Nông thôn mới Quảng Trị

https://nongthonmoi.quangtri.gov.vn


Hiệu quả từ liên kết “4 nhà”

Xây dựng mối liên kết giữa “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp được xem là hướng đi đúng trong giai đoạn hiện nay, nhằm hình thành các vùng nguyên liệu chuyên canh phục vụ công nghiệp chế biến bền vững. Nhưng điều quan trọng là tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân, làm nền tảng để xây dựng nông thôn mới bền vững.
Lúa vừa thu hoạch xong đã được tư thương thu mua tại đồng ruộng
Tuy nhiên muốn nâng cao đời sống nông dân thì bản thân họ không thể tự thân vận động được mà cần phải có sự liên kết, hỗ trợ từ nhiều phía. Do đó trong liên kết “4 nhà” để sản xuất nông nghiệp cần phải xác định: nông dân là đối tượng, nông nghiệp là cơ hội, nông thôn là địa bàn. Nhà nước phải là nhân tố xúc tác đảm bảo cho sự liên kết giữa doanh nghiệp- nhà khoa học và nhà nông được phát huy. 


Để quy trình này được áp dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp, bắt đầu từ vụ đông xuân 2013-2014 Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh Quảng Trị triển khai mô hình sản xuất tiên tiến do các nhà khoa học Việt Nam và Viện Nghiên cứu lúa quốc tế IRRI phối hợp nghiên cứu đã được ứng dụng rộng rãi có tên “1 phải 5 giảm” tại HTX Vinh Quang Thượng, xã Gio Quang (Gio Linh). Đây là bước nâng cao từ chương trình “3 giảm 3 tăng” nhằm mục đích góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường, tăng năng suất, chất lượng và lợi nhuận trong sản xuất, hướng đến một nền nông nghiệp bền vững. Giống lúa đưa vào sản xuất tại HTX Vinh Quang Thượng là DT 39 và sử dụng phân bón Quế Lâm trên diện tích 5 ha.

Sau quá trình triển khai, theo đánh giá của các nhà chuyên môn thì ruộng sử dụng giống DT 39 và phân bón Quế Lâm có bộ rễ phát triển khỏe, rễ không bị ngộ độc, làm cho cây lúa phát triển tốt hơn, năng suất đạt 65 tạ/ha, góp phần tăng thêm 10% giá trị nông sản. Ngoài ra, ở Gio Quang hiện nay đã được Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh chọn 10 ha để xây dựng cánh đồng mẫu lớn, qua đó thể hiện rõ nét nhất sự liên kết “4 nhà” đã mang lại hiệu quả tích cực. 


Việc áp dụng mô hình “1 phải 5 giảm” ở thôn Vinh Quang Thượng chính là sự tham gia tích cực của nhà nước mà cụ thể là Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến xây dựng nên các mô hình sản xuất lúa chất lượng cao đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng ở xã Gio Quang là việc xây dựng được mạng lưới thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại địa phương. Đây chính là sự tham gia của doanh nghiệp trong mối liên kết “4 nhà”. 

Hiện nay ở Gio Quang có 14 máy xay xát lúa, trong đó có 9 máy đánh bóng gạo chất lượng cao đủ tiêu chuẩn xuất khẩu với công suất khoảng 4.000 tấn/năm. Để giải quyết vấn đề tiêu thụ nông sản hiện nay ở Gio Quang có một số tư thương đã đứng ra thu mua hết sản lượng lúa, đặc biệt là các bộ giống như HC 95, DT 39. Đây là những bộ giống cho ra sản phẩm gạo đang được thị trường các tỉnh phía Bắc ưa chuộng. Vì vậy, sau khi lúa thu hoạch xong, tư thương thu mua, xay và đánh bóng gạo rồi đóng gói xuất bán trực tiếp ra thị trường phía Bắc với sản lượng khoảng 2.500 tấn, chiếm gần 75% sản lượng lúa gạo của địa phương. Việc xây dựng được mạng lưới thu mua, đánh bóng và tiêu thụ gạo ở Gio Quang không những ổn định vấn đề tiêu thụ nông sản mà còn góp phần nâng cao giá thành sản phẩm, bởi 1 kg gạo xuất bán ở Hà Nội có giá 12.500 đồng, trong khi đó giá bán tại địa phương chỉ 10.000 đồng/ kg. 

Từ mối liên kết chặt chẽ này, ở Gio Quang hiện nay đã xuất hiện gần 100 gia đình có thu nhập cao. Trong đó có các hộ như ông Nguyễn Văn Minh (thôn Vinh Quang Thượng) với 8 mẫu ruộng, làm thêm dịch vụ máy gặt, máy xay xát mỗi năm cho thu nhập khoảng 600 triệu đồng; ông Hoàng Đình Bằng (thôn Kỳ Trúc) làm ruộng kết hợp với dịch vụ máy cày, máy xay xát và thu mua nông sản mỗi năm thu nhập trên 300 triệu đồng. 

Để góp phần xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng, Nhà nước thì trước hết đời sống nông dân phải được nâng lên. Do đó, sự liên kết cùng phát triển là việc làm cần thiết trong giai đoạn kinh tế hội nhập hiện nay, bởi lợi ích thiết thực mang lại cho nông dân và cho cả doanh nghiệp, trong khi nhà nước cũng bớt gánh nặng tìm đầu ra cho các mặt hàng nông sản. Một khi thu nhập của người dân ổn định và được nâng cao cũng chính là tiền đề vững chắc để xây dựng nông thôn mới, trong đó có sự hợp tác, liên kết giữa “ 4 nhà” mà xã Gio Quang đang xây dựng. 

 

Tác giả bài viết: Tân Nguyên

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây