Nông thôn mới Quảng Trị

https://nongthonmoi.quangtri.gov.vn


Giữ gìn bản sắc văn hóa trong xây dựng nông thôn mới

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), bên cạnh chú trọng phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng…, việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của quê hương, dân tộc được tỉnh quan tâm thực hiện.
Một hội thi được tổ chức tại Trung tâm văn hóa xã Triệu Trạch, Triệu Phong. Ảnh: T.L
  
Để góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa trong xây dựng NTM, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và tổ chức hoạt động của trung tâm văn hóa xã, nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng làng, bản. Đồng thời luôn quan tâm đến việc giữ gìn và phát huy nét đặc sắc văn hóa của địa phương; tuyên truyền về xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong giai đoạn mở cửa hội nhập... Cùng với đó, ngành cũng chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch khai thác, quản lí các thiết chế văn hóa có hiệu quả, phát huy hết công năng sử dụng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần cho nhân dân. Tùy vào điều kiện các địa phương có thể sinh hoạt lồng ghép vào hội trường thôn, đình làng, nhà rông, nhà dài… khi chưa bố trí được quỹ đất và kinh phí xây dựng nhà văn hóa xã, thôn.
 
Hướng dẫn các địa phương quy hoạch quỹ đất dành cho các thiết chế văn hóa, thể thao trên cơ sở các quy hoạch đã được tỉnh phê duyệt. Đồng thời, ngành văn hóa chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện tiêu chí 16 về văn hóa như nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện việc đăng kí, bình xét, công nhận gia đình văn hóa, làng, bản văn hóa đúng quy trình, dân chủ, thực chất. Đưa các tiêu chí văn hóa, khuyến học vào nội dung của hương ước, quy ước các làng, bản, xem đây là tiêu chí đánh giá thi đua và bình xét cuối năm. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác tuyên truyền, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Thực hiện việc phục dựng và phát triển các làn điệu dân ca, các lễ hội đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số như lễ hội Arieuping, lễ hội mừng lúa mới…
 
Với sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền, việc quy hoạch, đầu tư xây dựng, sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở đã từng bước được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong xây dựng NTM. Phát huy tính dân chủ, tinh thần đoàn kết và nhu cầu hưởng thụ văn hóa, rút ngắn khoảng cách văn hóa giữa các vùng, miền trong tỉnh. Đặc biệt, các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đã phát huy hết công năng, hiệu quả sử dụng, trở thành địa điểm tập trung sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân, là nơi tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, các hội thi, hội diễn nhân các sự kiện trọng đại, ngày lễ, tết của quê hương, đất nước; là địa điểm vui chơi, giải trí, đọc sách cho trẻ em; tập thể dục dưỡng sinh, đi bộ cho người già; là nơi tổ chức các lớp tập huấn, truyền đạt kiến thức, kĩ năng về khoa học kĩ thuật cho người dân trong lao động, sản xuất. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 104/141 trung tâm văn hóa- thể thao cấp xã và 998/1.082 nhà văn hóa, khu thể thao thôn.
 
Trên quan điểm chú trọng chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng, bản văn hóa là nhiệm vụ hàng đầu, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh việc thành lập, tổ chức hoạt động các câu lạc bộ về phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc; các mô hình về ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền và thực hiện thí điểm bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Chỉ đạo thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng gia đình no ấm bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Từ đó làm cơ sở phát huy các mối quan hệ trong gia đình để làm hạt nhân giữ vững, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Nhờ vậy, đến nay, toàn tỉnh đã có trên 90% gia đình được công nhận là gia đình văn hóa; trên 96% làng, bản, khu phố đạt danh hiệu văn hóa; có 57/117 xã đạt chuẩn văn hóa NTM và 52/117 xã đạt chuẩn NTM.
 
Thông qua phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng, bản văn hóa, nhiều nét đẹp trong văn hóa lao động, sản xuất đã hình thành. Các mô hình giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng phát triển. Các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp được khơi dậy và gìn giữ; tình làng nghĩa xóm được thắt chặt hơn; nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; công tác đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện được thực hiện tốt hơn. Các di tích lịch sử văn hóa cách mạng đã được đầu tư, tu bổ, tôn tạo, các giá trị văn hóa truyền thống của các địa phương được lưu giữ.
 
Cùng với đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã có những tác động tích cực đến việc thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh. Qua việc thực hiện phong trào, người dân đã đồng lòng, đồng sức cùng nhà nước góp công, góp của, xã hội hóa các hoạt động nhằm tạo ra nguồn lực tập trung xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng, đường giao thông nông thôn ngày một hoàn thiện hơn, góp phần làm cho bộ mặt các vùng nông thôn thêm khởi sắc.
 
Mục tiêu xuyên suốt trong chương trình xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Do đó, cùng với xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được chú trọng đã khơi gợi, bồi đắp những giá trị văn hóa tốt đẹp trong mỗi con người, mỗi nhà và trong từng thôn, bản, khu phố. Chương trình xây dựng NTM có khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, do vậy, để phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng NTM, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự chuyển biến căn bản về tầm quan trọng, sự cần thiết của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa gắn với xây dựng NTM trong tình hình mới.
 
Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tiến hành lập quy hoạch quỹ đất về xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở. Có chính sách đầu tư theo hướng mở để tạo điều kiện cho tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp, cá nhân tham gia xã hội hóa xây dựng cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, thể thao và tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở cơ sở.
 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị:

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây