Nông thôn mới Quảng Trị

https://nongthonmoi.quangtri.gov.vn


Ứng dụng KHCN để phát triển nông nghiệp bền vững

Để thu hút và tập trung mọi nguồn lực đầu tư, lựa chọn ứng dụng tiến bộ về khoa học và công nghệ (KH&CN) phù hợp với thực tiễn sản xuất và đời sống, được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, đến nay, thôn Bắc Bình, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã xây dựng thành công dự án “Thôn ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ”, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và hiệu quả phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, xây dựng nông thôn mới. Bằng phương pháp tổng hợp, phân tích lợi thế so sánh trên từng lĩnh vực của đời sống kinh tế- xã hội, từ đó lựa chọn, xác định đầu tư ứng dụng những tiến bộ KH&CN phù hợp, dự án đã xây dựng các mô hình phát triển cụ thể để so sánh với đối chứng thực trạng canh tác cũ của bà con nông dân, làm cơ sở để đánh giá, chỉ đạo nhân rộng các mô hình hiệu quả cao trên địa bàn huyện trong những năm tiếp theo.
Ứng dụng KHCN để phát triển nông nghiệp bền vững
       Anh Phạm Viết Thanh, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cam Lộ cho biết: “Xác định KH&CN là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền tảng vững chắc để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Cam Lộ đã quy hoạch tổng thể vùng sản xuất ở bãi bồi ven sông Hiếu thuộc thôn Bắc Bình, xã Cam Tuyền với diện tích 10 ha, kết hợp đầu tư nâng cấp các công trình giao thông, thủy lợi, hệ thống điện để tổ chức sản xuất tập trung, chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao. Trên diện tích được quy hoạch, huyện hỗ trợ đầu tư xây dựng các mô hình và chuyển giao quy trình sản xuất nông nghiệp sạch (GAP) theo công thức luân canh: mô hình lạc thịt vụ đông xuân bằng phương pháp phủ bạt ni lông 10 ha; lạc giống vụ hè thu bằng phương pháp tưới rãnh 3 ha; mướp khến vụ hè thu 5 ha; rau an toàn vụ đông 2 ha. Bên cạnh quy hoạch tập trung 10 ha sản xuất rau- màu, dự án còn xây dựng các mô hình chăn nuôi bò lai Sind kết hợp chuyển giao quy trình chế biến thức ăn bổ sung cho bò bằng các phụ phẩm nông nghiệp sẵn có ở địa phương; tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật thâm canh cây cao su tiểu điền; đầu tư các trang thiết bị, bảo hộ lao động, xây dựng điểm trung chuyển rác thải, chuyển giao quy trình quản lý và ứng dụng công nghệ xử lý rác thải phù hợp nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp…Thông qua các mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi theo hướng từng bước gắn sản xuất với thị trường và hình thành vùng chuyên canh sản xuất tập trung; thay đổi tập quán canh tác lạc hậu theo lối truyền thống qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, giống mới, nâng cao giá trị thu nhập gia tăng của sản phẩm hàng hóa làm ra”. 

       Sau 3 năm triển khai thực hiện thí điểm dự án “Thôn ứng dụng tiến bộ KH&CN” (5/2012 - 5/2015), cơ sở hạ tầng vùng quy hoạch sản xuất tập trung ở thôn Bắc Bình, xã Cam Tuyền được đầu tư đồng bộ. Các công trình đầu tư đã phát huy hết công suất thiết kế, giúp các vùng sản xuất nông nghiệp khai thác hết diện tích, không để bỏ hoang, nhất là trong các vụ hè thu; mở rộng diện tích tưới trên đất lạc lên 15 ha, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân. 

        Kết quả thực hiện các mô hình, so với đối chứng lạc thịt không phủ bạt thì mô hình phủ bạt có năng suất vượt trội hơn 8 tạ/ha, đạt 28 tạ/ha, nên hiệu quả kinh tế vượt trội hơn 12,43 triệu đồng/ha. Đối với mô hình sản xuất lạc giống vụ hè thu, nhờ sử dụng phương pháp tưới rãnh nên năng suất lạc ở mô hình cao hơn đối chứng 500 kg/ha và cao hơn trung bình chung toàn huyện là 450 kg/ ha, thu nhập bình quân trên 1 ha cao hơn đối chứng 20 triệu đồng; hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn đối chứng là 5,7 triệu đồng. 

        Bên cạnh đó, việc sản xuất lạc giống vụ hè thu đã thay đổi tập quán canh tác, tạo công ăn việc làm, tạo ra hơn 4 tấn giống đảm chất lượng, chủ động nguồn giống sản xuất trên 20 ha cho vụ đông xuân và nguồn thức ăn từ cây lạc cho chăn nuôi bò trong mùa mưa lũ, vì trước đây vùng đất này vụ hè thu bỏ hoang. 

         Tuy nhiên, đến nay mô hình sản xuất lạc thịt thâm canh có phủ bạt ni lông vụ đông xuân và sản xuất lạc giống vụ hè thu chưa duy trì nhân rộng được, nguyên nhân chính do giá cả đầu vào cao, đầu ra chưa ổn định, giá thấp, bạt phủ chưa chủ động do chưa có đại lý bạt tại huyện nên việc đầu tư thâm canh hiệu quả thấp hơn các cây khác, dẫn đến người dân chuyển một số diện tích lạc sang trồng xen sắn ở những vùng khó tưới trong vụ hè thu, diện tích còn lại chuyển sang trồng ngô, cỏ nuôi bò, rau đậu các loại có hiệu quả trên đơn vị diện tích cao hơn. 

        Hiện các hộ gia đình trong thôn đã chuyển đổi 2,5 ha trồng cỏ tập trung, 5 ha ngô có tưới đông xuân 2014 – 2015 và 2 ha ngô vụ hè 2015; mở rộng diện tích sản xuất mướp khến lên 7 ha vụ hè thu 2015 trên diện tích đất trồng lạc, lúa không đủ nước… Thực hiện chương trình thụ tinh bò lai Sind kết hợp chuyển giao quy trình chế biến thức ăn bổ sung bằng các phụ phẩm nông nghiệp sẵn có ở địa phương, đến nay thôn Bắc Bình đã nhân rộng đồng cỏ lên hơn 8,5 ha; số hộ tham gia chương trình 70 hộ, tổng đàn dao động từ 180 – 210 con, so với trước khi thực hiện dự án tăng thêm 80 - 100 con (gần 2 lần), nâng tỷ lệ bò lai từ 30% năm 2011 lên 75% năm 2015 (toàn huyện 54,4%). Hàng năm chu chuyển được 90 - 100 con bò cung cấp ra thị trường với trọng lượng hơi gần 30 – 35 tấn/năm, thu nhập 1,8 – 2,1 tỷ đồng/năm, chiếm tỷ trọng khoảng 20% tổng thu nhập toàn thôn. 

        Bên cạnh hiệu quả kinh tế, mô hình đã giúp UBND huyện có những định hướng phát triển chăn nuôi đại gia súc, triển khai cho các xã quy hoạch phát triển nhân rộng mô hình. Năm 2015, toàn huyện đã phát triển diện tích đồng cỏ lên 54,6 ha, cung cấp giống cỏ cho các địa phương mang lại nguồn thu nhập khá cao cho bà con nông dân. Về lĩnh vực vệ sinh môi trường, nhờ được chuyển giao quy trình quản lý và ứng dụng công nghệ xử lý rác thải phù hợp, nên môi trường sống ở thôn Bắc Bình đảm bảo xanh, sạch, đẹp. 

        Theo anh Hoàng Liên Sơn, Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền, dự án xây dựng mô hình “Thôn ứng dụng tiến bộ KH&CN” tại thôn Bắc Bình đã mang lại hiệu quả kinh tế và môi trường rất lớn, góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất truyền thống của bà con nông dân, đưa tiến bộ KH&CN, kỹ thuật thâm canh mới vào sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao thu nhập và hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; tạo động lực phát huy tinh thần nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đưa các tiêu chí nông thôn mới ở thôn cơ bản về đích. Thành công của dự án là cơ sở khoa học để thực hiện tốt chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhân rộng mô hình ra vùng hạ lưu đập Đá Mài – Tân Kim trong thời gian tới, hướng đến phát triển nền sản xuất nông nghiệp bền vững. 
 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây