Nông thôn mới Quảng Trị

https://nongthonmoi.quangtri.gov.vn


Hội thảo về bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới

Theo số liệu báo cáo của Văn phòng điều phối T.Ư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay, cả nước đã có hơn 1.840 xã và 23 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, tuy nhiên tỷ lệ các xã đạt tiêu chí số 17 về môi trường trên cả nước vẫn là một trong các tiêu chí đạt tỷ lệ thấp nhất.
Mô hình lò đốt rác thải tại xã Hải Đông (huyện Hải Hậu, Nam Định).
Trên thực tế, từ kết quả khảo sát của Trung ương khi thẩm tra các huyện đề xuất đạt chuẩn NTM cho thấy, tỷ lệ các xã đạt đủ và đúng 5 chỉ tiêu của tiêu chí số 17 còn thấp hơn nhiều so với báo cáo. Nguyên nhân do nguồn lực hạn chế nên các địa phương thường ưu tiên triển khai trước các tiêu chí về hạ tầng cơ bản, phát triển sản xuất..., ít quan tâm đến tiêu chí môi trường. Bên cạnh đó, nhiều báo cáo còn mang tính hình thức, số liệu còn chưa tin cậy; một số quy định còn bất cập, chưa phù hợp với khu vực nông thôn (như xử lý nước thải chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản…).
 
Tổng cục Môi trường cũng cho biết, nhiều thôn, xã chưa thực sự coi trọng công tác bảo vệ môi trường, chưa có đơn vị chuyên trách về thu gom rác thải; việc xử lý rác thải chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp hoặc đổ thải lộ thiên nên không đảm bảo vệ sinh môi trường; hầu hết nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề đều đổ trực tiếp ra môi trường, chảy vào ao, hồ, sông, suối...
 
Nhiều địa phương có các khu công nghiệp, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, tuy có những cam kết về bảo vệ môi trường, đầu tư trang thiết bị xử lý chất thải. Song việc có thực hiện nghiêm túc cam kết của các cơ sở này cũng như công tác giám sát của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương còn nhiều hạn chế. Chi phí xử lý chất thải cao, nếu công tác giám sát lơ là, các cơ sở này rất dễ “thải trộm”, “xả trộm”. Do đó, việc giám sát của cộng đồng dân cư sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm.
 
Trước những khó khăn, bất cập đó, tại hội thảo nhiều ý kiến đề xuất cần phải sửa đổi tiêu chí môi trường, xây dựng chính sách môi trường nông thôn. Tiêu chí môi trường cần quản lý theo các nhóm đối tượng: Cơ sở hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường chung của xã (như hệ thống tiêu thoát nước mưa, nước thải; có điểm tập kết chất thải rắn hợp vệ sinh...); Xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn (tỷ lệ cây xanh, vệ sinh đường làng ngõ xóm...); có biện pháp quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ tại khu vực nông thôn; thực hiện nghiêm túc công tác bảo vệ môi trường hộ gia đình (nhà vệ sinh, nhà tắm, bể chứa nước đạt tiêu chuẩn quy định; thu gom và xử lý chất thải rắn theo quy định của địa phương; hệ thống thoát nước thải đảm bảo vệ sinh; thu gom, xử lý bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định).
 
Ông Hồ Xuân Hùng, Cố vấn Ban Chỉ đạo Trung ương đánh giá, để làm tốt tiêu chí Môi trường nông thôn, cần có tổ chức tốt (các tổ dịch vụ xã hội thu gom, vận chuyển xử lý chất thải, các doanh nghiệp tham gia phải là doanh nghiệp công ích), công nghệ tốt (công nghệ  phù hợp địa phương, nhà nước cần đánh giá và định hướng rõ ràng những công nghệ nào đạt yêu cầu…) và có nguồn kinh phí đảm bảo (có thể xây dựng Quỹ nông thôn mới). Trên cơ sở đó, hội thảo cũng kiến nghị tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cả chính quyền địa phương và cộng đồng, phân công nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các đoàn thể cấp cơ sở. Đặc biệt, cần có nguồn lực bổ sung cho nội dung này. Với mức bình quân 5 năm qua, đầu tư từ ngân sách Trung ương chỉ đạt khoảng 1 tỷ đồng/xã, do đó rất khó cho các địa phương dành nguồn lực ưu tiên để thực hiện tốt tiêu chí Môi trường.



Một số hình ảnh tại hội nghị
 
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chỉ rõ: việc thực hiện tốt tiêu chí Môi trường trong xây dựng nông thôn mới cần lấy cộng đồng dân cư làm gốc, nâng cao nhận thức người dân trong cải tạo môi trường sống, môi trường sản xuất từ hộ gia đình. Các cơ chế, chính sách cần được xem xét để phù hợp với đặc thù của địa phương. Các mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý nước thải, chất thải rắn cần tiếp cận theo hướng cộng đồng tham gia, có nguồn thu đảm bảo tính bền vững. Tới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và PTNT cần có đề xuất Ban Chỉ đạo Trung ương có văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường thực hiện tốt tiêu chí này, rà soát lại các chính sách hiện hành để có những hướng dẫn cụ thể hơn, giúp các tỉnh, huyện và xã có cơ sở xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện công tác bảo vệ môi trường nông thôn./.

Nguồn tin: nongthonmoi.gov.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây