Nông thôn mới Quảng Trị

https://nongthonmoi.quangtri.gov.vn


Quảng Trị phát triển vùng nguyên liệu dứa

Từng bước thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhằm nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích, tạo việc làm và thu nhập, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, sáng ngày 17 tháng 3, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ là đơn vị đầu tiên trong tỉnh Quảng Trị đã ra quân trồng dứa
Mô hình trồng dứa
      Để có vùng nguyên liệu, HTX Thủy Đông, xã Cam Thủy huyện Cam Lộ đã tuyên truyền, vận động người dân thu hoạch 20 ha đất trồng cây lâm nghiệp, thuê máy móc cày ủi và thành lập 3 nhóm hộ với 31 thành viên tham gia tiến hành trồng. Bước đầu triển khai tuy có gặp 1 số khó khăn, nhất là khâu làm đất, tốn kém khá nhiều chi phí 1 ha hơn 12,5 triệu đồng nhưng nhận thấy đây là mô hình sẽ mang lại hiệu quả cao và nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương, đặc biệt Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Ninh Bình và Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn cung ứng giống, phân bón, màng phủ ni lông và cử cán bộ về hướng dẫn kỹ thuật nên bà con rất phấn khởi trồng. Ông Nguyễn Văn Lục, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thủy Đông, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ cho chúng tôi hay: Khi triển khai mô hình này, bản thân ông và nhiều cán bộ HTX trong tỉnh đã được đi tham quan, tận mắt chứng kiến vùng nguyên liệu và quy trình hoạt động của Nhà máy chế biến dứa tại Ninh Bình. Trên cơ sở đó, ông đã về cùng với Ban giám đốc tổ chức họp xã viên, ban đầu khi vận động người dân khai thác rừng chuyển qua trồng dứa, bà con cũng không ít băn khoăn lo lắng nhưng khi nghe tin toàn bộ sản phẩm sẽ được thu mua và tính toán trên 1 đơn vị diện tích nếu trồng rừng 1 năm chỉ lãi khoảng 10 triệu còn trồng dứa cao gấp nhiều lần, đặc biệt không tốn cho phí đầu tư ban đầu, các hộ gia đình đều phấn khởi, tự nguyện thành lập nhóm hộ để tham gia trồng.  
      Dứa là loại cây truyền thống của người dân tỉnh Quảng Trị, tuy nhiên lâu nay chủ yếu trồng xen canh với các loại cây trồng khác theo lối canh tác tự nhiên, không bón phân và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nên năng suất thấp. Để thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, UBND tỉnh Quảng Trị đã tìm chọn và ký kết hợp tác liên kết với Học viện nông nghiệp Việt Nam và Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao ở tỉnh Ninh Bình về phát triển vùng nguyên liệu dứa. Theo kế hoạch từ nay đến năm 2020 toàn tỉnh sẽ trồng hơn 1 ngàn ha. Trước mắt trong năm 2017 sẽ trồng 140 ha, Công ty sẽ cho nông dân ứng trước về giống, phân bón sau đó khấu trừ lại khi thu hoạch và tập huấn, chuyển giao quy trình kỹ thuật trong suốt quá trình từ khâu làm đất cho đến khi thu hoạch, tính ra 1 ha khoảng 60 triệu và cam kết sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm. Theo tính toán với giống dứa Queen trồng thâm canh trên các chân đất, bình quân cho năng suất ít nhất 35 tấn/ha, đối với ruộng thâm canh đạt trên 50 tấn/ha, với giá 4 ngàn đồng/1kg, 1 ha sau khi trừ chi phí sẽ cho thu nhập 60 đến 120 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng rừng và các loại cây trồng khác. Đặc biệt khi vùng nguyên liệu ổn định khoảng 1 ngàn ha, Công ty sẽ xây dựng Nhà máy chế biến quả dứa tại Quảng Trị nhằm giảm chi phí vận chuyển, tăng giá thu mua sản phẩm cho nông dân.  
    Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Trị nhấn mạnh: Với trách nhiệm của mình, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức nhiều cuộc họp cũng như làm việc với các địa phương, tính toán quy hoạch đất đai, chọn lựa vùng để trồng nguyên liệu. Theo đó chuyển những diện tích đất ở vùng gò đồi trồng rừng và các loại cây trồng khác kém hiệu quả sang trồng dứa, đối với vùng cát sẽ chọn lựa xây dựng 1 sô mô hình trồng thử nghiệm, sau đó đúc rút kinh nghiệm nhân rộng. Quá trình triển khai, Sở chỉ đạo các đơn vị chức năng bám sát cơ sở, phối hợp chặt chẽ với Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao và chính quyền địa phương cung ứng đủ giống, phan bón, màng phủ ni lông và hướng dẫn kỹ thuật cũng như phòng trừ dịch bệnh. Mục tiêu đề ra là dứa cho sản lượng cao và quả dứa đạt chất lượng, tươi tự nhiên, không sâu bệnh, không bị thối, không bị chuột cắn, không bị trám nắng, đảm bảo yêu cầu của Nhà máy.
     Với tiềm năng về đất đai, khí hậu thuận lợi cùng với sự liên kết 4 nhà trong sản xuất và tiêu thụ dứa, đây chính là hướng mở tỉnh Quảng Trị trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, năng suất thấp để nâng cao giá trị gia tăng, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.  

Tác giả bài viết: Bá Thuần

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây