Nông thôn mới Quảng Trị

https://nongthonmoi.quangtri.gov.vn


Phát triển hợp tác xã gắn với xây dựng nông thôn mới

Sau khi Luật Hợp tác xã năm 2012 được ban hành, Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) Cam An, huyện Cam Lộ đã có nhiều đột phá trong chuyển đổi phương thức hoạt động, xây dựng nhiều giải pháp phù hợp, giúp thành viên và nông dân trên địa bàn khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế gia đình. Qua đó, động viên, khích lệ các thành viên HTX tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, góp phần vào việc thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.
Nhiều thành viên HTX NN Cam An đầu tư máy móc vào sản xuất bún

Nhờ nằm đầu nguồn hệ thống thủy lợi Trúc Kinh nên HTX NN Cam An có điều kiện thuận lợi để trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản. Tổng diện tích tự nhiên do HTX quản lý 1.300 ha, trong đó, diện tích lúa 2 vụ 300 ha, 180 ha rừng trồng và 10 ha sản xuất rau màu, khoai, sắn… Toàn xã có 980 hộ sản xuất nông nghiệp, trong đó có 600 hộ là thành viên chính thức của HTX. Hiện nay, HTX đang tổ chức thực hiện quản lý, điều hành có hiệu quả 8 khâu dịch vụ với tổng nguồn vốn gần 5 tỷ đồng.

 

Quy mô sản xuất của HTX bao gồm 15 đội sản xuất, 1 tổ chuyên sản xuất giống, 2 tổ bảo vệ và phát triển rừng. Cơ sở vật chất của HTX cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra, gồm trụ sở làm việc khang trang và 3 kho chứa phân bón, các loại giống, máy xay xát với tổng đầu tư xây dựng trên 600 triệu đồng. HTX NN Cam An đã xây dựng mô hình HTX kiểu mới và hoạt động có hiệu quả từ năm 2014. Đơn vị tiến hành xây dựng lại phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp với yêu cầu đổi mới của HTX.

 

HTX ưu tiên phát triển chuỗi sản xuất lúa gạo gắn với xây dựng thương hiệu gạo sạch Cam An (HTX đang thực hiện trên vùng cánh đồng mẫu diện tích hơn 20 ha, sản lượng 200 tấn/năm); xây dựng kế hoạch, tổ chức thu mua toàn bộ sản phẩm cho thành viên. Mặt khác, HTX đảm bảo giá thu mua lúa cao hơn giá thị trường từ 50 - 100 đồng/kg tại cùng thời điểm; mở rộng hoạt động dịch vụ chế biến và cung cấp nguyên liệu chế biến làm bún ở làng Cẩm Thạch; tìm kiếm và ký hợp đồng bán gạo cho các HTX không trực tiếp sản xuất lúa như các xã vùng Cùa, các công ty, doanh nghiệp mua bán nông sản trên địa bàn huyện Cam Lộ và trong tỉnh.

 

HTX cũng đã gắn việc chế biến như làm bún, các loại bánh với phát triển chăn nuôi nhằm tăng thêm giá trị, thu nhập cho thành viên. Riêng năm 2016, HTX thu mua và chế biến, bán ra thị trường hơn 300 tấn lúa, thu về 30 triệu đồng lợi nhuận. Cùng với hỗ trợ sản xuất, kết nối thị trường, bao tiêu sản phẩm, HTX hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi nếu thành viên nào có nhu cầu đầu tư mua sắm trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, có trường hợp được vay trên 50% tổng nhu cầu vốn.

 

Bên cạnh đó, HTX chú trọng công tác trồng và thâm canh rừng, bình quân 1 chu kỳ 5 - 6 năm, trừ chi phí, HTX thu được khoảng 4 tỷ đồng từ lĩnh vực này. Với nguồn lãi thu được, HTX hỗ trợ cho các thành viên để có thêm điều kiện đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống. Đối với những thành viên khó khăn về kinh tế, HTX luôn tạo điều kiện để họ ứng trước phân bón, giống đầu vụ. Nhờ vậy, nhiều thành viên HTX vượt khó vươn lên thành những điển hình làm kinh tế giỏi, nhiều hộ trồng lúa từ 3- 4 ha, mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất nông nghiệp, trừ chi phí, bình quân mỗi năm lãi hơn 200 triệu đồng/ hộ.

 

Với sự định hướng làm ăn phù hợp với khả năng của từng đối tượng, nhiều thành viên của HTX cũng đã đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất bún hiện đại, vừa phục vụ phát triển kinh tế gia đình, vừa phục vụ những hộ có nhu cầu ở địa phương. Hiện toàn HTX có 19 máy chế biến bún và 47 hộ sản xuất bún. Bình quân 1 ngày các hộ này sử dụng khoảng 3 tấn gạo để làm bún, cho ra 8 tấn bún thành phẩm. Nhờ nghề này, nhiều hộ trong HTX vươn lên trở thành hộ khá, giàu ở địa phương. HTX còn khuyến khích thành viên khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để sản xuất phù hợp.

 

Tiêu biểu có trường hợp ông Hồ Xuân Thảo ở thôn Mỹ Hòa chuyển đổi 12 ha rừng tràm sang trồng cây dược liệu. Hiện ông Thảo đang hoàn thành các khâu làm đất, chuẩn bị giống để triển khai trồng cây chè vằng. HTX NN Cam An gắn phát triển HTX với xây dựng nông thôn mới. Đơn vị đã xây dựng đề án quy hoạch, lồng ghép các chương trình quy hoạch, chuyển đổi vùng chuyên canh lúa, màu; kế hoạch phát triển kinh tế vùng gò đồi, vùng chăn nuôi tập trung. Nhờ đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền nên đa số thành viên HTX tham gia các hoạt động phát triển kinh tế hộ, trang trại.

 

HTX còn tham gia đầu tư, đóng góp tài chính và ngày công lao động theo chương trình xã hội hóa. Nhờ vậy, đến năm 2015 HTX đã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng NTM (năm 2012 chỉ 13/19 tiêu chí). Trong đó có một số tiêu chí đạt nhưng vẫn còn ở mức thấp như kiên cố hóa kênh mương nội đồng, bê tông hóa đường giao thông nông thôn, an toàn vệ sinh môi trường, hiện HTX tiếp tục nỗ lực phấn đấu để đạt các tiêu chí ở mức bền vững.

 

Với những nỗ lực trong xây dựng HTX kiểu mới và xây dựng nông thôn mới, trong gần 4 năm trở lại đây, HTX NN Cam An đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Năm 2012 năng suất lúa ở HTX chỉ 54 tạ/ha thì đến năm 2016 đạt 60 tạ/ ha; gạo thơm HC95 của HTX được UBND huyện Cam Lộ chứng nhận là sản phẩm tiêu biểu năm 2016; riêng doanh thu năm 2016 của HTX đạt 2,5 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 350 triệu đồng; thu nhập bình quân của Hội đồng quản trị, giám đốc HTX đạt từ 3,5 triệu đồng/người/tháng; HTX vinh dự được Chính phủ tặng cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2014; nhiều năm liền được Liên minh HTX Việt Nam, UBND tỉnh, Liên minh HTX tỉnh, UBND huyện tặng bằng khen và giấy khen; tại cuộc thi “Tìm hiểu các loại hình HTX kiểu mới” năm 2016, với tác phẩm “Vẹn cả đôi đường” HTX đạt giải đặc biệt.

 

Ông Phạm Văn Vui, Ủy viên HĐQT HTX NN Cam An cho biết: Từ khi chuyển đổi hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới và tham gia xây dựng nông thôn mới cho đến nay, tổ chức kinh tế trong HTX NN Cam An không bị bó hẹp trong khuôn khổ các thành viên, hộ gia đình, người lao động mà còn thu hút sự tham gia của doanh nghiệp, liên kết sản xuất kinh doanh với các công ty, tổ chức kinh tế khác ngoài HTX. Nhờ vậy, HTX đang thực sự trở thành một tổ chức sản xuất, kinh doanh liên kết với các mô hình sản xuất, kinh doanh khác nhau trong nền kinh tế thị trường.

 

Thời gian tới, HTX NN Cam An tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thành viên tích cực tham gia HTX kiểu mới. Nỗ lực tìm kiếm thị trường, kết nối kinh doanh với các doanh nghiệp nhằm bao tiêu các mặt hàng nông sản cho thành viên và người dân trên địa bàn. Vận động thành viên dồn điền đổi thửa để có những vùng chuyên canh về trồng cây lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản. Cung cấp hàng nông sản lớn, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Chủ động liên hệ, hợp tác với các cá nhân, nhà khoa học để được chuyển giao khoa học công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp. Chủ động và tăng cường hơn nữa khả năng hợp tác liên kết để làm tăng giá trị của chuỗi hàng hóa, tiến tới xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm nông sản có chất lượng cao.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây