Nông thôn mới Quảng Trị

https://nongthonmoi.quangtri.gov.vn


Hiệu quả trong công tác xóa đói giảm nghèo ở Đakrông

Là huyện nghèo của tỉnh Quảng Trị, trong những năm qua huyện Đakrông đã nỗ lực thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân làm ăn, nâng cao thu nhập. Chính nhờ vậy bộ mặt vùng nông thôn miền núi Đakrông đã có những đổi thay rõ nét, đời sống của các hộ gia đình từng bước được nâng cao.
Nước sạch về với bản làng.
  
Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi dê của gia đình chị Hồ Thị Lan ở thôn Cu Tài 2, xã A Bung. Năm 2018, gia đình chị được chương trình 135 hỗ trợ mô hình nuôi dê. Từ 10 con hỗ trợ ban đầu, sau 1 năm đàn dê tăng lên 20 con, đã giúp gia đình chị thoát nghèo. Chị Lan cho biết: “Trước đây gia đình tôi chăn nuôi lợn nhưng hiệu quả mang lại không cao, công chăm sóc lại nhiều. Nuôi dê thì hiệu quả kinh tế cao hơn, chăm sóc lại dễ hơn. Vì vậy, gia đình tôi sẽ tập trung nuôi dê để thoát nghèo.”
 
A Bung là một trong những địa phương làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo. Xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, những năm qua xã A Bung đã có nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp với nhu cầu, tập quán canh tác, chăn nuôi của người dân như hỗ trợ vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ cây con, giống, tạo việc làm... Từ đó từng bước hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2019, xã A Bung có 38 hộ thoát nghèo, vượt 2% so với kế hoạch đề ra. Chủ tịch UBND xã A Bung Hồ Pườm cho biết: “Để làm tốt hơn nữa công tác xóa đói giảm nghèo, thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung tuyên truyền vận động người dân chủ động trong phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, tận dụng có hiệu quả nguồn vốn của các chương trình dự án, xây dựng các mô hình kinh tế điểm hiệu quả để nhân rộng trên địa bàn...”.
 
Xác định công tác xóa đói giảm nghèo là một nhiệm vụ chiến lược trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ngay từ đầu mỗi năm, UBND huyện Đakrông có các văn bản chỉ đạo các phòng, ban, ngành liên quan và UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể đối với từng ngành, lĩnh vực về mục đích và ý nghĩa của công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện. Trên cơ sở đó, các cấp, ngành, xã, thị trấn tích cực triển khai, quán triệt thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo bằng các chương trình cụ thể, phù hợp với thực tế của từng địa phương.Với xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, trình độ người dân còn hạn chế, tỉ lệ hộ đói nghèo khi mới thành lập huyện là trên 80% đã ảnh hưởng lớn đến công tác xóa đói giảm nghèo.
 
Trước thực trạng đó, huyện Đakrông đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lồng ghép nhiều chương trình dự án như 134, 135 và mới đây là chương trình 30a của Chính phủ nhằm giúp người dân định hướng trong việc phát triển kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, mang lại hiệu quả cao. Riêng trong năm 2019, huyện Đakrông đã huy động hơn 96 tỉ đồng để thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững. Từ nguồn kinh phí này, các địa phương đã được đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, lao động và các vấn đề an sinh xã hội. Nhờ vậy, đến cuối năm 2019, tỉ lệ hộ nghèo của Đakrông đã giảm từ 39,72% năm 2018 xuống còn 33,75% .
 
Bí thư Huyện ủy Đakrông Nguyễn Trí Tuân cho biết: “Có thể khẳng định, kết quả giảm nghèo của huyện Đakrông trong những năm qua đã tạo ra động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, nhóm dân cư. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo trên địa bàn huyện vẫn chưa bền vững. Một bộ phận người dân còn có tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, nguy cơ tái nghèo còn cao. Để đưa Đakrông thoát khỏi huyện nghèo, thời gian tới Đảng bộ huyện tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững. Xác định công cuộc xóa đói giảm nghèo đối với huyện nghèo là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy đảng, sự chỉ đạo sâu sát, cụ thể và đồng bộ của các cấp chính quyền, sự phối hợp tích cực của MTTQ và các đoàn thể nhân dân; đồng thời phát huy vai trò làm chủ của người dân để thực hiện thắng lợi các mục tiêu giảm nghèo mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra”.
 
Có thể thấy mặc dù có sự đầu tư rất lớn nhưng so với nhu cầu, vấn đề giảm nghèo ở vùng có đông người đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa ở Đakrông vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, huyện Đakrông cần đổi mới về xây dựng chính sách, nâng cao hiệu quả, chất lượng triển khai các chương trình giảm nghèo; cần rà soát lại hiệu quả thực sự của từng chính sách để tạo động lực giảm nghèo cho người dân và để khuyến khích người dân chủ động vươn lên. Chú trọng nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phát huy sự tham gia của người dân và cộng đồng trong giảm nghèo... cũng như nghiên cứu xây dựng các mô hình liên kết mang tính bền vững, trọng tâm, trọng điểm hơn, có chính sách khuyến khích mạnh mẽ hơn để thúc đẩy, kích thích các doanh nghiệp đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây