Nông thôn mới Quảng Trị

https://nongthonmoi.quangtri.gov.vn


Hợp tác xã cần tự đổi mới để góp phần xây dựng nông thôn mới

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Đây là cơ hội và điều kiện thuận lợi làm cho khu vực nông thôn ngày càng phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Để đạt được các tiêu chí về xây dựng NTM, phát triển kinh tế là một tiêu chí hết sức quan trọng, là nguồn lực để đáp ứng nhu cầu đời sống của người dân, yếu tố quyết định để thúc đẩy các lĩnh vực khác cùng phát triển. Ở nông thôn, lĩnh vực điều hành và tổ chức sản xuất do các HTX nông nghiệp đảm nhiệm. Do vậy, để góp phần xây dựng NTM, các HTX nông nghiệp- được xem là “bà đỡ” của người nông dân- cũng phải tự đổi mới để thích ứng với thực tiễn và tổ chức sản xuất hợp lý để đem lại hiệu quả cao.
Đường làng ngõ xóm ở Vĩnh Thủy, Vĩnh Linh luôn xanh, sạch, đẹp. Ảnh: ĐT
 
Tìm hiểu tình hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) ở xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, chúng tôi thấy, các HTX nông nghiệp trên địa bàn đóng vai trò then chốt trong công tác chỉ đạo điều hành và tổ chức sản xuất, từ khâu dịch vụ đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, làm đất, nước tưới, khung lịch thời vụ, quy trình chăm sóc cây trồng, thu hoạch và các điều kiện khác phục vụ sản xuất. HTX cũng đã có những chính sách hỗ trợ cho các thành viên như: Hỗ trợ giá giống lúa, tạo điều kiện cho các thành viên mua phân bón với phương thức thanh toán trả chậm. Với dịch vụ đầu ra là thực hiện liên doanh, liên kết, bao tiêu sản phẩm nông sản cho các thành viên và nông dân. HTX đứng ra hợp đồng theo đơn đặt hàng của các trung tâm giống cây trồng và các doanh nghiệp, sản xuất lúa giống và lúa chất lượng cao, vì vậy sản phẩm làm ra của thành viên và nông dân được các doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn thị trường. HTX có nhiệm vụ thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm hỗ trợ thành viên và nông dân thúc đẩy quá trình sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho thành viên và người nông dân, đồng thời tăng tích lũy vốn cho HTX để tái đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phục vụ lợi ích của thành viên, tạo việc làm cho lao động nông thôn, góp phần thúc đẩy hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM.
 
Đặc thù của xã Vĩnh Thủy đó là có địa hình bán sơn địa, diện tích tự nhiên gần 4.900 ha, người dân sản xuất nông nghiệp là chủ yếu với 6 HTX và 2 Tổ hợp tác. Điểm thuận lợi là các HTX trên địa bàn đều sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp nên công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất gắn với loại hình dịch vụ nông nghiệp và phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thực tế của địa phương. Năm 2012, các HTX trên địa bàn xã tiến hành chuyển đổi theo Luật HTX, xây dựng HTX kiểu mới. Hiện đã có 3 HTX gồm Đức Xá, Thủy Ba Tây, Thủy Ba Hạ đã được công nhận HTX kiểu mới. Sau chuyển đổi đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các HTX luôn mang lại hiệu quả cao. Vốn quỹ của HTX hằng năm tăng lên. Các HTX góp phần cùng địa phương thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi theo hướng hàng hóa, nâng cao năng suất trên một đơn vị diện tích, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, mở mang ngành nghề dịch vụ. Trong các loại hình dịch vụ của HTX, hoạt động tín dụng nội bộ được xem là một trong những lĩnh vực có hiệu quả, giúp các thành viên vay vốn để sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
 
HTX huy động vốn tiền gửi với lãi suất bằng lãi suất các tổ chức tín dụng và ngân hàng trên địa bàn. Đồng thời cho các hộ thành viên vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, mua sắm máy móc phục vụ nông nghiệp như máy làm đất, vận chuyển, gặt tuốt, xay xát, chế biến và phát triển dịch vụ trong các hộ gia đình. Thủ tục vay vốn đơn giản, nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho thành viên. Ngoài mục đích cho vay để sản xất, kinh doanh, HTX còn hỗ trợ vay vốn không tính lãi đối với những gia đình gặp khó khăn, rủi ro, hoạn nạn. Trên một số lĩnh vực, HTX đã mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều ngành nghề, phát triển kinh doanh tổng hợp, đầu tư trang thiết bị để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX đều có lãi, vốn quỹ của HTX hằng năm tăng trưởng (lãi của các HTX hằng năm từ 200- 600 triệu đồng), trích lập các quỹ, trong đó có quỹ phát triển sản xuất và quỹ phúc lợi. Hai nguồn quỹ này đầu tư hiệu quả vào xây dựng cơ sở hạ tầng như mở rộng đường giao thông nội đồng, đổ đất cấp phối cứng hóa, đầu tư xây dựng kiên cố hóa kênh mương, phai chắn đóng mở nước, xây dựng bể thu gom rác và vỏ bao bì đựng thuốc BVTV ngoài đồng ruộng; các công trình phúc lợi công cộng cũng như các thiết chế văn hóa như sân tập thể dục- thể thao, nhà văn hóa cộng đồng, thắp sáng đường quê…
 
Các HTX còn hỗ trợ các hộ gia đình thành viên đầu tư mở rộng trang trại, gia trại sản xuất, chăn nuôi, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Hỗ trợ mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp và mở rộng ngành nghề, dịch vụ như cơ khí gò hàn, mộc, nề, bán hàng tạp hóa, may mặc. Việc chuyển giao và áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, chuỗi giá trị, công nghệ 4.0 được các HTX và địa phương chú trọng. Trong năm 2019, trên địa bàn xã triển khai mô hình sản xuất giống lúa mới ở 4 HTX với diện tích 30 ha; mô hình sản xuất, sử dụng hệ thống tưới thông minh (HP3-dự án WB7 hỗ trợ) trên cây lạc 4,2 ha, cây ngô 3 ha ở HTX Đức Xá; mô hình sản xuất cánh đồng mẫu lớn Thuỷ Ba Hạ với 120 ha; sản xuất ứng dụng công nghệ sinh học, phân bón hữu cơ 110,8 ha (2 vụ) tại HTX Đức Xá và HTX Thủy Ba Tây; mô hình trồng dứa liên kết ở Tân Thủy 7 ha; trồng thanh long ruột đỏ ở Tân Thủy và các thôn khác 12,5 ha. Ngoài ra còn có các mô hình cây ăn quả, dược liệu khác đang phát triển tốt.
 
HTX còn tham gia triển khai các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, xây dựng mô hình chuyển đổi cây trồng, con nuôi (6 cây, 2 con) theo hướng hàng hóa, nâng cao năng suất các loại cây trồng, con nuôi, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm. Hiện trên địa bàn xã Vĩnh Thủy có 106,5 ha cây ăn quả, diện tích cho thu hoạch là 77,07 ha, trong đó cây thanh long ruột đỏ 12,5 ha, diện tích cho thu hoạch 5,6 ha, năng suất 65 tạ/ha, sản lượng đạt 36,4 tấn; cây bưởi da xanh 22,4 ha, diện tích thu hoạch 8,5 ha, năng suất 200 tạ/ ha, sản lượng 170 tấn ; vải thiều 10 ha, diện tích thu hoạch 8,5 ha, năng suất 264 ha, sản lượng 224,4 tấn; cây nhãn 4,5 ha, diện tích thu hoạch 3,5 ha, năng suất 120 tạ/ha, sản lượng 42 tấn; cam, ổi, quýt, mít Thái, chanh leo và một số cây ăn quả khác hơn 57 ha, diện tích thu hoạch 50,97 ha. Địa phương đang đẩy nhanh việc đăng ký thương hiệu sản phẩm cho thanh long ruột đỏ, vải thiều, bưởi da xanh để có điều kiện tiêu thụ thuận lợi trên thị trường. Toàn xã cũng đang duy trì 1.004 ha cây cao su, diện tích khai thác 940 ha, sản lượng đạt trên 4.794 tấn mủ nước; cây hồ tiêu có 12 ha, diện tích cho thu hoạch 9 ha, sản lượng đạt 13,5 tấn. Xã Vĩnh Thủy cũng có diện tích cây lâm nghiệp đáng kể với 1.586 ha, diện tích khai thác trong năm 2019 là 183 ha rừng trồng luân kỳ, khối lượng ước đạt 27.450 m3 gỗ. Xã cũng đã tập trung thâm canh cây lúa nước với tổng diện tích gieo cấy năm 2019 là 1.123 ha, năng suất bình quân đạt 60,3 tạ/ha, sản lượng 6.772 tấn, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn và có thóc gạo bán ra thị trường.
 
Vào giữa tháng 1/2015 xã Vĩnh Thủy được công nhận đạt chuẩn NTM và hiện nay đã về đích xã NTM kiểu mẫu, tạo một bước chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc trong đời sống xã hội, đặc biệt là đời sống người dân không ngừng được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người ở Vĩnh Thủy đã đạt 41,2 triệu đồng/năm. Cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; tình làng, nghĩa xóm được thắt chặt; an ninh trật tự được giữ vững. Trong thành tựu chung đó, các HTX trên địa bàn cũng đã tự đổi mới, vươn lên hoạt động hiệu quả, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây