến khích nông dân phát triển thêm được diện tích trồng sen trên những chân ruộng kém năng suất. Còn hạt sen sau khi thu mua về, tổng công ty chế biến thành sen khô mang thương hiệu “ Sen Quảng Trị” để bán ra các thị trường trong và ngoài nước.
 

 
TRIỆU TRUNG PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT RAU AN TOÀN
                                                                                 (Trung tâm Khuyến nông) 
Triệu Trung là một xã thuần nông của huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Với lợi thế về nguồn nước, đất đai màu mỡ thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Trong những năm qua, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong đã quan tâm, chú trọng phát triển, đẩy mạnh sản xuất sản phẩm nông sản sạch, an toàn và  đây được đánh giá là hướng đi đúng. Hiện nay toàn xã Triệu Trung có 154 ha đất màu, thì có đến 35 ha đất chuyên canh các loại cây rau màu, trong đó chủ yếu là các loại cây trồng ngắn ngày như: xà lách, rau cần, rau thơm, hành, rau cải, rau diếp cá… 
Trước thực trạng báo động về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng tìm kiếm nguồn thực phẩm an toàn cho gia đình và bản thân. Nắm bắt được nhu cầu đó, cùng với chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị trên một diện tích đất canh tác. Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong phát triển sản xuất rau màu, xã Triệu Trung đã chỉ đạo các thôn trên địa bàn phát triển các loại cây rau màu theo hướng sản xuất an toàn trở thành hàng hóa. Qua thời gian trồng thử nghiệm, hiện các mô hình trồng rau an toàn ở đây đã khẳng định  khả năng thích ứng và phát triển tốt đối với vùng khí hậu và đất đai của địa phương.
Trên địa bàn xã Triệu Trung có 8 HTX, trong đó các HTX phát triển mạnh diện tích cây rau màu như: Đạo Đầu, Thanh Lê, Trung An... Do là cây ngắn ngày trồng được nhiều vụ trong năm, chi phí đầu tư thấp, giá bán tương đối ổn định nên hiệu quả của việc trồng màu mang lại khá cao, gấp 3-4 lần so với trồng các loại cây trồng khác. Trong vài năm trở lại đây, được sự hỗ trợ của của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị, Trạm khuyến nông, Phòng Nông nghiệp huyện Triệu Phong...địa phương đã triển khai nhiều lớp tập huấn, đào tạo nghề trồng và chăm sóc cây rau màu theo hướng an toàn, canh tác tự nhiên. Bà con nhân dân nơi đây đã bỏ tập quán canh tác xưa củ mà thay vào đó là tích cực cập nhật những kỹ thuật mới như việc sử dụng phân, thuốc BVTV, tưới tiêu... sao cho phù hợp, đảm bảo thời gian cách ly nhằm tạo ra những sản phẩm an toàn và chất lượng. Tiếp xúc với chúng tôi ông Phan Văn Phụng Chủ tịch Hội nông dân xã Triệu Trung cho biết: “Trong quy trình sản sản xuất chúng tôi luôn vận động bà con hội viên sản xuất rau theo quy trình an toàn, sản xuất rau có chất lượng cao, theo tiêu chuẩn 4 đúng, đúng thuốc, đúng lượng, đúng lúc và đúng cách. Không chỉ phát triển mở rộng diện tích mà chúng tôi còn chú ý chất lượng, với mục đích cuối cùng là nâng cao thu nhập cho bà con và cung cấp các sản phẩm rau an toàn cho người tiêu dùng”.
Nhiều nông dân trên địa bàn xã sau khi tính toán nhận thấy trồng rau màu đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng khoai, sắn nên đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng rau màu quanh năm. Đối với gia đình chị chị Nguyễn Thị Xuân thôn Đạo đầu, hiện tại gia đình chị có 1.500m2 trồng rau màu. Chị cho biết trước đây trên diện tích này chị trồng các cây trồng sắn. Nhận thấy hiện quả mang lại từ cây sắn thấp, được tham gia các lớp tập huấn trồng rau theo hướng hữu cơ, an toàn, gia đình chị đã chuyển đổi toàn bộ diện tích này sang trồng rau màu, nhờ vậy mà gia đình chị có nguồn thu nhập ổn định hằng ngày. “Cây rau màu cũng như con nuôi, việc chăm sóc phải có kỹ thuật, đồng thời, tuân thủ nghiêm quy trình trồng rau sạch, đặc biệt bảo đảm cung cấp đủ nước cho cây trồng phát triển. Hơn nữa, phải tìm hiểu nhu cầu thị trường để chọn trồng loại rau thích hợp. Để đạt hiệu quả cao thì mình nên trồng gối vụ”, chị Xuân nói. Còn đối với gia đình chị Nguyễn Thị Thiềm thôn Thanh Lê, nhận thấy thị trường rau nhiều tiềm năng, chị cũng đã chuyển đổi diện tích trồng môn sang trồng rau màu theo hướng hữu cơ an toàn. Được học các kiến thức về trồng rau an toàn, chị đã thực hành ngay trên chính mãnh vườn của mình. Điều này đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và uy tín cho sản phẩm rau màu. Nhờ trồng rau màu mà cuộc sống gia đình chị trở nên ổn định, khấm khá hơn, có tiền nuôi các con ăn học.
Đạt được kết quả như vậy là nhờ chính quyền địa phương xã Triệu trung đã tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển đổi đất vườn trồng các loại cây kém hiệu quả sang trồng màu. Phát triển vùng sản xuất an toàn và bền vững, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng đảm bảo an toàn là mục tiêu cuối cùng, và đây là một hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân, đồng thời cung cấp các loại rau chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng.
Tiếp xúc với chúng tôi Ông Phan Văn Tiệm, Phó chủ tịch UBND xã Triệu Trung cho biết: “Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp UBND xã đã xây dựng kế hoạch từ đây đến năm 2020. Để thực hiên việc phát triển kinh tế nâng cao thu nhập, Đảng Ủy hội đồng nhân dân đã có nghị quyết, Ủy ban xã đã có kế hoạch phối hợp với mặt trận, hội nông dân, hội phụ nữ để vận động các hội viên và bà con nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích. Trong đó cây rau màu được đánh giá là một trong những cây trồng mang lại nguồn thu nhập lớn cho bà cont. Trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục mở rộng phát triển cây rau màu theo hướng hữu cơ an toàn, nhằm đem lại thu nhập ổn định cho bà con”.
Phát triển sản xuất rau an toàn ở Triệu Trung là hướng đi đúng, mang lại hiệu quả tích cực trong sản xuất nông nghiệp, hiện nay đời sống của bà con nơi đây đã được tăng lên đáng kể. Hộ khá ngày càng nhiều, hộ nghèo giảm nhanh, đây cũng là điều kiện thuận lợi để địa phương hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.


CAM LỘ: CHÚ TRỌNG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP SẠCH
                                                          (Phương Thiện, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh)
Trong những năm qua, huyện đã tập trung mục tiêu cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp, chuyển dịch theo hướng lấy hiệu quả làm trọng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm bằng các biện pháp canh tác nông nghiệp sạch. Thực hiện bón phân hữu cơ vi sinh trong cải thiện năng suất và chất lượng nông sản tránh sử dụng  phân bón hóa  học  và thuốc bảo vệ thực vật tổng hợp, giảm tối đa ô nhiễm không khí, đất và nước, tối ưu về sức khoẻ con người và vật nuôi. Trước nhu cầu đảm bảo an ninh lương thực, việc lạm dụng phân bón và hoá chất bảo vệ thực vật nhằm nâng cao năng suất cây trồng đang trở thành vấn đề được huyện quan tâm cải thiện. Bện cạnh việc bảo đảm mục tiêu anh ninh lương thực, huyện chú trọng  phát triển nền nông nghiệp sạch nhằm đóng góp vào việc cung cấp các sản phẩm an toàn phục vụ cho nhu cầu trên  địa bàn, ngoại tỉnh và xuất khẩu.
  Huyện chú trọng sản xuất, canh tác nông nghiệp sạch, xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp phù hợp với đặc điểm sinh thái của từng vùng, ứng dụng quy trình chăm sóc mới tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm chi phí sản xuất; khuyến khích bà con sử dụng phân bón hữu cơ, nhằm cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng, cải tạo đất, tạo điều kiện phát triển sinh khối, đa dạng chủng loại và kiềm hãm sự gia tăng của các loài vi sinh vật có hại, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, thực phẩm sạch an toàn. Sử dụng phân bón hữu cơ để không những giúp nông dân tiết kiệm chi phí thuốc trừ sâu và phân hoá học đồng thời đa dạng hoá mùa vụ và canh tác theo hướng bền vững, nhằm hướng tới một nền nông nghiệp sạch, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, giảm đến mức tối thiểu các loại ô nhiễm do sản xuất nông nghiệp gây ra.
 Huyện đã đầu tư một số mặt hàng nông sản được chứng nhận là sản phẩm hữu cơ, tạo thương hiệu, bán ra thị trường và để xuất khẩu với giá cao hơn như: Bún sạch, lạc sạch ở Cam Thành, Cam Tuyền, Cam An; rau sạch tại xã  Cam Tuyền, Cam Hiếu, Cam Thanh,  Tiêu Cùa tại xã Cam Chính...Lúa sạch Cam An, Cam Thanh, Cam Hiếu. Mỗi xã sản xuất hơn 5 ha lúa sạch để nhân rộng. Riêng xã Cam Thanh tổ chức sản xuất 13,6 ha lúa an toàn sử dụng giống Bắc Thơm 7. Từ lúa sạch sẽ liên kết cho ra gạo sạch cung cấp cho làng nghề bún Cẩm Thạch  tại xã Cam An.  Ngoài ra, bà con còn tập trung  đầu tư phát triển 77 ha dứa và 27,5 ha cây dược liệu như cà gai leo, chè vằng, ngưu tất, sinh địa nghệ; xây dựng  mô hình trồng ổi, trồng ớt tại xã Cam Hiếu, Mướp Khến tại xã Cam Tuyền trồng khoảng 20 ha, tập trung nhiều nhất tại các thôn Bắc Bình, An Thái, Xuân Mỹ…,sản xuất hoàn toàn hữu cơ.
 Không những chỉ chú trọng trồng trọt sạch, an toàn, hữu cơ,  bà con  trong huyện Cam Lộ còn chú trọng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP,  thực hiện mô hình chăn nuôi khép kín, đã có hơn 20 trang trại nuôi lợn quy mô từ  100  đến 2.000 con/ trang trại; đẩy mạnh chăn nuôi dê, Thỏ, Gà Cùa, tại xã Cam Chính, Cam Nghĩa...,lợn Vân Ba, hươu nai tại xã Cam Thành...Trong chăn nuôi nhiều hộ sử dụng công nghệ khí sinh học, đệm lót sinh học trong xử lý môi trường nuôi; ứng dụng các biện pháp an ninh sinh học trong chăn nuôi,… góp phần nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác, rút ngắn chu kỳ nuôi trồng, giảm thiểu dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Các nhóm hộ sản xuất đều cam kết không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; không lạm dụng phân bón hóa học; không cho gia súc, gia cầm ăn thức ăn công nghiệp, thuốc kháng sinh. Cây trồng được bón phân hữu cơ hoai mục, vật nuôi được cho ăn các loại thức ăn tự phối trộn bằng cám, gạo, ngô...
          Nông sản sạch, thực phẩm sạch đã tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân, Ông Trần Văn Lương, mô hình trồng lạc sạch ở thôn Quật Xá, xã Cam Thành chia sẻ: “Ở đây nhiều hộ trồng lạc, người dân phấn khởi khi được tập huấn hướng dân kỹ thuật trồng lạc sạch công nghệ cao, an toàn đã cho năng suất, chất lượng tối ưu của sản phẩm, được người tiêu dùng tin cậy”.
Huyện Cam Lộ chú hướng đến một nền nông nghiệp sạch, an toàn, chất lượng cao, nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường, cải thiện thu nhập cho người nông dân. Với quy trình sản xuất không sử dụng phân bón vô cơ, không thuốc  bảo vệ thực vật đã góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, hạn chế ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cho người tiêu dùng, tăng thu nhập, từng bước thay đổi đời sống nông dân và diện mạo nông thôn, góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới.
 
 
LÀM GIÀU TỪ NHỮNG VẬT NUÔI MỚI 
                                                           (Bá Thuần, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh)
Gần đây nhiều hộ nông dân ở Quảng Trị đã mạnh dạn tìm chọn và đưa vào nuôi 1 số con nuôi mới mang lại thu nhập rất cao. Trong đó, với mô hình nuôi nhím, don, chồn hương, việc tiêu thụ dễ dàng và bán được giá, mỗi năm ông Võ Văn Quang ở xã Gio Hòa, huyện Gio Linh thu về hàng trăm triệu đồng. Tâm sự cùng chúng tôi, ông Quang cho hay: Sống ở vùng gò đồi, lâu nay ông  cũng nhiều gia đình khác, ngoài trồng rừng, cao su, hồ tiêu, hoa màu, phát triển chăn nuôi chủ yếu là bò, dê, lợn, gà, làm rất vất vả nhưng thu nhập chưa cao. Sau nhiều lần đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi và tìm hiểu thị trường, ông nghĩ muốn làm giàu phải chọn lựa, đưa vào nuôi những con nuôi mới, đặc sản. Năm 2007, nuôi thử vài cặp nhím, thấy có hiệu quả, ông chọn những con giống tốt, nuôi sinh sản, gây dựng đàn và hiện tại có hơn 70 con. Chưa dừng lại ở đó, ông nghiên cứu và tiếp tục đưa vào nuôi thêm don và chồn hương và hiện nay 2 loại con này sinh trưởng, phát triển tốt, tổng đàn lên đến gần 100 con. Với mô hình này, mỗi năm trang trại của ông cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh 1 số lượng con giống và thịt thương phẩm khá lớn, không đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng, cả 3 loại con nuôi đều bán được với giá cao, mỗi năm sau khi trừ chi phí lãi vài ba trăm triệu đồng.
Để có được những kết quả như hôm nay, ông Võ Văn Quang phải bỏ ra rất nhiều công sức, không ít lần thất bại, có năm chết đến 150 con nhưng ông vẫn kiên trì theo đuổi. Theo ông, đầu tư nuôi những loại vật nuôi mới này, ngoài vốn bỏ ra khá lớn phải am hiểu kỹ thuật, phải nắm rõ đặc điểm sinh thái và tập tính của từng loại. Đây là các loại động vật hoang dã sống ở vùng rừng núi, sức đề kháng tốt ít bị bệnh tật, tuy nhiên khi thuần hóa cần thiết kế chuồng trại phù hợp, cao ráo, có hệ thống cửa sổ đóng, mở thuận tiện cho đông ấm, hè mát. Bên cạnh đó, phải biết cách chọn giống, nên chọn những con nuôi từ nhỏ lên vì chúng đã có thời gian thích nghi với môi trường mới. Mặt khác hết sức chú ý đến khâu vệ sinh chuồng trại và môi trường xung quanh, đảm bảo luôn khô ráo, sạch sẽ và phải nắm vững kỹ thuật cho ăn và phòng trừ dịch bệnh. Nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật nói trên, mấy năm trở lại đây cả 3 loại con nuôi đều sinh trưởng và phát triển tốt, chưa có rủi ro nào xảy ra. Ông Phạm Văn Thành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Gio Hòa, huyện Gio Linh cho biết: Để nâng cao thu nhập, mấy năm trở lại đây, rất nhiều hộ gia đình ở trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư kinh phí, lập trang trại, chăn nuôi gia súc có quy mô lớn. Trong đó, ông Võ Văn Quang đã chọn lối đi riêng, là người đầu tiên đưa 1 số loài vật nuôi mới vào nuôi thành công. Có thẻ nói, thuần dưỡng các loại động vật hoang dã, xây dựng được mô hình trang trại nuôi nhím, don và chồn hương chồn khép kín ngay tại khu dân cư, mang lại hiệu quả kinh tế cao là cả 1 quá trình nỗ lực không mệt mỏi của ông Võ Văn Quang. Hiện nay ông đang có ý định mở rộng quy mô và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với những ai có sở thích nuôi những loại con nuôi mới này. Hội Nông dân xã cũng tuyên truyền, vận động người dân tham khảo, học tập cũng như suy nghĩ tìm chọn những loại cây con phù hợp, đưa vào sản xuất, chăn nuôi, mang lại thu nhập lớn..

 
Phần thứ sáu: GƯƠNG ĐIỂN HÌNH TRONG PHONG TRÀO XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
                              
                                                                            GƯƠNG SÁNG TRONG PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT
                                                                                     (Văn phòng điều phối huyện Vĩnh Linh)
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và là lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh - quốc phòng, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái.
  Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước được Nhân dân hưởng ứng tham gia tích cực. Phong trào “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới” thực sự ảnh hưởng lớn đến mọi tầng lớp xã hội trên địa bàn huyện. Đặc biệt, nhiều gương nông dân điển hình ở xã Vĩnh Trung, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã hiến đất, đóng góp tiền của, ngày công để làm đường bê tông nông thôn và nhiều công trình thiết chế văn hóa khác, trong đó tiêu biểu có ông Nguyễn Văn Tranh, là Bí thư Đảng bộ thôn và là thành viên của HTX Thành Công.
Thấu hiểu Quảng Trị là một tỉnh nghèo, thiên nhiên bão lũ khắc nghiệt làm ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, đời sống của nhân dân nhưng với truyền thống anh hùng trong chiến đấu, lao động, hết lòng yêu quê hương đất nước ông Tranh luôn trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi và vận dụng sáng tạo đường lối chính trị, kinh tế của Đảng và Nhà nước, nêu cao trách nhiệm người đi đầu trong mọi nhiệm vụ: Chính trị, kinh tế, văn hóa và an ninh Quốc phòng, vận động Cán bộ và Nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế xã hội ở cơ sở, luôn có suy nghĩ định hướng đúng đắn, bước đi thích hợp làm mũi nhọn tiên phong cho mọi phong trào ở địa phương, đoàn kết, thống nhất quan điểm cả hệ thống chính trị trong việc xây dựng nông thôn mới.
  Trong nhiệm vụ chính trị: là người Bí thư Đảng bộ, ông luôn tích cực mẫu mực, thẳng thắn có lập trường tư tưỡng vững vàng, lãnh đạo Đảng bộ bộ phận Huỳnh Công Đông đạt tiêu chí "Trong sạch vững mạnh", hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị đề ra.
Không chỉ đi đầu trong phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, gia đình ông Tranh còn làm kinh tế giỏi. Ông luôn tìm hiểu, học hỏi, vận dụng sáng tạo đường lối phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước. Cùng toàn thể Đảng bộ bộ phận đề ra phương hướng nhiệm vụ, lãnh đạo nhân dân thực hiện các mục tiêu, tiêu chí xây dựng nông thôn; Động viên nhân dân hăng hái, tích cực, sáng tạo trong lao động sản xuất, chủ động ứng phó với thiên tai, khí hậu có định hướng mục tiêu sản xuất bố trí cơ cấu cây trồng, con nuôi thích hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông luôn khuyến khích các thành viên hợp tác xã thực hiện chương trình nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao trong trồng trọt và chăn nuôi. Ông đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng mô hình nông nghiệp áp dụng công nghệ cao tại địa phương. Đồng thời, là người đi đầu trong sản xuất chăn nuôi khép kín, quy mô sản xuất mở rộng cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp: Dự án ép tinh dầu lạc, chế biến nông sản nông nghiệp. Mọi sản xuất luôn định hướng áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, khai thác giá trị kinh tế tăng thu nhập, tạo sản phẩm sạch, an toàn cho người sử dụng, hướng tới một nền nông nghiệp xanh sạch và bền vững.
Việc mở rộng ngành nghề kinh doanh, ông đã khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế nguồn nhân lực, tài nguyên, nguyên liệu hiện có, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế tăng thu nhập cho địa phương, tạo việc làm cho người lao động, đem lại thu nhập đáng kể cho các thành viên và xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2016-2018 ông Tranh cùng HTX Thành Công đã mạnh dạn xây dựng được 03 mô hình điển hình về phát triển kinh tế nông nghiệp, đó là: Mô hình trồng rau thủy canh áp dụng công nghệ tưới hồi lưu Irael với diện tích l.250m2; Mô hình chăn nuôi lợn thịt khép kín,công nghệ cao quy mô 5000 con; Mô hình ép dầu lạc, chế biến sản phẩm nông nghiệp sạch. Doanh thu hàng năm đạt trên 5 tỷ đồng, lãi bình quân hàng năm từ 200 đến 250 triệu đồng. Hàng năm tạo việc làm cho từ 20 đến 30 công nhân trở lên, thu nhập bình quân của công nhân từ 4 triệu đến 5 triệu đồng/tháng, tăng thu nhập gia đình từ 60 triệu đồng/người/năm 2015 lên 100 triệu đồng/người/năm 2018.
Trong văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái:
Hằng năm, ông đóng góp quỹ hỗ trợ thôn, quỹ khuyến học của xã, quỹ hỗ trợ người khuyết tật của huyện, hỗ trợ các đoàn thể thanh niên, Phụ nữ, phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao hàng chục triệu đồng.      
 Luôn đi đầu trong đời sống văn hóa ở khu dân cư, chỉnh trang nông thôn sáng, xanh, sạch đẹp và an toàn, gần gủi, chân tình với nhân dân.
Với lòng nhiệt tình và sự trách nhiệm trong xây dựng nông thôn mới, ông đã góp phần thay đổi diện mạo về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thôn Huỳnh Công Đông, là gia đình sản xuất giỏi, hàng năm cá nhân được UBND huyện tặng giấy khen và UBND tỉnh tặng bằng khen.
Về xã Vĩnh Trung hôm nay sẽ dễ dàng nhận thấy tâm trạng phấn khởi, niềm vui mới trên nét mặt mỗi người dân. Đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, đi lại thuận lợi, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế. Sự thay da, đổi thịt ở vùng quê nông thôn Vĩnh Trung nói riêng và của huyện Vĩnh Linh nói chung có sự đóng góp tâm huyết của những cá nhân gương mẫu như ông Tranh./.
 
 
                                                                                                TẤM LÒNG CỦA NGƯỜI CON XA QUÊ
                                                                                           (Văn phòng điều phối huyện Cam Lộ)
Ông Nguyễn Bá Công sinh ra và lớn lên tại thôn Mộc Đức, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, một miền quê gió lào, cát trắng, lại nằm ở đoạn thắt trên chiều dài Bắc Nam, điều kiện thiên nhiên khắc nhiệt nắng lắm, mưa nhiều, đất đai cằn cỗi..., Ông đã rông ruỗi trên mọi miền quê hương đất nước để tìm cho mình một bến bờ neo đậu. Mãnh đất đất sài gòn nơi chứng kiến nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử đã níu bước chân ông xây dựng cơ ngơi, ở lập nghiệp, là người con sinh sống và lập nghiệp xa quê nhưng bản thân ông chưa bao giờ, không cho phép được quên mình ra người con của quê hương Cam Hiếu những lúc gian khó hay khi có điều kiện lúc nào ông cũng hướng về quê hương với tấm lòng sâu nặng ân tình, nơi chôn rau, cắt rốn có bờ tre, gốc chuối và dòng song êm ả nuôi lớn tuổi thơ.
Ông luôn dõi theo từng bước đổi thay của quê hương, xứ sở, trong niềm vui, phấn khởi cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới nhằm xây dựng mỗi miền quê thành nơi đáng sống. Nơi có những con đường làng thẳng tắp với những hàng cây xanh được cắt tỉa, gọn gằng, những bông hoa ven đường đua nhau khoe sắc mỗi sớm mai thức dậy.
Chứng kiến cảnh bà con nông dân, chân bùn, tay lấm một nắng, hai sương trên những cánh đồng đã vất vả, lại thêm một số tuyến đường vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất của bà con nông dân đã xuống cấp nghiêm trọng do thời gian khai thác dài mà chưa có cơ hội đầu tư, sữa chữa, mừa mưa rất lầy lội ảnh hưởng đến  lưu thông hàng hóa. Tôi chợt nghĩ sẽ giúp bà con vượt qua những khó khăn này.
Tôi trở về mang câu chuyện ấy bàn bạc với gia đình và được gia đình thống nhất cao quyết định đầu tư tuyền đường dài: 1.015 m, kinh phí đầu tư 442 trđ, biết được thông tin này bà con nông dân vô cùng phấn khởi, do bận công việc nên tôi bàn bạc với  UBND xã Cam Hiếu nhờ xã tổ chức thi công giúp gia đình tôi đạt được ước nguyện. Tôi biết rằng đó chỉ là một phần đóng góp nhỏ bé của mình vào sự nghiệp chung của xã nhà.
Một mùa xuân nữa lại về trên quê hương đất nước, tôi lại trở về thăm bà con, chú bác, thăm lại cánh đồng ngày nào, trước mắt tôi hiện ra một con đường bằng bê tông thẳng tắp, rộng rãi, những chiếc xe đua nhau chạy ra đồng vận chuyển nông sản, hàng hóa phục vụ sản xuất, không còn cảnh nông bà con gồng, gánh lòng tôi nao ngập tràn niềm vui, miền hạnh phúc. Tôi tự hứa với mình rằng sẽ tiếp tục và tiếp tục hướng về  hương, chung tay xây dựng những con đường có ít cho đời.
                                   
 
 
                                                                                              GƯƠNG SÁNG BẢN LÀNG
                                                                          (Thúy Diệu, Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Trị)
Hưởng ứng các lời kêu gọi của các cấp ủy Đảng, chính quyền trọng việc hiến đất xây dựng các công trình dân sinh, những năm qua tại địa bàn các xã miền núi Đakrông đã xuất hiện nhiều cá nhân điền hình hiến đất, hiến cây xây dựng đường giao thông, trường mầm non, trạm y tế… và người nông dân Hồ Văn Thu, thôn A La, xã Ba Nang người đã hiến hơn 2500 m2 đất làm cầu vượt lũ Ra Lây là một người như thế.
Năm 2017, dự án xây dựng cầu vượt lũ Ra Lây được đầu tư xây dựng. Ngay sau khi dự án triển khai, chính quyền xã đã tổ chức họp nhóm hộ có diện tích đất và hoa màu bị ảnh hưởng. Gia đình anh Hồ Văn Thu là 1 trong 5 hộ dân có diện tích bị ảnh hưởng và hộ gia đình anh là trường hợp bị ảnh hưởng nhiều nhất với hơn 2500 m2 đất bị mất. Tuy diện tích bị mất lớn như vậy nhưng sau khi được cán bộ các cấp tuyên truyền vận động, gia đình anh đã đồng ý hiến toàn bộ diện tích đất nêu trên để thi công cầu với mong muốn bà con sẽ có đường sá đi lại thuận tiện, an toàn hơn.
 Anh Hồ Văn Thu, Thôn A La, Ba Nang, Đakrông, Quảng Trị cho biết “Trước đây diện tích này của gia đình tôi chủ yếu trồng sắn, cà phê và có 40 cây mít trên 20 năm tuổi. Thu nhập hàng năm từ diện tích này khoảng trên 10 triệu đồng, tuy diện tích lớn và hoa màu cho thu nhập ổn định nhưng khi cán bộ xã đến vận động tôi vẫn đồng ý hiến toàn bộ diện tích để xây cầu. Có cầu thì bà con đi lại thuận tiện, nhanh chóng, đặc biệt các cháu nhỏ đi học vào mùa mưa sẽ an toàn hơn rất nhiều so với trước”
Những năm trước khi chưa có cầu vượt lũ, cầu tràn Ra Lây là lối đi duy nhất từ trung tâm xã đi ra Quốc lộ 9, vào mùa mưa, nước lũ dâng cao toàn bộ các thôn bên trong bị cô lập, cuộc sống của người dân bị đảo lộn, việc giao thương buôn bán bị tê liệt hoàn toàn. Đặc biệt trẻ em của các thôn khi đến trường sẽ gặp rất nhiều nguy hiểm. Là người dân tại địa phương, hơn ai hết anh Thu hiểu rõ nỗi vất vả của bà con, và cầu vượt lũ Ra Lây là mong muốn của anh và toàn bộ bà con trong xã. Và khi có dự án xây cầu, mặc dù bị ảnh hưởng lớn đến quyền lợi cá nhân nhưng anh đã không ngần ngại hiến đất để dự án thi công đúng tiến độ.
Đối với người dân thôn A La nói riêng và xã Ba Nang nói chung, cầu vượt lũ Ra Lây được xây dựng sẽ chấm dứt hoàn toàn những tháng ngày khó khăn do mưa lũ gây ra. Hiểu được ý nghĩa của công trình nên những người như anh Thu đã không ngần ngại hi sinh quyền lợi cá nhân vì lợi ích cộng đồng, những người như anh Thu đã góp phần vào việc xây dựng cơ bản để bộ mặt nông thôn miền núi ngày một đổi thịt thay da../
 
                                        
 
 
 
                                                                                     PHONG TRÀO HIẾN ĐẤT Ở AXING
 
                                                                                                        Báo Quảng Trị
 
       Bên ngôi trường Tiểu học và THCS A Xing- ngôi trường được xây nên từ 3.000m2 đất do mình tự nguyện hiến tặng cách đây gần 10 năm, ông Hồ Văn Chưm, (52 tuổi) ở thôn A Mô Rơ rất phấn chấn khi ngày ngày chứng kiến các cháu trong thôn cắp sách đến trường. Ông Chưm kể, khi địa phương thông báo nhà nước chuẩn bị đầu tư xây dựng ngôi trường Tiểu học và THCS xã nhưng chưa có diện tích đất đủ rộng để xây, ông suy nghĩ rất nhiều. Sau nhiều lần bàn bạc, cuối cùng vợ chồng ông Chưm quyết định hiến hơn 3.000m2 đất bằng phẳng ở gần trung tâm xã để nhà nước xây trường cho con em dân bản. Hiến đất xong, vợ chồng ông dọn ra một mảnh đất nhỏ khác của gần đối diện với trường dựng căn nhà nhỏ để ở…
 
       Khoảng năm 2009, chị em bà Kăn Thủy và Hồ Văn Thứ ở thôn A Cha cũng đã tự nguyện hiến 300 m2 đất ở trung tâm thôn để xây dựng điểm trường mầm non thôn. Cách đây vài năm, ông Kôn Khởi tự nguyện hiến tặng 3.000m2 đất để xây dựng ngôi trường mầm non xã. Mới đây, khi nhà nước đầu tư xây dựng con đường liên thôn Tăng Quan - Kỳ Rĩ, hàng chục hộ dân sinh sống dọc theo con đường này đã tự nguyện hiến mỗi hộ từ vài chục mét đất đến vài trăm mét đất mặt tiền đường và nhiều cây bóng mát, cây ăn quả để nhường đất mở đường. Hầu hết các hộ đều đồng tình ủng hộ khi con đường được triển khai.
 
       Anh Hồ Văn Phùng, thôn Tăng Quan cho biết: “Lâu nay con đường hư hỏng nhiều, đi lại quá vất vả. Người dân vận chuyển nông sản rất khó khăn, giá bán sắn, rừng trồng vì thế cũng thấp nên ảnh hưởng đến thu nhập. Con em đi học thì lầy lội, lấm lem vào mùa mưa, bụi mù vào mùa nắng. Bởi vậy được nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng con đường, người dân mừng lắm nên ai cũng đồng thuận hiến đất. Đến nay có đường rộng rãi, đi lại thông suốt ai nấy đều cảm thấy mãn nguyện”. Từ những người hiến đất tiên phong như ông Chưm, ông Khởi, chị em bà Kăn Thủy và mới nhất là các hộ dân ở thôn Tăng Quan, Kỳ Rĩ cùng với sự tuyên truyền, vận động tích cực, thường xuyên của các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương, đến nay phong trào hiến đất xây dựng nông thôn mới ở xã A Xing đã có sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân toàn xã.
 
        Anh Hồ Văn Thuần, Chủ tịch UBND xã A Xing cho rằng, để phong trào tự nguyện hiến đất có sức lan tỏa sâu rộng và được người dân đồng tình hưởng ứng thực hiện buổi đầu cũng gặp lắm gian nan. “Ban đầu người dân không hiểu hiến đất để làm gì nên còn ngần ngại. Bởi thế chính quyền địa phương, các đoàn thể đã thường xuyên trực tiếp đến từng nhà dân để thuyết phục, giải thích cặn kẽ mục đích, ý nghĩa của việc hiến đất. Lâu dần người dân cũng thông hiểu và hưởng ứng. Đến nay, việc vận động hiến đất xây dựng nông thôn mới của xã đã thuận lợi hơn nhiều. Khi có công trình công cộng nào được thông báo triển khai xây dựng tại địa phương, hầu hết bà con đều đồng thuận, sẵn sàng hiến đất. Tính ra, đến đầu năm 2018, người dân trong xã đã tự nguyện hiến được hơn 5 ha đất, hàng trăm cây xanh để nhà nước làm đường giao thông, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng và nhiều công trình phục vụ dân sinh khác”.
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây