Nông thôn mới Quảng Trị

https://nongthonmoi.quangtri.gov.vn


Cam Lộ chạy nước rút để về đích nông thôn mới

Bằng sự đồng lòng, đồng sức của chính quyền, nhân dân và sự hỗ trợ tích cực của các cấp, ngành, huyện Cam Lộ đang tiến nhanh để về đích, phấn đấu trở thành huyện NTM đầu tiên của tỉnh Quảng Trị vào cuối năm 2019.
Người dân Cam Lộ tích cực tham gia hiến đất, góp công xây dựng đường bê tông nông thôn.

Đổi thay rõ rệt

Những ngày này, người dân thôn Tân Định, xã Cam Thành đang hân hoan khi được sải bước trên con đường bê tông mới, đẹp do Công an huyện Cam Lộ xây tặng. Con đường có chiều dài 200 mét, rộng 3 mét, được đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 100 triệu đồng, do cán bộ chiến sĩ công an huyện Cam Lộ và các nhà hảo tâm hỗ trợ. Trong quá trình xây dựng, người dân thôn Tân Định hưởng ứng tích cực bằng việc hiến đất, hiến cây, mở rộng mặt đường. Vì vậy, chỉ sau một tuần thi công, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng vào đầu tháng 6/2019.

Trước đó, giữa tháng 4/2016, cán bộ chiến sĩ công an huyện Cam Lộ cũng đóng góp tiền để xây dựng con đường bê tông dài 200 mét, rộng 2,5 mét, trị giá 90 triệu đồng cho nhân dân thôn Kim Đâu 2, xã Cam An. Bà Hà Thị Hiền (trú thôn Kim Đâu 2) cho biết, từ ngày có con đường bê tông này, việc đi lại của bà con trong thôn đỡ vất vả hơn, không phải chịu cảnh mưa lầy nắng bụi.

Tại vùng Cùa gồm hai xã Cam Chính và Cam Nghĩa trước đây đa số người dân phải đi trên những con đường đất, mưa lầy lội. Từ trung tâm huyện Cam Lộ vào trung tâm Cùa chỉ 12km mà ngỡ quá xa xôi. Còn giờ đây, đến với vùng Cùa người ta đã thấy nơi đây có một diện mạo đổi khác hoàn toàn. Đường đất năm xưa đã thay thế bằng những con đường thảm nhựa, bê tông hoá. Hai bên đường, người dân chủ động trồng hoa tạo cảnh quan đẹp mắt. Giao thông thuận lợi nên lượng khách vào vùng Cùa ngày càng tăng. Những đặc sản như tiêu, gà Cùa, cao dược liệu từ đó có “đất diễn”, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.

Ông Ngô Quang Chiến, Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ (ngoài cùng bên phải) thăm, động viên nông dân sản xuất, góp phần xây dựng NTM.
Con đường Công an huyện Cam Lộ đóng góp xây dựng cho người dân thôn Tân Định, xã Cam Thành.

Anh Phạm Hữu Phương (34 tuổi, thôn Nghĩa Phong, xã Cam Nghĩa, Cam Lộ), cho biết, từ ngày có chương trình xây dựng NTM, cuộc sống của gia đình và nhân dân trong thôn đổi thay rõ rệt. Anh Phương nuôi thường xuyên trên 5.000 con gà, 1.000 con vịt trời, ếch và 2.000 con cá trê… Với lượng khách vào Cùa ngày càng tăng, thanh niên 8X này đã xây dựng nhà hàng Phương gia trang để phục vụ các món đặc sản do chính anh nuôi trồng. Đây là nhà hàng đầu tiên tại Cam Lộ theo hình thức từ trang trại đến bàn ăn.

Không chỉ đổi thay về hệ thống giao thông, cảnh quan môi trường, ở Cam Lộ người dân còn tham gia đóng góp hàng ngàn ngày công, hiếm đất, hiến cây để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng điện, trường học… Chỉ trong 3 năm 2016-2018, huyện Cam Lộ đã huy động được 7,6 tỷ đồng sự đóng góp của người dân để xây dựng NTM, điển hình có hộ dân hỗ trợ trên 500 triệu đồng xây dựng đường giao thông.

Huyện NTM đầu tiên của Quảng Trị

Ông Ngô Quang Chiến - Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cho biết, năm 2011 huyện bắt đầu quá trình xây dựng NTM với xuất pháp điểm thấp về mọi mặt, chỉ có 43 tiêu chỉ và 70 chỉ tiêu đạt được, bình quân đạt 5,38 tiêu chí/xã. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 12,7 triệu đồng/người/năm, thu nhập bình quân chung toàn huyện chỉ đạt 14,3 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo lên tới 1.959 hộ, chiếm 16,9%. Điều khó khăn nhất vào lúc đó là người dân cứ nghĩ rằng xây dựng NTM là một dự án được Nhà nước tài trợ 100%, không cần đóng góp gì.

Ông Ngô Quang Chiến, Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ (ngoài cùng bên phải) thăm, động viên nông dân sản xuất, góp phần xây dựng NTM.
Ông Ngô Quang Chiến, Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ (ngoài cùng bên phải) thăm, động viên nông dân sản xuất, góp phần xây dựng NTM.

Theo ông Chiến, những năm đầu việc thực hiện rất khó khăn vì phải tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ xây dựng NTM là gì. Sau đó mới triển khai làm từng bước tiếp theo để người dân tự nguyện đóng góp công sức, tiền của cùng xây dựng. “Khi người dân đã hiểu rồi thì mọi việc đều hanh thông, triển khai dễ dàng hơn. Huyện cũng xác định xây dựng NTM là hoạt động có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc với khẩu hiệu xây dựng quê hương trở thành miền quê đáng sống” – ông Chiến nói.

Nhờ sự đồng lòng, đồng sức của cán bộ, nhân dân, cuối năm 2018 xã cuối cùng của huyện Cam Lộ đã về đích NTM. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2018 đạt 31,9 triệu đồng/người/năm, thu nhập bình quân chung toàn huyện đạt 36,17 triệu đồng/người/năm. Số hộ nghèo còn 609 hộ, chiếm 4,16% theo chuẩn nghèo đa chiều.

Từ những thành công bước đầu ấy, Cam Lộ xác định năm 2019 là năm phấn đấu tăng tốc đưa Cam Lộ trở thành huyện đạt chuẩn NTM đầu tiên của tỉnh Quảng Trị. Huyện đã xây dựng kế hoạch với lộ trình cụ thể và phân công trách nhiệm cho các cơ quan chuyên môn phụ trách từng tiêu chí, tập trung rà soát, hoàn thiện hồ sơ xây dựng huyện NTM.

Nhiệm vụ đầu tiên là các xã đạt chuẩn NTM phải duy trì vững chắc kết quả đạt được, từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chí, đẩy mạnh phong trào chỉnh trang nông thôn, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; từng bước hoàn thiện các tiêu chí huyện NTM. Quá trình triển khai tuyệt đối không để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản, huy động quá sức dân; đảm bảo thực chất lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, địa phương, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá đảm bảo đúng tiến độ, kịp thời biểu dương, khen thưởng, động viên các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong phong trào xây dựng NTM…

“Nhìn lại chặng đường 10 năm xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cam Lộ nhận thấy chương trình xây dựng NTM là một chủ trương sáng suốt, đúng đắn của Đảng và Nhà nước, quá trình xây dựng NTM đã giúp bộ mặt huyện nhà có nhiều thay đổi, khởi sắc hơn” – ông Chiến nói.

Nguồn tin: Báo Trang trại việt

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây