Nông thôn mới Quảng Trị

https://nongthonmoi.quangtri.gov.vn


Gắn xây dựng đời sống văn hóa với chỉnh trang nông thôn

Những năm gần đây tình hình kinh tế -xã hội của huyện Cam Lộ có bước phát triển đáng kể, đặc biệt việc phát động thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và thực hiện Chỉ thị số 27- CT/TƯ ngày 12/1/1998 của Bộ Chính trị về thực hiện “Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội” được cán bộ, nhân dân đồng tình ủng hộ. Bên cạnh đó việc triển khai học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã khơi dậy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, tương thân tương ái trong lao động sản xuất... góp phần ngăn ngừa sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp trong xã hội.
Làng Phi Thừa, xã Cam An đón nhận danh hiệu đơn vị văn hóa
        Trên cơ sở những kết quả đạt được trong thời gian qua về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, tháng 9/2012, Huyện ủy Cam Lộ ban hành Kết luận số 42 về “Tiếp tục nâng cao chất lượng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới”. Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo từ huyện đến các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị. Qua triển khai thực hiện đã giúp cho các cấp ủy, chính quyền, cán bộ và nhân dân trên địa bàn nhận thức rõ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của đời sống văn hóa lành mạnh trong sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững đất nước. Huyện tập trung chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước nhằm bảo đảm cho hoạt động văn hóa phát triển phù hợp với định hướng của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
        Để đáp ứng nhu cầu văn hóa đa dạng và không ngừng nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa của nhân dân, huyện Cam Lộ đã xây dựng nhiều chính sách để đầu tư phát triển văn hóa, đặc biệt là quy hoạch mặt bằng xây dựng các thiết chế văn hóa, thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng và nâng cấp các công trình như: Trung tâm VHTT, Nhà thi đấu TDTT, Nhà văn hóa thiếu nhi, Thư viện huyện...
        Ở các địa bàn dân cư, bên cạnh sự hỗ trợ của huyện, nhân dân đã tích cực đóng góp kinh phí xây dựng các thiết chế văn hóa quan trọng, 80/105 thôn, bản, khu phố đã có Nhà học tập cộng đồng, 54 thôn, bản có cổng chào, 9/9 xã, thị trấn có tủ sách pháp luật, 100% xã, thị trấn, thôn, bản, khu phố đã quy hoạch đất đai để chuẩn bị cho việc xây dựng các công trình văn hóa, thể thao theo tiêu chuẩn của Bộ VH,TT&DL quy định. UBND huyện cũng phê duyệt quy hoạch xây dựng nông thôn mới cho 8 xã giai đoạn 2012- 2020, trong đó có chính sách đầu tư cho văn hóa, thể thao gần 25 tỷ đồng. Cam Lộ còn là địa bàn có nhiều di tích lịch sử kháng chiến và di sản văn hóa được Nhà nước và tỉnh công nhận gồm: Khu di tích Tân Sở, Khu Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Nhà Tằm Tân Tường, Đình làng và chợ Phiên... đã và đang được Nhà nước tôn tạo và nhân dân chăm sóc, bảo vệ. Huyện đã tiến hành quy hoạch, khảo cổ Thành Tân Sở làm cơ sở cho công tác phục hồi, tôn tạo khi có điều kiện. Các loại hình nghệ thuật có giá trị phi vật thể như các làn điệu dân ca, lễ hội... đang được khôi phục và phát triển. 100% làng, bản, khu phố trên địa bàn đã xây dựng được đội văn nghệ, nhiều đội được chọn tham gia các hội thi, hội diễn của huyện. 100% làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, trường học đã xây dựng quy ước, hương ước về thực hiện nếp sống văn hóa, giữ gìn vệ sinh công cộng, bảo vệ môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Năm 2013 có 90/103 làng, bản, khu phố tham gia hội thi “Dân số- Gia đình- Bình đẳng giới” với tổng kinh phí khoảng 450 triệu đồng, trong đó huy động từ nguồn xã hội hóa được 400 triệu đồng.  Các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng khu dân cư tiên tiến, thôn, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị văn hóa được chú trọng. Thông qua các phong trào như giúp nhau phát triển kinh tế để xóa đói giảm nghèo; đền ơn đáp nghĩa; giữ gìn an ninh trật tự; chung tay xây dựng nông thôn mới... đã khơi dậy tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết, góp phần tích cực phát huy nét đẹp truyền thống của con người Cam Lộ nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung.
       Xác định phát triển kinh tế phải kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, các cấp ủy đảng từ huyện đến cơ sở đã đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo. Tập trung xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động của cấp ủy sát đúng với tình hình địa phương và chủ động sáng tạo trong tổ chức triển khai thực hiện. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết về lĩnh vực văn hóa. Nhiều cấp ủy đã đưa vào nghị quyết việc công nhận tổ chức đảng trong sạch vững mạnh phải gắn với công nhận đơn vị văn hóa, gia đình văn hóa. HĐND, UBND các xã, thị trấn đã đưa chỉ tiêu, mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa thành một trong những chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa của địa phương. Nhìn chung đến nay trên địa bàn huyện Cam Lộ đã xây dựng được nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, xóa bỏ được tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Tiêu biểu như các làng: Quật Xá (Cam Thành); Bảng Sơn (Cam Nghĩa); Mai Đàn, Mai Lộc (Cam Chính); khu phố 2 (thị trấn Cam Lộ). Đặc biệt nổi trội có 2 xã Cam Chính và Cam Nghĩa thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị về việc tang, việc cưới và lễ hội; đề ra quy chế riêng, cụ thể như đám tang chỉ để người thân từ 48- 72 giờ, không xem giờ tốt xấu, không rải giấy vàng bạc dọc đường khi đưa tang. Gia đình có người qua đời được bà con chòm xóm tập trung giúp đỡ, hỗ trợ về mọi mặt để lo việc phúng điếu chu đáo, không tổ chức ăn uống tốn kém... Đối với đám cưới, không tổ chức nhạc sống trước ngày cưới, không dùng rượu, thuốc lá đãi khách..., từ trước đến nay chưa xảy ra tình trạng tảo hôn trên địa bàn. Các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm trên địa bàn huyện từng bước được đẩy lùi. Công tác DS- KHHGĐ được thực hiện nghiêm túc, điển hình có các làng Cam Lộ Phường (Cam Nghĩa); An Xuân (Cam An) nhiều năm liên tục không có người sinh con thứ 3 trở lên. Hiện Cam Lộ có 57 thôn, bản, khu phố đã phát động không sinh con thứ 3. Năm 2014 có 8 trường hợp là cán bộ, công chức sinh con thứ 3 đã bị xử lý nghiêm như không được đề bạt, không tăng lương...
       Trên cơ sở lấy những thành tựu của phong trào xây dựng đời sống văn hóa làm nền tảng cho xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm 2014, huyện Cam Lộ có 4 xã, thị trấn được công nhận điển hình văn hóa, trên 90% gia đình được công nhận GĐVH, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 10,56% xuống còn 5,9% vào cuối năm 2014. Qua đánh giá sơ bộ của Ban chỉ đạo huyện, đến quý I năm 2015, trong số 9 xã và thị trấn của Cam Lộ, có xã Cam Thủy đạt 16/19 tiêu chí, xã Cam Nghĩa đạt 15/19 tiêu chí, số xã còn lại đạt từ 10- 14 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Huyện Cam Lộ đang phấn đấu đến cuối năm 2015, hai xã Cam Thủy và Cam An sẽ đạt 100% tiêu chí và về đích xây dựng nông thôn mới.
         Với lộ trình xây dựng và phát triển cho những năm tiếp theo, huyện Cam Lộ đã đề ra các giải pháp phù hợp với điều kiện của địa phương nhằm thực hiện nâng cao chất lượng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và có hiệu quả hơn.

Nguồn tin: camlo.quangtri.gov.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây