Nông thôn mới Quảng Trị

https://nongthonmoi.quangtri.gov.vn


Có đô thị thông minh, tất yếu phải có nông thôn thông minh

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, có đô thị thông minh tất yếu phải có nông thôn thông minh, đấy là quyền lợi chính đáng người dân nông thôn được hưởng.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, người dân nông thôn xứng đáng được hưởng thành quả của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Ảnh: Nguyên Huân.

 

Chia sẻ tại Hội thảo Chuyển đổi số và định hướng nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025 diễn ra sáng 23/9 tại Hà Nội do Bộ NN-PTNT, Bộ Thông tin và Truyền thông đồng tổ chức (Báo Nông nghiệp Việt Nam bảo trợ truyền thông), Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn.

Tuy nhiên, thứ trưởng lưu ý, trong quá trình triển khai ứng dụng công nghệ số vào xây dựng nông thôn mới cần phải làm rõ lộ trình cụ thể như thế nào, ứng dụng ở lĩnh vực gì, mức độ phổ cập bao nhiêu %. Mục tiêu cuối cùng vẫn phải đảm bảo làm sao đại bộ phận người dân nông thôn được tiếp cận, hưởng thụ và sử dụng công nghệ số thông minh đó.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, để có được kết quả xây dựng nông thôn mới vượt mục tiêu Chính phủ đề ra khi có 5.350 xã (chiếm trên 60% số xã của cả nước), 152 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn (chiếm 22,7% số huyện), trong quá trình triển khai Ban Chỉ đạo Trung ương cũng phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm để tìm được mô hìnnh ưu việt nhất.

Do đó, để triển khai hiệu quả mô hình công nghệ số, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị trước tiên chọn 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới có mặt bằng chung tương đối tốt để triển khai thí điểm, sau đó rút kinh nghiệm, kiện toàn trước khi nhân rộng, tránh tổ chức ào ào dàn trải nguy cơ gây lãng phí tiền bạc của nhà nước.

“Trong việc bảo vệ kế hoạch đầu tư công về xây dựng nông thôn mới cấp nhà nước tới đây, sẽ có nội dung về chuyển đổi ứng dụng công nghệ số. Có thể coi hội thảo ngày hôm nay chính là bước mở màn cho việc ứng dụng công nghệ số vào xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới.

Tôi kỳ vọng chương trình sẽ thu hút được nhiều nguồn lực từ Trung ương, địa phương, doanh nghiệp và xã hội, từ đó góp phần giúp khu vực nông thôn ngày một phát triển nhanh, bền vững hơn”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chia sẻ.

Việc ứng dụng công nghệ số vào các xã đạt chuẩn nông thôn mới giúp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị xích lại gần nhau hơn. Ảnh: Tư liệu.

Việc ứng dụng công nghệ số vào các xã đạt chuẩn nông thôn mới giúp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị xích lại gần nhau hơn. Ảnh: Tư liệu.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết, bên cạnh những thành quả to lớn đạt được trong quá trình xây dựng nông thôn mới trong hơn 10 năm qua, hiện tại nông thôn Việt Nam đang phải diện với nhiều thách thức truyền thống và phi truyền thống.

Trong đó, khoảng cách giữa các vùng nông thôn, giữa nông thôn và thành thị đang ngày một chênh lệch, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, điển hình là dịch tả lợn Châu Phi, đại dịch Covid-19 đòi hỏi nông thôn cần phải có sự thay đổi cho phù hợp với xu thế của thời đại, với sự thay đổi nhanh chóng của xã hội, nhất là thay đổi về công nghệ.

Trong đó, ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng mạnh mẽ hơn nữa khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ số được coi là giải pháp ưu việt giúp khoảng cách, chất lượng cuộc sống giữa nông thôn và thành thị xích lại gần nhau hơn. Đồng thời, công nghệ sẽ góp phần thúc đẩy nông thôn phát triển đúng hướng, bền vững.

Cũng theo ông Nguyễn Minh Tiến, thực ra việc chuyển đổi số và ứng dựng công nghệ thông tin trong xây dựng nông thôn mới cũng đã được manh nha triển khai tại một số địa phương, nhưng chủ yếu vẫn mang tính tự phát mà chưa thành phong trào. Hơn nữa, nhận thức ở mỗi nơi một khác nhau.

Xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, Bộ NN-PTNT, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng có ý tưởng trình Chính phủ xây dựng đề án đưa công nghệ thông tin và chuyển đổi số trở thành một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trong đó tập trung chủ yếu vào hạ tầng kết nối, băng thông rộng và dữ liệu nông nghiệp, nông thôn.

Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, để chương trình chuyển đổi số cấp xã được đưa vào chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 phát huy hiệu quả cần có sự ủng hộ, phối hợp của lãnh đạo Trung ương và địa phương.

Cần đào tạo kỹ năng cho người dân, hợp tác xã cách thức bán hàng trên mạng và đặc biệt cần nguồn lực hỗ trợ của tổ chức, cơ quan nhà nước để xây dựng, duy trì và phát triển chương trình chuyển đổi số cấp xã.

Tại Hội thảo, Cục Tin học hóa đã giới thiệu mô hình xã nông thôn mới thông minh để các đại biểu thảo luận, góp ý. Theo đó, một xã nông thôn mới thông minh sẽ phải có một chính quyền xã thông minh, có hệ thống mạng nội bộ của chính quyền, có hệ thống kết nối liên thông các ứng dụng dùng chung và trang thông tin điện tử riêng của xã..

Trong giao tiếp với người dân, sử dụng loa truyền thanh không dây, ứng dụng nhắn tin trên điện thoại thông minh, hội thoại nhóm, nhắn tin giao tiếp với toàn bộ người dân trong xã. Thiết lập kênh giao tiếp chính thức trên các mạng xã hội của Việt Nam để tuyên truyền, cung cấp thông tin.

Về thương mại điện tử, xã nông thôn mới thông minh sẽ nghiên cứu, xác định các sản phẩm nông sản, mặt hàng tiểu thủ công nghiệp của địa phương để quảng bá, tiếp thị và bán hàng, đồng thời hướng dẫn người dân tạo tài khoản, chụp ảnh, viết bài bán hàng trên nền tảng các ứng dụng thanh toán điện tử an toàn.

Với các dịch vụ xã hội, các xã nông thôn mới thông minh cần phải có hệ thống du lịch thông minh, y tế thông minh, nông nghiệp thông minh, hệ thống wifi sạch. Bên cạnh đó, một xã nông thôn mới thông minh cũng cần phải có hoạt động quảng bá thương hiệu với bộ nhận diện thương hiệu chung của xã trên môi trường mạng, từ đó thiết lập các kênh quảng bá trên các nền tảng số và công nghệ khác nhau nhằm truyền cảm hứng và lan tỏa tới toàn bộ người dân trong xã cũng như các địa phương lân cận.

Nguồn tin: Báo nongnghiep.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây