Nông thôn mới Quảng Trị

https://nongthonmoi.quangtri.gov.vn


Quan tâm xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt cụm liên xã

Những năm qua, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội làm gia tăng lượng rác thải sản xuất và sinh hoạt nên các bãi chôn lấp đã bị quá tải. Mặc dù tỉ lệ thu gom và xử lý rác thải ở khu vực thành thị và nông thôn có gia tăng nhưng trên thực tế đòi hỏi phải có những giải pháp về xử lý rác thải không bằng cách chôn lấp thông thường mới hy vọng đem lại sự ổn định về môi trường dân sinh và tầng địa chất.
Lò đốt rác thải sinh hoạt cụm xã được xây dựng tại thôn A Pul, xã Tà Rụt, huyện Đakrông - Ảnh: T.N
 
Theo thống kê, hiện nay tỉ lệ thu gom rác thải ở khu vực đô thị của tỉnh đạt 95,5%, ở khu vực nông thôn đạt 62%. Điều này gây ra áp lực lớn cho các khu vực xử lý rác thải tập trung trên địa bàn tỉnh với phương pháp xử lý chủ yếu là chôn lấp bởi các bãi chôn lấp rác đang ngày càng quá tải. Cùng với đó, tình trạng xả rác bừa bãi ra môi trường xung quanh như bờ ao, kênh mương, bãi đất trống của người dân đã hình thành nhiều bãi rác tự phát, không đảm bảo vệ sinh môi trường, mất mỹ quan địa bàn dân cư. Hiện nay, tỉnh Quảng Trị cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước đang áp dụng công nghệ xử lý rác sinh hoạt chủ yếu là chôn lấp.
 
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Đakrông, đặc biệt là tại các xã cụm phía Nam như Tà Rụt, Húc Nghì, A Ngo, A Vao, nên việc hình thành và đi vào vận hành lò đốt rác thải sinh hoạt ở địa phương là một yêu cầu cấp thiết. Xuất phát từ nhu cầu đó, công trình lò đốt rác thải sinh hoạt cụm xã Tà Rụt, Húc Nghì, A Ngo, A Vao được xây dựng tại thôn A Pul, xã Tà Rụt được thi công xây dựng năm 2020 và hoàn thành, vận hành từ tháng 12/2021. Khu xử lý có công suất 750 kg rác/giờ, tương ứng khoảng 5-8 tấn rác/ngày. Lò đốt rác vận hành thử nghiệm từ giữa tháng 11/2021 đến cuối tháng 12/2021 bao gồm 9 đợt, tổng lượng rác thải được xử lý ước tính gần 30 tấn rác. Hiện nay lò đốt đang vận hành hiệu quả, kết quả phân tích thử nghiệm các khí thải ra môi trường từ quá trình đốt rác thải như bụi, kim loại nặng (cadimi, thủy ngân, chì), hydroclorua, các hợp chất oxy hóa của lưu huỳnh, nitơ, các bon và dioxin đều đạt yêu cầu theo QCVN 61-MT:2016/BTNMT.
 
Huyện Cam Lộ hiện đã xây dựng điểm chôn lấp rác hợp vệ sinh tại đồi C2 Cam Tuyền hoạt động từ năm 2014 đến nay lượng rác đã gần đầy. Vì vậy, việc xử lý rác thải sinh hoạt bằng lò đốt trên địa bàn huyện là nhu cầu cần thiết đảm bảo môi trường và chất lượng cuộc sống của người dân. Đầu năm 2019 huyện đã đầu tư xây dựng lò đốt rác tập trung công suất 1.000 kg/giờ. Từ tháng 7/2021, Hợp tác xã Dịch vụ môi trường và công trình đô thị huyện Cam Lộ đã vận hành thử nghiệm xử lý được 200 tấn rác trong thời gian 1 tháng theo phương pháp đốt. Đối với xử lý rác bằng phương pháp đốt hiện nay có huyện đảo Cồn Cỏ đã được đầu tư lò đốt rác công suất 300 kg/giờ…
 
Từ hiệu quả tích cực của các mô hình lò đốt rác thải cụm liên xã, Sở Tài nguyên và Môi trường đang thúc đẩy triển khai Dự án “Xây dựng lò đốt chất thải rắn sinh hoạt khu vực Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và vùng lân cận”. Hiện nay dự án đã được bố trí vốn thực hiện năm 2022-2023. Đối với khu vực miền núi, sở cũng đang tiến hành đề xuất xây dựng mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cho cụm xã miền núi phía Tây Bắc của tỉnh đặt tại xã Hướng Phùng để xử lý rác thải sinh hoạt cho các xã Hướng Phùng, Hướng Linh, Hướng Lập, Hướng Sơn, Hướng Việt; đồng thời lập kế hoạch đề xuất cho các xã cụm vùng Lìa.
 
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện mô hình lò đốt cụm liên xã có nhiều khó khăn đặt ra như chi phí đầu tư cho mô hình rất lớn, trong khi đó nguồn chi cho công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh chỉ chiếm 1% thu ngân sách tỉnh phải phân bổ cho rất nhiều hoạt động như thanh tra, kiểm tra, thu gom rác thải tại các huyện... do đó chi phí cho việc xây dựng các mô hình lò đốt cụm liên xã phải huy động từ nguồn ngoài tỉnh, dẫn đến thời gian cho công tác chuẩn bị và triển khai cũng bị kéo dài. Hiện tại 2 mô hình lò đốt tại Hải Thái (Gio Linh) và Hướng Phùng (Hướng Hóa) đang trong quá trình huy động vốn và tiến hành các thủ tục đầu tư.
 
Một khi thực hiện hiệu quả mô hình lò đốt rác cụm liên xã thì vấn đề rác thải ở các địa phương khu vực nông thôn được thu gom và xử lý triệt để, giảm tình trạng ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, lượng khói thải ra ngoài không khí ít nên không gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Khu xử lý rác thải sinh hoạt theo công nghệ lò đốt liên xã khi phát huy hiệu quả sẽ phù hợp với thực tiễn địa phương, góp phần tiết kiệm quỹ đất, kinh phí đầu tư xây dựng, cơ bản xử lý triệt để lượng rác thải phát sinh.
 
Tuy nhiên, để duy trì và nhân rộng mô hình xử lý rác thải theo hình thức lò đốt liên xã thì bên cạnh việc đầu tư xây dựng công trình, địa phương cần quan tâm bố trí vốn, chỉ đạo nhân lực vận hành và phải nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân. Xử lý rác không chỉ là trách nhiệm của địa phương nơi đặt lò đốt rác hay đơn vị quản lý, vận hành mà cùng với đó việc phân loại trước khi thực hiện quy trình đốt rác thải cũng đóng vai trò quan trọng cho hiệu quả từ mô hình này.
 
Có thể thấy khu xử lý rác thải sinh hoạt theo công nghệ lò đốt liên xã khi phát huy hiệu quả sẽ phù hợp với thực tiễn địa phương, góp phần tiết kiệm quỹ đất, kinh phí đầu tư xây dựng, cơ bản xử lý triệt để lượng rác thải phát sinh. Tuy nhiên, để duy trì và nhân rộng mô hình xử lý rác thải theo hình thức lò đốt liên xã thì bên cạnh việc đầu tư xây dựng công trình, địa phương cần quan tâm bố trí vốn, chỉ đạo nhân lực vận hành và nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân các địa phương khi đưa lò đốt vào hoạt động.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây