Nông thôn mới Quảng Trị

https://nongthonmoi.quangtri.gov.vn


Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị làm việc với huyện Cam Lộ về kế hoạch huyện đạt chuẩn nông thôn mới

Ngày 7/9/2017, UBND tỉnh có buổi làm việc với huyện Cam Lộ về kế hoạch xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2017 - 2020. Tham dự buổi làm việc có Đồng chí Nguyễn Đức Chính, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Hà Sỹ Đồng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc
Sau 5 năm triển khai xây dựng NTM, đến nay, huyện Cam Lộ đã có 4/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm Cam Thủy, Cam An, Cam Thành và Cam Chính; số tiêu chí đạt bình quân là 17,75 tiêu chí/ xã  (cao nhất trong toàn tỉnh); tổng số tiêu chí các xã đạt được từ 43 tiêu chí năm 2011 đến nay đạt 142 tiêu chí; tổng số chỉ tiêu đạt được từ 70 chỉ tiêu năm 2011 đến nay đạt 376 chỉ tiêu, tăng 306 chỉ tiêu. Thu nhập bình quân đầu người từ 11,4 triệu đồng/người/năm năm 2011 đến nay đạt 29,6 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo từ 16,3% năm 2011 đến nay giảm xuống còn 7,9% theo tiêu chí mới.
 
Đối với tiêu chí huyện nông thôn mới, tổng số tiêu chí huyện cơ bản đạt chuẩn là 5/9 tiêu chí gồm tiêu chí Quy hoạch, Điện, An ninh - trật tự xã hội, sản xuất và tiêu chí chỉ đạo xây dựng nông thôn mới; 4/9 tiêu chí chưa đạt là Giao thông; Thủy lợi; Y tế-Văn hóa-Giáo dục; Môi trường. Ngoài ra còn 4 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới; dự kiến năm 2017 có thêm 3 xã đạt chuẩn, năm 2018 có thêm 1 xã đạt chuẩn. Hiện nay, huyện đang khó khăn nhất là tiêu chí giao thông và tiêu chí môi trường.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, UBND huyện Cam Lộ cũng đã chỉ ra những tồn tại hạn chế cần phải khắc phục đó là: Kết quả đạt được của một số tiêu chí chưa bền vững như: Sản xuất; Môi trường; Hộ nghèo; An ninh, trật tự xã hội; còn tồn tại một số bộ phận nhân dân có tư tưởng trông chờ ỹ lại vào sự đầu tư của nhà nước, do đó việc huy động người dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn còn khó khăn.
 
Quan điểm chỉ đạo của huyện trong giai đoạn tiếp theo đó là: Xây dựng NTM huyện Cam Lộ đảm bảo thực chất và chất lượng, lấy thu nhập của người nông dân, cảnh quan môi trường nông thôn và kiện toàn, đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở làm điểm cốt lõi. Xây dựng NTM nhưng vẫn giữ được bản sắc truyền thống của vùng nông thôn, không chạy theo hình thức, không huy động quá sức dân, không để nợ đọng xây dựng cơ bản, người dân được phát huy dân chủ trong quá trình triển khai thực hiện, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả trong xây dựng NTM.
 
Huyện đưa ra mục tiêu đến năm 2020 đó là: Khu vực nông thôn phải có vườn xanh, điện sáng, đường sạch, ngõ đẹp; vườn nhà của các hộ dân được cải tạo và cho thu nhập cao. Chỉ số xác minh chất lượng NTM được thể hiện qua 4 có “nông thôn, nông dân, cảnh quan, vườn nhà”. Năm 2017 có thêm 03 xã (Cam Thanh, Cam Hiếu và Cam Nghĩa) đạt chuẩn NTM. Năm 2018 xã Cam Tuyền đạt chuẩn NTM.  Đầu năm 2019 có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.  Phấn đấu cuối năm 2019 đạt chuẩn nông thôn mới. Trong năm 2020 tối thiểu có 01 xã đạt xã NTM kiểu mẫu, mỗi xã có ít nhất từ  1-2 khu dân cư NTM kiểu mẫu và 5-7 vườn mẫu.  Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 44 triệu đồng/người/năm. Đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện dưới 5%.
 
Để đạt được mục tiêu trên huyện Cam Lộ đã đưa ra 7 nhóm giải pháp lớn và đề nghị UBND tỉnh quan tâm ưu tiên bố trí nguồn vốn trực tiếp đầu tư cho nông thôn mới, lồng ghép các nguồn vốn, tranh thủ, kêu gọi nguồn ODA đầu tư cho huyện Cam Lộ để hoàn thiện các tiêu chí cần nhiều nguồn lực như giao thông, y tế, văn hóa, giáo dục, môi trường, trong đó các công trình quan trọng, cấp thiết cần đầu tư đó là: tuyến đường liên xã Cam Thành - Cam Nghĩa kết nối với Quốc lộ 9 và đường tỉnh 585; tuyến đường liên xã Cam Hiếu - thị trấn Cam Lộ; Hệ thống đường lâm nghiệp phục vụ sản xuất vùng nguyên liệu tập trung và phòng chống cháy rừng trên địa bàn huyện Cam Lộ; công trình Trung tâm văn hóa - thể thao huyện; cơ sở vật chất các trường THPT, Trung tâm y tế huyện; hệ thống nước sạch sinh hoạt của các xã Cam Tuyền, Cam Thủy, Cam Hiếu; di dời làng nghề làm bún ở thôn Cẩm Thạch, xã Cam An ra khỏi địa bàn khu dân cư.
 
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao sự quyết tâm, nỗ lực trong chỉ đạo tổ chức thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM trong thời gian qua của huyện Cam Lộ, đồng thời đồng chí khẳng định chương trình xây dựng nông thôn mới là thực sự có ý nghĩa đối với khu vực nông thôn, với mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh, quốc phòng ở khu vực nông thôn.
 
Việc xây dựng Cam Lộ trở thành huyện NTM vào năm 2020 là quyết tâm chính trị của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và của huyện Cam Lộ. Do đó, trong thời gian tới huyện Cam Lộ cần phải quyết tâm cao hơn nữa; cả hệ thống chính trị của huyện phải vào cuộc mạnh mẽ, trong đó có phân công, phân nhiệm rõ ràng; tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về nôn thôn mới. Phát huy vai trò chủ thể của người dân để người dân tự giác, tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục phát động các phong trào thi đua giữa các thôn, làng, đoàn thể, hộ gia đình, dòng họ; có chính sách khen thưởng, động viên tạo sự thi đua sôi nỗi, cạnh tranh. Xây dựng các mô hình hợp tác xã hoạt động có hiệu quả; xây dựng các xã NTM kiểu mẫu, các khu dân cư kiểu mẫu tại các xã, triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm.    
 
Đối với những kiến nghị, đề xuất của huyện Cam Lộ, đồng chí Nguyễn Đức Chính đề nghị các sở, ngành tìm phương án tập trung huy động, lồng ghép bố trí nguồn lực hỗ trợ huyện Cam Lộ đạt chuẩn theo kế hoạch đã đề ra.

Tác giả bài viết: Lê Oanh, Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Quảng Trị

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây