Nông thôn mới Quảng Trị

https://nongthonmoi.quangtri.gov.vn


Sức vươn của một hợp tác xã kiểu mới

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) đóng vai trò quan trọng, tạo động lực thúc đẩy tái cơ cấu sản xuất, nâng cao đời sống nông dân, thay đổi diện mạo nông thôn thời kỳ hội nhập. Điển hình như ở xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh- 1 trong 3 đơn vị đạt chuẩn NTM, NTM kiểu mẫu đầu tiên trên toàn tỉnh.
Đường về xã nông thôn mới Vĩnh Thủy, Vĩnh Linh - Ảnh: PV​

HTX Nông nghiệp Thủy Ba Tây được chia tách từ hợp nhất của xã Vĩnh Thủy vào tháng 10/1988. HTX bấy giờ có 280 hộ dân, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, tổng giá trị sản xuất khoảng trên 5 triệu đồng. Sau hơn 10 năm hoạt động, doanh thu HTX tăng lên 700- 800 triệu đồng/ năm, lợi nhuận 50- 70 triệu đồng, thu nhập thành viên khoảng 20 triệu đồng. Đến tháng 11/2015, HTX Nông nghiệp Thủy Ba Tây chuyển đổi theo Luật HTX 2012, trở thành HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thủy Ba Tây, có gần 300 thành viên, 430 hộ, trên 670 lao động. Sau chuyển đổi, HTX Thủy Ba Tây từng bước kiện toàn bộ máy, nhanh nhạy nắm bắt cơ chế thị trường, tìm hướng đi mới, đa dạng hóa các lĩnh vực sản xuất. Với 9 khâu dịch vụ chính gồm: Kinh doanh vật tư nông nghiệp; bảo vệ thực vật; thủy nông; giao thông, thủy lợi nội đồng; bảo vệ lúa, màu; tín dụng nội bộ; thức ăn chăn nuôi; diệt chuột; điều hành sản xuất và các hoạt động công ích, HTX Thủy Ba Tây phát huy được vai trò tập hợp, liên kết, tổ chức sản xuất, kinh doanh. Dưới sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, đơn vị tích cực phối hợp triển khai công tác dồn điền đổi thửa, chủ động tham gia xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Để khai thác tối đa lợi thế vùng bán sơn địa, HTX vận động người dân phát triển mạnh các mô hình trang trại, gia trại, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tăng cường đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng các loại cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa. Mặt khác, linh động thu hút nguồn vốn với số tiền gửi gần 1,3 tỉ đồng; giải quyết cho thành viên vay vốn sản xuất khoảng 500 triệu đồng. Hằng năm, HTX làm dịch vụ từ 150- 200 tấn phân bón các loại. Từ quỹ phát triển sản xuất, đầu tư 50 triệu đồng/ năm nâng cấp, cải tạo bộ giống đạt chất lượng cao; đầu tư 50% kinh phí trang bị máy móc phục vụ khâu gieo giống, thành lập Tổ Dịch vụ thu hoạch, tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào mọi khâu sản xuất, giải phóng sức lao động, tiết kiệm thời gian, chi phí mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Hướng đến mục tiêu đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, HTX Thủy Ba Tây tập trung xây dựng lại giao thông, thủy lợi nội đồng. Tính riêng giai đoạn 2016- 2020, HTX đã đầu tư hàng tỉ đồng góp phần cứng hóa giao thông nội đồng và kiên cố hóa kênh mương trên địa bàn lên 80%.
 
Phương án sản xuất tối ưu từng khâu dịch vụ, HTX Thủy Ba Tây nâng tổng diện tích sản xuất toàn HTX lên trên 600 ha. Trong đó, diện tích lúa 2 vụ 120 ha; chuyên màu 30 ha; nuôi trồng thủy sản 20 ha; trồng rừng 155 ha; 325 ha cây mũi nhọn cao su tiểu điền; cây công nghiệp ngắn ngày vùng gò đồi khoảng 60 ha. “Đặc biệt năm 2018, HTX Thủy Ba Tây tham gia Dự án Cải thiện nông nghiệp có tưới (WB7) sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hàng hóa đem lại hiệu quả gấp 2- 3 lần so với sản xuất lúa truyền thống. Hiện người dân đang nhân rộng diện tích thực hiện lên 100,2 ha. HTX chú trọng tiếp cận dự án, liên doanh liên kết nhằm sản xuất theo chuỗi giá trị. Năm 2020, HTX tiếp tục ký kết hợp đồng sản xuất 20 ha lúa thương phẩm Bắc Thơm 7; 10 ha sản xuất lúa giống. HTX định hướng xây dựng sản phẩm OCOP nhằm tăng giá trị sản phẩm trong thời gian tới”, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Thủy Ba Tây Nguyễn Văn Lâm thông tin. Phát triển kinh tế hộ, kinh tế tập thể bền vững, năm 2018, HTX Thủy Ba Tây nằm trong tốp đầu của tỉnh Quảng Trị được công nhận HTX kiểu mới. Đến nay, tổng nguồn vốn của HTX Thủy Ba Tây đạt 4,2 tỉ đồng. Doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước, khoảng 3,3 tỉ đồng/năm. Lợi nhuận khoảng 450 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng, năm 2020 ước đạt 52 triệu đồng. Bên cạnh phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, HTX Thủy Ba Tây còn tiên phong trong phong trào hưởng ứng xây dựng NTM, là HTX đầu tiên lắp đặt hoàn thiện gần 3,5 km “Ánh sáng đường quê”, chỉnh trang NTM. Đảm bảo công tác môi sinh, môi trường bằng nhiều mô hình thiết thực như: Xây lắp hệ thống điểm thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật; diệt chuột theo phương pháp an toàn sinh học… Cùng các tổ chức, đoàn thể địa phương, HTX Thủy Ba Tây còn đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội, dành riêng nguồn quỹ gần 50 triệu đồng/năm chăm lo đối tượng chính sách, tiếp sức đến trường cho trẻ em nghèo, tu bổ công trình thiết chế văn hóa, cộng đồng…
 
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thủy Phan Ngọc Nghĩa cho biết: “Quyết liệt chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, cùng với HTX Thuỷ Ba Tây, năng lực hoạt động của các HTX trên địa bàn xã Vĩnh Thuỷ như HTX Thuỷ Ba Hạ, Đức Xá… được nâng lên rõ rệt. Các HTX ngày càng hoàn thiện cơ chế quản lý, năng động trong điều hành, tiếp cận, huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng sản xuất. Triển khai nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao; chương trình, dự án theo chuỗi liên kết, hướng đến xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng địa phương. Từ đó thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiệu quả; mang lại giá trị cả về phát triển kinh tế, xã hội. Tính riêng tổng doanh thu của các HTX trên địa bàn xã Vĩnh Thuỷ trong 5 năm qua (2015- 2020) đạt gần 50 tỉ đồng. Sự góp sức đắc lực từ các HTX đã luôn đồng hành với địa phương nỗ lực giữ vững và nâng cao các tiêu chí về tổ chức sản xuất, thu nhập người dân, môi trường… trong xây dựng NTM, NTM kiểu mẫu”.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây