Nông thôn mới Quảng Trị

https://nongthonmoi.quangtri.gov.vn


Kết quả thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Trị

Xác định thực hiện tiêu chí môi trường không chỉ là góp phần hoàn thành bộ tiêu chí xã, huyện nông thôn mới; mà còn là thay đổi diện mạo, cảnh quan nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân.
Một tuyến đường xanh sạch đẹp trên địa bàn xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ
 
        Ngay từ khi triển khai chương trình, tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, trong đó đẩy mạnh việc theo dõi, giám sát việc thực hiện tiêu chí môi trường tăng cường thanh kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường. Nhiều địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường; tổ chức nhiều hoạt động như Hội thi “Tuổi trẻ với công tác Bảo vệ môi trường”, chương trình Đối thoại chính sách về tài nguyên và môi trường đối với doanh nghiệp; đồng thời triển khai tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông từ tỉnh đến cơ sở. Tập trung huy động các nguồn lực thực hiện tiêu chí môi trường, trọng tâm là các hoạt động: nâng cao năng lực bảo vệ môi trường; tuyên truyền, truyền thông; vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng công trình cấp nước sạch; xây dựng công trình xử lý môi trường; hỗ trợ sản xuất để bảo tồn đa dạng sinh học;... Nhờ đó, việc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới tại Quảng Trị đã đạt được một số kết quả đáng tích cực:
        Đến hết năm 2020, toàn tỉnh Quảng Trị đã có 57/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 16,02 tiêu chí/xã, trong đó có 68 xã đạt tiêu chí môi trường. Hiện nay, đa số các cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng thuỷ sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường, tuy nhiên vẫn còn tình trạng một số cụm công nghiệp chưa quan tâm đến vấn đề xây dựng hệ thống xử lý chất thải; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đã đạt 94,67%, trong đó tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN là 57,14%; chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu vực nông thôn được thu gom, vận chuyển mới chỉ đạt khoảng 45-55%; ước tính khối lượng bao gói đựng thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 7-9 tấn/năm, nhưng mới thu gom được khoảng 50%; nhiều địa phương đã có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển chăn nuôi tập trung, an toàn sinh học; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được các đơn vị, địa phương tăng cường các hoạt động tuyên truyền, kiểm tra, nhờ vậy góp phần nâng cao hơn ý thức của người sản xuất, kinh doanh, cũng như của chính những người tiêu dùng trong vấn đề an toàn thực phẩm; nhiều phong trào như “ngày nông thôn mới”, câu lạc bộ tình nguyện thu gom rác thải ở đồng ruộng, phong trào “đường hoa yêu thương” được đẩy mạnh ở các địa phương, tạo cảnh quan môi trường nông thôn sạch, đẹp.
        Có thể thấy rằng việc thực hiện tiêu chí môi trường trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả tích cực; ý thức bảo vệ môi trường của người dân, các cộng đồng dân cư đã được tăng lên. Bên cạnh đó, vẫn còn những tồn tại, hạn chế khi một số người dân, doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường; tỷ lệ sử dụng nước sạch của các hộ gia đình trên địa bàn nông thôn vẫn còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân; nhiều địa phương đã đầu tư Cụm công nghiệp tuy nhiên chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; tình trạng xây dựng cơ sở, xưởng sản xuất nhỏ lẻ, không đảm bảo về hồ sơ môi trường xen lẫn trong khu dân cư vẫn diễn ra thường xuyên dẫn đến khó kiểm soát, quản lý; nhiều địa phương chưa quan tâm quản lý môi trường tại các cơ sở sản xuất, trang trại, gia trại quy mô vừa và nhỏ ở nông thôn; nguồn kinh phí cho thực hiện tiêu chí môi trường phân bổ trực tiếp từ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, công tác xã hội hoá thực hiện các tiêu chí môi trường chưa nhiều.
       Vì vậy, việc thực hiện tiêu chí môi trường trong thời gian cần đẩy mạnh tuyên truyền tổ chức các phong trào bảo vệ môi trường, tập trung vào chủ đề về chống rác thải nhựa, phân loại và xử lý rác tại nguồn, phát triển phong trào quần chúng bảo vệ môi trường, tuyên truyền bảo vệ môi trường trong khu dân cư, khu chợ ... đặc biệt là các xã vùng khó khăn, biên giới, hải đảo. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm pháp luật về môi trường; tăng cường trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong quản lý, vận hành, giám sát các công trình bảo vệ môi trường. Tăng cường huy động, kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để xây dựng mô hình bảo vệ môi trường. Tổ chức lập, thực hiện các quy hoạch phải gắn liền với thực hiện các tiêu chí môi trường, đặc biệt là quy hoạch các điểm dân cư nông thôn phải thực hiện các giải pháp, biện pháp thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn phù hợp. Đồng thời, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, cũng như quản lý, vận hành các mô hình hiện nay; đẩy mạnh các mô hình tuyên truyền, truyền thông về bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư; hướng tới thực hiện các chỉ tiêu môi trường ngày càng bền vững tại các địa phương.



 

Nguồn tin: Minh Hải, Văn phòng Điều phối nông thôn mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây