Nông thôn mới Quảng Trị

https://nongthonmoi.quangtri.gov.vn


Quảng Trị sau 3 năm xây dựng nông thôn mới

Sau 3 năm triển khai thực hiện, phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị với đã đạt được những kết quả thiết thực, xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình sản xuất có hiệu quả phù hợp với từng địa phương. Diện mạo của khu vực nông thôn đã có sự khởi sắc.
        Chương trình xây dựng NTM được tỉnh triển khai trên 117 xã. Đến nay, tất cả các huyện, thị, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành công tác lập quy hoạch xây dựng NTM. 100% xã có quyết định phê duyệt quy hoạch. Hiện Quảng Trị có 4 xã đạt 15-18 tiêu chí trong đó có Vĩnh Kim là xã có số tiêu chí đạt cao nhất (16 tiêu chí); 8 xã đạt  13-14 tiêu chí; 23 xã đạt 10-12 tiêu chí; 67 xã đạt 5-9 tiêu chí và 15 xã đạt dưới 5 tiêu chí.
        Nhận thức sâu sắc việc nâng cao thu nhập cho người dân là vấn  đề cơ bản quyết định chất lượng xây dựng NTM nên ban chỉ đạo NTM tỉnh rất coi trọng công tác này. Ngành nông nghiệp cùng các địa phương trong cả tỉnh đã hỗ trợ trên 10 tỷ đồng/năm (trong đó hỗ trợ từ nguồn chương trình mục tiêu NTM trong 3 năm là 7.740 triệu đồng/năm ) để thực hiện các mô hình sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả của các mô hình này lên 15-25% so với bình quân chung. Nổi bật nhất trong phát triển sản xuất ở các địa phương là việc dồn điền, đổi thửa gắn với quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa; dựa vào lợi thế, tập trung phát triển các loại cây trồng phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao như cao su, cà phê, hồ tiêu, lạc…; nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, hải sản; trồng rừng sản xuất; phát triển kinh tế trang trại; xây dựng nhiều vùng chuyên canh đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao.Cùng với đó, triển khai công tác đào tạo nghề trong nông thôn, 3 năm qua các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho 17.018 người, trong đó dạy nghề nông nghiệp cho 14.486 người, dạy nghề phi nông nghiệp cho 2.532 người. Bước đầu, công tác này đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông thôn và nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 39,2%, trong đó đào tạo nghề đạt 29,44%.
          Ngoài ra, các vấn đề về giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường được tỉnh quan tâm triển khai thực hiện. Đến nay, số trường ở khu vực nông thôn có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia là 140/352 trường đạt 39,7%. Tỉnh cũng tiếp tục duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở tại 117/117 xã. Quảng Trị cũng có 28/117 xã có trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, riêng trong năm 2013 có thêm 13 xã đạt chuẩn. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 77 xã có nhà văn hóa, sân thể thao; 909 làng, bản có nhà văn hóa, khu thể thao, hơn 500 cổng chào được xây dựng kiên cố. Có 245 thư viện và 250 tủ sách được duy trì hoạt động thường xuyên, đáp ứng một phần nhu cầu sinh hoạt văn hóa và tinh thần cho nhân dân. Tỷ lệ hộ nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 82,92%, trong đó có 33,29 số dân sử dụng nước đáp ứng chuẩn…
          Ông Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết: Phong trào xây dựng NTM ở Quảng Trị đã trở thành một cuộc vận động với quy mô lớn, huy động cả hệ thống chính trị tham gia. Đặc biệt, vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư trong xây dựng NTM đang được phát huy, thể hiện sự đồng tình hưởng ứng cao trong các hoạt động xây dựng NTM như hiến đất, hiến tài sản, tự nguyện giải phóng mặt bằng, đóng góp công sức xây dựng đường giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi khác.
           Điển hình trong phong trào là: Huyện Hướng Hóa có đến hàng chục hộ ở 10/12 xã, thị trấn hiến 15.017 m2 đất canh tác. Xã Vĩnh Thạch (Vĩnh Linh) huy động nhân dân hiến 8.702 m2 đất, giải tỏa 350 m tường rào, 300 m bờ rào và nhiều công trình phụ khác ước giá trị bằng khoảng 1.200 triệu đồng; đóng góp 320 triệu đồng xây dựng hệ thống điện chiếu sáng tại 10 khu dân cư. Huyện Cam Lộ có xã Cam Tuyền hiến đất để xây dựng 0,5 km kênh mương nội đồng và 6 km đường giao thông liên thôn, liên xã, giao thông nội đồng, cải tạo 4ha lúa 2 vụ; xã Cam Anh hiến 1.000 m2 đất và 200 cây để giải phóng mặt bằng mở rộng 1.9 km đường liên thôn, xóm; huy động 295 bóng đèn, với 3.800 m dây điện thắp sáng đường quê, trị giá 28 triệu đồng; xã Cam Thủy huy động 4.363 ngày công lao đồng di dời 439 ngôi mộ, giải phóng mặt bằng 80 ha đất nông nghiệp. Lực lượng đoàn viên, thanh niên, doanh nghiệp, chính quyền nhân dân huyện Gio Linh đã hiến đất và tài sản để xây dựng  con đường ở thôn Bách Lộc, xã Trung Hải, trị giá hơn 120 triệu đồng. Ban Chỉ huy quân sự huyện Đakrông đã huy động 100 chiến sỹ cùng với nhân dân xã Ango nạo vét kênh mương thủy lợi, trồng cây bóng mát dọc 2 tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua trung tâm xã…
         Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng NTM cần nhân rộng như mô hình “3 sạch” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; mô hình huy động nguồn lực xây dựng NTM huyện Hải Lăng; mô hình chăm lo xây dựng hạ tầng nông thôn của Hội Nông dân xã Triệu Đông (Triệu Phong); mô hình phân nhóm công việc gắn với trách nhiệm xây dựng NTM của xã Vĩnh Thủy (Vĩnh Linh); mô hình hiến đất, hiến công xây dựng NTM ở xã Mò Ó (Đaknong), Triệu An (Triệu Phong); mô hình di dời mồ mả, dồn điền đổi thửa tại Cam Thủy, Cam An (Cam Lộ); mô hình thắp sáng đường quê ở Cam Thành (Cam Lộ), Vĩnh Thạch (Vĩnh Linh)…
         Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2014, Quảng Trị phấn đấu có 2 xã đạt 19 tiêu chí và không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí. Tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức nhằm cung cấp đầy đủ thông tin, tạo điều kiện cho cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân nhận thức đầy đủ về mục đích, nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng NTM. Song song với đó, tỉnh sẽ huy động tối đa nguồn lực của địa phương để tổ chức triển khai phong trào; tập trung nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng đồng thời đẩy mạnh các chương trình phát triển nông nghiệp trọng tâm của tỉnh…

Nguồn tin: www.thiduakhenthuongvn.org.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây