Nông thôn mới Quảng Trị

https://nongthonmoi.quangtri.gov.vn


Triệu Phong tái cơ cấu nông nghiệp

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16, hiện nay huyện Triệu Phong đang xây dựng chương trình hành động với nhiều giải pháp mang tính đột phá để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng nền kinh tế. Trong đó ưu tiên số một là thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển toàn diện theo hướng bền vững, trở thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng cao, mang lại thu nhập cao người dân.
Cơ giới hóa trong nông nghiệp
      Với những bước đi thích hợp, đặc biệt khai thác có hiệu quả tiềm năng vùng gò đồi, trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm ở xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong đạt 24%, cao gấp 2 lần kế hoạch đề ra, thu nhập bình quân đầu người tăng lên 25 triệu đồng và tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9%. Tuy nhiên để đến năm 2020 nâng thu nhập bình quân đầu người lên 52 triệu đồng, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 5% và hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, 1 trong những nhiệm vụ trọng tâm được xã xác định đó là tập trung tái cơ cấu nông nghiệp. Ông Hồ Ngọc Ân, Bí thư Đảng ủy xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong cho biểt: Triệu Thượng là 1 xã nằm ở vùng bán sơn địa, trong đó thế mạnh là phát triển kinh tế gò đồi. Do đó cùng với việc thâm canh, tăng năng suất 342 ha lúa và gần 400 ha màu, xã sẽ quy hoạch, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tạo điều kiện người dân mở rộng diện tích cao su tiểu điền, làm tốt công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, vận động, khuyến khích trồng rừng được cấp chứng chỉ FSC, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại, nhất là trồng cỏ, nuôi bò nhốt, khảo nghiệm và đưa vào nuôi 1 số con nuôi mới như hươu, thỏ, nhím, lợn rừng.
     Mấy năm trở lại đây, để nông nghiệp phát triển bền vững và nâng cao giá trị gi tăng, huyện Triệu Phong đã triển khai nhiều giải pháp mang tính đột phá để khai thác có hiệu quả kinh tế trên cả 3 vùng: đồng bằng, ven biển và vùng gò đồi. Nhờ vậy, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, năng suất lúa năm 2015 ước đạt 54 tạ/ha, sản lượng lương thực có hạt trên 60317 tấn, tăng gần 8500 tấn so với năm 2010, diện tích cao su tăng lên 782 ha, tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 42%, sản lượng khai thác thủy sản năm 2015 ước đạt 3740 tấn, tăng 770 tấn so với năm 2010. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả quan trọng, ngoài  Triệu Thành đến cuối năm nay phấn đấu có thêm 3 xã đạt 19/19 tiêu chí, 12 xã đạt từ 11-16 tiêu chí, 2 xã đạt 10 tiêu chí. Tuy nhiên để thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh đảng bộ lần thứ XVI và Nghị quyết Đại hội huyện đảng bộ lần thứ XIX, hiện nay huyện Triệu Phong đang tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Với mục tiêu từ nay đến năm 2020, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng bền vững, trở thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng hiện đại, an toàn và bền vững, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ, góp phần đưa nền kinh tế của huyện tăng trưởng bình quân hàng năm đạt từ 12-13%, huyện tập trung chỉ đạo ở vùng đồng bằng hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, áp dụng cơ giới hóa các khâu trong sản xuất, xây dựng vùng lúa chất lượng cao, tập trung thâm canh 16100 ha đất nông nghiệp hiện có, nâng sản lượng lương thực có hạt tăng lên khaongr 65 ngàn tấn. Ở vùng gò đồi, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở rộng diện tích cao su lên 1100 ha, rừng trồng khoảng  15850 ha, khuyến khích phát triển chăn nuôi có quy mô trang trại, gia trại. Ở vùng ven biển và vùng cát, tiếp tục thực hiện các biện pháp cải tạo môi sinh, môi trường như trồng rừng phòng hộ, xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, giúp cho người dân khai thác đất đai, trồng các loại rau màu thực phẩm, nuôi trồng thủy sản, tạo cơ chế, chính sách cho ngư dân vay vốn, mua sắm tàu thuyền có công suất lớn, du nhập nghề mới, nâng cao năng lực khai thác, đánh bắt hải sản và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ông Phan Văn Giải, Phó chủ tịch UBND huyện Triệu Phong nhấn mạnh: Điều quan trọng nhất là  bằng các biện pháp sử dụng diện tích đất nông nghiệp có hiệu quả, thực hiện chuyên canh, luân canh, phù hợp với yêu cầu phát triển sản xuất, làm ốt công tác giống, thủy lợi, bảo vệ thực vật, phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó uu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đồng ruộng, hệ thống tưới tiêu, tăng cường các biện pháp thâm canh theo hướng đầu tư tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, sử dụng có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng vùng để phát triển đa dạng các mô hình kinh tế gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ, ứng dụng công nghệ sinh học, tăng cường các biện pháp phòng trừ dịch bệnh và vệ sinh môi trường trong chăn nuôi, xây dựng và nhân rộng mô hình trang trại tổng hợp VAC, VACR ở cả ba vùng gò đồi, đồng bằng và ven biển. Có như vậy mới nâng thu nhập bình quân đầu người đạt 52-55 triệu đồng/năm vào năm 2020 và tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm 2 đến 2,5%.

           
               Trại gà của ông Nguyễn Quốc Toàn ở xã Triệu Trạch


       Tái cơ cấu nông nghiệp là công việc quan trọng, lâu dài và muốn thực hiện thành công, huyện Triệu Phong cần huy động sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể cùng với nông dân và có các chính sách cụ thể, khuyến khích doanh nghiệp cùng tham gia. Đặc biệt cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đưa cơ giới hóa vào các lĩnh vực, các khâu từ giống, kỹ năng canh tác, chăm sóc, nuôi trồng đến thu hoạch, bảo quản, chế biến, có như thế nông dân được hưởng thành quả xứng đáng với công sức lao động của mình và có thể làm giàu từ nông nghiệp.
 

Tác giả bài viết: Bá Thuần

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây