Nông thôn mới Quảng Trị

https://nongthonmoi.quangtri.gov.vn


Nghề làm nón truyền thống ở làng Văn Trị - Hải Lăng

Nón lá là một sản phẩm thủ công của người nông dân ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam, nón lá tạo vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam. Nghề nón lá đã ra đời từ rất sớm trong cộng đồng dân cư người Việt, gắn liền với nền văn hóa lúa nước. Làng Văn Trị, xã Hải Tân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị có nghề truyền thống nón lá hình thành trên 500 năm.
Ảnh: Chị em làng Văn Trị đang miệt mài làm nón
Trãi qua thời gian duy trì và phát triển, nghề Nón lá làng Văn Trị đã gắn liền với cuộc sống của bà con nhân dân. Bước đầu hình thành làng nghề, bà con tranh thủ thời vụ nông nhàn chằm nón để đem trao đổi, mua bán cho người dân quanh vùng nhằm kiếm thêm thu nhập. Đến nay, việc sản xuất nón lá mở rộng theo hướng hàng hóa thủ công mỹ nghệ đáp ứng cho nhu cầu thẩm mỹ, nét văn hóa đặc trưng của người Việt.
Hiện nay, làng Văn Trị có 128 hộ gia đình làm nón lá chiếm gần 60%  tổng số các hộ gia đình trong toàn thôn. Làng nghề làm nón lá truyền thống phát triển góp phần giải quyết được việc làm thường xuyên cho người lao động, cho thu nhập khá ổn định, nâng cao đời sống của người dân nơi đây. Sản lượng nón lá bình quân hàng năm là 70.000 cái, giá trị sản xuất khoảng 2,5 tỷ đồng. Sản phẩm Nón lá được tiêu thụ dễ dàng, các tư thương trong làng trực tiếp đến các cơ sở hộ gia đình sản xuất để mua và đem đi bán ở các thị trường trong tỉnh như chợ Diên Sanh, chợ Ưu Điềm (huyện Hải Lăng), chợ thị xã Quảng Trị, chợ Đông Hà, chợ Đông Ba (Huế) và một số nơi trong nước. Giá bình quân của một sản phẩm hiện nay dao động từ 30.000 - 35.000 đồng/chiếc.
Nhiều hộ gia đình làm nghề nón lá đã xây dựng được nhà cao tầng. Người dân làng Văn Trị đã tích cực tham gia các khoản đóng góp tự nguyện, trong 02 năm 2011 - 2012 đã đóng góp hơn 20 triệu đồng quỹ khuyến học, 150 triệu đồng chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, các công trình phúc lợi. Cơ sở hạ tầng nông thôn được tăng cường đầu tư, hệ thống giao thông nông thôn được kiên cố hóa, cứng hóa đạt 95%, có 100% hộ sử dụng điện, 100% hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 30%, thu nhập bình quân đầu người năm 2012 đạt 18,5 triệu đồng/người/tháng.
Trong những năm qua, người dân đã chú trọng nâng cao tay nghề nhằm đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ của người tiêu dùng. Mẫu mã ngày càng được chú trọng, nhất là các mẫu mã sản xuất theo hướng hàng lưu niệm mang tính thẩm mỹ cao. Để có được chiếc nón lá bền đẹp, đòi hỏi người làm nón phải có sự khéo léo của đôi bàn tay và có óc thẩm mỹ cao. Sau khi mua lá nón về, người thợ đạp cho mềm và đem sấy khô bằng than kín để đảm bảo được màu xanh của lá. Lá nón sấy khô trước khi đem là phải trải xuống nền đất trong thời gian một ngày cho lá dịu để bóc ra khỏi bị rách lá. Xong công đoạn đó thì người thợ dùng bàn là có độ nóng vừa phải là từng chiếc lá cho phẳng ra, khi là xong lấy vải cuộn tròn đè lên để lá được phẳng và láng. Lá ủi xong có 02 loại: lọai sưa bẹ chọn làm lá ngoài, loại dày bẹ chọn làm lá trong. Sau khi đặt lên khuôn, dùng kim thanh, gấc thanh để chằm nón. Để bảo vệ lá nón đượm màu và đẹp, người làm nón sơn lên nón một lớp dầu trong để cho nón được bóng đẹp và không thấm nước vào các lỗ kim chằm. Ngoài ra có thể làm nón bài thơ, nón lưu niệm du lịch tùy theo yêu cầu của khách hàng.
Ông Phạm Tài Ánh - Trưởng ban điều hành làng nghề nón lá Văn Trị cho biết: "Trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển làng nghề với quy mô lớn hơn, nâng tổng số lượng sản phẩm lên 150.000 chiếc/năm vào năm 2015. Tiến hành đăng kỹ nhãn hiệu tập thể "Nón lá Văn Trị". Tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và hướng ra thị trường nước ngoài. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh sớm công nhận làng nghề truyền thống "Nón lá Văn Trị" và ban hành chính sách vinh danh, hỗ trợ đầu tư, phát triển các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh".
Việc bảo tồn và phát triển nghề làm nón lá ở làng Văn Trị - xã Hải Tân đã góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thực hiện tốt nội dung "Bảo tồn và Phát triển làng nghề truyền thống theo phương châm "mỗi làng một sản phẩm" phát triển ngành nghề theo thế mạnh của địa phương" theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.

Tác giả bài viết: Thanh Bình - Chi cục PTNT

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây