Nông thôn mới Quảng Trị

https://nongthonmoi.quangtri.gov.vn


Thêm cơ hội việc làm cho lao động nông thôn

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được xem là “cơ hội vàng” giúp các lao động nông thôn có thêm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, nhất là thời điểm nông nhàn.Từ sau khi hoàn thành công tác sáp nhập, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên (GDNN- GDTX) cấp huyện đã thực hiện tốt vai trò đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Sau khi học nghề, các lao động nông thôn đã tìm được việc làm ngay tại địa phương​

Giúp lao động nông thôn tiếp cận “cơ hội vàng”

Mô hình sen- cá được hình thành xuất phát từ nhu cầu muốn nâng cao thu nhập của người dân trên địa bàn xã Triệu Trung (Triệu Phong). Đó là những chân ruộng trũng, ruộng thấp trồng lúa cho năng suất thấp, người dân đã cải tạo làm ao nuôi cá kết hợp trồng sen. Tuy nhiên, do làm theo kiểu tự phát, thiếu kĩ thuật nên hiệu quả kinh tế không cao. Xuất phát từ nhu cầu đào tạo nghề của lao động nông thôn tại xã Triệu Trung, từ giữa năm 2019, Trung tâm GDTX- GDNN huyện Triệu Phong đã mở lớp dạy nghề về phát triển mô hình sen- cá, thu hút 22 học viên tham gia. Với hình thức đào tạo “cầm tay chỉ việc”, sau khi hoàn thành khóa học, các học viên đã áp dụng ngay trên mô hình của chính gia đình mình, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Chủ tịch Hội Nông dân xã Triệu Trung Phan Văn Phụng cho biết: “Trước khi học nghề, toàn xã Triệu Trung có trên 1 ha mô hình sen- cá. Nhờ học nghề, lao động nông thôn trên địa bàn xã đã có cơ hội tiếp cận và phát triển mô hình sen- cá để cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Hiện tại, tổng diện tích mô hình sen- cá toàn xã đã tăng lên 5,2 ha”.

Theo Giám đốc Trung tâm GDTXGDNN huyện Triệu Phong Lê Văn Lai, điểm mấu chốt để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chính là đào tạo nghề phải dựa trên cơ sở nguyện vọng chính đáng của người dân, tức là những nghề được lựa chọn đào tạo phải là những nghề các lao động nông thôn thực sự cần. “Trước khi mở lớp, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể tại các địa phương để khảo sát kĩ nhu cầu của người dân. Nhờ vậy, sau khi học nghề, đa số lao động nông thôn đã tìm được việc làm hoặc thành lập được các tổ hợp tác sản xuất. Đối với những nghề phi nông nghiệp, phía trung tâm đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn tạo việc làm cho lao động ngay sau khi hoàn thành khóa đào tạo. Từ đầu năm 2019 đến nay, đơn vị đã phối hợp đào tạo nghề cho trên 500 lao động nông thôn, với những nghề chủ yếu như nuôi gà thả vườn, kĩ thuật trồng và chăm sóc ném, trồng rau an toàn, chế biến món ăn, lớp dạy nghề may công nghiệp”, ông Lai cho biết thêm.

Trung tâm GDTX- GDNN huyện Gio Linh cũng đã có cách làm hay để nâng cao chất lượng công tác đào nghề cho lao động nông thôn. Ngay từ đầu năm, trung tâm đã chủ động trong thực hiện công tác tuyên truyền về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Cùng với đó, hoạt động điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động trên địa bàn cũng được quan tâm thực hiện. Đặc biệt ưu tiên đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc diện ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, hộ cận nghèo, lao động nữ. Để nâng cao hiệu quả của công tác đào tạo nghề, trung tâm còn xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát và thường xuyên nắm bắt thông tin, tổ chức các đợt kiểm tra thực tế tại các lớp nghề. Thông qua kiểm tra đã kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, đồng thời chấn chỉnh những sai sót, hạn chế trong đào tạo để tổ chức những lớp nghề sau tốt hơn.

Trao đổi với chúng tôi, Tổ trưởng tổ sản xuất, dịch vụ- Trung tâm GDNN-GDTX huyện Gio Linh Hoàng Thị Hồng Huệ cho hay: “Với những giải pháp hiệu quả trên đã giúp cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và tạo việc làm cho người dân trên địa bàn huyện có sự khởi sắc, từng bước đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của lao động nông thôn. Cùng với đó, người dân trên địa bàn đã thay đổi nhận thức đối với công tác đào tạo nghề nên các lớp học nghề được các học viên tham gia khá đông đủ, chất lượng đạt theo yêu cầu đề ra. Một số nghề sau khi đào tạo đã được các lao động nông thôn áp dụng hiệu quả tại địa phương như nghề trồng ném ở xã Gio Quang; trồng rau sạch tại xã Gio Thành; trồng mướp đắng tại xã Gio Mỹ; dệt thổ cẩm tại Linh Thượng…”.

Một số bất cập, khó khăn cần khắc phục

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các địa phương vẫn tồn tại một số hạn chế, khó khăn. Tổ trưởng tổ sản xuất dịch vụ- Trung tâm GDNNGDTX huyện Gio Linh Hoàng Thị Hồng Huệ cho hay: “Một số cấp ủy đảng, chính quyền ở cơ sở chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Việc khảo sát nhu cầu học nghề tại một số xã chưa đúng với thực tế, từ đó dẫn đến tình trạng một số lớp nghề được mở ra chưa phù hợp với nhu cầu của lao động nông thôn, không phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội của địa phương.

Bên cạnh đó, một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chương trình, dự án nên chưa nhiệt tình tham gia các lớp học nghề tại địa phương. Trong quá trình đào tạo nghề, những nghề nông nghiệp thu hút khá đông lao động nông thôn tham gia, tỉ lệ có việc làm sau đào tạo cũng khá cao nhưng đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp còn khó khăn, gây ảnh hưởng đến việc duy trì nghề phát triển bền vững”. Tại huyện Triệu Phong, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng đang gặp một số khó khăn, đó là sau khi sáp nhập, cơ sở vật chất của Trung tâm GDNN-GDTX thiếu sự đồng bộ, gây ảnh hưởng đến công tác đào tạo nghề. Trung tâm hiện đang thiếu giáo viên cơ hữu dạy các nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa kịp thời, chưa theo thời vụ. Số lao động được đào tạo còn ít so với nhu cầu của lực lượng lao động nông thôn trên địa bàn, các ngành nghề đào tạo chưa đa dạng.

Để từng bước khắc phục những khó khăn nêu trên, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, phấn đấu đến năm 2020 tỉ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt từ 65-70%, tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp tích cực. Trong đó chú trọng tuyên truyền về đào tạo nghề cho lao động nói chung và lao động nông thôn nói riêng. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao hiệu quả triển khai, tổ chức thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tổ chức định hướng nghề nghiệp và tuyển sinh đào tạo nghề cho lao động nông thôn . Phát triển và nhân rộng các mô hình đào tạo nghề đã thí điểm có hiệu quả, đồng thời bổ sung thêm một số mô hình mới phù hợp với tình hình phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương…

 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây