Nông thôn mới Quảng Trị

https://nongthonmoi.quangtri.gov.vn


Giải pháp xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, xây dựng nông thôn mới của tỉnh Quảng Trị đối diện với nhiều khó khăn, thách thức; tình hình dịch Covid19 kéo dài đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu nhập của người dân bị giảm đáng kể, nhiều công trình hạ tầng bị kéo dài, chậm tiến độ; đặc biệt các đợt mưa lũ trong tháng 10/2020 đã làm thiệt hại về người và tài sản ở nhiều địa phương, ảnh hưởng rất lớn đến mức độ bền vững của các tiêu chí nông thôn mới.
Quang cảnh buổi họp thẩm định

 1. Về mục tiêu đặt ra
Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu có 75% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tương đương 76/101 xã đạt chuẩn), trong đó tỉnh ta đề ra mục tiêu năm 2021 có thêm 6 xã đạt chuẩn (nâng số xã đạt chuẩn lên 63/101 xã, chiếm 62,4%), làm tiền đề để phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có thêm 03 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
2. Về lựa chọn địa phương phấn đấu đạt chuẩn
Trên cơ sở mục tiêu của tỉnh, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh đã chủ động yêu cầu các huyện, xã rà soát các xã có khả năng đạt chuẩn cao, để phấn đấu đạt chuẩn năm 2021, đến nay đã có 09 xã đăng ký gồm: xã Hướng Phùng huyện Hướng Hóa, xã Hải Định huyện Hải Lăng, xã Triệu Độ, Triệu Long huyện Triệu Phong, xã Gio Châu, Hải Thái, Gio Việt, Trung Giang, Gio Mai huyện Gio Linh, đây là nỗ lực, quyết tâm chính trị lớn của các địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của tỉnh đã đề ra.
3. Khó khăn, thách thức
Trước hết phải xác định những khó khăn, thách thức đối với mục tiêu đặt ra
Thứ nhất, các có điều kiện thuận lợi cơ bản đã đạt chuẩn, những xã càng về sau càng khó khăn hơn, đặc biệt là đầu tư về cơ sở hạ tầng thiết yếu và phát triển sản xuất cho các xã miền núi như xã Hướng Phùng, Hải Thái, xã bãi ngang như xã Gio Việt, Trung Giang, Triệu Độ.

Thứ hai,  bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 dự kiến được ban hành với các yêu cầu cao hơn, đi vào chiều sâu hơn, đòi hỏi mức độ đạt chuẩn của các xã càng phải thực chất, gắn với sự hài lòng ngày càng cao của người dân nông thôn
Thứ ba,, các cơ chế, chính sách của giai đoạn mới được ban hành, nhiều nội dung đang trong giai đoạn chuyển tiếp, nhiều nội dung phải có thời gian hướng dẫn, cụ thể hóa sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch, lộ trình, giải pháp của các địa phương.
Thứ tư, nguồn lực đầu tư cho chương trình dự kiến sẽ không cao hơn giai đoạn 2016-2020, trong khi cần phải đầu tư cho mục tiêu huyện nông thôn mới. Khả năng đối ứng của nhân dân cũng như nguồn xã hội hóa sẽ bị ảnh hưởng, do COVID và thiên tai, đặc biệt là các xã miền núi, bãi ngang hiện nay tỉnh quy định tỷ lệ đối ứng của người dân ở mức thấp như đường giao thông là 80-20, trong khi các xã đồng bằng là 50-50.

Thứ năm, biến đổi khí hậu trong khu vực nói chung và Quảng Trị nói riêng ngày diễn biến phức tạp, khó dự báo; nguy cơ thiên tai xảy ra làm ảnh hưởng đến thành quả xây dựng nông thôn mới đã đạt được là rất cao.
4. Giải pháp trọng tâm
Trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua, để đạt được mục tiêu về xã đạt chuẩn nông thôn mới theo mục tiêu đề ra, trong năm 2021 cần tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai sâu rộng và thiết thực phong trào thi đua “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới”,  phong trào “Ngày thứ 7 vì nông thôn mới”; thực hiện có hiệu quả công tác đỡ đầu, phụ trách xã xây dựng nông thôn mới nhằm huy động sức dân theo phương châm “ngoại lực là quan trọng, nội lực là quyết định, người dân là chủ thể”, “đạt chuẩn nông thôn mới, trước hết phải giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, tập trung nguồn lực hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt”.
Thứ hai, tiến hành rà soát, đánh giá đúng thực trạng và nhu cầu tối thiểu để đạt nông thôn mới của các xã, từ đó xây dựng kế hoạch, lộ trình, giải pháp sát với thực tế, phù hợp với khả năng bố trí vốn của Trung ương, tỉnh, huyện, xã; lồng ghép các chương trình dự án. Không đầu tư dàn trãi mà lựa chọn từ 6-7 xã có khả năng đạt chuẩn cao nhất để tập trung nguồn lực hỗ trợ đạt chuẩn bền vững.
Thứ ba, Chỉ đạo các địa phương ngay từ đầu năm, tập trung chỉnh trang đường làng ngõ xóm theo hướng sáng-xanh-sạch-đẹp, xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn, đẩy mạnh các hoạt động vệ sinh môi trường nông thôn; mỗi xã chọn một số thôn điển hình để xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu, làng quê đáng sống.

 Thứ tư, Đối với ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương cần chú trọng ưu tiên thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị cho các xã phấn đấu đạt chuẩn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hợp tác xã, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nâng cao thu nhập cho người dân. Để làm được điều đó, các đơn vị trong ngành nông nghiệp cần quan tâm vấn đề chuyển giao mô hình, khoa học kỹ thuật,  tăng cường hỗ trợ phát triển hợp tác xã, phát triển sản phẩm theo định hướng của chương trình OCOP. Quan tâm hỗ trợ tích cực cho các xã trên đối với tiêu chí thủy lợi, chỉ tiêu nước sạch nông thôn, phòng chống thiên tai tại chỗ, trước mắt tập trung, ưu tiên hỗ trợ khắc phục thiệt hại sau thiên tai đối với các xã như Hướng Phùng, Gio Mai, Triệu Độ, Hải Định
Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn trong xây dựng nông thôn mới; kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương. Gắn trách nhiệm của các thành viên BCĐ tỉnh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh cũng như các phòng ban cấp huyện trong việc duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới ở các xã đăng ký đạt chuẩn.
Thứ sáu, tiếp tục kiện toàn bộ máy chỉ đạo, điều hành, giúp việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới ở các cấp; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ nông thôn mới các cấp, nhất là ở cấp thôn, bản, trong đó cần ưu tiên cho các xã phấn đấu đạt chuẩn.
Thứ sáu, cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương như hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất, triển khai các mô hình vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu..  trong đó cần định hướng ưu tiên, phù hợp với đặc thù của các địa phương.
Cuối cùng, cần lồng ghép, phối hợp hiệu quả nguồn lực từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, để thực hiện hiệu quả các tiêu chí nông thôn mới.
 


 

Nguồn tin: Trần Trong Tuấn- VPĐP NTM Quảng Trị

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây