Nông thôn mới Quảng Trị

https://nongthonmoi.quangtri.gov.vn


Thu nhập ổn định với mô hình nuôi chim trĩ

Đến thăm trang trại nuôi chim Trĩ của anh Trần Nhật Mỹ một nông dân cần cù chịu khó làm ăn ở thôn Bảng Đông, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ. Ấn tượng đầu tiên là rất nhiều ô chuồng liền kề nhau, mỗi ô chuồng có vài con đến vài chục con chim Trĩ.
Mô hình nuôi chim trĩ của anh Mỹ, xã Cam Nghĩa, Cam Lộ
Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình anh Mỹ cho biết, anh có thú nuôi chim từ thủa nhỏ, và cơ duyên đến với việc phát triển nuôi chim trĩ cũng vậy. Ban đầu thấy chim trĩ đẹp muốn phát triển với mục đích làm cảnh, sau khi tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng anh biết được chim trĩ là loài chim dễ nuôi, thịt chim trĩ là thực phẩm giàu dinh dưỡng. Việc nuôi loài chim này lại không đòi hỏi quá nhiều công chăm sóc và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Để bắt đầu cho việc xây dựng mô hình nuôi chim trĩ, anh đã đi tham quan học hỏi thêm các cơ sở nuôi chim trĩ chất lượng ở các tỉnh phía Bắc, tìm hiểu nghiên cứu cách nuôi. Muốn thử sức với loài vật nuôi này, năm 2017 anh cất công ra tận tỉnh Hải Dương, tìm đến các hộ nuôi chim trĩ có uy tín mua 10 cặp chim trĩ bố mẹ và 100 con giống về nuôi.
Hiện anh Mỹ đã xây dựng khu chuồng nuôi rộng 100 m2, chuồng chim được rào bằng lưới thép, phía trên lợp mái tôn tránh chim bay ra ngoài, có treo cành cây ngang cho chim đậu; phía dưới trải đệm lót sinh học để chuồng trại luôn sạch sẽ và hạn chế dịch bệnh, không gây ô nhiễm môi trường. Bên trong là các ô chuồng chắc chắn, mỗi chuồng nuôi có diện tích khoảng 4 đến 16 m2,  anh thả nuôi khoảng 10 con đến 50 con. Theo anh Mỹ, nuôi chim trĩ cũng giống như nuôi gà và nuôi các loài chim khác, phải tuân thủ nghiêm ngặt lịch tiêm phòng các loại bệnh như gà. Thức ăn thì anh cho ăn thức ăn của gà, uống nước, bổ sung thêm rau cỏ, thân cây chuối để chim có đủ lông, đẹp.
 Chỉ với số lượng ít ỏi ban đầu, sau 3 năm đàn chim trĩ của anh đã tăng lên 800 con, gồm 200 con chim trĩ bố mẹ và 600 con chim trĩ thương phẩm. Ngoài nuôi thương phẩm, anh Mỹ còn nuôi chim giống. Khi chim được khoảng 3 tháng, anh bắt đầu tách mái nuôi riêng để lấy trứng. Bắt đầu từ tháng thứ 3 trở đi là cho ăn ngô, thóc, cám gà, bèo, rau xanh. Khi chim chuẩn bị bước vào thời kỳ sinh sản thì không cho ăn bèo; lúc này, thức ăn cho chúng chủ yếu là ngô, thóc và cám công nghiệp. Chuồng nuôi chim đẻ trứng để với tỷ lệ 5 con mái, 1 con trống. Chim trĩ đẻ trứng theo mùa, kéo dài khoảng 6 tháng từ tháng 10 đến tháng 6 năm sau. Nhưng chim đẻ đạt nhất từ tháng 1 đến tháng 5. Khi đó, tỷ lệ ấp nở đạt từ 80% trở lên.
Ngoài nuôi và bán chim thương phẩm, cứ mỗi năm anh xuất bán 1500 con chim giống 1 ngày tuổi. Chim trĩ 1 ngày tuổi anh Mỹ bán với giá 27.000 đồng/con, chim 1 tháng tuổi 100.000 đồng/con và chim thương phẩm từ 230.000 - 240.000 đồng/kg. Nhờ đó, sau khi trừ chi phí, mỗi năm anh thu lãi trên 120 triệu đồng.
Chia sẻ về kỹ thuật chăm sóc chim trĩ, anh Mỹ bảo do loài chim này hay mổ trứng, đánh nhau, vì vậy, anh Mỹ đã áp dụng tuyệt chiêu độc đáo là đeo kính nhựa cho từng con. “Sau khi đeo kính cho từng con chim, tôi thấy kính có tác dụng rất nhiều, vừa giúp che khuất tầm mắt của chim vừa bảo vệ trứng, lại phòng được chúng đánh nhau. Ngoài ra, tỷ lệ ấp đàn cao, đạp mái chuẩn, ổn định đàn. Hiệu quả chăn nuôi tăng rõ rệt”.
Điều đáng khen ở anh không chỉ sự năng động, nỗ lực của bản thân, tiên phong nuôi chim trĩ thương phẩm và đã thành công với mô hình này, mà còn tính nhiệt tình sẵn sàng chia sẽ kinh nghiệm nuôi với những người có nhu cầu tìm hiểu. Cách nghĩ, cách làm cộng thêm ý chí quyết tâm, mô hình nuôi chim trĩ của anh Mỹ không chỉ thể hiện sự đam mê, tìm tòi mà còn khẳng định đây là một mô hình kinh tế hiệu quả phù hợp với nhu cầu của thị trường. Là mô hình chăn nuôi cho người nông dân học tập và cũng là một hướng đi phù hợp cho những hộ nông dân muốn vươn lên làm kinh tế.
Kỹ sư Chăn nuôi Tạ Kiều Châu - Trạm Khuyến nông huyện Cam Lộ cho chúng tôi biết, chị đánh giá cao về mô hình nuôi chim trĩ của anh Mỹ. Với mong muốn của anh Mỹ mở rộng quy mô và phát triển nuôi theo hình thức bán chăn thả để đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện nay trạm khuyến nông huyện Cam Lộ đang tiến hành các hoạt động hỗ trợ gia đình anh xây dựng mô hình nuôi chim trĩ theo theo đúng quy trình kỷ thuật với hình thức nuôi bán chăn thả. “Từ hiệu quả ban đầu của mô hình nuôi chim trỉ của anh Mỹ, chúng tôi đã đề xuất UBND huyện Cam Lộ hỗ trợ anh Mỹ tiếp tục thực hiện mô hình nuôi chim trĩ thương phẩm theo hướng bán chăn thả, trên diện tích 0,2 ha, quy mô 500 con, với mức hỗ trợ 70% giá giống, 30% thức ăn. Ngoài ra, chúng tôi sẽ hỗ trợ kỷ thuật giúp hộ nuôi theo đúng yêu cầu kỷ thuật, để có cơ sở đánh giá hiệu quả, khả năng thích ứng, nhằm đa dạng hóa các đối tượng nuôi, hình thức nuôi, đồng thời có hướng nhân rộng của đối tượng nuôi mới này”, chị Châu cho hay.

 

Nguồn tin: Phan Việt Toàn, Trung tâm KN-KN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây