Nông thôn mới Quảng Trị

https://nongthonmoi.quangtri.gov.vn


Nhiều giải pháp để phát triển nông nghiệp sạch ở Triệu Phong

Bám sát các nghị quyết chuyên đề của Huyện ủy về sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, huyện Triệu Phong đưa ra nhiều giải pháp giúp người nông dân từng bước thay đổi phương thức canh tác truyền thống cũng như tìm chọn nhiều giống lúa mới năng suất, chất lượng thay thế giống lúa cũ. Nhờ đó, hằng năm toàn huyện gieo trồng hơn 11.000 ha lúa, tỷ lệ giống lúa chất lượng cao chiếm trên 80% diện tích. Riêng vụ hè thu 2018, toàn huyện gieo cấy hơn 5.472 ha, trong đó lúa chất lượng cao chiếm đến 82%. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện đã nhân rộng mô hình canh tác tự nhiên lên 32 ha và sản xuất lúa hữu cơ 16,1 ha để tạo ra sản phẩm sạch và nâng cao thu nhập cho người dân.
Vụ lúa hè thu năm 2018, năng suất bình quân toàn huyện ước đạt 54 tạ/ha

Vụ hè thu này, năng suất bình quân toàn huyện Triệu Phong dự ước đạt 53 - 54 tạ/ha, tổng sản lượng lúa thu được khoảng 29.000 tấn. Để đạt được kết quả đó, bên cạnh các phương thức sản xuất truyền thống, huyện Triệu Phong đã tranh thủ sự quan tâm hỗ trợ của nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư về phát triển nông nghiệp. Trong đó, dự án Tầm nhìn Thế giới tại huyện Triệu Phong triển khai mô hình sản xuất nông sản canh tác tự nhiên về trồng lúa, trồng rau sạch chỉ sử dụng phân bón hữu cơ được ủ từ các phụ phẩm nông nghiệp, phòng trừ sâu bệnh bằng các chế phẩm như gừng, tỏi, ớt ủ cho lên men để thay thế thuốc trừ sâu. Trung tâm Khuyến nông tỉnh thường xuyên tổ chức hội nghị đầu bờ mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ nhằm giúp người dân nắm bắt được quy trình sản suất này. Theo đó, riêng trong năm 2018, mô hình triển khai sử dụng giống lúa Thiên ưu 8 trên diện tích 15 ha, tại Hợp tác xã (HTX) Triệu Thuận.

 

Kết quả, ruộng mô hình luôn có những ưu điểm vượt trội hơn ruộng ngoài mô hình như thời kỳ trổ bông ít nhiễm rầy, khô vằn, cho bông dài hơn, có năng suất dự kiến cao hơn ruộng đại trà 10 tạ/ha, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, gạo trong, nấu cơm mềm dẻo và có mùi thơm đặc trưng. Cũng trong vụ hè thu này, Công ty cổ phần Tổng Công ty giống cây trồng Thái Bình tổ chức hội nghị đầu bờ đánh giá kết quả khảo nghiệm giống lúa thuần chất lượng cao TBR279 được gieo cấy tại HTX Quảng Điền A, xã Triệu Đại cho kết quả tốt. Giống lúa TBR279 có đặc điểm chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất ước đạt từ 55 đến 60 tạ/ha, thâm canh cao có thể đạt 70 tạ/ha, gạo trong, nấu cơm ngon, mềm dẻo và có mùi thơm đặc trưng. Giống lúa TBR279 có thời gian sinh trưởng ngắn hơn so với giống đối chứng khác từ 8-10 ngày, rất phù hợp để bố trí sản xuất cả 2 vụ đông xuân và hè thu trên địa bàn huyện nên sẽ được bố trí đưa vào sản xuất trong vụ đông- xuân 2018- 2019 để thay thế giống cũ đã bị nhiễm bệnh bạc lá và rầy gây hại…

 

Cùng với sự kêu gọi các tổ chức, cá nhân có điều kiện về sản xuất nông nghiệp giúp người dân sản xuất, UBND huyện Triệu Phong xây dựng đề án hỗ trợ phát triển một số mô hình sản xuất, cây trồng, con nuôi giai đoạn 2017- 2020 bằng nhiều cách khác nhau như hỗ trợ bằng tiền, cây con, giống, tạo điều kiện để nông dân tiếp cận vốn vay ưu đãi của ngân hàng... Theo đó, các mô hình sản xuất và cây trồng, con nuôi được hỗ trợ là mô hình cánh đồng lớn đối với cây lúa từ 30 ha trở lên/mô hình, cây màu 5 ha trở lên/mô hình. Quá trình sản xuất được thực hiện 3 cùng (cùng giống, cùng thời vụ và cùng áp dụng chung quy trình kỹ thuật thâm canh), đồng thời có sự tham gia của các doanh nghiệp, HTX trong cung ứng vật tư đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…) và tiêu thụ sản phẩm nếu nông dân có nhu cầu. Các mô hình sản xuất bảo đảm các tiêu chí cho từng loại hình sản xuất theo phương thức canh tác truyền thống, trong trồng trọt thực hiện 3 không (không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng thuốc trừ cỏ, không sử dụng phân hóa học) mà chủ yếu sử dụng bằng các chế phẩm sinh học do người nông dân tự điều chế từ thảo dược và sản phẩm nông nghiệp, thủy sản sẵn có trên địa bàn.

 

Ngoài khâu làm đất và thu hoạch, các công đoạn khác chủ yếu bằng lao động thủ công. Sản phẩm tạo ra là gạo sạch, rau sạch được đăng ký chất lượng theo quy định. Trong chăn nuôi thực hiện 3 không (không sử dụng thức ăn công nghiệp, không sử dụng thuốc kháng sinh, không sử dụng chất kích thích tăng trọng, tạo nạc) mà chủ yếu sử dụng thức ăn và chế phẩm sinh học do người nông dân chế biến từ sản phẩm nông nghiệp, thủy sản sẵn có tại chỗ. Sử dụng công nghệ bảo vệ môi trường theo hướng an toàn sinh học (Biogas, đệm lót sinh học, chế phẩm vi sinh, chuồng nền đất không bê tông). Giết mổ, chế biến gia súc gia cầm theo quy trình bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Lựa chọn một số cây trồng mới có giá trị kinh tế cao, có khả năng mở rộng diện tích với quy mô lớn, tập trung phù hợp với chủ trương của nhà nước về phát triển vùng nguyên liệu, trong đó tập trung 2 cây trồng mới chủ yếu là cây dứa và cây dược liệu; phục tráng cây bưởi thanh trà thôn Thượng Phước và phát triển cây có múi ở vùng đồi. Ngoài ra, khuyến khích xây dựng mô hình thí điểm một số cây trồng mới khác mà các địa phương trong nước sản xuất có hiệu quả để thay thế trong quá trình chuyển đổi cây trồng trên địa bàn.

 

Theo đề án, phấn đấu đến năm 2020, bình quân mỗi xã xây dựng mới 1 đến 2 cánh đồng lớn hoặc trang trại và 2 đến 3 gia trại. Phát triển 800 đến 1.000 ha lúa và 80 đến 100 ha cây màu sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, có 30- 40 mô hình kinh tế đạt tiêu chí trang trại, trong đó có trên 70% được cấp giấy chứng nhận, 60-70 mô hình đạt tiêu chí gia trại. Duy trì cây cao su hiện có và trồng mới đạt 1.100 ha. Diện tích lúa canh tác tự nhiên đạt 200 ha, rau canh tác tự nhiên 20 ha; xây dựng 30 mô hình chăn nuôi lợn, gà canh tác tự nhiên. Trồng dứa nguyên liệu đạt 200 ha, 10 ha cây dược liệu... Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích tụ ruộng đất (thuê quyền sử dụng đất) quy mô lớn để xây dựng các mô hình, phát triển các cây trồng mới. Tiến hành khảo nghiệm, chọn tạo 1-2 giống lúa thơm, ngon, chất lượng để canh tác tự nhiên, xây dựng thương hiệu “Gạo sạch Triệu Phong”, trước mắt là các giống P6, HC95, Thiên ưu 8, RVT. Tăng cường áp dụng các quy trình sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm, hữu cơ, có chứng chỉ sản xuất GAP...

 

Để thực hiện tốt các yêu cầu đề ra, đề án đã đưa ra giải pháp tổ chức sản xuất, thu hút đầu tư, đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, quản lý chất lượng nông sản, tích cực triển khai các chính sách ưu đãi về vốn... để người dân, doanh nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây