Nông thôn mới Quảng Trị

https://nongthonmoi.quangtri.gov.vn


Xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo ở miền núi

Vượt qua những khó khăn do xuất phát điểm thấp, địa hình phức tạp, nguồn lực trong dân hạn chế, các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới đã nỗ lực lồng ghép các chương trình, dự án để từng bước thay đổi nhận thức, khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế, tạo động lực xây dựng nông thôn mới (NTM) ngày càng hiệu quả hơn.
Chuối là cây trồng có thế mạnh ở Hướng Hóa​

Gia đình bà Hồ Thị Phong ở bản Thanh 4, xã Thanh, huyện Hướng Hóa từng thuộc diện hộ nghèo của xã. Năm 2015, được Ban Dân tộc tỉnh hỗ trợ xây dựng mô hình giảm nghèo, đa dạng sinh kế để nhân rộng trên địa bàn các xã, thôn thuộc chương trình 135 và được hỗ trợ 100% giống cây chuối và sắn KM 94, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra bà cũng mạnh dạn vay thêm 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư mở rộng diện tích đất trồng chuối thuê trên đất Lào.

Hiện nay, thu nhập gia đình bà Phong đạt khoảng hơn 70 triệu đồng/năm và trở thành hộ khá giả trong xã. “Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ từ nguồn vốn chính sách, vốn giảm nghèo mà gia đình tôi đã từng bước thoát nghèo và nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng. Đến nay gia đình đã trả hết nợ, nuôi các con ăn học đàng hoàng và có việc làm ổn định, đồng thời có nguồn vốn tích lũy để xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm được nhiều tiện nghi sinh hoạt trong gia đình và trích một phần để giúp đỡ nhiều hộ đặc biệt khó khăn trong bản. Tôi rất biết ơn sự đồng hành, giúp đỡ kịp thời của nhà nước, địa phương và phấn đấu tiếp tục làm kinh tế ngày càng hiệu quả hơn nữa”, bà Phong nói.

Tại các huyện miền núi của tỉnh, nhiều mô hình sản xuất mới được thực hiện góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân. Các chương trình, dự án đầu tư đã được các xã linh hoạt lồng ghép để phục vụ cho các hoạt động phát triển kinh tế gắn với huy động nội lực trong toàn dân tham gia xây dựng NTM với xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, các xã miền núi đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, chú trọng đưa các loại cây, con có năng suất cao vào sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.

Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng Đinh Văn Dũng cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã tập trung phát triển nhiều mô hình như trồng chanh leo, nghệ vàng, cây ăn quả, cà phê, hồ tiêu; phát triển đàn gia súc gia cầm; mới đây địa phương cũng đã đưa vào hoạt động tổ sản xuất mây tre đan… Các mô hình kinh tế này bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, tạo thu nhập cho người dân đồng thời nâng cao tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM. Ngoài ra, hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm và các thiết chế văn hóa ngày càng được đầu tư xây dựng hoàn thiện, bộ mặt thôn bản ngày thêm khởi sắc, tạo đà phát triển cho địa phương”.

Để thực hiện tốt mục tiêu đề ra trong xây dựng NTM, các huyện miền núi đã tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống ban chỉ đạo các cấp, ban quản lí xã và ban phát triển thôn; tiếp tục phát huy dân chủ ở nông thôn, đặc biệt là phát huy vai trò của già làng, người có uy tín nhằm tuyên truyền, vận động người dân “Chung sức xây dựng nông thôn mới”; phát huy vai trò chủ thể của người dân vươn lên thoát nghèo, xây dựng NTM.

Các địa phương cũng đã rà soát lại quy hoạch, bố trí, sắp xếp dân cư gắn với phát triển sản xuất phù hợp từng thôn, bản, điểm dân cư đồng thời lồng ghép các chương trình để thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhằm đạt chuẩn các tiêu chí NTM. Với nỗ lực của địa phương, thông qua chính sách ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, phong trào xây dựng NTM ở các xã vùng biên giới, miền núi đang có những bước phát triển khá vững chắc. Trong xây dựng NTM, dựa vào tiêu chí cụ thể ở mỗi địa phương, nhiều xã chọn phát triển giao thông để nâng cấp hạ tầng, có xã chọn nâng cao hiệu quả cơ cấu cây trồng, vật nuôi; có xã lại chọn tiêu chí về nhà ở, về điện, đường, trường, trạm để tạo “bàn đạp” đi lên.

Bên cạnh kết quả đạt được hiện tại đa phần các xã vùng miền núi, biên giới vẫn còn những khó khăn như: Thu nhập thấp, tỉ lệ hộ nghèo, tái nghèo còn cao đang là những thách thức đặt ra cho các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương. Vì thế, mục tiêu lớn nhất vẫn là nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Bí thư Đảng ủy xã Tà Long, huyện Đakrông Hồ Thị Cam nhìn nhận: “Sau 10 năm triển khai xây dựng NTM, cả hệ thống chính trị tập trung tuyên truyền sâu rộng trong toàn thể nhân dân về mục đích, ý nghĩa của chương trình; xây dựng các mô hình khuyến khích người dân vươn lên thoát nghèo; vận động người dân chung sức xây dựng NTM bằng những việc làm thiết thực, phù hợp thực tế của địa phương. Đến nay, xã Tà Long đã được quan tâm đầu tư về hệ thống đường giao thông, trạm y tế, trường học, điện lưới… Đặc biệt, ý thức, trách nhiệm và hành động của cán bộ, nhân dân đã được nâng lên. Đây là tiền đề quan trọng để xã phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM trong thời gian tới”.

Thực tế hiện nay, việc xã hội hóa nguồn lực trong xây dựng NTM ở một số xã miền núi còn khó khăn do thu nhập người dân nông thôn còn thấp, tỉ lệ hộ nghèo còn cao, vốn huy động từ các doanh nghiệp hạn chế. Các tiêu chí mà các thôn, bản đang thiếu hầu hết là tiêu chí về cơ sở hạ tầng cần nguồn lực như tiêu chí giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa hoặc các tiêu chí phản ánh đời sống vật chất và tinh thần của người dân như thu nhập, hộ nghèo, môi trường và an toàn thực phẩm, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật.

Qua gần 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn trong tỉnh đã có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, hiện nay, khoảng cách về đời sống giữa các vùng, miền trên địa bàn còn khá lớn. Các xã đặc biệt khó khăn thuộc hai huyện Hướng Hóa và Đakrông có số tiêu chí đạt chuẩn NTM còn thấp. Hiện nay, huyện Đakrông chưa có xã đạt chuẩn NTM; huyện Hướng Hóa còn 11/20 xã đạt dưới 10 tiêu chí. Cuộc sống của người dân hai huyện còn nhiều khó khăn. Cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn thiếu thốn, chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Ông Phạm Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông cho biết, bước vào thực hiện xây dựng NTM, huyện Đakrông gặp nhiều khó khăn vì xuất phát điểm thấp, nguồn lực huy động của địa phương và trong dân rất hạn chế. Ngoài chương trình 30a thì huyện có rất ít nguồn lực khác hỗ trợ xây dựng NTM nên qua 10 năm kết quả đạt được chưa cao. Thời gian tới, huyện mong muốn tiếp tục được nhà nước, các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ quan tâm hỗ trợ các nguồn lực để giúp huyện thực hiện chương trình xây dựng NTM đạt kết quả tốt hơn.

Thực hiện Quyết định số 1385/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Trị có 93 thôn, bản của 10 xã thuộc 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông được lựa chọn để hỗ trợ xây dựng NTM. Mục tiêu đề ra là đến năm 2020 có 40 - 50% thôn, bản khó khăn ở khu vực biên giới được công nhận đạt chuẩn NTM. Hỗ trợ cho thôn, bản của các xã khó khăn xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững là chính sách quan trọng, giúp nâng cao điều kiện sống của người dân khu vực khó khăn; góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền, giúp kết quả xây dựng NTM đồng đều hơn ở các địa phương… Để làm được điều này, ngoài nguồn lực đầu tư của nhà nước, các chương trình, dự án thì cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhất là ở cấp cơ sở và quan trọng hơn là sự tự giác, đồng lòng, nhiệt tình, tích cực hưởng ứng tham gia của mỗi người dân.

 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây